Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Những vị Thánh từng nghiện ngập trong đam mê xấu


Những  vị  Thánh  từng  nghiện  ngập  trong  đam  mê  xấu

12/28/2020- conggiao.info

Thật là điều đáng buồn khi chúng ta luôn gặp khó khăn để kéo mình ra khỏi các đam mê và thói quen không thánh thiện mà ta đã sa đi phạm lại vô số lần, hay đã đấu tranh nhiều năm trời với các cám dỗ mà vẫn không toàn thắng được. Nhưng ta có đầy lý do để hy vọng trong đức tin, vì lịch sử đã chứng kiến nhiều vị thánh từng vướng trong các đam mê và sa lầy trong tội lỗi, nhưng sau cùng đã tiến đến đỉnh trọn lành. Các ngài là bằng chứng cho chúng ta về chân lý: mặc kệ tội lỗi và yếu đuối tồi tệ của chúng ta, số phận của chúng ta là hướng về tình yêu Thiên Chúa chứ không phải các thất bại của bản thân.

the-last-communion-of-saint-mary-of-egypt.jp

1. Thánh Maria Ai Cập (344-421). Maria Ai Cập thường bị gọi là gái điếm, dù cô không bán thân kiếm tiền. Ngược lại, cô là một người cuồng dâm, tìm kiếm đàn ông chỉ để thoả mãn dục vọng thân xác mà không cần tiền; người ta nói rằng đôi khi cô ép buộc cả những người đàn ông xa lạ ăn nằm với cô dù họ không muốn. Nghe vậy, thật khó mà nghĩ một người phụ nữ lăng loàn như thế có thể được cứu độ, nhưng Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong. Một lần kia, Maria nảy ra ý tưởng đi đến vùng Đất Thánh để cám dỗ những người đàn ông hành hương ở đây, vốn rất đông. Ở đó, được ơn hoán cải kỳ diệu, Maria đau đớn vì tội lỗi của mình, và ngay lập tức cô trốn vào sa mạc. Cô ở đó gần như một mình suốt 17 năm, không ngừng chiến đấu với sự dằn vặt của đam mê, khóc lóc hy sinh đền tội. Sau cùng, cô dứt chừa được những thói xấu và sống thanh tịnh tuyệt đối, trở thành một vị thánh ẩn sĩ vĩ đại, được sùng kính rộng rãi trong các Giáo Hội Kitô Đông Phương.

 

 Camillus_de_Lellis.jpg


2. Thánh Camilô Lellis (1550-1614). Camilô là người Ý, con của một người đàn ông nóng tính và vô tâm. Camilô phát triển nhanh, tuổi còn trẻ nhưng dáng vóc đã cao lớn, mạnh khoẻ vượt trội. Cậu tham gia đội lính đánh thuê và đi chinh chiến khắp châu Âu cho những người bỏ tiền ra thuê cậu. Bị nhiễm tính người cha, cậu cũng nóng tính, bạo lực, nghiện rượu và đam mê bài bạc. Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, Camilô cuối cùng bị thương nặng ở chân nên không thể chinh chiến tiếp. Nhưng đam mê cờ bạc đã khiến cậu không còn một xu dính túi, cũng không có bạn bè nào để nhờ vả. Trong tình cảnh chìm xuống đáy xã hội, Camilô tìm đến Chúa Giêsu và ăn năn hối cải. Nhưng một thời gian sau, cậu lại quay lại các đam mê xấu cũ, cho đến khi túng cùng thì hối cải, xong lại sa đoạ tiếp. Cho đến một ngày, nhờ Thánh Philipphê Nêri, cậu hối cải dứt khoát và trọn vẹn. Khi hoàn cảnh ổn hơn, cậu không quay lại với lối sống hư đốn nữa, bỏ hẳn rượu và cờ bạc. Sau cùng, Camilô lập dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân, chuyên phục vụ các bệnh nhân nghèo, đã góp phần thay đổi bộ mặt y tế của cả thế giới.

 

 Augustine_Yi_Kwang-hon.jpg

3. Thánh Augustine Yi Kwang-hon (1787-1839). Yi Kwang-hon sinh ra trong một gia đình quý tộc ngoại giáo Triều Tiên. Từ rất trẻ, Yi đã rơi vào lối sống thoái hoá, nghiện rượu. Yi lấy vợ, nhưng việc này không giúp gì cho đời sống hư thân của anh. Một ngày kia, Yi và vợ là Kwon Hui được nghe biết về Tin Mừng Chúa Giêsu. Được đánh động sâu sắc, hai người trở lại Kitô Giáo và cung cấp nhà mình làm nơi trú ẩn cho các Giám Mục và linh mục trong cuộc bắt đạo. Làm người Công Giáo, Yi Kwang-hon vẫn phải đấu tranh với thói nghiện rượu trong một thời gian nữa mới dứt được hoàn toàn. Sau đó, Yi trở thành một giáo lý viên. Cuối cùng, Augustine Yi Kwang-hon cùng với vợ Barbara Kwon Hui, con gái Agatha Yi và em trai là John Baptist Yi Kwang-ryol chịu tử đạo. Tất cả đều được phong Thánh, các Thánh tử đạo Triều Tiên (Hàn Quốc).

 

Mark_Ji-Tian-Xiang.jpg

 4. Máccô Kỷ Thiên Tưởng (Mark Ji Tian Xiang) (1834-1900). Sinh ra trong một gia đình Kitô Giáo Trung Hoa, Kỷ Thiên Tưởng là một lãnh đạo của cộng đoàn Công Giáo địa phương. Với lòng bác ái rộng lượng, cậu Kỷ trở thành bác sĩ và phục vụ miễn phí cho người nghèo. Không may, cậu mắc bệnh bao tử và phải tìm đến thuốc phiện để chữa. Đương nhiên, Kỷ trở thành một con nghiện nặng nề. Theo luật Giáo Hội thời ấy, hút thuốc phiện là một tội trọng không được rước lễ, nên chàng phải xưng tội này thường xuyên. Vị linh mục địa phương thấy cùng một người cứ xưng đi xưng lại một tội thì cho rằng anh ta không có ý ăn năn dốc lòng chừa (cha ấy không biết được nghiện thuốc phiện khó cai đến mức nào), nên quyết định từ chối giải tội. Suốt 30 năm, Kỷ Thiên Tưởng nghiện thuốc phiện, không được giải tội và không thể rước lễ, dầu vẫn sốt sắng giữ vững đức tin. Không phải là chàng không có ý từ bỏ nghiện ngập, nhưng nghiện thuốc phiện không phải như nghiện cà phê mà muốn ngừng là ngừng. Năm 1900, Kỷ Thiên Tưởng chịu tử đạo dưới thời phong trào Nghĩa Hoà Đoàn, cùng với toàn bộ gia đình, trong khi vẫn là một người nghiện, không xưng tội suốt 30 năm. Thánh Máccô Kỷ Thiên Tưởng được phong Thánh tử đạo Trung Hoa, là 1 trong 120 vị anh hùng tử đạo của vùng đất cổ kính này.

5. Đấng Đáng Kính Matt Talbot (1856-1925). Matt Talbot sinh tại Dublin, Ireland, trong một gia đình có truyền thống uống rượu. Từ năm 13 tuổi, cậu đã bắt đầu đời sống hũ chìm, đến năm 28 tuổi, cậu vẫn chỉ biết đến rượu và rượu. Năm 28 tuổi, một tác động tâm linh đã khiến cậu khấn hứa sẽ cai rượu. Phải rất vất vả để từ bỏ thói quen, Matt đã không động đến rượu một lần nào nữa. Cậu tập thói quen không giữ tiền trong người để khỏi đến quầy rượu và say đắm trong đó. Không lập gia đình, Matt sống hơn 40 năm trong cô tịch, khó nghèo, hãm mình, kinh nguyện và lao động. Ngài thường nói "Đừng nghiêm khắc quá với một người không bỏ rượu được. Thật sự bắt một người nghiện rượu bỏ rượu cũng khó như đưa người chết về cõi sống vậy. Nhưng cả hai điều đó đều có thể và thật dễ dàng với Chúa chúng ta. Ta chỉ phải luôn trông cậy Người mà thôi.

   
Matt_Talbot.jp


Theo Aleteia

Gioakim Nguyễn biên dịch

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét