TÔI MUỐN TỰ LÀM MẸ VÀ DẬY CON THEO Ý MÌNH
Cách đây không lâu, con
gái của một người bạn tôi nói với anh ta: “Con muốn có một đứa con với bạn trai
của con nhưng con không muốn lấy anh ta”. Một tư tưởng nghe hơi lạ đối với phần
đông phụ huynh như chúng ta. Những người mà ảnh hưởng giáo dục về tình yêu, hôn
nhân, gia đình và vai trò làm cha mẹ được đặt nặng và xây trên nền tảng luân
lý, đạo đức. Những người mà xã hội tiên tiến ngày nay có cái nhìn phê phán cho
rằng họ “cổ hủ”, “lỗi thời”, và lối sống “kém văn minh”.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về
quan niệm của cô con gái này, làm sao để có một lối giải thích, một hướng dẫn
cho tuổi trẻ ngày nay khi mà những giá trị căn bản về tình yêu, hôn nhân, gia
đình và trách nhiệm cha mẹ được đánh giá bằng những suy nghĩ phóng khoáng, bất
chấp luân lý, đạo đức. Khi mà nền tảng của xã hội đang bị băng hoại, nền tảng
gia đình đang bị phá vỡ, sụp lở bởi những trào lưu đồng tính, hôn nhân đồng
tính, phá thai, và ly dị.
Thế giới hôm nay, phần
đông tuổi trẻ và cũng có cả những người lớn tuổi hiện đang tiến tới một lối suy
nghĩ và hành động theo trào lưu Relativism - triết lý sống cho rằng kiến thức,
sự thật, và luân lý hiện hữu trong tương quan của văn hóa, xã hội, và cấu trúc
lịch sử không tuyệt đối (the doctrine that knowledge, truth, and morality exist
in relation to culture, society, or historical context, and are not absolute.)
Một tư tưởng dẫn đến lối sống làm đảo ngược những giá trị luân lý, đạo đức, và
truyền thống tốt đẹp của xã hội. Điển hình như câu truyện một người bạn đã kể
cho tôi mới đây, người này cho tôi biết là có một nữ bác sỹ trẻ, đẹp, và thành
công. Cô muốn tự mình có một đứa con và tự mình nuôi dậy con theo ý của cô. Trường
hợp này còn đi xa hơn tư tưởng có một đứa con với bạn trai mà không cần cưới hỏi
của con gái bạn tôi. Tôi ngạc nhiên và hỏi lại:
- Thế người đó làm sao để
tự mình có con?
Thấy câu hỏi hơi có vẻ
thiếu hiểu biết về kiến thức khoa học, bạn tôi liền nói:
- Anh học hành đến đâu mà
không biết chuyện “tự mình có con?” Thời nay, người ta chỉ cần tìm đến một ngân
hàng tinh trùng rồi mua một lượng tinh trùng khỏe, có nguồn gốc người bán là giỏi,
đẹp trai, và thông minh. Sau đó sẽ cấy những tinh trùng ấy với trứng của mình.
Tiến trình tiếp theo sau khi trứng và tinh trùng đã thành phôi thì đem vào tử
cung rồi chờ ngày đứa trẻ chào đời.
Nghe câu trả lời tôi cứ
như người trên mây, tư tưởng chao đảo, nhưng tôi vẫn cố lý luận:
- Thế nhưng đứa trẻ sau
này vẫn có quyền hỏi mẹ nó về một nửa xuất xứ của đời mình. Có nghĩa là nói muốn
biết cái tinh trùng làm nên một nửa nó là của ai? Và như vậy thì dù cách nào đi
nữa, một đứa con sinh ra cũng phải có cha, có mẹ chứ.
Đến đây thì vấn đề coi
như bị bỏ lửng, chúng tôi chuyển qua câu truyện khác. Câu truyện liên quan đến
hai chiếc răng hàm đang làm tôi lo lắng. Chúng cần phải trám để cứu khỏi lung
lay và bị nhổ bỏ. Tôi nằm im, há miệng để cho bạn tôi trám hai chiếc răng mà
không cảm thấy đau đớn gì, vì có lẽ lúc đó đầu óc tôi còn đang choáng váng với
nội dung của câu truyện.
Trong ca dao tục ngữ Việt
Nam trước đây có câu để chế nhạo, hoặc coi thường những cô gái hoang thai:
“Không chồng mà chửa mới
ngoan,
Có chồng mà chửa thói
toan người đời”.
Nhưng quan niệm này đang
bị chê là cổ hủ, là không hợp thời, và đạo đức nửa mùa. Ngày nay “người ta chửa
hoang đầy đường”. Đó là lời bào chữa của giới trẻ ngày nay với lý luận, kể ra
cũng còn may mắn cho những đứa trẻ được mẹ chúng cho sống, nếu không thì còn bị
giết bởi phá thai. Phá thai hiện tại đã được pháp luật cho phép, và được hiến
pháp của nhiều quốc gia công nhận, trong đó có cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Sự thừa nhận của xã hội
và những tranh đấu đòi quyền tự quyết của những nhóm tranh đấu bình quyền đã
làm mờ nhạt ý nghĩa tình mẫu tử. Nó biến sự ràng buộc thiêng liêng của người
con với người mẹ trở nên một sự gắn bỏ hoàn toàn thể lý, một tác dụng của sinh
lý hóa giữa người phụ nữ và một người mà họ gọi là con.
Những vấn nạn của người mẹ
chỉ cần mua tinh trùng sau đó bằng những phương pháp của khoa học để may mắn
sinh ra một người mà họ gọi là con không những là vấn nạn về tư tưởng, luân lý,
đạo đức, xã hội mà còn là một sai lầm xét cả về tâm lý và giáo dục. Tôi đã có
kinh nghiệm khi trực tiếp thẩm định một bé trai sinh ra qua hình thức ống nghiệm.
Trước mắt tôi lúc bấy giờ, em là một tổng hợp của cái gọi là tâm lý chậm phát
triển (mental retardation) và chậm phát triển thể lý (physical retardation).
Trong hoàn cảnh như vậy, tôi không biết bằng cách nào người mẹ đơn thân của em
có thể nuôi nấng và huấn luyện em nên một thanh niên, một người đàn ông phát
triển và trưởng thành cả về tâm lý và thể lý như ý bà muốn, dù bà là một nữ
khoa học gia chuyên nghiên cứu về hóa học tại một đại học nổi tiếng Hoa Kỳ.
Trở lại vấn đề giáo dục
là một vấn đề vẫn được coi như khó khăn và cực nhọc nhất đối với phụ huynh
trong thời đại hiện tại. Việc mà một người mẹ đơn thân hay độc thân quả là
không dễ dàng để hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp. Họ có thể tự
lo cho con về thể lý, về cơm ăn, áo mặc, gửi con đến trường, nhưng giáo dục một
đứa trẻ thì công việc cần đòi hỏi cả cha lẫn mẹ.
Theo tâm lý phát triển và
giáo dục, khi đứa trẻ lên 3 lên 4 là đã bắt đầu ý thức về phái tính của nó. Sự
chọn lựa đồ chơi, cách ăn mặc đã bắt đầu làm nên nếp sống để rồi thành hình
trong cái nhìn, suy nghĩ và chấp nhận phái tính của đứa trẻ. Trong những biến đổi
tâm sinh lý và tâm lý ấy, đứa trẻ rất cần tình thương của mẹ cũng như sự hướng
dẫn và dìu dắt của người cha. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình cha mẹ đơn
thân, sẽ hụt hẫng và khó có thể phát triển quân bình về mặt tình cảm, tâm lý.
Nó sẽ thiếu vắng mẫu hình và lối sống của người cha, hoặc cái nhìn và bàn tay dịu
dàng của bà mẹ. Tóm lại, thiếu bất kỳ một trong hai hoặc bất hạnh thiếu vắng cả
cha lẫn mẹ, đứa trẻ cũng sẽ lớn lên với tâm lý mồ côi.
Trong cái nhìn của giáo dục,
gia đình là một trường học đầu đời của người con, và cha mẹ chính là những người
thầy gương mẫu có ảnh hưởng suốt đời đến tương lai con cái. Điều này ai cũng cảm
thấy một cách dễ dàng khi nhìn lại và so sánh lối suy nghĩ cũng như lối sống của
mình với cha hoặc mẹ. Ngoài ra, gia đình cũng là một xã hội thu nhỏ mà trong đó
mọi thành phần phải học sống, học nhường nhịn, học chấp nhận, học chịu đựng, hy
sinh với nhau và cho nhau. Trong môi trường này, nó sẽ rèn luyện những đức tính
xã hội, đời sống cộng đồng sau này. Nhà tư tưởng và thần bí Thomas Merton nói:
“Không ai là một hòn đảo”. Chính trong gia đình mà người con học được vai trò,
bổn phận và trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm anh, chị, em,
và làm con cháu. Xa rộng hơn là cái nhìn đại gia đình trong đó còn có ông bà,
cô chú, bác và những người thân.
Thật ra, nếu cha mẹ nào
có điều kiện mà vì ích kỷ chỉ sinh một đứa con thì vô tình đã làm cho đứa trẻ lớn
lên trong bầu khí cô đơn. Một khi cha mẹ qua đi, thiếu vắng người thân, thiếu vắng
anh chị em nó sẽ cảm thấy lạc lõng trên cõi đời. Nếu bất hạnh, cuộc đời nó gặp
những thử thách thì sự chịu đựng ấy càng tăng thêm áp lực và nỗi tủi phận.
Người ta có thể đổ lỗi
cho cha mẹ về một số quan niệm và hình thức giáo dục con khi chúng còn nhỏ
không? Có thể. Nhưng một người với học vị bác sỹ, với địa vị cao trong xã hội
mà nuôi những ý tưởng qui về mình như vậy, theo tôi, là một tư tưởng bệnh hoạn.
Và cũng có thể, nó đến từ những trào lưu, lối sống và suy tư của con người thời
đại. Nếu vậy, ta càng cần nhìn lại và quan tâm hơn đến bầu khí gia đình và những
ảnh hưởng giáo dục mà phụ huynh có thể làm để ảnh hưởng tốt sau này cho con
cái.
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét