Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Bài tập cho người đau thắt lưng

 

Bài  tập  cho  người  đau  thắt  lưng

Thứ năm, 14/1/2021, VnExpress.net

 

Đạp xe mỗi buổi sáng hoặc tập yoga, vặn mình làm giảm cơn đau, kết hợp điều trị bằng thuốc và dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng đau thắt lưng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ, Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống - Sọ não, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trượt đốt sống lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía sau hoặc phía trước so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến người bệnh đau thắt lưng, đi đứng trở nên khó khăn, đau lan xuống một hoặc cả hai chân. Bệnh không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Trượt đốt sống lưng được chia thành 6 loại, bao gồm trượt đốt sống lưng bẩm sinh; trượt đốt sống lưng do khuyết eo; trượt đốt sống lưng do thoái hóa; trượt đốt sống lưng do bệnh lý; trượt đốt sống lưng do chấn thương và trượt đốt sống lưng sau phẫu thuật.

Biểu hiện bệnh là đau lưng nhiều, đau khi đi lại, đứng lâu, cúi ngửa cột sống, đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, kèm tê bàn chân, đau tăng lên khi ho, hắt hơi...Cơn đau sẽ tăng khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, lao động... nhưng khi nằm nghỉ thì đau giảm hẳn hoặc hết đau.

Ở giai đoạn này, người bệnh thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn, đôi khi còn tự cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi, đi hơi khom lưng, thậm chí có thể bị vẹo cột sống sang bên. Tình trạng đau cột sống thắt lưng từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên.

Bệnh nếu không điều trị sớm dẫn đến đau thắt lưng, tăng dần theo các mức độ, đi lại khó khăn. Khi vận động cúi, ngửa hay những hành động liên quan trực tiếp tới đốt sống, bệnh nhân có thể cảm nhận rõ ràng các đốt sống bị trượt. Người bệnh dễ bị gù, vẹo cột sống sang một bên, hai cơ bên mông teo đi do không hoạt động.

Hiện nay, có các phương pháp điều trị trượt đốt sống lưng phổ biến bao gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng bài tập để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh mỗi ngày.

Bài tập đạp xe

Đạp xe đạp điều độ mỗi buổi sáng sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, giải tỏa những cơn đau. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tự đạp xe ở nhà khoảng 30 phút mỗi ngày.

Bài tập vặn mình

Nên tập thường xuyên tại nhà vào buổi sáng và buổi tối. Tư thế dựa lưng vào tường để giảm thiểu những cơn đau và giãn thắt lưng. Hoặc nằm xuống giường, sau đó lấy chiếc gối nhỏ đặt dưới phần thắt lưng. Đưa chân sát vào tường, càng sát càng tốt, hai tay mở rộng và thư giãn. Áp dụng bài tập thường xuyên mỗi ngày để giảm cơn đau.

Tập yoga

Nằm ngửa trên thảm tập, hai chân co khép tạo thành hình tam giác so với mặt thảm. Hai tay ôm gáy, gập bụng về phía trước rồi nhẹ nhàng trở về tư thế ban đầu. Khi gập bụng hãy hít vào và khi trả lại vị trí ban đầu thì nhẹ nhàng thở ra.

Thực hiện các động tác này trong khoảng 8 - 10 lần, sau đó nghỉ ngơi cho đỡ mỏi và tiếp tục thực hiện khoảng 3 - 4 lần tùy vào thể trạng và sức dẻo dai của từng người. Nếu cảm thấy đau thì nên dừng lại và tập những bài tập nhẹ nhàng hơn, tuyệt đối không cố tập khi đau. Nên tập buổi tối trước khi đi ngủ và khi thức dậy vào buổi sáng.

Bài tập cho cơ lưng

Nằm xuống thảm và để hai chân song song với mặt đất. Dùng cơ bụng và lưng nhấc một chân lên khỏi mặt đất, cách mặt thảm khoảng 10 cm rồi từ từ đặt chân xuống, sau đó chuyển chân và làm tương tự. Nếu trong quá trình tập cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu thì nên dừng lại nghỉ ngơi sau đó thực hiện tiếp. Mỗi chân thực hiện khoảng 10 lần như vậy mỗi lần vào sáng sớm sau khi ngủ dậy và vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Ngoài những bài tập đơn giản, người bệnh có thể thực hiện các bài tập khác theo sự hướng dẫn của bác sĩ kết hợp sử dụng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý.

Bác sĩ khuyến cáo khi ngồi hoặc đứng nên giữ cột sống ở tư thế đúng, chú ý khi nâng các vật nặng. Tránh các môn thể thao và động tác đòi hỏi vặn mình quá mức, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đốt sống.

Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh làm tăng áp lực lên cột sống. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, đều đặn, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...

Nên đi khám sớm khi có dấu hiệu bệnh để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp ngay từ đầu, gíup giảm những di chứng không đáng có.

Thùy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét