Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Đời người cần ít đi một chút xao động, nhiều hơn một chút tĩnh khí


Đời  người  cần  ít  đi  một  chút  xao  động, nhiều  hơn  một  chút  tĩnh  khí

An Hòa•Thứ Hai, 04/01/2021 • trithucvn.org


(Ảnh minh họa: Album “Tuổi thơ quê hương” của Vũ Anh Dũng)


Xưa nay, bất kể trường phái chính đạo nào đều tôn sùng “bình tâm tĩnh khí”. Từ Phật gia, Nho gia, Đạo gia cho đến y học, võ thuật, trị quốc đều đề cao sự tĩnh lặng của nội tâm con người. Có thể thấy phẩm chất này có tầm quan trọng rất to lớn trong nhân sinh quan của người xưa.

Phật gia có câu: “Do giới nhi định, định năng sinh tuệ”, ý nói rằng khi tuân thủ những giới cấm được quy định thì người tu hành mới có thể định lại được, định lại được rồi thì mới có thể sản sinh ra trí tuệ. Định ở đây chính là tâm có thể tĩnh lại, không có ý niệm hay ngoại cảnh nào còn chi phối được nữa.

Đạo gia thì cho rằng “Lấy động dưỡng thân, lấy tĩnh dưỡng thần”, tĩnh khắc thiên địa rộng lớn, tĩnh chí ổn định, tâm tĩnh thần minh.

Trong cuốn Kinh Lễ của Nho gia lại giảng:

Đạo của Đại Học là ở chỗ làm sáng tỏ đức sáng của mình, làm mới đức sáng của dân và đứng vững ở chỗ chí thiện. Biết chỗ đứng vững rồi sau mới có thể định, định rồi sau mới tĩnh, tĩnh rồi sau mới an, an rồi sau mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ rồi sau mới đạt được. Vạn vật đều có gốc có ngọn, sự việc đều có đầu có cuối, biết được cái gì trước cái gì sau là gần với đạo vậy.

Đông y có câu: “Tinh thần nội thủ, bệnh tòng an lai”, ý nói, tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì sẽ không có bệnh tật.

Quyền thuật thì cho nói rằng: “Động tắc như long hổ, tĩnh do cổ phật tâm”, tức là động tác thì mạnh mẽ như rồng như hổ, nhưng cái tâm tĩnh lại là tâm hướng Phật, là cái tâm của một người tu hành.

Binh gia có câu: “Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc”.

Văn nhân lại nói: “Tĩnh quan vạn vật”, ý nói tĩnh lặng để quan sát vạn vật.

Cảnh giới của “tĩnh” khiến người tu luyện đạt được thông tuệ, khiến người quân tử tu thân, khiến tướng lĩnh khắc địch chế thắng, khiến văn nhân có được linh cảm, khiến người bệnh tìm lại sức khỏe của chính mình… có thể nói là diệu dụng vô cùng.

Bình tâm tĩnh khí không chỉ là một loại tu dưỡng, mà là một loại trí tuệ, một loại sách lược. Đứng trước một việc, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn, có thể hóa giải khó khăn. Người “loạn khí” thì việc dù tốt đẹp đến mấy cũng có thể làm hỏng.

Có một câu chuyện rất đặc biệt về đạo “tĩnh khí” như thế này:

Tiền Tần vương dẫn 100 vạn đại quân đánh Đông Tấn. Vương triều nhà Tấn lâm vào nguy hiểm khiến cả vua và dân đều hoang mang lo lắng. Lúc ấy, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch.

Tạ An với thân phận là đại đô đốc phụ trách quân sự trong tình cảnh ấy lại không một chút hoang mang, còn mời người bạn thân nhất của mình đến, lên núi thản nhiên chơi cờ vây.

Còn Hoàn Xung, người được xưng là “Giang Biểu vĩ tài” nhìn thấy Tạ An hoàn toàn không quan tâm đến quân tình nên lo lắng nói với tuớng sĩ: “Tạ An là người hiểu biết rộng nhưng lại không biết đánh giặc. Nhìn thấy đại quân đang ở vào tình thế vô vàn nguy hiểm mà vẫn có thể nhàn rỗi, thản nhiên chơi cờ. Triều đình phái một người không có kinh nghiệm gánh vác trọng trách lớn như thế, quả là dùng người sơ suất.” Hoàn Xung còn quả quyết rằng sự chênh lệch quá xa về binh lực như vậy chắc chắn khiến quân Tấn đại bại trong giây lát.

Không ai ngờ, trong lúc Tạ An đang du sơn ngoạn thủy, chơi cờ với bạn, ông đã bình tĩnh triệu tập tướng lĩnh, bố trí quân sự cơ mật. Đồng thời, ông còn thông báo cho Hoàn Xung tăng mạnh binh lực, phòng thủ phía Tây.

Quân Đông Tấn và Tiền Tần đại chiến ở Phì Thủy, Tạ An bố trí sách lược đánh địch, khiến Đông Tấn chiến thắng Tiền Tần trong thế “lấy ít thắng nhiều”, tạo nên kỳ tích. Sau khi tin tức quân Đông Tấn chiến thắng truyền về, Tạ An vẫn đang thản nhiên chơi cờ. Ông nhìn lướt qua tin chiến thắng rồi tiện tay đặt tờ cấp báo sang bên cạnh, tiếp tục chơi cờ với vẻ mặt không đổi sắc.

Trái lại, người bạn đang chơi cờ với ông vội vàng hỏi: “Tình hình chiến sự thế nào rồi?”

Tạ An chậm rãi nói: “Là bọn trẻ đã đánh thắng rồi!”

Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều là những người đại khí, càng gặp chuyện “kinh thiên động địa” thì càng có thể “tĩnh tâm như nước”, giải quyết vấn đề một cách bình thản.

Năm xưa Gia Cát Lượng viết thư dạy con trai rằng: “Người quân tử là lấy tĩnh lặng để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì chí không sáng, không tĩnh thì không thể nhìn xa được”. Con người thường vì những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà làm vướng bận tâm can, thậm chí còn suy nghĩ không ngừng, bị cái tình và dục vọng kìm hãm, không thể dùng lý trí mà nắm giữ chính mình, không thể thấy rõ chân lý của sự vật. Chỉ khi bình tâm tĩnh khí, con người mới có thể làm chủ được bản thân mình, mới có thể chuyên chú mà suy nghĩ vấn đề, mới có thể có được trí tuệ để đối diện với mọi việc.

“Tĩnh khí” này kỳ thực cũng không thể tự nhiên sinh ra mà phải trải qua quá trình tu luyện, hàm dưỡng mới có được. Trong cuộc đời, đứng trước mỗi việc phải “ít đi một chút xao động, nhiều hơn một chút tĩnh khí” thì mới có thể gặp nguy hóa an, gặp dữ hóa lành, không gì có thể làm bản tâm nhiễu loạn.

An Hòa

Sinh viên biến rác nhựa thành gạch cách âm, cách nhiệt

 

Sinh  viên  biến  rác  nhựa  thành  gạch  cách  âm,  cách  nhiệt

Thứ tư, 6/1/2021-VnExpress.net


 

Loại gạch từ rác thải nhựa do nhóm sinh viên chế tạo có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Ảnh: NVCC.

 

Loại gạch này với ưu điểm dễ dàng chế tạo, có khả năng cách nhiệt 90%, cách âm 70%, không bắt cháy ở điều kiện thường.

Thu gom và tận dụng những hộp cơm, ly nhựa thải ra ngoài môi trường, nhóm sinh viên năm 3 khoa kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) tìm cách chế tạo rác nhựa thành loại gạch nhẹ, có thể cách âm và tái chế.

Sinh viên Lạc Dân Hy, trưởng nhóm cho biết, loại gạch này có thể sử dụng làm lát nền, tấm lót tường chống nóng. Thành phần nhựa cũng giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn so với gạch truyền thống. Sau khi sản phẩm xuống cấp thì hoàn toàn có thể tái chế được.

Để sản xuất gạch nhẹ, có ba công đoạn chính. Đầu tiên, hộp ly nhựa được cắt và nghiền nhỏ theo dạng hạt kích thước 0,5 mm để sản phẩm đạt được độ mịn nhất định. Sau đó trộn đều xi-măng, nước cùng với hạt nhựa và chất kết dính. Hỗn hợp được đổ vào khuôn và phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 giờ.

Mặc dù quy trình chế tạo có thể dễ dàng thực hiện nhưng bước quan trọng nhất là tìm ra đúng tỷ lệ hạt nhựa và xi-măng khi trộn vào hỗn hợp. Theo Dân Hy, để ra một thành phẩm có thể sử dụng được, nhóm phải thử nghiệm hơn 30 lần trong nhiều tháng bởi nếu không đúng tỉ lệ, gạch sẽ không thể đủ độ cứng, dễ vỡ.

Nhóm tiến hành nhiều bài kiểm tra về khả năng chịu uốn, chịu nén và độ mài mòn của sản phẩm. Qua nhiều lần thực hiện, nhóm đã tìm ra công thức tối ưu để chế tạo. Một viên gạch thành phẩm có thể được tạo ra từ 500g nhựa, chiếm khoảng 50% khối lượng gạch, 50% xi măng và 10% lượng bùn thải.

Tùy vào từng ứng dụng, gạch được định hình những dạng khác nhau, tỷ lệ nhựa trộn trong gạch cũng thay đổi tương ứng. So với sản phẩm gạch thông thường, gạch có ưu điểm là nhẹ, độ bền cao. Sản phẩm gạch đạt tiêu chuẩn mác bê tông M50 của Việt Nam với khả năng cách nhiệt 90%, không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm khoảng 60 - 70%.

 

Thành viên nhóm nghiên cứu của dự án biến rác thải nhựa thành gạch. Ảnh: NVCC.

 

Dân Hy cho biết, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. "Nhóm đã nhận được hợp tác từ một công ty tái chế để có thể nhân rộng sản phẩm này. Giai đoạn đầu nhóm sẽ thực hiện khảo sát tại Hà Nội về tiềm năng sử dụng sản phẩm", Hy nói.

 

Nguyễn Xuân

Tám lần sẩy thai đã dậy tôi điều gì


 Tám  lần  sẩy  thai  đã  dậy  tôi  điều  gì

Amy Roberts Greenhalgh – Lại Thế Lãng dịch- Fri, 01/01/2021

 

“Vậy bé trai này là  đứa con duy nhất của bà?”. Tôi gật đầu và chờ đợi một câu hỏi khác. Rồi nó cũng đến: “Bà và chồng bà sẽ có thêm con nữa chứ?”. Cho dù tôi đã trông đợi nó, tim tôi vẫn ngưng một nhịp đập. Tôi cố gắng tỏ ra thật bình tĩnh và bình thản khi tôi trả lời “ Ồ, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó.”

Vào lúc đó, người mẹ tò mò thường dừng lại, liếc nhìn đứa con lớp mẫu giáo của tôi, chú ý đến nụ cười cua tôi, và tính toán tuổi tác của tôi. Tôi biết chị ta momg chờ một sự giải thích về lý do tại sao chúng tôi đã chờ đợi. Nhưng là môt chuyên gia thay đổi chù đề, tôi đã mau chóng khen món khai vị ngon hoặc chú ý tới thời tiết dễ chịu.

Lên và xuống. Chồng tôi và tôi không muốn là những hành khách trên con tầu đầy sóng gió của việc sẩy thai: sự hồi hộp của một cuộc trắc nghiệm dương tính với thai nghén theo sau bởi sự tàn phá của việc mất đi đứa trẻ. Lên rồi xuống. Lên rồi xuống. Một khoảnh khắc, một sinh mạng mới đang lớn dần trong tôi, và với tất cả hy vọng và mơ ước của chúng tôi cho đứa trẻ đó. Rồi vào một lúc, mọi thứ tiêu tan hết. Chỉ còn lại sự trống rỗng và bóng tối.

Lần mang thai đầu tiên của tôi không bị che phủ bởi đám mây đen này. Con trai của chúng tôi được thụ thai và mang thai đến kỳ hạn không có bất cứ vấn đề gì. Ý nghĩ về việc có gì không đúng sau cuộc thử nghiệm thai nghén dương tính là không thể tưởng tượng. Tất nhiên chúng tôi sẽ có được đứa bé chín tháng sau đó! Bây giờ tôi kinh ngạc về sự ngây ngô của mình.

Một, hai, ba . . . những lần sẩy thai tăng lên. Và giống như mất nhiều đứa trẻ là không đến nỗi tệ, tôi bây giờ mang một nhãn hiệu đối với những cuộc hẹn với bác sĩ: “người tự ý phá thai định kỳ”.

Những lần trắc nghiệm thai nghén dương tính không còn mang đến niềm vui và dự định nữa nhưng là những cảm giác mới dồn dập: sợ hãi, e ngại, và sự hiểu biết non nớt về sự mong manh của cuộc sống.

Tùy thuộc vào tôi. Tại sao điều này xẩy ra và tôi có thể làm gì? Mặc cho tôi đã nói chuyện với bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu sách tôi đã đọc và những trang web tôi đã lướt qua, tôi không có được câu trả lời thỏa đáng. Nhiều năm trôi qua, tôi tiếp tục tìm tòi những lý do và đã đi đến những kết luận: nội tiết tố (hocmôn), rối loạn máu, vitamin (qúa nhiều hoặc không đủ), độc tố môi trường, nâng vật nặng, căng thẳng, ý nghĩ tiêu cực.

Tôi trở nên hao mòn với việc tìm kiếm một câu trả lời. Mọi việc khác trong cuộc sống của tôi đã đi vào mòn mỏi trở lại. Có được một đứa bé nữa là điều quan trọng duy nhất, và nó tùy thuộc vào tôi để làm cho điều đó xẩy ra.

Cả cuộc đời tôi, tôi đã nghe cụm từ “Con cái là hồng ân từ Thiên Chúa”. Trong tâm trí tôi, điều đó có nghĩa là bạn càng có nhiều con cái bạn càng được chúc phúc. Nhưng nếu tôi chỉ có thể có một đứa con thì tôi ở đâu? Có phải chồng tôi và tôi không được chúc phúc như những gia đình có nhiều con cái? Có lẽ tôi không xứng đáng. Hay có thể là Chúa không thương yêu tôi nhiều như Ngài đã yêu thương những người phụ nữ khác. Những câu hỏi này đã ám ảnh tôi trong nhiều năm.

Đồng thời, tôi cũng cảm thấy có lỗi bởi vì vô số những cặp vợ chồng không thể có lấy một đứa con. “Tôi nên được coi như đã được nhận ơn lành,” tôi tự nhủ. Tuy nhiên tôi vẫn khao khát có một đứa con.

Buông bỏ. Sau lần sẩy thai thứ ba, tôi cảm thấy như thể đã hụt hơi. Tôi đã thu mình lại trên sàn nhà căn phòng ngủ của chúng tôi, khóc nức nở đến mức không kiềm chế được. Trống rỗng, kiệt sức và vượt khỏi những ý nghĩ, tôi quay về với Chúa.

Trước khoảnh khắc này, tôi đã cầu nguyện nhiều lần. Cơn ám ảnh với việc có một đứa con đã trở nên hoàn toàn mòn mỏi, tuy nhiên, tôi chỉ đang trải qua những dáng vẻ bên ngoài. Tôi không thực sự muốn cậy dựa vào Chúa, đưa gánh nặng của tôi cho Ngài, hay là tìm kiếm ý Ngài – Tôi chỉ muốn Ngài hoàn thành mong muốn của tôi. Tuy nhiên vào ngày này tôi đã buông bỏ không kiểm soát nữa.

“Xin giúp con” tôi nói với Chúa “Con không biết phải làm gì. Con đã qúa mệt mỏi. Con không thể nào chiến đấu thêm nữa”

Trong sự thinh lặng giữa những tiếng thổn thức nặng nề, tôi cảm thấy Ngài trả lời: “Đó là những gì Ta đã chờ đợi để được nghe. Hãy giao phó cho Ta. Ta sẽ chiến đấu trong cuộc chiến của con”

Đó là khi tôi được đánh động rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Tôi có thể đến những bác sĩ tài giỏi nhất và xử dụng những loại thuốc hỗ trợ sinh sản được đề nghị, nhưng nếu không phải là ý Chúa muốn cho chúng tôi có một đứa con nữa thì cũng không được. Và nếu đó là ý của Chúa thì không có gì có thể ngăn cản đường lối của Ngài. Một cảm giác bình an sâu lắng tràn đến trên tôi. Một gánh nặng đã được gỡ bỏ - tôi cảm thấy được tự to.

Những giọt nước mắt của niềm vui và buồn phiền. Trong thời gian đó, tôi cũng tìm được bình an qua những phương cách khác nhau. Một trong số đó là Morning Light Ministry một tổ chức Công giáo dành cho cha mẹ đã mất con vì chết yểu, sẩy thai, tử vong trẻ sơ sinh (www.morninglightministry.org). Đối với tôi, đó là sự trợ giúp to lớn để khám phá những người khác đang trải qua cảm nghiệm này – một tổ chức phụ nữ từ thiện thầm lặng, những người có thể hiểu được sự trống rỗng trong lòng tôi.

Ba năm trong cuộc hành trình vô sinh, tôi sinh đứa con thứ hai, một bé gái. Lời lẽ không thể chuyển tải hết những cảm xúc chúng tôi đã trải nghiệm khi chồng tôi và tôi lần đầu tiên ẵm cháu. Những giọt nước mắt của sự biết ơn và niềm vui cho đứa con chúng tôi đã mong mỏi trộn lẫn với những giọt nước mắt của buồn phiền cho những đứa con không được ra đời của chúng tôi mà chúng tôi không bao giờ được ẵm trên tay. Chúng tôi gọi bé là phép lạ nhỏ của chúng tôi, và chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa cho bé và đứa con trai của chúng tôi mỗi ngày.

Cuộc hành trình tiếp tục. Trong nhiều năm từ khi đứa con gái của chúng tôi ra đời, chúng tôi còn trải qua năm lần sẩy thai nữa. Tôi ước tôi có thể tuyên bố rằng tôi đã vượt qua được chúng với đức tin vững vàng, nhưng tôi tự coi như một công việc đang diễn tiến. Nỗi sợ hãi vẫn còn lẻn vào, và đôi khi đau buồn đã lấn át tôi, vì vậy tôi đặt một cách có ý thức cuộc sống của tôi vào tay Chúa mỗi ngày.

Trong tương lai, tôi cầu nguyện rằng tôi có thể để Chúa dẫn đường. Đó là mục đích tối hậu trong cuộc sống của tôi bây giờ: tin cậy vào Chúa và chỉ tìm cách để thực hiện ý Ngài. Đó là một thách thức nhưng tôi có thể hòan thành với ân sủng của Thiên Chúa.

Và trong giây phút của sợ hãi và buồn phiền, tôi tập trung vào điều mà tôi biết chắc chắn: Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn là chúng ta có thể tưởng tượng, và Ngài luôn ở với chúng ta. Có vẻ ngớ ngẩn nhưng sự mất mát những đứa con không được sinh ra của tôi, dầu làm tan nát cõi lòng, đã đem đến cho tôi một nhận thức đáng kinh ngạc về lời hứa của Thiên Chúa “Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Ðức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (Gr 29: 11).

Cho dù điều gì xẩy ra, lòng tôi sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt cho những đứa con không được sinh ra của tôi – Tôi biết rằng chúng là một phần của “tương lai đầy hy vọng” của tôi. Mỗi khi có người hỏi tôi có mấy con, đôi khi tôi muốn nói với họ sự thật: Tôi có mười con. Hai đang ở với tôi trên trái đất, và tám ở trên thiên đàng với Thiên Chúa. Chúng là những thiên thần bé bỏng của tôi./.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Ai cũng có trong mình một báu vật vô giá

 

Ai  cũng  có  trong  mình  một  báu  vật  vô giá

An Hòa•Thứ Năm, 14/01/2021 • trithucvn.org

(Tranh minh họa qua violet.vn)


Bản thân mỗi người chúng ta đều có một khối báu vật vô giá. Nếu sử dụng tốt khối báu vật này, nó có thể khiến cho thiên hạ được an định và bản thân được bình an…

Trong “Long Môn Tử ngưng đạo kí” của Tống Liêm, nhà sử học, nhà văn, nho sĩ, đại thần cuối thời Nguyên đầu thời Minh có ghi chép lại một câu chuyện như sau:

Thời xưa, ở đất Tây Vực có một thương nhân họ Hồ mang một khối bảo ngọc rất quý hiếm đem bán. Khối bảo ngọc ấy có màu hồng thuần khiết, giống như màu hồng của hoa anh đào, dài mười phân, rất hiếm có, được bán với giá hơn mười vạn đồng.

Long Môn Tử hỏi thương nhân họ Hồ: “Bảo ngọc này có thể chống lại được cái đói khát không?”

Người họ Hồ nói: “Không thể!”

Long Môn Tử lại hỏi: “Bảo ngọc này có thể chữa khỏi bệnh tật không?”

Người họ Hồ trả lời: “Không thể!”

“Vậy bảo ngọc này có thể đẩy lùi được ôn dịch không?”

“Cũng không thể!”

“Bảo ngọc này có thể dạy con cái hiếu thảo với cha mẹ, anh em thuận hòa với nhau không?”

“Không thể!”

Cuối cùng, Long Môn Tử lại hỏi: “Đã vô dụng như vậy thì rốt cuộc vì sao mà giá của nó lại cao hơn cả mười vạn đây?”

Thương nhân họ Hồ đáp: “Bởi vì nó được xuất sinh ở một nơi xa xôi nguy hiểm, phải trải qua muôn phần gian khổ mới kiếm được. Cho nên, nó mới có giá cao như vậy.”

Long Môn Tử cười cười bỏ đi.

Sau Long Môn Tử nói với đệ tử của mình là Trịnh Uyên rằng:

Cổ nhân có câu nói như thế này: “Vàng tuy là vật quý nhưng người sống mà nuốt vào thì sẽ chết, bụi vàng rơi vào mắt thì mắt sẽ mù.”

Đã lâu như vậy rồi, báu vật đối với bản thân ta là không có gì quan trọng. Trên người ta có một khối báu vật trân quý nhất, giá trị của nó không phải chỉ là mười vạn đâu.

Báu vật này, nước không thể làm ướt, lửa không thể thiêu cháy, gió không thể thổi bay, ánh mặt trời không thể sấy khô. Đó chính là “lương tâm”. Dùng tốt lương tâm thì thiên hạ an định, thủ vững lương tâm thì thân thể được bình an. Cho nên “lương tâm” mới là báu vật vô giá.

Có người lại không biết ngày đêm đi bảo hộ báu vật lớn nhất của mình, mà đem địa vị, tiền tài, mỹ nữ, châu báu coi là việc quan trọng duy nhất rồi liều mình theo đuổi. Đây chẳng phải chính là “bỏ gần mà tìm cầu xa”, “bỏ quý mà tìm cầu rẻ mạt” sao? Có một số người chính là đã đánh mất đi lương tâm của mình, làm mất đi báu vật của mình rồi…

Kỳ thực, lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất thứ gì đó nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm của mình.

An Hòa

Người làng Vũ Đại đeo mặt nạ kho cá

 Thứ tư, 27/1/2021, vnexpress.ney

   Người  làng  Vũ  Đại  đeo  mặt  nạ  kho  cá

HÀ NAM  Người dân làng Vũ Đại đeo mặt nạ đặc chủng để ngăn khói bếp khi kho cá bán dịp Tết Tân Sửu.

Những ngày này, người dân làng Vũ Đại, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tất bật kho cá phục vụ khách dịp Tết Tân Sửu. Làng có hơn 50 hộ làm nghề, nhưng chỉ 10 hộ sản xuất quy mô lớn, mỗi năm bán ra thị trường 1.000-2.000 nồi.

Sáng sớm ngày rằm tháng chạp, anh Trần Đức Phong chuẩn bị những con cá trắm lớn nhất (từ 3 kg trở lên) để bắt đầu mẻ cá kho bán Tết.

Cá được vợ chồng anh Phong đánh sạch vẩy, cắt khúc và rửa sạch. "Trong năm, nghề chính của gia đình tôi là dệt vải, giáp Tết thì tập trung làm đặc sản cá kho. Năm nay, ba gia đình bắt tay làm 1.500 niêu, cao điểm vào 25 và 26 tháng chạp. Thu nhập những ngày này cao gấp nhiều lần so với ngày thường, nhưng luôn bận rộn, người lúc nào thiếu ngủ và mệt mỏi", chị Trần Thị Hiếu, vợ anh Phong nói.

Trước khi kho cá, gia đình anh Phong chuẩn bị khoảng 16 loại gia vị tẩm ướp. Cá được cắt phù hợp với từng loại nồi, sau đó được lót giềng để chống cháy và tạo hương vị đặc trưng.

"Cá ở đây luôn có vị mặn và vị chua để phân biệt với cá kho vùng khác. Vị mặn phải là từ mắm cốt và vị chua từ chanh. Chính vị mặn tạo nên độ cứng của miếng cá và độ mềm của xương và tạo màu cánh gián", anh Nguyễn Bá Toàn (trái), chủ thương hiệu cá kho Bá Kiến cho biết.

Các khúc cá được xếp gọn, sau đó lồng những miếng thịt lợn để phần mỡ lợn khi đun chảy ra giúp miếng cá se lại.

Củi để sử dụng đun nấu cá phải là nhãn vì nhiệt lớn, than nhiều, lành tính lành mùi, giúp nồi cá sôi đều đặn hàng chục tiếng trên lửa. Củi được thu mua từ khắp nơi trước Tết Nguyên đán khoảng 6 tháng. Nồi nấu phải là nồi đất mỏng sản xuất từ Nghệ An, sau khi mang về được đun trên bếp với nước gạo để lấp kín những lỗ hở.

Năm nay gia đình anh Phong sử dụng thêm nồi đất cao cấp để phục vụ thực khách sành ăn và làm quà biếu.

Vài chục nồi cá được xếp so le thành hai hàng để thuận tiện cho người trông bếp. Những ngày giáp Tết, gia đình anh Phong thuê tới 10 người trông coi từng nồi cá để đảm bảo chín mềm, không cháy.

"Kho cá chỉ đun lửa nhỏ nên thường sinh ra nhiều khói. Hai năm gần đây, gia đình dùng mặt nạ phòng độc chuyên dụng để chống cay mắt, khô mắt và giữ sức khỏe. Tuy nhiên, tôi chỉ đeo được khoảng 15 phút là phải tháo ra vì mặt nạ cao su kín, vã hết hồ hôi", anh Phong nói.

Khi nồi cá sôi, người đun sẽ thêm nước cốt chanh và cho kẹo đắng vào. Nước chanh vắt vào cá kho khi lửa lớn sẽ giúp thịt cá mềm nhanh. Sau đó họ bổ sung nước sôi cho đến khi cá nhừ.

Bếp kho cá luôn giữ than hồng, nước sôi ngập cá mà không cần đậy nắp.

Cá kho trên bếp lửa 12-16 tiếng để xương cá mục, thịt cá nhừ, gia vị đủ ngấm vào thớ thịt.

Cá kho xong để nguội được người thợ dùng rế tre lót đáy nồi và đóng hộp xuất ngay trong ngày. Mỗi nồi cá bán 0,5-1,1 triệu đồng lần lượt cho loại 1,5-4,5 kg. Cá kho tiến vua loại 3 kg giá 1,5 triệu đồng...

Thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá kho Vũ Đại dịp Tết là Hà Nội và TP HCM. Những năm trước chưa có Covid-19, cá kho của gia đình anh Phong còn xuất đi các nước Đức, Phát, Hàn Quốc, Thái Lan...

Video Player is loading.
Current Time 1:18
/
Duration 1:18
Loaded: 0%
Progress: 0%

Ngọc Thành