Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Bốn hậu qủa của đại dịch ảnh hưởng đến Giáo Hội

 

Bốn  hậu  qủa  của  đại  dịch  ảnh  hưởng  đến  Giáo  Hội

Vũ Văn An 06/Jan/2021-Vietcatholic.net



Theo Reid Turner, một người tân tòng và hiện nghiên cứu nhiều về Thánh Nữ Hildergard thành Bingen, Tiến Sĩ Hội Thánh, vị thánh dùng hình ảnh Năm Dã Thú để nói về 5 thời đại đi trước cuộc xuất hiện của Ngụy Kitô, mỗi thời đại đều trải nghiệm một cuộc khủng hoảng tâm linh nhằm gây thiệt hại cho Giáo Hội, đại dịch Covid-19 là một trong những trải nghiệm này. Âm sắc vì thế nghiêng về phía tiêu cực. Tuy nhiên, ở phần kết bài viết, tác giả cho rằng đây là một “silver lining” (niềm hy vọng hay an ủi trong cơn bĩ cực) đối với Giáo Hội (xem https://thefivebeasts.wordpress.com/2021/01/02/4-consequences-of-the-pandemic-that-will-impact-the-church/)

Hao Mòn


Trong một cuộc thăm dò gần đây, của RealClear Opinion Research hợp tác với EWTN News, 20% người Công Giáo tuổi từ 18 tới 34 cho hay đức tin của họ đã giảm đi do đại dịch, với những người trong hạn tuổi 35-54, tỷ lệ này là 10%. Cuộc thăm dò này tiến hành hồi tháng 8, trước khi có việc gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh gần đây. Khi đại dich qua đi, liệu các người Công Giáo có trở lại tham dự Thánh Lễ một cách thường xuyên như trước hay không, thì một linh mục của Tổng giáo phận San Francisco, Cha Illo, cho hay con số sẽ chỉ còn non một nửa. Cha viết:

“Các nhà lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta hy vọng rằng khi các hạn chế đối với Giáo Hội được bãi bỏ, người ta hết thẩy sẽ trở lại với Thánh Lễ, nhưng tôi không thấy như vậy... Trước Covid, 75% người Công Giáo đã không tham dự Thánh Lễ thường xuyên vào Chúa Nhật. Bao nhiêu người thuộc nhóm 25% tham dự sẽ trở lại? Tôi nghĩ chúng ta phải hạ xuống còn từ 5 tới 10% những người Công Giáo mang thẻ” (xem https://www.churchmilitant.com/news/article/a-pessimistic-look-at-church-re-openings-after-covid-19).

Hiện tượng hao mòn vốn là một vấn đề đối với Giáo Hội Công Giáo trước đại dịch từ lâu. Việc các Giám Mục chính thức miễn chước bổn phận tham dự Thánh Lễ trong gần suốt cả năm chắc chắn càng làm nhiều người Công Giáo ra xa lạ đối với Thánh Lễ. Mặt khác, một số Giám Mục xem ra không bận tâm đến việc miễn chước bổn phận mà chỉ đóng cửa các nhà thờ, vô tình triệt tiêu bổn phận tham dự Thánh lễ thường xuyên.

Suy thoái kinh tế lâu dài

Theo ba tác giả Òscar Jordà, Sanjay R. Singh, Alan M. Taylor, các nghiên cứu về đại dịch trước đây cho thấy chúng tạo ra các cuộc suy thoái kinh tế cần đến nhiều năm sau mới phục hồi hoàn toàn (xem https://voxeu.org/article/longer-run-economic-consequences-pandemics). Các cuộc nghiên cứu cũng chứng tỏ các khó khăn và bất trắc kinh tế dẫn đến các sinh suất thấp hơn. Tại Ý, đây là vấn đề trầm trọng trước cả covid-19; vì đối với mỗi vụ hạ sinh được ghi chép có đến 2 vụ qua đời (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Theo Nick Corbishley, virút đã làm tan tác kỹ nghệ du lịch ở Âu Châu, ngành mà trước đại dịch, vốn đóng góp 15% vào nền kinh tế Tây Ban Nha, 13% vào nền kinh tế Ý, và 10% vào nền kinh tế Pháp (xem https://wolfstreet.com/2020/03/07/tourism-contributed-10-to-gdp-in-france-13-in-italy-15-in-spain-now-its-in-free-fall/). Đàng khác, Nick Corbishley cũng cho hay: tỷ lệ thất nghiệp ở Âu Châu cao hơn con số được tường trình vì các công nhân bị tạm cho nghỉ việc nhưng nhận tiền của chính phủ vẫn được coi là có việc làm. Ngay nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu, tức Đức, cũng suy thoái.

Thực vậy, theo Soeren Kern, “Cho dù Đức có hết cấm cửa trở lại đi nữa, thì các công ty từng bị cấm cửa cũng không thể tái khởi động được. Người tiêu thụ và các nhà kinh doanh hoàn toàn giao động. Điều này chuốc độc nền kinh tế và việc làm. Nợ quốc gia bùng phát và tiếp tục lên cao thâm thụt. Cả nỗi thất vọng của nhiều người hành nghề tự do, nhà hàng và buôn bán cũng thế. Nền kinh tế Đức đang lao đao đi vào khủng hoảng. Một cơn bão đang đe dọa vào những ngày sau lễ Giáng Sinh (xem https://www.gatestoneinstitute.org/16864/europe-coronavirus-second-wave).

Hiện tượng trên ảnh hưởng đến Giáo Hội ra sao là điều chưa rõ ràng, nhưng với việc vào khoảng 20 giáo phận Hoa Kỳ đã tuyên bố phá sản, quyên góp ít hơn và chồng đống kiện cáo, các Giám Mục buộc phải tái ưu tiên các nguồn lực của mình.

Mất tín nhiệm nơi các nhà cầm quyền chính phủ

Vào khoảng một năm trước đây, thị trưởng San Francisco, London Breed, nói chuyện ở Chinatown, thúc giục người ta tới ăn tại các nhà hàng, lý luận rằng dù virút xuất phát từ Trung Hoa, chúng ta không nên đổ lỗi cho người Trung Hoa. Sau đó, không quá hai tuần, bà ta đã đóng cửa mọi nhà hàng.

Thoạt đầu, các nhà cầm quyền dân sự nói với chúng ta đừng mang khẩu trang nhưng rồi bỗng nhiên, chỉ sau đó ít tuần, họ thay đổi ý kiến. Guillaume de Thieulloy, một ký giả Pháp, nhận định: “Các tuyên bố trái ngược tiếp theo nhau như thế... không thể gợi hứng để người ta tin tưởng các nhà lãnh đạo chính trị của ta hay các chính sách cho là dựa vào khoa học do họ áp đặt” (xem https://lawliberty.org/coronavirus-and-public-trust-the-view-from-france).

Các chính khách và các giới chức Giáo Hội phò di dân bị thách thức lớn về độ đáng tin của họ. Ta hãy nghe Christopher Caldwell nhận định: “một xứ sở được lãnh đạo bởi những người coi việc bảo vệ các biên giới quốc gia là phi pháp về phương diện chính trị sẽ không sẵn sàng đánh trả cơn dịch, một điều vốn đòi phải đặt rào cản giữa những người ta không có lý do chính trị nào để phân cách” (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Có người cho rằng điều này sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy dân tộc nhiều hơn. Một nhà báo người Ý, Ernesto Galli della Loggia, nhận định: “cơn dịch hiện nay đang cho thấy, một cách bùng nổ, điều bất cứ ai không bị mê hoặc bởi ý thức hệ đều đã biết: trong những thời khắc sống chết, điều đáng kể là ai nói tiếng nói của bạn, ai chia sẻ quá khứ của bạn, ai quen thuộc với cảnh quang và mùi vị của quê hương bạn, ai hát cùng các bài hát như bạn, và ai cùng văng tục như bạn” (xem https://www.firstthings.com/article/2020/05/italy-in-crisis).

Khủng hoảng xúc cảm

Nhiều thành phố lớn đang mất dần các cơ sở kinh doanh và đang bị lìa bỏ bởi những người giầu có và những người có thể làm việc tại nhà, để những thành phố này nghèo dần, đầy tội ác, và giận dữ. Pháp là một trong những nước hiện rơi vào tình huống này. Cũng Guillaume de Thieulloy đã nhận định: “Sự đe dọa chính là nỗi gận dữ ngày một gia tăng của dân chúng, nhất là những người bị giới hạn trong các căn hộ nhỏ và những nơi chật chội trong khi việc mất trật tự công cộng chung quanh họ từ từ lên cao. Nỗi giận dữ này đã hiển hiện trông thấy: hơn 100,000 đơn khiếu nại hợp lệ đã được đệ nạp chống chính phủ về việc quản trị cơn khủng hoảng một cách đầy tai họa. Nhưng cơn khủng hoảng này có thể leo thang tới bạo động nếu việc cấm cửa tiếp tục kéo dài...”.

Trưng dẫn các đại dịch trong quá khứ, một nhà xã hội học, giáo sư Allen Furr, lên tiếng cảnh cáo khả thể một cuộc khủng hoảng xúc cảm về lâu về dài: “Chúng ta học được từ các cơn dịch SARS và MERS rằng các việc cách ly ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của những người sống cô lập và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Lo âu xao xuyến, lạm dụng ma túy, trầm cảm và giận dữ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi những cơn khủng hoảng này qua đi” (xem http://ocm.auburn.edu/experts/2020/05/051452-effects-pandemic-society.php).

Một nhà dịch tễ học của Havard, Matthew Wilson, cũng lên tiếng cảnh cáo: “Đối với tất cả chúng ta, thoạt đầu bị nhiều bất trắc, cảm thấy mất kiểm soát. Một phần do thông tin hỗn độn nhận được... Các biến cố có tính đe dọa, không kiểm soát được và chứa nhiều bất trắc thực sự gây hại tới sức khỏe tâm thần” (xem https://www.businessinsider.com.au/potential-mental-health-effects-of-coronavirus-pandemic).

Đây không phải là cuộc khủng hoảng xã hội đầu tiên Giáo Hội phải chịu đựng. Đôi khi, ngay các cuộc khủng hoảng cũng dẫn tới việc canh tân trong Giáo Hội, dẫn Giáo Hội trở về với các nền tảng tâm linh và bản sắc lịch sử của mình. Rất có thể đây là niềm hy vọng hay an ủi trong cơn bĩ cực. Như các cụ Việt Nam thường nói “bĩ cực thái lai”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét