Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Những lưu ý khi mua sản phẩm công nghiệp nước ép trái cây


Những  lưu  ý  khi  mua  sản  phẩm  công  nghiệp  nước  ép  trái  cây
Thanh Xuân •Thứ Năm, 05/04/2018

“Nước ép trái cây 100%” = Nước ép trái cây thuần túy? (Ảnh: Pixabay)

Người tiêu dùng dễ bị dẫn dắt như thế nào?


Khi đến thăm khu thức uống giải khát và nước trái cây tại siêu thị, có lẽ nhiều người khó tránh phải phân vân lựa chọn giữa nhiều nhãn hiệu khác nhau. Vậy thì khi chọn nước trái cây, ngoài vấn đề giá cả thì mọi người sẽ chọn theo tiêu chí nào? Nếu bạn chỉ nhìn hàng chữ to trước bao bì mà bỏ qua bảng thành phần, e rằng bạn sẽ chỉ thấy thông tin mà nhà kinh doanh muốn bạn thấy.

Người tiêu dùng dễ bị dẫn dắt như thế nào?
Nếu bạn chỉ nhìn vào những hàng chữ to trước bao bì mà không chú ý bảng thành phần, e rằng bạn sẽ chỉ thấy được những thông tin mà nhà kinh doanh nước ép trái cây muốn bạn thấy.

Trong một video talk show hài của Mỹ do Jimmy Kimmel dẫn chương trình, những nhân viên công tác được cử đi đến một gian hàng tại chợ nông sản để bày ra một số sản phẩm gọi là “nước trái cây ướp lạnh hữu cơ” và cho người đi qua đường uống thử miễn phí. Thực tế, nguyên liệu thô của những loại “nước ép” này chỉ là chất tạo mùi trái cây, bột trái cây, thậm chí là kem cây và kẹo cầu vồng (skittles). Nhưng thật thú vị, những người qua đường uống thử đều tấm tắc khen ngợi!

Một số nguyên liệu trong “nước trái cây” chẳng qua chỉ là chất hương vị trái cây, bột trái cây.

Tất nhiên, khác biệt chính trong video talk show với hiện thực là ở video talk show người quảng bá dùng từ “hữu cơ” và “nước trái cây ướp lạnh” để dẫn dụ những người uống, nhưng nó phản ánh thực trạng thực tế là người tiêu dùng dễ dàng bị ảnh hưởng do tuyên truyền và vẻ bề ngoài của bao bì, những từ ngữ tạo ấn tượng khỏe mạnh sẽ gây tác động đến nhận thức về sản phẩm, thực tế chỉ với lưỡi và vị giác không thể giúp chúng ta biết được đâu là thứ thực sự tốt cho sức khỏe. 

Ngoài việc không thể hoàn toàn đặt niềm tin vào vị giác, chúng ta cũng cần hiểu biết chữ nghĩa trên bao bì sản phẩm cùng bảng danh sách thành phần sản phẩm. Sau đây xin điểm qua một số vấn đề người tiêu dùng nên quan tâm hơn.

1. “Nước ép trái cây 100%” = Nước trái cây thuần chất? Nước trái cây cô đặc?

“Nước ép trái cây tươi” và “nước trái cây cô đặc” đều là chế phẩm nước ép trái cây, nhưng quá trình sản xuất rất khác nhau (Ảnh từ internet)

Thực tế, “nước ép trái cây tươi” và “nước trái cây cô đặc” đều là chế phẩm nước ép trái cây, nhưng quá trình sản xuất rất khác nhau. Hãy lưu ý trong bảng thành phần có cụm từ “chất lỏng cô đặc” (juice concentrate/reconstituted juice/concentrated juice) không. Thông thường, thời hạn sử dụng của nước ép trái cây tươi là rất ngắn, vì chúng khó có thể giữ được thời gian dài từ khi thu hoạch, ép, đóng gói, thời gian vận chuyển đường xa cho đến khi người tiêu dùng mua, vì vậy trong những năm 1940 – 1950 người ta đã phát minh ra kỹ thuật làm nóng để loại bỏ phần nước và biến thành dạng chế phẩm cô đặc, qua đó giúp khắc phục được nhiều vấn đề hạn chế để sản xuất xuất khẩu với số lượng lớn.

Nước trái cây dưới dạng “chế biến để giữ nguyên trạng” phải gọi là sản phẩm tổng hợp có chứa thành phần nước ép trái cây thì chính xác hơn.

Nước ép trái cây sau khi ép và cô đặc giúp kéo dài đáng kể thời hạn sử dụng, nhưng bởi vì trong quá trình làm nóng sẽ khiến cho enzyme và các thành phần dinh dưỡng bị hao mất, do đó để giữ lại được nguyên trạng nhà sản xuất thường phải thêm các chất phụ gia không có nguồn gốc từ nước trái cây, chẳng hạn như đường, hương liệu, chất điều chỉnh độ pH, chất ​​ổn định, chất làm ngọt và tạo màu, v.v, để đảm bảo các chai nước đều có được hương vị giống nhau. Sau một quá trình “trả lại trạng thái cũ” này, đáng lẽ phải gọi là nước uống tổng hợp có thành phần nước ép trái cây thì mới chính xác.

Nếu người tiêu dùng không muốn uống nước ép cô đặc, có thể chọn mua “nước trái cây nguyên chất” (một số bao bì ghi rõ pure juice/not from concentrate), loại nước này có thể ít chất phụ gia hơn nước ép cô đặc, tuy nhiên vì cũng phải có chất bảo quản nên theo thời gian không thể tránh khỏi việc hao mất mùi vị và dinh dưỡng, vì vậy chúng cũng có thể được cho thêm vào các chất phụ gia khác giúp điều tiết hương vị.

2. “Lượng đường thấp, không thêm đường và chất bảo quản” không đồng nghĩa tốt cho sức khỏe

Nhiều bao bì nước hoa quả ghi rõ “không có đường hoặc chất bảo quản”… và người tiêu dùng thấy thế thì nghĩ rằng sản phẩm còn tự nhiên (Ảnh từ internet)

Nhiều loại bao bì nước hoa quả có ghi rõ không có đường hoặc chất bảo quản… và người tiêu dùng trông thấy thế thì nghĩ rằng sản phẩm còn tự nhiên. Nếu “nước trái cây nguyên chất” được đánh dấu không có chất bảo quản thì thường là đã qua khử trùng pasteur (pasteurization), tức là làm nóng ở khoảng 160 – 180 độ Fahrenheit (khoảng 72 – 82 độ C. nhiệt độ càng cao, thời gian càng ngắn) để giết các vi khuẩn thông thường như Ecoli và salmonella. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ giết chết vi khuẩn mà còn làm mất dinh dưỡng của nước ép, đặc biệt là vitamin C. Do đó, “nước ép nguyên chất” mà không có chất bảo quản (thậm chí lại trải qua một khoảng thời gian lưu trữ) thì thành phần dinh dưỡng cũng hao hụt đi rất nhiều (so với nước ép trái cây dùng ngay khi vừa ép).

Bên cạnh đó, có rất nhiều sản phẩm trên thị trường dùng chất ngọt nhân tạo để thay thế đường, trong đó có aspartame (Aspartame/E951) và sucralose (sucralose/E955) còn đang gây nhiều tranh cãi trong vấn đề đảm bảo an toàn cho cơ thể người.

3. Giàu vitamin C sẽ giúp tăng cường miễn dịch?
Hấp thu vitamin C mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên vitamin C là dạng vitamin tan trong nước, không thể lưu trữ trong cơ thể, ngay cả khi uống quá mức thì nó cũng sẽ được bài tiết ra ngoài. Trong thực tế, có rất nhiều loại trái cây và rau quả chứa vitamin C, trừ khi quá kén ăn, hầu hết mọi người hiếm khi bị thiếu vitamin C. Vì vậy, quan điểm cho rằng “vitamin C tăng cường khả năng miễn dịch” chỉ giới hạn trong trường hợp người hấp thu không đủ, điều đó không có nghĩa là dùng càng nhiều thì càng tốt. Nếu hấp thu quá nhiều vitamin C trong thời gian dài sẽ có nhiều khả năng tạo gánh nặng lên gan và thận, dẫn đến suy yếu chức năng và ngộ độc.

Bản thân nước trái cây là đồ uống có đường, thậm chí không có đường bổ sung thêm ngoài định mức cũng phải cẩn thận, vì hấp thu quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân gây béo phì (Ảnh: Pixabay)

Trong tình huống thông thường, nhìn chung nước ép trái cây tươi rất tốt, điều này không có gì phải băn khoăn. Tuy nhiên, ngoài ba vấn đề như kể trên, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến bản thân nước trái cây là đồ uống có đường, thậm chí trường hợp không có đường bổ sung ngoài định mức cũng phải cẩn thận, vì tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Ngoài ra, một số loại nước trái cây (như nước cam) cũng thuộc loại đồ uống có độ axit cao, nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bào mòn răng.

Người tiêu dùng nên cẩn thận, không để  các bao bì nước ép trái cây gây hiểu lầm là thức uống tăng cường sức khoẻ (Nguồn: Adobe Stock)

Nhìn chung, chúng ta phải cẩn thận với các phương pháp tiếp thị trên bao bì của sản phẩm như nước ép trái cây, để không chỉ nghĩ đó là đồ uống tăng cường sức khoẻ, vì nếu không hiểu rõ các thành phần của chúng thì không những không đạt được các mục tiêu về sức khoẻ mà người tiêu dùng còn đưa vào cơ thể nhiều chất phụ gia nhân tạo khác. Trên thực tế, nhiều thành phần dinh dưỡng được nhiều hãng nước ép trái cây tuyên truyền cũng đã có trong rất nhiều loại rau quả tươi, chỉ cần ăn uống đều đặn là có thể hấp thu được. Nhìn chung, trong điều kiện tìm hiểu kỹ các thành phần dinh dưỡng, thỉnh thoảng mua nước ép trái cây để uống không có gì là sai. Nhưng cho dù trong trường hợp bảo đảm nhất là tự ép trái cây tươi để uống, chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm về các loại nước ép rau khác, nước ép rau có thể bổ dinh dưỡng phong phú hơn và ít đường hơn so với nhiều loại nước ép trái cây.

Thanh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét