Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Bộ Y tế công bố 10 sự kiện y tế nổi bật 2020

 

Bộ  Y  tế  công  bố  10  sự  kiện  y  tế  nổi  bật  2020

Thứ năm, 31/12/2020-VnExpress.net




Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19, chuyển đổi số để vận hành nền y tế thông minh, thể lực người Việt tăng... là những sự kiện nổi bật 2020, theo Bộ Y tế.

Việt Nam thành công trong phòng chống dịch Covid-19

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống dịch với chi phí thấp nhất.

Với chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị", Việt Nam đã cách ly hơn 730.000 người; thực hiện xét nghiệm 1,7 triệu người; triển khai 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý đến nay.

Bộ Y tế lần đầu tiên huy động lực lượng cán bộ y tế gần 300 người vào "mặt trận" Đà Nẵng kiểm soát dịch trong một tháng.

Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập được nCoV. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19.

Tới ngày 30/12, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.456 bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ ca nhiễm nCoV trên một triệu dân thuộc loại thấp nhất thế giới. Ngoài Covid-19, các dịch bệnh khác xảy ra tại Việt Nam trong năm đã được kiểm soát hiệu quả.

Đề án khám chữa bệnh từ xa

Đề án kết nối 1.000 điểm trong 45 ngày. Tính đến cuối năm, hơn 1.500 cơ sở y tế đã được kết nối. Đề án mở ra một giai đoạn mới trong chẩn đoán và điều trị, với hai mục tiêu là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.

Đề án giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, cứu sống nhiều bệnh nhân.

Ngoại khoa nhiều thành tựu

Tiêu biểu là ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM. Lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103. Các ca vận chuyển và ghép tạng ba miền. Bệnh viện Việt Đức trong 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng. Những thành tựu này khẳng định trình độ y học của Việt Nam.

Chuyển đổi số y tế

Bộ Y tế là một trong hai Bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán Covid-19. Việt Nam đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch, như tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn Covid-19, chẩn đoán điều trị Covid-19 từ xa.

Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực: hơn 60.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị - vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ.

Nền tảng Y tế Việt Nam (mạng nội bộ kết nối 100% cán bộ y tế toàn quốc), Nền tảng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh không dùng giấy. Năm 2020, ngành y tế thực hiện những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS

Luật đã được thông qua với hai dấu ấn: Là luật duy nhất được trình và thông qua trong một kỳ họp Quốc hội (khóa XIV) và là một trong ba luật được 100% đại biểu Quốc hội có mặt thông qua.

Trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp khoảng nửa triệu người tránh khỏi lây nhiễm HIV và hơn 150.000 người khỏi tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới (ba nước kia là Anh, Đức và Thụy Sĩ).

Sẻ chia trong dịch bệnh

20 tỷ tin nhắn (SMS) với những khuyến cáo phòng, chống dịch, kêu gọi sẻ chia đã được Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị gửi tới người dân trong thời gian phòng, chống Covid-19. Tính đến cuối tháng 8, hơn 2.200 tỷ đồng đã được người dân và các doanh nghiệp ủng hộ thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ các lực lượng chống dịch. Trong cộng đồng lần đầu tiên xuất hiện những hình thức sẻ chia hiệu quả như ATM gạo, ATM khẩu trang... Tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái tiếp tục được mở rộng trong đợt thiên tai tại miền Trung.

Đệ trình Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh 27/12

Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh 27/12 do Việt Nam đệ trình được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng.

Hơn 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế

90,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 28 giường bệnh trên 10.000 dân. Các chỉ số này cho thấy hai chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao đã đạt và vượt. Phương thức chi trả bảo hiểm y tế theo ca bệnh lần đầu được triển khai thí điểm thành công, sẽ được nhân rộng ra toàn quốc vào năm 2021.

Thể lực người Việt tăng

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 do Viện Dinh dưỡng và Tổng Cục Thống kê thực hiện, chiều cao đạt được ở nam thanh niên là 168,1 cm và ở nữ là 156,2 cm. Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Cũng theo kết quả của tổng điều tra này, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam đạt 19,6%, lần đầu tiên xuống dưới 20%. Đây được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1997.

Duy trì bền vững mức sinh thay thế

Việt Nam liên tục duy trì bền vững mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, trong suốt 14 năm qua. Đạt và duy trì bền vững mức sinh thay thế như hiện nay, dân số sẽ ổn định, góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, kéo dài giai đoạn dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số và cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

 

Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét