Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

ĐẤNG BẢO TRỢ (Chúa Nhật Hiện Xuống, năm B)




ĐẤNG  BẢO  TRỢ
( Chúa  Nhật  Hiện  Xuống,  năm  B)
Mon, 14/05/2018 - Trầm Thiên Thu



THÁNH LINH HIỆN XUỐNG TRAO BAN ƠN THÁNH
NHÂN THẾ VUI MỪNG ĐÓN NHẬN PHÚC LÀNH

Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần,Đấng mà Chúa Giêsu đề cập trước đó: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16:7).Chính Đấng ấy dạy chúng ta mọi điều và làm cho chúng ta nhớ lại mọi điều Thầy Giêsu đã truyền (x. Ga 14:26).

Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần – Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài xuất hiện qua các dạng Gió, Lửa và Nước.Đó là “bộ ba độc đáo” gồm những thứ mềm mại nhất và bình thường nhất,nhưng lại cũng chính là những thứ mạnh mẽ nhất và quan yếu nhất trong cuộc sống, ba thứ ấy còn có sức mạnh đến nỗi không gì có thể cưỡng lại. Đặc biệt là chúng ta có thể cắt ba thứ đó nhưng chúng không bao giờ bị đứt lìa.

GIÓ có thể tiếp nhận, thổi bay và chuyển hóa mọi thứ, dù những thứ xấu xa và dơ bẩn nhất. Gió luôn tự hào, không buồn khổ hay tủi nhục. Gió có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Phong,có khả năng di động và chuyển hóa phi thường. Con người đành bất lực trước cơn giận của Gió như Cuồng Phong, Giông Tố hoặc Lốc Xoáy.

LỬA có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất.Lửa không vì thế mà cảm thấy buồn tủi, chán chường, hoặc ghen ghét.Lửa có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Hỏa, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả mọi thứ. Một đốm lửa có thể thiêu rụi mọi thứ – dù là loại cứng như sắt, thép. Nhưng lửa có tính chất đặc biệt: Càng chia sẻ càng có nhiều, không hề giảm chút nào.

NƯỚC có thể tiếp nhận và rửa sạch mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất, người ta có đổ xuống nước mọi thứnhưng nước vẫn bình thản, không lệ thuộc hoặc cảm thấy oán hờn, tủi nhục.Nước cũng có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Thủy, có khả năng di động và chuyển hóa kỳ diệu, có thể luồn lách mọi nơi.

Bài học về Gió, Lửa và Nước luôn dạy chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống: Nếu tâm chúng ta có khả năng chuyển hóa và di động, chúng ta cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi thứ vui-buồn-sướng-khổ,kể cả mọi thứ mà người khác trút lên chúng ta, và những thứ ấy không thể gây xáo trộn tâm hồnchúng ta, không thể tước mất sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39). Đó là mối liên kết vĩnh viễn của các tín nhân đích thực.

HO là Nước, chất rất ư bình thường, nhưng lại rất quan trọng trong đời thường, và đặc biệt là chất thần kỳ vì liên quan Phép Rửa – Bí tích Thánh tẩy: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16). Chúa Thánh Thần tác động qua Nước để biến điều bình thường trở thành phi thường mang tính mầu nhiệm linh thiêng.

Trong cuộc sống, những gì đơn giản nhất thường bị coi thường. Chúa Thánh Thần cũng thường không được chúng ta “nhắc tới”, dù Ngài không ngừng hoạt động trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Vì thế, không phải chỉ hôm nay mà suốt cả đời này, hãy cố gắng nhớ đến Ngài. Đặc biệt hôm nay, hãy thành tâm thân thưa với Ngài: “Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài!”. Ngay cả những lúc chúng ta không nhớ cầu xin Thánh Linh, chúng ta vẫn được Ngài soi sáng và hướng dẫn mọi điều – dù to hay nhỏ.Vâng, lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến! (*)

THÁNH LINH NGỰ ĐẾN



Ngôi Hai đi, Ngôi Ba đến. Thiên Chúa không để chúng ta mồ côi hoặc bơ vơ giữa cõi tục lụy đầy cạm bẫy quỷ ma này.Sách Công vụ cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng GIÓ MẠNH ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như LƯỠI LỬA tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2:1-3).

Hai hình ảnh xảy ra liên tiếp: Gió và Lửa. Gió là không khí. Không khí là thứ tối cần thiết, vì thiếu không khí trong vài phút thì người ta không thể sống nổi. Làn gió do quạt máy không làm người ta sảng khoái, nhưng chỉ một chút gió hiu hiu cũng đủ làm người ta tỉnh táo và cảm thấy hồi phục ngay. Tuy nhiên, nếu gió mạnh quá thành lốc hay bão thì chẳng gì có thể chống lại, cả tòa nhà cao lớn cũng bị gió thổi sập trong tích tắc. Lửa làm người ta ấm áp trong mùa Đông giá lạnh, một đốm lửa dễ dàng bị thổi tắt, nhưng đốm lửa đó cháy lan như những vụ hỏa hoạn thì con người chỉ biết đứng nhìn mà “cười ra nước mắt”. Nước cũng rất mềm, dễ ngăn cản, ai muốn làm gì thì làm, nhưng một khi Nước “nổi giận” thì con người không thể ngăn cản, chạy cũng không kịp: Triều cường, vỡ đê, lụt lội, sóng thần,…

Sự thật về Gió, Lửa và Nước như thế đấy – vừa yếu vừa mạnh, vừa mềm vừa cứng. Và đó chính là Thần Khí Thiên Chúa, là Đức Chúa Thánh Thần, là Thánh Linh, là Thần Chân Lý, là Ngôi Ba Thiên Chúa, cũng chính là Đấng Bảo Trợ ngự đến hành động ngay giữa thế gian này.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Gió thổi tới và Lửa đậu trên đầu thì mọi người được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Hiện tượng “nói tiếng lạ” xảy ra ngay lập tức, nhiều người ngạc nhiên và hỏi nhau: “Thế nghĩa là gì?” (Cv 2:12), nhưng một số khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13).Luôn có hai cách suy nghĩ khác nhau như vậy. Mà không lạ sao được khi họ nói đủ thứ tiếng vậy mà họ vẫn hiểu nhau, đặc biệt là ai nghe cũng thấy họ nói tiếng của mình. Nhưng tất cả chỉ là để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11; Tv 86:11), chứ không phải để tự mãn, cao ngạo, cho mình giỏi hơn người.

Khi thực sự có Chúa Thánh Thần thì người yếu đuối cũng thành khỏe mạnh, người nhút nhát cũng trở nên bạo dạn, người run sợ cũng hóa thành can đảm. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm được Chúa Thánh Thần tác động như vậy. Vì thế, chúng ta phải luôn tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1). Tự động viên mình trước để có thể khuyến khích người khác. Thiên Chúa nắm quyền sinh – tử(Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), cũng chính Ngài đã tác tạo cả càn khôn và muôn vật,nếu“Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29). Thật vậy, “sinh khí của Ngài do Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân mọi thứ, chúng ta có làm được gì cũng là nhờ Ơn Chúa, dođó chúng ta phảiquyết tâm: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34). Đó là ước nguyện chân chính và tuyệt vời, rất đẹp lòng Thiên Chúa.

Ngày lễ Ngũ Tuần là sinh nhật Giáo Hội, chính Chúa Thánh Thần đến để nâng đỡ tín nhân sống theo giáo huấn của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu, những ai tôn thờ Ngài thì phải sống yêu thương để minh chứng là con cái của Ngài – Đấng giàu lòng thương xót, và đó cũng là cách làm chứng về Đức Kitô – Đấng đã chịu khổ hình và phục sinh.

CHỨNG TÁ TIN MỪNG

Ơn Chúa không bao giờ thiếu, đủ để tội nhân thành thánh nhân. Vấn đề là chúng ta có chịu hứng nước mưa khi trời mưa hay không. Ơn Chúa ban nhưng cần phải có sự cộng tác của chúng ta – vì Thiên Chúa ban quyền tự do, không hề ép buộc ai.

Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần động viên chúng ta: “ĐỪNG SỢ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5 & 10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20). Sách Khải Huyền cũng lặp lại và giải thích: “ĐỪNG SỢ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18). Lúc sinh thời, chính Thánh GH Gioan Phaolô II (1920–2005, triều đại GH từ 1978–2005) cũng rất thích mệnh lệnh đó: “Đừng sợ!”. Không sợ thì mới dám “vào đời”, dám “ra khơi”, dám hành động, dám bảo vệ công lý, và dám sống theo chân lý của Thiên Chúa (Tv 26:3). Động thái “dám” có vẻ đơn giản mà chẳng dễ thể hiện gì đâu!

Không nói rõ là “đừng sợ” hoặc khuyến khích, nhưng tác giả sách Huấn Ca đưa ra ý tưởng độc đáo này:“Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2:4-5). Một cách động viên rất khéo léo và khôn ngoan.


Chúa Thánh Thần đến để canh tân, đổi mới, biến xấu nên tốt. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16), và ngài giải thích:“Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn”(Gl 5:17). Thánh Phaolô còn nói chi tiết hơn: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:18-21a). Chắc chắn rằng “những kẻ làm các điều đó sẽ KHÔNG được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5:21b). Trong đó có những “thói tính” có vẻ “nhẹ nhàng” thế mà không hề giống như chúng ta tưởng. Lầm to! Chết chắc!

Đó là bảng liệt kê của Thánh Phaolô về những điều đối lập với Chúa Thánh Thần,thế còn những điều thuận với Chúa Thánh Thần? Đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:23). Tất nhiên, chẳng có luật nào chống lại những điều như thế – dù là luật đời. Thánh Phaolô nói: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:24). Trong Chuỗi Mân Côi, ở mầu nhiệm thứ 5 của Mùa Thương, Giáo Hội dạy: “Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”. Đó là cách từ bỏ chính mình theo tác động của Chúa Thánh Thần. Và “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5:25-26). Thật tỏ tường!

Trước khi về trời, Chúa Giêsu cho biết trước: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26). Và Ngài cũng đã giữ đúng lời hứa đó. Nhưng Ngài cũng trao trách nhiệm cho mỗi chúng ta: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15:27).Sống chứng nhân là bổn phận chung của mọi thành viên, những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy (và bí tích Thêm Sức). Chúa Giêsu nói “anh em” không có nghĩa là chỉ có phái nam, còn phái nữ “khỏe re”, chả “vướng víu” chi. Lúc đó Ngài nói với các Tông đồ nên chỉ nói “anh em”, không có từ “chị em”, nữ giới đừng vì thế mà “tự ái”, rồi “đùn đẩy” hoặc “né tránh” trách nhiệm. Nhưng ngày nay phải được hiểu là “anh chị em” (ngôi thứ hai số nhiều – you, vous, vosotros, voi), cả nam và nữ, bất kể là ai.

Và rồi chính Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Ngài biết chúng ta “không có sức chịu nổi” nghĩa là chưa đủ hiểu, bởi vì chưa được lãnh nhận Thần Chân Lý. Chúa Giêsu xác định: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-14). Vì Ba Ngôi là Một nên Chúa Giêsu nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16:15a). Và một lần nữa, Chúa Giêsu nhắc lại: “Ngài lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15b). Vậy là đã rõ ràng và chắc chắn, đúng như Đức Kitô đã hứa: “Thầy ở cùng anh chị em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài ở với chúng ta trong bí tích Thánh Thể và qua Chúa Thánh Thần, thế thì cứ an tâm mà “vượt qua chính mình” khi đối mặt với thế gian và ma quỷ.

Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Chúa Giêsu đã xác định như vậy. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu cũng là Đấng Bảo Trợ, như Thánh Gioan nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Đấng Bảo Trợ Giêsu Kitô đã được Chúa Cha trao toàn quyền, như chính Ngài đã xác nhận: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất” (Mt 28:18). Ngài bảo trợ cho tội nhân chúng ta ngay ở đời này, đặc biệt là trong thời khắc quan trọng nhất: Phán Xét Chung.

Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống tâm linh của chúng ta. Một trong các hoạt động giúp con người thư giãn là âm nhạc, thế mà cũng không thể tách khỏi Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô khuyên: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:19). Âm nhạc rất cần thiết trong Phụng Vụ, thế nên Giáo Hội có loại nhạc đặc trưng là Bình Ca.

Lạy Thiên Chúa hằng sinh và hằng hữu, xin soi sáng và dẫn chúng con đi đúng Đường Chân Lý của Ngài (Tv 25:5) để kiến tạo hạnh phúc ngay trên thế gian này. Kiếp người luôn gặp đủ thứ nhiêu khê, trắc trở, cúi xin Ngài đồng hành và nâng đỡ chúng con theo đúng Thánh Ý của Ngài, nhờ đó chúng con có thể can đảm thể hiện tình yêu thương đối với mọi người qua từng nhịp thở. Nguyện xin Thần Khí Thiên Chúa biến đổi chúng con nên khí cụ hữu ích – hôm nay và suốt đời này, xin thánh hóa để mọi người làm chứng nhân theo hoàn cảnh sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

VENI SANCTE SPIRITUS (Wolfgang AmadeusMozart, 1756–1791):
1.https://www.youtube.com/watch?v=aE2nouXANaQ
2. https://www.youtube.com/watch?v=KY8fDjBN1LU
XIN BAN THÁNH THẦN (Tv 103): https://www.youtube.com/watch?v=XjfGdJ1J00w

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét