Chuyện THÁNG NĂM
02/05/2018-
TRẦM
THIÊN THU
Tháng Năm cũng chỉ là một
tháng trong năm, giống như các tháng khác, thế thì có chuyện gì mà nói chứ?
Tháng nào mà không có chuyện để nói, vậy mà sao lại đề cập riêng tháng Năm?
Theo xã hội, tháng Năm có
Ngày Hiền Mẫu (Ngày của Mẹ) được cử hành vào Chúa Nhật thứ nhì; còn theo tôn
giáo, tháng Năm là Tháng Đức Mẹ – Tháng Hoa. Như vậy, chúng ta thấy tháng Năm
có “mối liên hệ” đặc biệt với nữ giới. Mẹ là nữ giới, nữ giới được ví như bông
hoa.
Người Do Thái có cuốn
sách kinh điển là cuốn Talmud (*), trong đó có ghi câu này: “Phụ nữ đi ra từ
chiếc xương sườn của người nam, chứ không từ bàn chân của chàng để làm tấm thảm
chùi chân chàng, cũng không từ cái đầu để mà cao hơn chàng, mà từ cạnh sườn của
chàng để làm người đồng hàng với chàng, ngay bên dưới cánh tay chàng để được
che chở, và cạnh bên trái tim chàng để được yêu thương”. Câu nói thật là ý
nghĩa!
Câu nói trong sách Talmud
rất “gần gũi” với sách Sáng Thế của Công giáo, nói về việc Thiên Chúa dựng nên
phụ nữ từ chiếc xương sườn của đàn ông (St 2:18-22), rồi đàn ông khoái chí và định
nghĩa về đàn bà: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi
là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23). Một cách định nghĩa thật là
thú vị. Điều đó có nghĩa là một nữ và một nam được Thiên Chúa liên kết thành vợ
chồng qua bí tích Hôn Phối, như Chúa Giêsu xác định: “Họ KHÔNG còn là HAI,
nhưng chỉ là MỘT XƯƠNG MỘT THỊT. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
KHÔNG được phân ly” (Mt 19:6; x. St 2:24).
Sự kết hợp Âm Dương cũng
kỳ lạ: Nữ giới là Âm, nam giới là Dương; đất là Âm, trời là Dương; đêm là Âm,
ngày là Dương. Và cũng thật kỳ lạ là để có thể phát ánh sáng, phải có cực Âm và
cực Dương. Con người “phát hiện” quy luật đó nhờ Tạo Hóa đã sáng tạo, mà Đấng
đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nữ hay nam thì cũng là thụ
tạo của Thiên Chúa. Nữ và nam khác nhau là do đã được cài mặc định từ thuở hồng
hoang. Chẳng hạn, phụ nữ thích nói nhiều vì cả hai bán cầu não cùng hoạt động một
lúc, còn nam giới chỉ một bán cầu não hoạt động, thế nên họ ít nói hơn. Âu cũng
là sự bù đắp lẫn nhau, bởi vì con người là thụ tạo bất toàn, cho nên Thiên Chúa
đã thiết lập Bí tích Hôn Phối để kết hợp hai người khác phái, Âm Dương trái dấu
thì hút nhau, nhờ vậy mà bổ túc lẫn nhau.
Người ta thường nói: “Nhất
vợ, nhì trời”. Phụ nữ muốn là trời muốn. Nàng rất mềm mà cũng rất cứng. Lạ lùng
là chính sự yếu mềm của phụ nữ lại chính là vũ khí sắc bén của họ. Bạn thấy nước
đó, rất mềm mà cũng rất mạnh, không gì cưỡng lại nổi đâu. Và lửa cũng vậy đấy.
Có thể ví phụ nữ như nước và lửa vậy!
Người ta vẫn thường nói
nhiều về phụ nữ. Carlo Goldini nhận định: “Khi một người đàn bà nổi giận, chỉ bốn
cái hôn nhỏ cũng đủ làm cho nàng nguôi liền”. Và Édouard Bourdet so sánh: “Tiền
bạc cũng như đàn bà: muốn giữ nó thì phải săn sóc nó, bằng không nó đi tạo hạnh
phúc cho người khác”. Còn Jean Jacques Rouseau phân tích: “Cái khổ của đàn ông
là vợ ghen, cái khổ của đàn bà là chồng vui tính”. Mỗi người mỗi cách nhìn,
cách nào cũng chí lý.
Về vấn đề ghen tương,
Oscar Wilde nhận xét: “Người phụ nữ bình thường luôn ghen với chồng mình. Còn
người phụ nữ xinh đẹp thì lúc nào cũng quá bận rộn với việc ghen chồng người
khác”. Thật ngạc nhiên với nhận xét của Luigi Pirandello: “Phụ nữ giống như những
giấc mơ, chẳng bao giờ như cách mà bạn muốn”. Thiên hình, vạn trạng. Không ai
biết đâu mà mò. Thật vậy, giữa yêu và ghét ở phụ nữ, đó là một “khe” rất hẹp, một
sợi tóc cũng không lọt vào khe này.
Đàn bà khôn ngoan hơn đàn
ông vì đàn bà biết ít hơn nhưng lại hiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, người ta còn
kinh ngạc hơn về lời của bà De Rieux: “Phải là người đàn bà mới biết cách trả
thù thâm độc nhất”. Chính phụ nữ nói thì hẳn là mức độ chính xác rất cao, không
chủ quan như nhận xét của người khác phái. Và như vậy thì… đáng sợ thật!
Có phụ nữ cũng khổ, thiếu
phụ nữ cũng khổ. Có lẽ gia đình nào cũng dày dạn kinh nghiệm về vấn đề này.
Hàng ngày nghe phụ nữ cằn nhằn thì cả chồng và con cái đều cảm thấy “nhức đầu”,
nhưng “bà nội tướng” đi vắng vài ngày thì cha con mới biết là rất cần có “bà
hay la lối” ấy. Thật là nhiêu khê! Và đây, hãy nghe Cherles Bukowski nhận xét:
“Nếu bạn kết hôn thì người ta cho là bạn xong đời rồi, nhưng nếu bạn không kết
hôn thì người ta cho là bạn chưa trọn vẹn”.
Không phải người đời có
ác ý mà “nhắm” vào nữ giới. Kinh Thánh cũng nói nhiều về nữ giới, thậm chí còn
“nói nặng” nữa. Và như chúng ta đã biết, sách Sáng Thế đã cho biết tội bất tuân
của loài người là do Đệ Nhất Phu Nhân Eve, “nội tướng” và chiếc-xương-sườn của
Ông Tổ Ađam.
Người ta có cách so sánh
độc đáo thế này: “A-xít làm cháy tiền, tiền làm cháy tim đàn bà, nước mắt đàn
bà làm cháy tim đàn ông”. Ui da, thảo nào Ông Tổ Ađam nghe vợ năn nỉ ỉ ôi mấy
câu mà đã hóa mềm nhũn như bún thiu, phải nghe nàng vì sợ mất nàng, thế là Ông
Tổ “chết ngắc” chỉ vì miếng táo. Và cả nhân loại phải lãnh hậu quả: “Lúc chào đời
con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51 [50]:7). Do đó,
là phàm nhân thì không ai lại không là tội nhân. Đúng là “đời cha ông ăn mặn, đời
con cháu khát nước”. Khốn khổ con cháu quá, Ông Bà Nguyên Tổ ơi!
Rồi đến dũng nhân Samson,
một người khỏe mạnh vô địch, ấy thế mà cũng sập bẫy cô vợ chỉ vì nước mắt của
nàng khi nàng khóc tỉ tê: “Anh chỉ có ghét em thôi, chẳng yêu em chút nào. Anh
ra câu đố cho đồng bào em, mà lại không giải cho em” (Tl 14:16). Samson nói rằng
cha mẹ cũng không biết. Thế là bà chơi khúc bi ai bằng điệp khúc tỉ tê suốt bảy
ngày, Samson hết chịu nổi, bèn cho nàng biết đáp án. Thế là tiêu đời Samson. Nước
mắt phụ nữ kinh khủng thật. Yếu mà ra gió là chết chắc!
Và đặc biệt hơn, trình
thuật Hc 25:13-26 cho chúng ta biết rõ mưu thâm kế quỷ của phụ nữ như thế nào.
Nghe nói “mưu thâm kế quỷ”, nữ giới đừng vội trợn mắt hoặc nổi cơn tam bành với
kẻ viết bài này, còn nam giới cũng đừng vội mỉm cười và gật gù thỏa mãn!
Kẻ viết không bịa đặt hoặc
thành kiến với ai, nhưng Kinh Thánh nói rạch ròi lắm. [Có lẽ những câu này ít
người muốn “ngó” tới, và Phụng Vụ cũng không trích dẫn những câu này]. Hãy bình
tĩnh đọc và ngẫm vài câu trong chương 25 của sách Huấn Ca:
Câu 13: “Không vết thương
nào sánh nổi vết thương lòng, không sự dữ nào bằng sự dữ do đàn bà gây nên,
không độc ác nào bằng độc ác của người phụ nữ”.
Câu 14: “Không cái khổ
nào bằng cái khổ do kẻ ghét ta gây nên. Không sự báo thù nào như sự báo thù của
kẻ địch”.
Câu 15-16: “Không nọc độc
nào như nọc độc của loài rắn. Không cơn giận nào bằng cơn giận của kẻ thù. Tôi
thà ở chung với sư tử hay rắn rết còn hơn chung sống với người đàn bà xấu xa”.
Câu 17-18: “Lòng độc ác
biến đổi nét mặt người đàn bà: mặt y thị tối sầm như mặt gấu. Chồng thị ngồi ăn
với hàng xóm láng giềng cứ buộc lòng phải thở than cay đắng”.
Câu 19: “Mọi gian ác đều
chẳng thấm vào đâu so với gian ác của người đàn bà; thị sẽ phải chịu số phận của
phường tội lỗi”.
Câu 20: “Đàn ông trầm lặng
sống với đàn bà lắm điều chẳng khác chi đôi chân cụ già phải leo lên đồi cát”.
Câu 21: “Đừng để nhan sắc
người đàn bà lôi cuốn con, và cũng đừng ham muốn phụ nữ”.
Câu 22: “Vợ mà phải nuôi
chồng ắt sẽ nổi xung, hỗn láo và làm cho chồng mất mặt”.
Câu 23: “Con tim suy nhược,
nét mặt buồn rầu, tâm hồn tan nát: tất cả đều do người đàn bà độc dữ. Tay chân
rã rời, đầu gối bủn rủn: cũng tại người vợ không biết tạo hạnh phúc cho chồng”.
Câu 24: “Tội bắt đầu có
là do đàn bà, và cũng tại đàn bà mà tất cả chúng ta phải chết”.
Câu 25-26: “Đừng khai
mương cho nước chảy, cũng đừng để cho đàn bà độc dữ tự do ăn nói. Nếu con đưa
tay làm hiệu mà nó chẳng theo thì con hãy đoạn tuyệt với nó”.
Chỉ có 13 câu ngắn gọn mà
“chuyển tải” được nhiều vấn đề quá!
Lưỡi vừa tốt vừa xấu – cả
nghĩa đen và nghĩa bóng. Có lưỡi mới nói được. Có lưỡi mà ngắn thì nói khó, nói
không rõ. Lưỡi sinh ra lời, tiếng nói, thoại ngữ. Nhưng “lưỡi không xương nhiều
đường lắt léo”. Vì thế, đừng để cho “cửa họng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa
ba tấc lưỡi phỉnh phờ” (Tv 5:10). Lưỡi ngắn mà dài, được “minh họa” qua lời
nói. Hãy cảnh giác kẻo sẽ kiêu ngạo mà tự nhủ: “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi, với
môi mép này, ai làm chủ được ta?” (Tv 12:5). Các “bà tám” (dù nữ hay nam) có loại
hung khí đặc biệt là cái lưỡi: “Miệng tha hồ nói năng ác độc, ba tấc lưỡi đặt
điều xảo trá; hễ ngồi lê là bới xấu anh em và bêu diếu cả người ruột thịt” (Tv
50:19-20). Đáng sợ thật!
Có câu chuyện ngụ ngôn về
cái lưỡi như thế này…
1. Ngày xưa, có một ông
vua nước Ai Cập gửi cho nhà hiền triết Bias một con vật vừa quí vừa hiếm để tế
lễ các thần của mình. Tuy nhiên, ông vua này muốn chơi khăm nhà hiền triết nên
nói:“Sau khi cúng xong, ngươi phải trả lại cho ta cái gì vừa tốt nhất vừa xấu
nhất nơi con vật quí hiếm ấy”.
Nhà hiền triết liền xẻo
ngay cái lưỡi mà trao cho ông vua. Cử chỉ đó gián tiếp xác định điều này: “Cái
lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu
không biết sử dụng”. Thật thâm thúy!
2. Lão Tử là người thông
minh, tài giỏi. Một hôm, nghe tin thầy giáo là Thương Dung bị bệnh nặng, Lão Tử
đến thăm và mời thầy ăn chút gì để chống lại bệnh hiểm nghèo. Nhân lúc thầy
giáo tỉnh, Lão Tử xin thầy cho ý kiến dạy bảo thêm. Thương Dung thấy Lão Tử
không những thông minh mà còn khôn ngoan, ham học, có suy nghĩ sâu sắc. Thầy
Thương Dung mở rộng miệng cho Lão Tử xem và hỏi:
– Lưỡi của ta còn không?
– Thưa thầy, lưỡi của thầy
còn ạ!
– Thế răng của ta còn
không?
– Thưa thầy không còn ạ!
– Anh có biết ta hỏi anh
vấn đề này có thâm ý gì không?
Lão Tử trả lời:
– Dạ, thầy sống rất thọ.
Sở dĩ cái lưỡi còn vì nó mềm, răng rụng hết vì nó cứng. Thưa thầy, phải thế
không ạ?
Thương Dung nghe Lão Tử
trả lời vậy vui vẻ nói:
– Đúng lắm! Cách lý giải
của anh hoàn toàn chính xác. Lưỡi vì mềm mà còn được lâu, răng vì cứng nên rụng
hết. Đạo lý này không chỉ đúng với răng và lưỡi, mà đối với mọi việc trong
thiên hạ cũng đều như thế cả!
Trung dung là cách sống
khôn ngoan. Sống thật khó, giữ mồm giữ miệng chẳng dễ, vì con người có “máu” tự
ái và giả hình, muốn nói cho hả giận! Hãy nghe tác giả Thánh Vịnh thẩm vấn: “Hỡi
kẻ gian hùng, khoe chi tội ác? Suốt ngày ngươi tính kế hại người! Này hỡi tên
chuyên nghề lừa đảo, lưỡi ngươi khác nào dao sắc bén” (Tv 52:3-4).
Đối với những người khéo
khua môi múa mép – nói cho ra vẻ “êm tai” thì gọi là “người khéo nói”, tác giả
Thánh Vịnh so sánh thế này: “Chiều đến, chúng trở lại TRU LÊN NHƯ CHÓ và CHẠY
RÔNG khắp thành. Này chúng BA HOA SÙI BỌT MÉP, LƯỠI KIẾM Ở ĐẦU MÔI (Tv 59:7-8).
Cách ví von “nặng nề” lắm đấy!
ÍT NÓI không có nghĩa là
NÓI ÍT, mà là KHÔNG NÓI ĐIỀU VÔ ÍCH. Đôi khi người ta phải nói, thậm chí là nói
nhiều. Dù nói ít hay nhiều thì phải làm sao chúng ta có thể tự hào như tác giả
Thánh Vịnh mà chia sẻ điều này: “Lòng trào dâng những lời cẩm tú, miệng ngâm
thơ mừng chúc thánh quân, lưỡi tôi ví tựa tay người phóng bút” (Tv 45:2). Ngôn
ngữ có hai dạng: Nói và Viết. NÓI là dạng ngôn ngữ vô tự (không có chữ viết),
còn VIẾT là dạng ngôn ngữ vô ngôn (không có tiếng nói).
Ngôn hành phải song song.
Nói hoặc viết đều phải thể hiện bằng hành động. Tác giả Thánh Vịnh đặt vấn đề
và đưa ra đáp án: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh
phúc chứa chan? Phải GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy LÀM
LÀNH LÁNH DỮ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 34:13-15).
Thiên Chúa và Kinh Thánh
luôn đề cao các mỹ từ và mỹ ngôn. Người đời cũng quý trọng các lời nói tốt đẹp.
Thật vậy, ngạn ngữ Anh có câu: “Lời nói đẹp là chi phí thấp nhất để thu lợi cao
nhất”. Còn Publilius Syrus (sinh năm 85 trước CN, mất năm 43 trước CN), văn sĩ
Latin, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ
không bao giờ hối tiếc vì sự im lặng của mình”.
Tài năng được tỏa sáng nhờ
sự im lặng, còn sự kém cỏi thường tự lan tỏa bằng âm thanh – ngụ ý “lời nói”.
Nói nhiều chính là “bức bình phong” để che giấu sự trống rỗng của tâm hồn vậy!
Đức Mẹ không nói nhiều,
chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Còn Đức
Thánh Giuse hoàn toàn im lặng, cả bộ Kinh Thánh và các tài liệu đều không nhắc
gì tới di ngôn nào của Con Người Công Chính này. Sự im lặng rất cần. Đó là “miền
sa mạc” cần thiết để có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Im lặng để suy niệm. Im lặng để
suy tư. Suy tư để biết mình, biết người, biết xử thế.
Con người đa dạng, lắm kiểu
nhiêu khê, tổng quát và ngắn gọn là chia làm hai loại chính – Tốt và Xấu. Chắc
chắn Thiên Chúa rất ghét loại người xấu, vì Ngài là Đấng chí thánh và chí nhân.
Tuy nhiên, Ngài cũng chẳng ưa loại người “lửng lơ con cá vàng”, như Kinh Thánh
đã xác định: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.
Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng
lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16). Ngài cũng đang nói
như vậy với mỗi chúng ta ngay bây giờ đấy. Ngay cả phàm nhân – vốn dĩ là những
người xấu xa (x. Lc 11:13) và đầy tội lỗi – cũng chẳng ai ưa loại người “dở
hơi” như vậy!
Phụ nữ đầu tiên, Bà Tổ
Êva đã bị “lưỡi rắn” mà phun “mật ngọt” vào Ông Tổ Ađam, khiến Ông Tổ mù quáng
rồi suy sụp hoàn toàn vì bị “nọc độc” làm tê liệt cả thể lý lẫn tinh thần.
Nhưng rồi Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa, đã đạp nát đầu con-rắn-ma-quỷ thâm độc
đó và dẫn đưa nhân loại đến với Thiên Chúa hằng sinh.
Nói về phụ nữ, không phải
là do định kiến hoặc nhìn họ với cặp mắt kính râm hoặc đen thui, mà để cân nhắc
và đề phòng. Thực tế vẫn có những phụ nữ tuyệt vời. Đức Maria là điển hình.
Chúa Giêsu luôn quý mến và đánh giá cao nữ giới. Thật vậy, Ngài thường ghé thăm
chị em Mácta và Maria ở Bêtania, Ngài đã hiện ra đầu tiên với bà Maria Mácđala
(Mađalêna) sau khi Ngài phục sinh. Các phụ nữ đã theo Chúa Giêsu suốt đường lên
Đồi Sọ, và cũng chỉ còn các phụ nữ đứng bên Thánh Giá. Phụ nữ can đảm thế đấy,
còn nam giới chỉ mạnh miệng và lẻo mép, rồi bỏ chạy hết trơn.
Rồi thời Giáo hội sơ
khai, các phụ nữ giúp đỡ các tông đồ rất nhiều công việc. Ngày nay cũng vậy,
các nữ tu và quý bà vẫn là các trợ thủ đắc lực trong việc truyền giáo. Ai dám
chê họ là liễu yếu đào tơ? Đôi khi họ “lắm chuyện” một chút thôi, chứ họ tác dụng
hiệu quả lắm đấy!
Xã hội cũng vậy, đã và
đang có nhiều phụ nữ giỏi giang và xuất chúng trong các lĩnh vực mà trước đây
chỉ có nam giới. Cứ động viên và cứ để họ làm, công việc có khi còn tốt hơn nhiều.
Nam giới đừng vội ảo tưởng hoặc “chảnh” đấy nhá!
Tóm lại, phàm nhân quá yếu
đuối – với đầy đủ thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) và “tam độc”
Tham-Sân-Si. Vì thế, con người luôn cần Thiên Chúa phù trợ. Như vậy, chúng ta
phải luôn chân thành van nài Đấng-giàu-lòng-thương-xót: “Xin canh giữ MIỆNG
con, lạy Chúa, và trông chừng LƯỠI con. Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ,
đừng để con làm điều ác với bọn gian tà” (Tv 141:3-4).
TRẦM THIÊN THU
CHÚ THÍCH:
(*) Talmud (tiếng Do Thái
làתַּלְמוּד – nghĩa là “giảng dạy, học tập”, cũng có nghĩa là “giảng dạy,
nghiên cứu”) là văn bản chính của giáo sĩ Do Thái giáo [rabbinic], cũng được gọi
theo cách truyền thống là Shas [ש”ס],
một từ viết tắt trong tiếng Do Thái là shisha sedarim, tức là “sáu thứ bậc”
trongKhẩu Luật (luật miệng) của Do Thái giáo
Talmud có hai phần:
Mishnah (tiếng Do Thái là משנה, năm 200 sau công nguyên), bản tóm đầu tiên bằng
văn bản của Khẩu Luật của Do Thái giáo, và Gemara (năm 500 sau công nguyên), giải
thích cho tác phẩm Mishnah và liên quan tới các bài viết Tannaitic mà thường
xuyên đề cập các đối tượng khác và được giải nghĩa rộng rãi trong Kinh Thánh Do
Thái. Thuật ngữ Talmud và Gemara thường được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù
không được thống nhất. Toàn bộ kinh Talmud bao gồm 63 bài luận, trong bản in
tiêu chuẩn dài hơn 6.200 trang, được viết bằng tiếng Tannaitic của Do Thái và
tiếng Aram của Sy-ri. Talmud bao gồm những ý kiến của hàng ngàn giáo sĩ Do Thái
về nhiều chủ đề– bao gồm pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần
học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Talmud là cơ sở cho tất cả các bộ luật
của luật giáo đoàn Do Thái giáo và được trích dẫn nhiều trong các tài liệu khác
của giáo đoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét