Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

ĐIỀU KIỆN CÁCH (Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm B)


ĐIỀU  KIỆN  CÁCH
( Chúa  Nhật  VI  Phục  Sinh,  năm  B)


Điều kiện cách là một dạng văn phạm trong ngôn ngữ, một trong các dạng đó người ta gọi là bàng thái cách (past subjunctive). Đó là một cách đặt giả thuyết: “Nếu… thì…”. Giả thuyết là điều không thể xảy ra hoặc có thể xảy ra thật trong cuộc sống đời thường.
Chính Chúa Giêsu cũng đưa ra điều kiện khi đặt vấn đề với những ai muốn theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Sắp xếp theo cấu trúc điều kiện cách: “NẾU muốn theo Tôi THÌ quý vị phải từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo”. Ngài không ép buộc ai, Ngài muốn người ta tự nguyện chấp nhận chứ không miễn cưỡng.
Vác thập giá là chịu đau khổ. Có thể vui chịu đau khổ nếu người đó có tình mến mãnh liệt. Các thánh là những người chịu đủ thứ đau khổ, cả tinh thần và thể lý. Đau khổ là chén đắng, chén đắng sẽ hóa chén ngọt khi can đảm yêu đến cùng như Thầy Giêsu. Thánh Faustina xác định: “Đau khổ là ĐẠI HỒNG ÂN; qua đau khổ, linh hồn trở nên GIỐNG Đấng Cứu Độ; trong đau khổ, tình yêu trở nên TINH TUYỀN; càng chịu đau khổ, tình yêu càng TINH KHIẾT” (Nhật Ký, số 57). Con người bình thường không thể hiểu nổi, và người ta coi đó là sự điên rồ.
Người ta thường ví von: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Ai đã yêu thì “chết” chắc, không nhiều thì ít. Mà thường thì “nhiều” chứ không “ít”. Một người không thể gọi là yêu, ít nhất phải có hai người mới khả dĩ có tình yêu. Dù yêu đơn phương vẫn có “đối tượng”. Tình yêu cũng có hệ lụy tất yếu. Có tình yêu thì có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác. Nhưng con người luôn bất toàn, bất túc, bất trác,… “bất” đủ thứ! Cố NS Trịnh Công Sơn tâm sự: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…”. Ông không gọi mà biển gọi, biển nhớ em chứ ông không nhớ. Nhưng thật ra chính ông lại đang rất… nhớ. Bất toàn là thế, con người là vậy, loanh quanh mãi vẫn không ra khỏi chính mình!
Thiên Chúa quá yêu chúng ta, yêu đến điên cuồng, yêu đến chịu chết, thế mà chúng ta vẫn bỏ rơi Ngài, phụ tình Ngài một cách trắng trợn. Chắc chắn Ngài cũng rất nhớ chúng ta, nhưng chúng ta lại quá đỗi vô tâm!
Phàm nhân là tội nhân, nghĩa là bất toàn. Câu nói “nhân vô thập toàn” quá quen thuộc, quen đến nỗi hóa… bình thường – nghĩa là “không còn quan trọng hóa” nữa. Thế nhưng câu đó lại rất quan trọng, quan trọng vì… “quá bình thường”. Nghe chừng nghịch lý, nhưng không hề nghịch lý chút nào, gọi là nghịch-lý-thuận.
Một hôm, khi ông Phêrô bước vào, ông Conêliô liền ra đón và phủ phục bái lạy dưới chân ông Phêrô. Nhưng ÔNG PHÊRÔ ĐỠ ÔNG ẤY LÊN và nói: “Xin ông đứng dậy, vì BẢN THÂN TÔI ĐÂY CŨNG CHỈ LÀ NGƯỜI PHÀM” (Cv 10:25-26). Đó là phong-cách-bình-thường mà lại quan trọng và cần thiết, biết mình và biết người, giản dị như bản chất của một ngư dân, nhưng chính con-người-bình-thường ấy đã được Thiên Chúa cất nhắc và giao trọng trách là trở thành giáo hoàng tiên khởi: chăn cả chiên mẹ và chiên con (x. Ga 21:15-19). Có CHỨC TƯỚC thì cũng mặc nhiên có NHIỆM VỤ kèm theo. Chức vụ là để phục vụ chứ không để hưởng nhàn mà ung dung nhận bổng lộc (x. Mt 20:28; Ga 12:26).
Không còn nhát đảm như trước, ông Phêrô mạnh dạn lên tiếng xác định: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Một cách mô tả mộc mạc và dễ hiểu về Thiên Chúa, nhưng vẫn hoàn toàn chính xác. Thiên Chúa chí công, không thiên vị, nhưng đôi khi chúng ta “ép buộc” Ngài thiên vị như chúng ta, vì chúng ta làm gì cũng thường theo định kiến cá nhân nhiều hơn, và tự cho rằng Thiên Chúa cũng thế.
Trong khi ông Phêrô còn đang nói những điều đó thì Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Phép lạ hiển nhiên, nhãn tiền. Vì thế, những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Thiên Chúa không thiên vị, tất nhiên Ngôi Ba cũng không chút thiên vị, vì Chúa Thánh Thần xuống trên mọi người – kể cả dân ngoại.
Sau đó, ĐGH Phêrô đặt vấn đề: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10:47). Ai đến với Chúa đều được Ngài tiếp nhận, chắc chắn vậy. Và rồi ông Phêrô đã truyền làm phép rửa cho họ NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ. Là người khôn ngoan, khi làm bất cứ điều gì cũng phải nhân danh Chúa, vì tất cả chúng ta đều là huynh đệ và hoàn toàn phải nhờ Ngài: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Nhưng nhiều khi chúng ta xin mà không nhân danh Đức Kitô, có lẽ chúng ta quên điều này: “Bất cứ điều gì anh chị em nhân danh Thầy mà xin thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con” (Ga 14:13). Chính Vị Thiên-Chúa-toàn-năng ấy đã được Thánh Vịnh gia mô tả thế này: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86:15). Thật tuyệt vời biết bao khi chúng ta có Vị Thiên Chúa đại lượng như vậy!
Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều là những con người bất toàn, chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn thiện và toàn năng. Bác học Albert Einstein xác định: “Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều khôn ngoan và ngu xuẩn như nhau”. Nhưng chúng ta vẫn được yêu thương lắm, yêu thương mỗi chúng ta như chính con người của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải “hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công” (Tv 98:1a). Kỳ công của Chúa vô vàn, khôn xiết kể, “Ngài chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Ngài” (Tv 98:1b). Thiên-Chúa-chí-minh-và-chí-công đã “biểu dương ơn Ngài cứu độ, mặc khải đức công chính của Ngài trước mặt chư dân; Ngài đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en” (Tv 98:2-3a). Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Cho nên: “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát” (Tv 98:4).
Nhân danh tình yêu Thiên Chúa, Thánh Gioan căn dặn: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7a), đồng thời giải thích: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7b-8). Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (1 Ga 4:9). Đức Kitô đã chết không chỉ cho chúng ta được sống mà còn sống dồi dào.



Người-môn-đệ-Chúa-yêu là người có “máu yêu” nên luôn thích nói về tình yêu. Chính người môn đệ ấy lý giải: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Nói đến tình yêu, đặc biệt là tình yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa hoặc Lòng Chúa Thương Xót, chẳng bút giấy nào tả hết, chẳng bộ óc nào đủ thông minh để trình bày hết ý, có nói mãi cũng không thể lột tả đúng mức. Nhiệm mầu biết bao!
Nhưng thật kỳ lạ, Chúa Giêsu nói rất dễ hiểu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Chắc hẳn Thánh Augustinô đã cảm nhận sâu sắc tình yêu ấy nên mới có thể có cách nói độc đáo này: “Mức độ yêu mến Chúa là yêu mến vô hạn”. Vì không chỉ Chúa muốn mà chúng ta có trách nhiệm phải “yêu mến Chúa hết linh hồn và hết trí khôn”. Yêu Chúa là yêu tha nhân, yêu tha nhân là thước đo lòng mến Chúa. Nếu yêu như vậy, chúng ta chỉ lời chứ không hề lỗ: “NẾU anh chị em GIỮ các điều răn của Thầy, anh chị em sẽ Ở LẠI trong tình thương của Thầy, như Thầy đã GIỮ các điều răn của Cha Thầy và Ở LẠI trong tình thương của Ngài” (Ga 15:10). Ôi chao, một điều kiện rất dễ chịu!
Thật vậy, Ngài muốn chúng ta “được hưởng niềm vui của Ngài” để “niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Điều răn của Ngài rất đơn giản, tuy hai mà một, là luật-yêu-hai-trong-một: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Chúa Giêsu so sánh: “KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH” (Ga 15:13). Hai người yêu nhau là hai người đồng đẳng, Chúa yêu chúng ta và Ngài cũng coi chúng ta ngang hàng: “Anh chị em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14a), nhưng với điều kiện: “Nếu anh chị em THỰC HIỆN những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15:14b). Việc làm chứng tỏ khả năng, chỉ có thể là như thế, nói chưa tin được.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Là tội nhân mà được tha thứ là may phước lắm rồi, thế mà chúng ta lại còn được Chúa gọi là bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh chị em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh chị em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh chị em biết. Không phải anh chị em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh chị em, và cắt cử anh chị em để anh chị em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh chị em tồn tại, hầu tất cả những gì anh chị em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Ngài ban cho anh chị em” (Ga 15:15-16). Ơn cao phúc trọng dành cho chúng ta, đó là điều quá kỳ diệu, trên cả tuyệt vời, và tất nhiên chúng ta quá may mắn và quá hạnh phúc!
Cuối cùng, Chúa Giêsu nhấn mạnh và nhắc lại: “Điều Thầy truyền dạy anh em là HÃY YÊU THƯƠNG NHAU” (Ga 15:17). Có thể tóm gọn mệnh lệnh đó thành một chữ YÊU. Cũng thật kỳ lạ, mẫu tự Y có hình người dang đôi tay tạo dáng cây Thập Tự. Điều đó có thể coi như “phần cứng” đã được cài đặt mặc định từ muôn thuở. Thật kỳ diệu và tuyệt vời biết bao!
Chúa Giêsu luôn nói tới tình yêu, như một điệp khúc cứ nhắc đi nhắc lại, và chính Ngài đã thiết lập Luật Yêu – nghiêm túc và dứt khoát, đồng thời cũng là điều kiện để được trở thành công dân Nước Trời mãi mãi.

Lạy Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, xin xót thương và tha thứ. Nhờ Lòng Thương Xót của Ngài lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại mà chúng con được diễm phúc dìm mình trong Tình Yêu bao la và kỳ diệu của Ngài, hôm nay và mãi mãi. Xin giúp chúng con đừng bao giờ lợi dụng Tình Ngài, và xin giúp chúng con chứng minh đức mến qua việc yêu thương lẫn nhau thật lòng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét