Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

SỐNG ĐỨC TIN VỚI NHỮNG GIỚI HẠN


SỐNG ĐỨC TIN VỚI NHỮNG GIỚI HẠN 




 1. Càng về cuối đời, tôi càng nhận thức rõ hơn về những giới hạn của mình, cách riêng là về 3 giới hạn sau đây.

  2. Giới hạn về sự nhận biết ơn Chúa ban cho tôi.

Xưa, trên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria rằng: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho chị” (Ga 4,10). Với lời đó, Chúa Giêsu cho người phụ nữ thấy chị chưa thực sự nhận ra ơn Chúa ban cho chị.

Ơn Chúa ban cho tôi rất nhiều, thuộc phần hồn và phần xác, trong mọi lãnh vực.

Nói theo ngôn từ Phúc Âm, những ơn Chúa ban cho tôi đủ loại đó có thể ví như những nén bạc, mà Chúa trao cho tôi, để tôi sinh lời (x. Mt 25,14-28). Tôi có dùng những nén bạc đó, để làm cho tôi nên người tốt, có lợi cho phần rỗi của mình và của người khác, cũng như cho Nước Chúa không?

Tôi phải lương thiện nhìn nhận rằng: Trong việc nhận ra ơn Chúa ban, tôi đã có nhiều giới hạn.

Biết bao lần, những niềm vui và những thành công thì được tôi nhìn nhận là ơn Chúa, còn những đớn đau và những thất bại thì không nhận là ơn Chúa, đang khi chính những đớn đau và những thất bại lại chính là cơ hội Chúa gởi tới để Chúa ban cho tôi những ơn cao quý.

Biết bao lần, những người giàu sang đến với tôi để tặng quà cho tôi, thì tôi cho là ơn Chúa ban, còn những người nghèo khổ đến với tôi để xin cầu cứu, thì tôi không cho là ơn Chúa, đang khi họ chính là địa chỉ chính xác Chúa đợi, để bất cứ sự gì tốt tôi làm cho họ, đều sẽ được Chúa kể như là làm cho chính Chúa.

Biết bao lần, Chúa gởi đến cho tôi những biến cố, những con người, những sự việc kêu gọi tôi sửa mình, để trở nên người đạo đức hơn. Nhưng tôi không quan tâm, vẫn dửng dưng, vẫn bỏ lỡ cơ hội.

  3. Xưa, Chúa Giêsu đến với các người đồng hương, rao giảng Tin Mừng, nhưng họ không nhận ra Người là Tin Mừng, họ xua đuổi Người.

Xưa, Chúa Giêsu trừ quỷ và làm nhiều phép lạ, để làm chứng Người là Tin Mừng cứu độ. Nhưng bao người có đạo thời đó, chính các thượng tế và Thượng Hội Đồng cũng không tin nhận Người, thậm chí còn tìm cách giết Người.

Rất có thể, Chúa Giêsu cũng đang đến giữa lịch sử hôm nay và đang làm nhiều phép lạ. Nhưng biết đâu nhiều người, trong đó có tôi, vẫn không nhận ra Người.

Giới hạn trong sự nhận ra ơn Chúa luôn vẫn mãi tồn tại. Biết đâu giới hạn đó nơi tôi đang trong tình trạng trầm trọng.

  4. Một giới hạn nữa nơi tôi cũng có thể trong tình trạng trầm trọng, đó là giới hạn về sự khôn ngoan.

Phúc Âm dạy tôi phải rất khôn ngoan. Khôn ngoan trước hết là trong những ưu tiên phải chọn cho đời mình.

Ưu tiên lo cho phần rỗi linh hồn. Chúa phán: “Được mọi sự thế gian, mà mất linh hồn, thì nào được ích gì?” (Mt 16,26).

Ưu tiên biết sợ Chúa. Chúa phán: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy biết sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác anh em trong hoả ngục” (Mt 10,28).

Ưu tiên thực thi ý Chúa. Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Thêm vào sự khôn ngoan về chọn ưu tiên, Chúa cũng đòi phải khôn ngoan trong thái độ sống:

Chúa phán: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói. Anh em phải khôn như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16).

Phúc Âm cho thấy: Cũng là việc rao giảng, cũng là việc làm phép lạ chữa bệnh, cũng là việc trừ quỷ, nhưng Chúa Giêsu có lúc làm những việc đó ở nơi này mà không làm ở nơi khác, có lúc làm ở thời điểm này, mà không làm ở thời điểm khác. Đó là bài học về sự khôn ngoan trong thái độ sống.

Một bài học nữa Chúa dạy tôi về sự khôn ngoan trong mục vụ. Chúa phán: “Ách tôi thì êm ái, và gánh tôi thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Với lời đó, Chúa muốn những môn đệ Chúa đừng bao giờ làm cho bất cứ ai lầm tưởng: Theo đạo Chúa là phải mang lấy những gánh nặng, nhưng trái lại sẽ cảm thấy cuộc sống đạo là êm ái, là nhẹ nhàng. Sự khôn ngoan đó trong mục vụ của Chúa luôn cảnh giác tôi về các thứ mục vụ chồng chất những gánh nặng về luật lệ không cần thiết.

Giới hạn về sự khôn ngoan nơi tôi là thế nào? Tôi nhìn nhận là có nhiều. Nếu tôi không thận trọng, giới hạn đó cũng có thể trở nên nguy hiểm.

  5. Giới hạn nguy hiểm nữa nơi tôi là giới hạn về sự tỉnh thức.

Từ ít lâu nay người ta nói nhiều đến dấu chỉ thời đại. Dấu chỉ thời đại thường là những khác thường xảy ra trong lịch sử, thí dụ sự kiện Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Phanxicô xuất hiện kéo chú ý nhiều người về cải cách trong lãnh vực đạo đức, mục vụ và truyền giáo. Rất nhiều người nhìn Ngài mà hiểu về hướng thời đại.

Xưa Chúa Giêsu phán với các người Pharisêu và Sađốc rằng: “Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điểm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi” (Mt 16,3). Nếu tôi không cố gắng, tôi cũng sẽ bị Chúa trách như thế.

Một tỉnh thức nữa, tôi rất sợ tôi cũng có nhiều giới hạn, đó là tỉnh thức về bổn phận liên đới.

Chúa dạy tôi về bổn phận liên đới trong dụ ngôn người phú hộ và người ăn mày Ladarô (x. Lc 16,19-31). Nhà phú hộ hưởng thụ tối đa những gì ông có, như địa vị cao sang, của cải dư thừa, bạn bè quý tộc, với những tiệc tùng ngày nọ sang ngày kia. Đang khi đó, ngay ở cửa nhà ông, có một người ăn mày nằm đó, bệnh tật, đói khổ, cô đơn. Nhà phú hộ coi mình như không có bổn phận gì với người ăn mày đó. Nhưng, sau khi chết rồi, Chúa xét xử ông rất công minh về bổn phận liên đới của ông với người ăn mày. Ông bị ném xuống hoả ngục, đời đời sẽ phải ở đó.

Dụ ngôn trên đây đòi tôi phải tỉnh thức rất nhiều về bổn phận liên đới của tôi với những người nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn xung quanh tôi.

Một tỉnh thức nữa, mà Chúa hay nhắc tôi trong Phúc Âm là tỉnh thức đón giờ Chúa gọi về đời sau. Có thể sẽ có những bất ngờ. Nếu không tỉnh thức, tôi sẽ phải lãnh lấy những hậu quả khủng khiếp đời đời.

Nhưng từ đây đến khi chết, tôi sẽ gặp nhiều bất ngờ, trong đó có những bất ngờ đau đớn và khủng khiếp. Nếu tôi không tỉnh thức, những bất ngờ đó có thể sẽ tàn phá đời tôi và tương lai của Hội Thánh.

  6. Tôi xin tạm dừng ở đây, để cảm tạ Chúa đã cho tôi thấy những giới hạn của tôi. Cảm tạ đi đôi với sám hối. Tất cả đều dựa trên đức tin.

Tôi tin ở Chúa, mà không có giới hạn nào. Tin như trẻ thơ trong lòng người mẹ, người cha của mình. Tin tuyệt đối, tin vững vàng.

Tin của tôi là gặp gỡ Chúa Kitô, vâng lời Người là gắn bó mật thiết với Người. Tin của tôi là dấn thân bước theo Chúa Kitô sống yêu thương phục vụ.

Tin của tôi là phó thác mình cho Chúa với nhận thức mình tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ và với xác tín Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.

Lạy Chúa, xin xót thương con.

+GM GB Bùi Tuần

Đăng ngày 22 tháng 11 năm 2013.


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

DÙNG MUỐI VỪA PHẢI



DÙNG MUỐI VỪA PHẢI
                                                        ( BS Nguyễn Ý Đức)
                                    

Muối ăn (NaCl) là những hạt mầu trắng, vị mặn, tách ra từ nước biển hoặc khai thác từ mỏ di tích của biển. Đây là một chất cần thiết cho mọi sinh vật nhưng cũng có nguy cơ gây bệnh nếu dùng quá nhiều.

Muối ăn được dùng từ thuở rất sớm trong lịch sử  loài người. Trước đây, vì khan hiếm, nên muối là nguồn lợi mà nhiều lãnh chúa tranh giành. Ngày nay, nhờ kỹ thuật tinh chế tân tiến, muối được sản xuất dễ dàng, nhiều hơn và rẻ hơn.

Về cấu tạo hóa chất, muối ăn gồm hai phần tử là natri (40%) và chlor (60% ). Natri có  trong nhiều thực phẩm, nhất là trong thực phẩm chế biến và các loại nước uống.

Nhiều người cho là muối biển tốt hơn nhưng thực ra muối từ biển và muối từ mỏ có cùng lượng natri như nhau. Có thể là ở một vài mỏ, muối ít mặn vì nước biển xưa kia cũng nhạt hơn nước biển ngày nay

Vai trò muối trong cơ thể

Trong cơ thể, muối nằm trong các dung môi lỏng (50%), dự trữ trong xương (40%) và 10% trong các tế bào.

Vai trò chính yếu của muối, nhất là natri, giúp giữ cân bằng dung dịch chất lỏng ra vào các tế bào. Ngoài ra, muối còn có các vai trò khác như:

 - Kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp;

 - Duy trì nồng độ acid/kiềm của cơ thể;

 - Dẫn truyền tín hiệu thần kinh;

 - Giúp cơ thể tăng trưởng;

 - Giúp bắp thịt co duỗi;

 - Giúp mạch máu co bóp khi được kích thích hoặc dưới tác dụng của kích thích tố;

 - Hổ trợ việc hấp thụ đường glucose và các chất dinh dưỡng khác ở trong ruột.

Công dụng dinh dưỡng

- Muối tạo ra một vị mặn đặc biệt cho thực phẩm.

- Muối làm tăng mùi vị của món ăn. Chỉ với một chút muối có thể làm sự  thơm ngon của miếng thịt lợn nướng chả dậy mùi. Một vài món thực phẩm ngọt mà chêm tý muối cũng đậm đà hơn.

- Muối được dùng để cất giữ thực phẩm, chống lại tác dụng của vi khuẩn, nấm mốc. Với thịt chế biến, muối làm các thành phần của thịt kết liên với nhau. Nhờ muối mà thực phẩm có thể để dành lâu ngày cũng như chuyên trở tới các địa phương xa.

- Muối ngăn sự lên men của thực phẩm. Lên men làm thay đổi hóa chất, hương vị, hình dạng, vẻ ngoài của món ăn.

Về dinh dưỡng, muối có trong thực phẩm tự nhiên và nước uống (20-40%), được cho thêm khi nấu nướng hoặc khi ăn. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là trong thực phẩm chế biến (40-50%). Vì thế, khi mua các loại thực phẩm chế biến, ta cần đọc  kỹ nhãn hiệu thực phẩm để biết hàm lượng muối trong đó. Nước tương tầu, nước mắm, các loại nước chấm xì dầu, mù tạc, ketchup, salad dressing... cũng có nhiều muối.

Nhu cầu

Nhu cầu muối ở người bình thường tùy thuộc vào khí hậu thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 120 mg muối qua phân, nước tiểu, mồ hôi...

Các chuyên viên y tế dinh dưỡng đều khuyên là mỗi ngày ta không nên dùng quá 2500mg natri, tương dương với một thìa cà phê muối. Thực ra, cơ thể chỉ cần khoảng 500 mg natri là đủ để duy trì sức khỏe. Số lượng này có sẵn trong các bữa ăn đa dạng và cân bằng các chất dinh dưỡng.

 Nhiều người ăn tới 5000- 6000mg natri  một ngày. Họ không thấy ngon miệng đối với món ăn ít muối vì thế mỗi khi ăn lại phải thêm muối vào thực phẩm để tăng khẩu vị. Họ rất thích ăn thực phẩm làm sẵn như khoai mỏng chiên, đậu phọng, hột điều rang trong đó có khá nhiều muối.

 Dùng muối nhiều hay ít, mặn hay nhạt là một thói quen, giống như khi ta ăn các món cay, chua, ngọt. Người quen ăn nhạt, độ 250 mg muối mỗi ngày,  rất nhạy cảm đối với muối, và nếu trong thức ăn có thêm một chút muối, họ cũng phân biệt được ngay. Trái lại những người quen ăn mặn, từ 10 đến 20 gr mỗi ngày, thì có cái lưỡi như chai lì với muối, và nếu thức ăn có thêm muối họ cũng không thấy mặn hơn.

Khi có thói quen ăn nhạt thì thưởng thức được hương vị nguyên thủy của nhiều thực phẩm không thêm muối.

Tác dụng trên sức khỏe

 Mối quan tâm thứ nhất của nhiều người là sự liên hệ giữa quá nhiều muối với cao huyết áp. Liên hệ này thực ra đã được để ý tới từ hàng ngàn năm nay.

Người Nhật ở Miền Bắc ăn 28 g muối (khoảng 6 thìa cà phê) mỗi ngày cho nên tỷ số người mắc bệnh cao huyết áp cao hơn dân miền Nam ít ăn muối tới 38%.

Thổ dân Alaska ăn ít muối nên ít bị bệnh cao huyết áp.

Người Mỹ ăn từ 10 đến 15 g muối mỗi ngày, tức là gấp đôi hay gấp ba số lượng vừa phải, cho nên tỷ lệ dân chúng bị bệnh cao huyết áp lên tới 25%. Cao huyết áp là một trong nhiều nguyên cơ đưa tới tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và suy thận.

Khi ăn nhiều muối thì sự thăng bằng giữa kali và natri trong cơ thể bị đảo lộn vì natri cao sẽ làm giảm kali trong các mô. Khi cho thêm muối vào các loại rau, đậu thì sự thăng bằng giữa natri và kali trong rau đậu cũng thay đổi.

Ví dụ trong 100 g đậu tươi có 300 mg kali và 2 mg natri. Khi thêm muối vào đậu để đóng hộp thì natri lên đến 236 mg và kali giảm xuống còn 160 mg.

Khi mức thăng bằng giữa natri và kali trong cơ thể bị đảo lộn thì cơ thể bị chứng phù nước. Đây là sự tích lũy bất thường của nước trong khoảng trống giữa các tế bào. Hậu quả là các mô thiếu dưỡng khí và là nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh trầm kha như bệnh suy tim. Đồng thời tim cũng phải làm việc mạnh hơn để đẩy máu vào mạch máu, và huyết áp lên cao.

Người nhậy cảm với muối thì chỉ ăn một phân lượng nhỏ, huyết áp cũng lên quá mức trung bình.

Để biết  có nhậy cảm hay không, có thể thử bằng cách sau đây: Khi huyết áp cao,  không ăn muối trong một tháng rồi đo huyết áp đều đặn. Nếu huyết áp giảm thì có nhiều phần là nhậy cảm với muối và nên giảm tiêu thụ hoặc dùng muối thay thế.

Kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có chất natri trong muối ăn natri chlorid mới gây chứng cao huyết áp còn các loại natri khác như natri bicarbonat trong bột nướng bánh, natri citrat trong trái cây chua, natri artrat trong rượu vang đều không có liên hệ gì với bệnh cao huyết áp.

 Một người Đức tên là Sebastian Kneipp, sống vào đầu thế kỷ 20, đã làm một cuộc thí nghiệm hi hữu về muối để thỏa óc tò mò.

Ông ta pha thêm muối vào thực phẩm của bò và quan sát phản ứng của con vật này. Kết quả là khi ăn nhiều muối, bò chết sớm. Khi ngưng muối thì bò sống lâu hơn, và cũng không còn đẻ non.

Gần đây có người lại thí nghiệm cho chuột ăn thêm muối. Kết quả là chuột ăn nhiều muối chết trước chuột ăn ít muối vài tháng.

Giảm muối

Thực ra ta không nên và không được loại bỏ muối khỏi món ăn vì cơ thể cần một số lượng tối thiểu. Hơn nữa, dù  muốn bỏ cũng chẳng được vì muối có tự nhiên trong nhiều thực phẩm. Nếu vì lý do sức khỏe mà phải hạn chế thì sau đây là vài gợi ý để giảm muối trong thức ăn:

- Nên dùng thực phẩm tươi, giới hạn thực phẩm biến chế, đóng hộp;

- Không cho thêm muối khi ăn;

- Không cho nhiều muối khi nấu thực phẩm. Khi ăn, thấy nhạt thì dùng thêm. Cho muối khi món ăn nấu đã gần chín, như vậy nước xúp sẽ cho cảm giác mặn hơn.

- Các loại thực phẩm ướp muối cần được rửa nhiều lần với nuớc lã để loại bỏ bớt muối trước khi ăn;

- Không để lọ muối trên bàn ăn, tránh bị quyến rũ .

- Đừng cho muối vào rau luộc, vì muối hút nước từ rau ra, rau sẽ cứng;

Phụ nữ có thai không nên quá tiết giảm sodium để tránh phù nước, vì có thai cũng cần một số sodium có trong món ăn hàng ngày.

Các vận động viên  hoặc người làm việc lao động ngoài nắng, đổ mồ hôi nhiều và mất bớt muối cũng không cần uống thêm natri, vì thực phẩm dùng sau khi vận động đều cung cấp số muối đã mất.

Một số dược phẩm bán tự do cũng có natri: thuốc làm bớt chứng khó tiêu bao tử (loại alkalizer), thuốc ho, thuốc xổ táo bón, thuốc kháng sinh... Do đó, trước khi dùng các loại thuốc này, xin coi kỹ nhãn hiệu và hỏi ý kiến bác sĩ.

 Ngoài ra, chúng ta cũng nên cẩn thận khi dùng những món như mù tạt, nước sốt cà chua, dầu giấm, nước chấm thịt nướng, nước tương, xì dầu, bột ngọt và ngay cả món quốc hồn quốc túy nước mắm của mình, vì chúng có khá nhiều natri. Một muổng canh nước mắm có tới 2000 mg natri.

Kết luận

Ăn nhạt mặn là một thói quen có thể thay đổi được nếu ta muốn.

Nói như vậy không có nghĩa là ta phải ăn hoàn toàn nhạt, trừ khi có khuyến cáo của thầy thuốc. Nhưng giảm thói quen ăn mặn, chỉ dùng một lượng muối vừa phải có thể giúp ta thưởng thức thực phẩm tốt  hơn, vì thực phẩm thêm nhiều muối sẽ mất đi hương vị tự nhiên của nó.

Và sức khỏe cũng được bảo đảm an toàn, không dễ dàng bị Cao Huyết Áp rồi Heart attack, Stroke…xe lăn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Tác giả:  Câu chuyện Thầy Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Dec 1, 2013 - Chúa nhật I Mùa Vọng năm A Chúa chúng ta sẽ đến!



Dec 1, 2013 - Chúa nhật I Mùa Vọng năm A

Chúa chúng ta sẽ đến!



Các Bạn thân mến,
Thường những tháng cuối năm thì đâu đâu cũng bận rộn buôn bán làm ăn, kinh doanh sản xuất đủ thứ mặt hàng cho dân chúng chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh và Năm Mới. Nhưng mấy tuần nay bảo táp, lụt lội lại thi nhau tung hoành khắp nơi như:
. Trận bão tuyết lớn cả nửa thế kỷ, tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua đã tràn ngập, làm tê liệt một số thành phố thuộc vùng đông bắc Trung Quốc.

. Siêu bão Haiyan làm Phi Luật Tân tan nát. Tỉnh Tacloban, nơi cơn bão đổ trực tiếp đã có trên 100 người chết và hàng ngàn người bị thương, đói rách, không nhà cửa. Đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử mà nước này từng hứng chịu.

Hiện nay, nhà ga, sân bay ở các vùng bão Haiyan đi qua đã bị phá hủy hoàn toàn. Người dân Phi Luật Tân bị sốc nặng và đang tập trung xung quanh các sân bay để chờ đợi cứu trợ thức ăn, thuốc men và nước uống.

Sức phá hủy của cơn bão đã được dự báo là một thảm họa khủng khiếp. Đám mây đã bao phủ toàn bộ Philippines, kéo dài đến 1800km.

. Tại các tỉnh miền Trung Việt Nam chúng ta cũng bị siêu bão mạnh nhất trong lịch sử 10 năm qua càn quét.

Lũ vượt đỉnh lịch sử cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà khiến người dân các vùng rốn lũ Quảng Ngãi phải sống khốn khổ trong lều bạt chật hẹp, nhà văn hóa hoặc nương nhờ trường học.

Cơn bão lũ lớn làm tan hoang, cuốn trôi tất cả những gì nó đi qua, làm sập đổ hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng…
Dân chúng chưa kịp khắc phục hậu quả sau cơn lũ vượt đỉnh lịch sử, thì chiều 17/11, một cơn lũ khác lại tràn về, dâng cao trên các dòng song khiến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Trị Thiên… đối mặt "lũ chồng lên lũ", vượt mức báo động, tiếp tục gây ngập sâu hàng nghìn nhà dân ở các quận, huyện. 
. Ở Mỹ, cũng bị một cơn bão mạnh mùa đông gây ra mưa lạnh và tuyết rơi ở phía tây nam, làm ít nhất 13 người thiệt mạng.

Bão tuyết đổ bộ vào khu vực này cuối tuần trước, rồi tiến dần về phía đông nước Mỹ, nơi người dân đang chuẩn bị đón Lễ Tạ ơn vào ngày 28/11, dự đoán sẽ có khoảng năm chục triệu người ra đường vào kỳ nghỉ cuối tuần, đúng vào lúc bão hoành hành.

Theo NBC News, nhiều tuyến đường bão đi qua bị đóng băng và ngập lụt khiến giao thông trở nên nguy hiểm. Tám người đã chết vì tai nạn giao thông ở hai bang Oklahoma và Texas.

Ngoài ra, bão mùa đông còn làm ba người thiệt mạng ở California, nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng. Ở bang Arizona, một người bị nước lũ trên sông Santa Cruz cuốn trôi.

Các nhà khí tượng học của trang Accuweather.com dự báo, do ảnh hưởng của cơn bão, khu vực núi Appalachian và New England ở đông bắc Mỹ sẽ có tuyết rơi. Ở phía nam, mưa lớn có thể gây trở ngại cho cả giao thông đường bộ và đường hàng không.

Hẳn ai cũng đau buồn, sững sờ, kinh hoàng vì thiên nhiên dồn dập tấn công nhiều nơi, gây tai nạn, phá tan tài sản, dập nát thiên nhiên… nhưng Kito hữu chúng ta chắc cũng không ngạc nhiên lắm, bởi nếu biết tai nạn sẽ xẩy ra thì ai cũng đề phòng, tránh né. Nhưng nào ai biết được giờ phút mình gặp nạn, mình ra khỏi thế gian? Đó là điều Đức Giesu đã nhắc nhở rất nhiều lần, đặc biệt hằng năm, mỗi khi mùa Vọng về.

Chuá nhật này, một lần nữa chúng ta cùng Giáo Hội đón Mùa Vọng năm A. Chờ mong đợi chính Chúa đến. Khi đến, Ngài sẽ mang cho chúng ta bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng những ơn lành ấy chỉ đến với những ai đã chuẩn bị đón nhận Ngài.

Để thế giới được tốt đẹp hơn, con người thương yêu nhau hơn. Tương lai ấy được Isaia diễn tả bằng những hình ảnh thi vị: Là thời dân Thiên Chúa được tôn vinh, nghĩa là Thiên Chúa được tôn vinh, vì chính nhờ đức tin của họ mà các dân tộc trên mặt đất sẽ biết tới Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, đó là thời thái bình.

Giấc mơ của Ngôn sứ Isaia thật táo bạo tuyệt vời: mơ ngày các nước không còn chém giết nhau, gươm được rèn thành lưỡi cày, giáo rèn nên lưỡi liềm, và mọi người sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa. Dù giấc mơ ấy có đến hay không và đến như thế nào, không ai biết, nhưng vẫn có nhiều người tin rằng thế nào nó cũng đến nên miệt mài đợi chờ. Việc theo đuổi giấc mơ ấy cũng có ảnh hưởng tốt trên cuộc đời. Bởi điều quan trọng không phải là đạt được mục đích mà là sống có mục đích. Vì có một mục đích tốt cho đời mình thì kể như đủ, miễn là không bao giờ chúng ta bỏ mục đích ấy.

Vậy Kitô hữu chúng ta hãy góp phần vào việc thực hiện giấc mơ thái bình của Isaia, bằng những cố gắng xoá bỏ óc kỳ thị, ích kỷ, chia rẻ...qua cách gieo rắc hòa thuận, cảm thông, hợp tác...

Đừng thất vọng, vì chúng ta không cô đơn trong những cố gắng ấy, có Chúa giúp, vì Ngài yêu thương nên đã sai Con Một đến ở với chúng ta, thiết lập Nước Thiên Chúa nơi trần gian, để cùng đồng hành với chúng ta trong nỗ lực leo lên đỉnh núi thái bình.

1.    Sự quang lâm của Chúa:

 Đó chính là lúc Ngài đến phán xét chung cuộc cho tòan thế gian.

-   Dù nhiều lần nói đến mọi sự trong thế gian sẽ phải chấm dứt, nhưng Đức Giesu cũng không bao giờ xác định ngày giờ đó.

-   Ngài chỉ đặc biệt lưu ý chúng ta:

        . Ngày ấy sẽ đến một cách không ai ngờ, như chuyện Hồng thuỷ thời Nôe: thiên hạ không nghe lời kêu gọi, cứ mải mê với những chuyện thế tục:"cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn trôi đi hết thảy."

        . Trong Ngày ấy, số phận loài người sẽ phân thành hai hạng khác nhau: có người sẽ"được đem đi", nghĩa là được nhận vào hưởng hạnh phúc với Chúa, có người sẽ "bị bỏ lại", nghĩa là không được hưởng hạnh phúc ấy.

        . Ðược tiếp nhận hay bị bỏ lại là do cuộc sống và sự chuẩn bị đón tiếp Chúa của người đó.

-   Thật vậy, nhiều khi dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng đêm bởi những việc làm đen tối, đam mê, say sưa, chơi bời, vì ích kỷ, tranh chấp đố kỵ, chỉ lo lắng thỏa mãn dục vọng.

-   Cần nhớ rằng không biết rõ thời gian, không nắm được ngày giờ cụ thể là một điều rất khó khăn, nguy hiểm khi làm việc; do giới hạn, chúng ta thừơng chỉ làm được những việc rõ ràng, có kết qủa khi biết những yếu tố liên quan, cụ thể sắp xếp tính tóan được, đặc biệt là thời giờ.

-   Còn Thiên Chúa làm chủ thời gian nên muốn bí mật về nó, con người không có quyền biết. Đừng dại khờ tò mò tìm cách này cách khác dò xét, phỏng đóan ngày trở lại của Ngài, bởi sẽ vô vọng, uổng công và phạm thượng mà thôi.

-    Hãy chu toàn phận sự của mình, sống xứng đáng một con người, một Kito hữu và chuẩn bị như lời Chúa căn dặn để nắm được kết qủa của đời mình thì thiết thực hơn. 

 -   Mà xét cho cùng thì chẳng có gì là bất ngờ, vì tất cả đã được báo trước cách gần xa, chẳng qua chúng ta mê say, coi thường, không đề phòng nên ảo tưởng là bất ngờ mà thôi.

 -   Hãy sáng suốt, nhìn xa trông rộng, thường xuyên xem xét lại mình, theo dõi bước tiến cuộc đời mình, sẽ đón nhận mọi sự như một việc tuần tự phải đến theo kế hoạch sống mà Chúa đã vạch cho mỗi người.

 -   Chúng ta sẽ tránh được nhiều lỗi lầm, giảm nhiều sai phạm, lạc quan sống và an tâm đón chờ Chúa.

 -   Cùng biết cảm tạ Ngài vì trong cuộc sống, giữa những bề bộn lo lắng về thế tục, Lời Chúa vẫn nhắc chúng ta phải biết quan tâm đến nhiều việc khác thuộc siêu nhiên, vĩnh cửu, tinh thần, ... Tỉnh táo nghe thì sẽ "được tiếp nhận", thờ ơ thì sẽ "bị bỏ lại".

-    Như thế, ngay điều con người cho là bất ngờ nhất, bất ngờ cuối cùng, là sự chết, chúng ta cũng có thể từ giã thế gian với giờ phút tốt đẹp nhất, nhẹ nhàng êm ái nhất, đang lúc tâm lòng chúng ta an bình chờ đợi, đang khi chúng ta chu toàn bổn phận cuối cùng của mình.

2.   Chuẩn bị:

 Nếu ngày giờ Chúa trở lại không ai biết được thì mọi khía cạnh của đời sống đều phải thường xuyên làm tốt, chuẩn bi cho ngày giờ ấy. Do đó có những điều căn bản cần lưu ý:

      a)  Cảnh giác:

-  Cảnh giác, tỉnh thức nghĩa là phải sáng suốt, tích cực chiến đấu để tránh né, loại trừ mọi cám dỗ của sự dữ và hưởng ứng sự thiện.

-  Chuẩn bị sẵn sàng là thay đổi cách sống: bỏ nếp sống không đúng thể hiện trong tư tưởng, lời nói, hành động, tính cách, thói quen, dục vọng...thay vào đó bằng một cuộc sống lành mạnh theo Tin Mừng.

-  Kinh nghiệm cho thấy chúng ta sẽ tránh được nhiều tai họa nếu luôn biết chuẩn bị chu đáo, đề phòng, cảnh giác, canh chừng, suy nghĩ cẩn thận mọi mặt.

 -  Vì sự bất ngờ là vũ khí rất lợi hại của những người xấu, trộm cướp, gian phi…

 -  Đức Giesu đã dùng hình ảnh tên trộm cướp để cảnh giác, nhắc nhở, chứ không phải để đe dọa chúng ta.

 -  Nhưng dường như lúc nào chúng ta lơ là, sơ hở, coi thường thì là lúc Chúa thử thách hay ghé thăm chúng ta.

 -  Mặt khác, cũng cần nhớ rằng chúng ta trông đợi, chờ mong Chúa trở lại không phải là sống trong sợ hãi kinh khiếp, thấp thỏm, ngồi ngóng trông, mà là một sự trông chờ náo nức vui mừng vì sẽ được phần thưởng vinh quang, gặp Đấng thương yêu.

 -  Chuẩn bị cũng là:

          . Sống có mục đích, có ước mơ, có lý tưởng tốt và quyết tâm theo đuổi.

          . Tích cực chiến đấu lọai trừ sự dữ và những lôi cuốn của nó để hướng theo sự thiện.

          . Luôn nhớ rằng chúng ta không cô đơn trong cố gắng, chiến đấu, mà luôn có Chúa cùng đồng hành.

          . Thiên Chúa có nhiều cách để kêu gọi, thức tỉnh mọi người về thể xác, về xã hội, về đạo đức.

  -    Câu chuyện ông Noe, vẫn mãi mãi là một tấm gương, một kinh nghiệm, một lời cảnh cáo cho mọi người, đừng quên cõi đời đời mới là cuộc đời chính cuả mình, đừng quên có một Thiên Chúa nắm quyền sinh tử toàn không gian vũ trụ trời đất.

  -   Vì nhân từ, Ngài báo trước để chúng ta nhận biết sâu đậm rằng chỉ có mt lựa chọn duy nhất là luôn sẵn sàng tuân phục sự quan phòng của Ngài.

 -   Người khôn ngoan, biết trân quí chân thiện mỹ sẽ nhận rõ ràng giới luật của Thiên Chúa không nghịch với căn tính nhân bản của con người, mà bổ sung, nâng cao con người lên, trở về với sự tốt đẹp thanh thoát Ngài đã dựng ban đầu.

-    Như vậy thì việc tuân giữ tin theo Tin Mừng không phải là việc quá đáng, vượt ngoài sức chúng ta. Và nghe lời Chúa thì chắc chắn không phải đối mặt với bất ngờ nào.

      b) Chủ quan về thời gian:

 -  Tự nghĩ mình còn có nhiều thời gian là tâm lý thường tình của con người, nhưng là một thái độ nguy hại nhất, ảo tưởng nguy hiểm nhất.

 - “ Đừng vội vã, lát nữa, ngày mai sẽ hay, lo gì...", là những câu an uỉ,  lừa bịp, đánh lừa mà ma qủi dùng làm hại chúng ta.

 -   Biết bao người đã phải ra đi trong tình trạng bất ngờ qua một tai nạn, một cơn đột trụy, một làn gío độc...

 -   Và cũng nhiều người trước giờ phút lâm chung đã vô cùng tiếc nuối:"Thật không ngờ, muộn qúa rồi...", " tôi chưa muốn chết, còn việc này, việc kia, còn con cái tôi..."

 -   Vậy hãy nghe Chúa, sống theo Tin Mừng, nhìn gương tốt, cái xấu chung quanh để biết mình phải làm gì, có thể làm gì thì làm ngay, đừng chần chừ, đừng ảo tưởng, đừng chủ quan về thời gian; bởi có ai biết mình có bao nhiêu thời gian để sống? Có ai mua bán được thời gian? Có ai nắm cầm, van xin, níu kéo được thời gian, dù chỉ một giây phút?

Lạy Chúa, khát vọng sâu xa nhất của con người thời nay là được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Nhưng cuộc sống lại luôn gây ra những cảnh khổ nghèo, tang thương, chết chóc.

Xin cho chúng con biết quay về, nuôi hy vọng được bước đi trong ánh sáng và sự quan phòng của Ngài, cho tinh thần sáng suốt để luôn ăn ở đứng đắn, biết yêu thương phục vụ với lòng bác ái, biết chuẩn bị lên đường về nhà Chúa, đừng mải mê tham lam những sự trần gian. Hầu ngày giờ Chúa đến thật là một ngày vui trọn vẹn cho chúng con, và cho hết những ai biết chuẩn bị chu đáo đón Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,

duyenky