Cơ hội và thách thức với thế giới trong năm 2021
Thứ
sáu, 1/1/2021, 00:00 (GMT+7)
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang đón Giáng sinh tại một trung tâm thương mại hôm 24/12. Ảnh: AFP.
Công chúng trông đợi một
năm tươi sáng hơn sau "cú sốc" 2020, nhưng ngoài những hy vọng giữa
khủng hoảng vẫn là loạt thách thức chờ đợi thế giới.
Đầu tiên, Covid-19,
nguyên nhân khiến toàn cầu điêu đứng trong năm 2020, được dự đoán có nguy cơ trầm
trọng hơn. Theo nhóm cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, đại dịch sẽ tiếp tục
leo thang tại Mỹ và châu Âu, với hậu quả từ những kỳ nghỉ lễ, buổi tụ tập gia
đình và bạn bè, cùng sự rệu rã có khả năng tiếp tục lan rộng trong năm 2021.
Nhiều người có thể sẽ còn thờ ơ hơn khi vaccine Covid-19 được triển khai rộng
rãi.
Tuy nhiên, việc phân phối
vaccine có nguy cơ đối mặt thách thức khó lường, xuất phát từ những vấn đề
trong khâu sản xuất và hậu cần, khiến lịch trình tiêm chủng có thể bị chậm trễ,
làm hạn chế khả năng ngăn virus lây lan một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa các nước được cho là vẫn sẽ bị hạn chế trong phần lớn năm 2021. Vì vậy, công tác phân phối vaccine ra nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, có thể sẽ không đồng đều. Một viễn cảnh khiến giới chuyên gia thêm lo ngại là virus tiếp tục lây lan và đột biến, đến mức có thể hạn chế hiệu quả của vaccine.
Niềm hy vọng vực dậy từ
"đống tro tàn" của Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, được đặt vào Tổng
thống đắc cử Joe Biden. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo quyền lực của Biden
sẽ bị hạn chế, đặc biệt nếu phe Cộng hòa duy trì được thế đa số tại thượng viện,
trong khi ngoài Covid-19 ông còn phải xử lý những hệ quả khác từ các quyết định
của chính quyền tiền nhiệm.
Theo kết quả các cuộc
thăm dò, khoảng 70% đảng viên Cộng hòa tin vào cáo buộc có gian lận bầu cử của
Tổng thống Donald Trump và chiến thắng của Biden là bất hợp pháp, làm dấy lên
lo ngại rằng Trump vẫn sẽ là rào cản đối với Biden trong 4 năm tới. Ngoài ra,
Biden còn đối mặt áp lực từ phe cấp tiến trong chính đảng Dân chủ, dẫn đến nguy
cơ bị suy giảm sự ủng hộ từ những người ôn hòa.
Trong "buổi hoàng
hôn" nhiệm kỳ, chính quyền Trump không ngừng tung những "đòn
giáng" cuối cùng lên Trung Quốc, dường như là nỗ lực cuối cùng trong việc
chia rẽ quan hệ hai nước, khiến Biden không còn nhiều lựa chọn trong đối sách với
Bắc Kinh và được cho là sẽ tiếp tục thái độ cứng rắn.
"Biden sẽ có cách tiếp
cận đa phương và áp lực lên Trung Quốc có lẽ gia tăng chứ không giảm đi",
Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định.
Ông dự đoán căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Biden sẽ không suy giảm về quy mô
và cường độ, mà chỉ dịch chuyển từ chiến tranh thương mại sang những xung đột về
chính trị, kéo theo một thế giới tiếp tục hỗn loạn.
Bên cạnh cục diện chính
trị rối ren, các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương còn cảnh báo về một cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu khác do nợ nần, xuất phát từ những gói cứu trợ
Covid-19 khẩn cấp, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển. Tổng nợ toàn cầu
đã tăng thêm 15 nghìn tỷ USD trong năm 2020 và được dự báo chạm mức 365% GDP
toàn cầu vào cuối năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải giải ngân viện trợ tài
chính cho 81 quốc gia.
Dòng vốn đổ vào những nước
thu nhập thấp dự kiến giảm 700 tỷ USD so với năm ngoái. Các nền kinh tế đang
phát triển cần 7 nghìn tỷ USD để trả nợ tính đến cuối năm 2021, giới chuyên gia
ước tính. Đã có 6 quốc gia vỡ nợ trong năm 2020. Tình trạng túng quẫn có thể
châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác.
Ngay cả các nước phương
Tây cũng được cho là sẽ phải chật vật với quá trình phục hồi kinh tế chậm chạp.
IMF và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây đã giảm ước tính ban đầu
của họ về thiệt hại kinh tế với Mỹ và các quốc gia khác vì Covid-19 trong năm
2020. Tuy nhiên, thậm chí đến cuối năm 2021, hầu hết thế giới được cho là chưa
thể trở về thời kỳ trước đại dịch.
Trung Quốc là nền kinh tế
lớn duy nhất được dự báo tăng trưởng đáng kể trong năm 2020, ở mức gần 2%, và
có thể đạt 10% vào cuối năm 2021. Còn với phương Tây, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề
của đại dịch, tình hình kinh tế có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu không có biện
pháp kích cầu phù hợp.
Nhiều nhà kinh tế nhận định
việc Mỹ chậm phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008 một phần bởi rút lại quá sớm
các biện pháp kích cầu và chú trọng giảm thâm hụt từ năm 2010. Trong khi đó,
chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau năm 2008 ở châu Âu lại làm trầm
trọng thêm vấn đề tăng trưởng chậm.
Các chuyên gia lưu ý rằng
chính cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã thúc đẩy làn sóng chủ nghĩa dân
túy hiện nay tại Mỹ và châu Âu. Do đó, viễn cảnh kinh tế tối tăm đối với hàng
triệu công dân, những người rơi xuống đáy ngay khi vừa ổn định trở lại, có thể
dẫn tới những hệ quả chính trị thậm chí tồi tệ hơn về lâu dài.
Tình hình kinh tế ảm đạm
được cho là còn dẫn đến chấm dứt quá trình mở rộng tầng lớp trung lưu trên toàn
cầu, thành tựu hàng đầu của thế giới trong ba thập kỷ qua khi hàng triệu người
vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Viễn cảnh này chỉ có thể được ngăn
chặn nếu xuất hiện sự phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm
2021 và sau đó.
Giới chuyên gia cho biết
lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, tầng lớp trung lưu đã bắt đầu thu hẹp lại, ước
tính ở mức 52 triệu người chỉ riêng tại Mỹ Latin. Ngân hàng Thế giới dự đoán đến
cuối năm 2021 sẽ có thêm 150 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, tức là mức
chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày.
Nếu mức tăng trưởng kinh
tế năm sau thấp hơn so với dự báo, con số này cũng sẽ tăng lên. Lịch sử cho thấy
sự sụt giảm số người thuộc tầng lớp trung lưu đi kèm với bất ổn chính trị, tình
trạng vi phạm dân chủ và những xung đột lớn hơn.
Một thách thức lớn khác với
thế giới là vấn đề an ninh lương thực. Liên Hợp Quốc cảnh báo toàn cầu đang bên
bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong ít nhất 50 năm qua. Đại
dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến giá thực phẩm tăng mạnh
ngay tại thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi ngày càng nhiều người rơi vào cảnh
túng quẫn vì Covid-19.
Theo dự báo của Liên Hợp
Quốc, số người có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng và những bệnh liên quan sẽ
nhiều hơn số người chết vì Covid-19. Bên cạnh đó, những người sống sót cũng bị
tổn hại, như việc trẻ em suy dinh dưỡng sẽ phải chịu đựng ảnh hưởng về cả sức
khỏe và tinh thần lâu dài.
Chương trình Lương thực
Thế giới đánh giá nạn đói có thể đang hoành hành tại Yemen, Nam Sudan, Nigeria
và Burkina Faso. Nhiều nước châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ sắp phải chịu số phận
tương tự. Ngay cả tại những nền kinh tế phát triển, người nghèo cũng đang chật
vật vì giá thực phẩm leo thang giữa nạn thất nghiệp. Theo ước tính, hơn 1/5 số
hộ gia đình tại Mỹ đang không được đảm bảo về lương thực.
Tuy nhiên, một số người vẫn
lạc quan khi coi 2021 là "năm trỗi dậy từ địa ngục", bởi thế giới dường
như đã bị dồn đến đến đường cùng trong năm 2020 và không còn lối thoát nào khác
ngoài đi lên.
Đầu tiên là triển vọng "tái sinh" của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, WTO vốn đối mặt với một tương lai bất định do những quy tắc thương mại toàn cầu và hệ thống giải quyết tranh chấp bị đe dọa. Tuy nhiên, với việc Biden lên nắm quyền, Mỹ được cho là sẽ hợp tác chặt chẽ trở lại với EU, mang tới sự lãnh đạo mạnh mẽ và đồng thuận trong tổ chức, tránh viễn cảnh thương mại toàn cầu bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bảo hộ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe
Biden tại thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm 28/12. Ảnh: AFP.
Các chuyên gia cho biết mục
tiêu quan trọng hàng đầu trong năm 2021 là phục hưng nền thương mại toàn cầu dựa
trên các quy tắc, thông qua ba bước. Trước hết là lựa chọn tổng giám đốc mới
cho WTO sau khi ông Roberto Azevedo bất ngờ từ chức hồi tháng 8. Tiếp đó là chọn
người tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức, bởi bộ phận này đã ngừng
hoạt động kể từ khi Trump từ chối bổ nhiệm thành viên mới. Cuối cùng, WTO cần cải
tổ sâu rộng dưới sự ủng hộ của các quốc gia thành viên.
Sự đổi mới của chủ nghĩa
đa phương trong thế kỷ 21 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cú chuyển mình của
WTO. Biden cam kết hồi sinh chính sách đa phương của Mỹ, với động thái đơn giản
đầu tiên sẽ là đưa Washington tái gia nhập tất cả cơ quan và thỏa thuận quốc tế
mà Trump từng rút, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp
Quốc và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ
có cơ hội đổi mới trong một hệ thống vốn đã được cải tổ của Liên Hợp Quốc, như
đối với việc giải quyết những vấn đề trong không gian, vũ khí tự động, các hình
thức mới của công nghệ sinh học lưỡng dụng và kỹ thuật địa lý. Đây là các vấn đề
có rất ít thỏa thuận quốc tế giúp thiết lập những tiêu chuẩn và quy định.
Thay vì chờ đến khi xảy
ra thảm họa không thể tránh khỏi trong các lĩnh vực này, chính quyền Biden có
thể tạo môi trường để những công nghệ mới được ứng dụng vì lợi ích chung.
Về chính trị, nhiều mối
quan hệ quốc tế có cơ hội được cải thiện trong năm 2021, đặc biệt là quan hệ giữa
Washington và Moskva. Giới chuyên gia đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin
đang gặp một số khó khăn nhất định, như hậu quả từ Covid-19 đối với đất nước,
thúc đẩy ông tìm kiếm mối quan hệ ổn định hơn với Mỹ và châu Âu.
Quá trình tái xây dựng
quan hệ có thể bao gồm thiết lập cơ chế kiềm chế lẫn nhau, bắt đầu bằng việc
gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các bên còn có thể thúc đẩy
một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.
Quan hệ giữa các nước
Trung Đông cũng đang chuyển biến tích cực. Những thỏa thuận bình thường hóa
quan hệ gần đây giữa Israel và nhiều quốc gia Arab theo Hồi giáo dòng Sunni có
lẽ là "quả ngọt" duy nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump trao cho người
kế nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng
bước tiếp theo mà Washington có thể thực hiện để thúc đẩy hòa giải là tạo điều
kiện cho một hiệp định tự do thương mại và đầu tư giữa các nước Hồi giáo Sunni
và Israel. Tuy nhiên, Biden còn cần tìm cách đối phó với sức ép từ Arab Saudi
trong việc cứng rắn hơn với Iran, bao gồm việc cân nhắc tái gia nhập thỏa thuận
hạt nhân Iran.
Covid-19, đại dịch tàn
phá thế giới trong năm 2020, cũng vẫn có khả năng diễn biến theo hướng tích cực
hơn vào năm 2021. Quá trình phát triển vaccine nhanh chóng nhờ trí tuệ nhân tạo,
big data và nghiên cứu tích lũy đã tạo điều kiện cho ngành sinh học đạt tiến bộ
với tốc độ chưa từng có, nhằm chống lại những chủng virus mới.
Theo dự đoán của giới chức
y tế, đến giữa năm 2021, thế giới sẽ có đủ nguồn cung vaccine để bất kỳ ai muốn
tiêm chủng đều có thể tiêm, dù sẽ gặp khó khăn về hậu cần. Ngoài vaccine, vẫn
còn những viễn cảnh tươi sáng khác có thể xảy ra năm 2021, như giới khoa học
phát triển được thêm thuốc hay liệu pháp điều trị Covid-19 hiệu quả hơn, công
tác xét nghiệm nCoV được triển khai nhanh và dễ tiếp cận hơn, các bác sĩ cũng
có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia
cho biết những thay đổi trong hành vi của cộng đồng năm 2020, bao gồm đeo khẩu
trang, rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội, vẫn cần được duy trì cho đến
khi thế giới hoàn toàn thoát khỏi "cơn ác mộng".
Theo Mohamed El-Erian, chủ
tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama,
vaccine Covid-19 không đủ để tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021
và duy trì tăng trưởng bền vững sau đó.
"Tuy nhiên, với những
biện pháp quyết liệt, sự lãnh đạo truyền cảm hứng và một chút may mắn, các nhà
hoạch định chính sách vẫn có thể giúp đưa nền kinh tế toàn cầu đi đúng hướng",
chuyên gia nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Atlantic
Council, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét