Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Jan 24, 2021 - Chúa nhật 3 thường niên năm B

 

Jan 24, 2021 - Chúa  nhật  3  thường  niên  năm  B

 “Các  anh  hãy  theo  tôi!”



https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/chua-nhat-iii-thuong-nien-nam-b-thanh-vinh-dap-ca.html

Các Bạn thân mến,

 Khởi điểm thời gian Đức Giesu công khai rao giang Tin Mừng Thiên Chúa cho nhân loại, ngày mở đầu cho một bình minh của thời đại mới, thời kỳ Đức Giesu bắt đầu thiết lập đội ngũ đặc biệt của Ngài để chuẩn bị hành động.

Ngài lên đường, công khai lên tiếng:"Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

Đây là thông điệp không chỉ gởi đến dân DoThái ngày ấy, mà Ngài gởi đến tất cả mọi người, mọi thời đại, dù là Công Giáo, Tin Lành hay Chính Thống, tất cả đều thuộc về Đức Kito, tất cả đều phải sám hối về tội lỗi của mình mới có thể vào Nước Trời.

 Cũng là thời điểm đánh dấu kết thúc sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa, bắt đầu sứ mạng của Đức Giesu.

Ngài đi đến miền Galile, thuộc phía bắc xứ Palestin, một tình lẻ, nơi đã bị đế quốc Assyria chiếm từ năm 721 trước CN, bắt thành phần ưu tú của xứ này đi lưu đầy, rồi đem dân chúng từ các nơi khác đến lập cư tại đó, vì thế Galile được gọi là vùng đất của lương dân, của tối tăm tội lỗi; vì thuộc ngoại bang, pha tạp dân cư, nông dân và ngư dân, nên dân tình chất phát, cởi mở, nhạy cảm.

Chính tại miền đất xa kinh đô này, xa thói ngạo mạn, tự tôn, mù quáng của Do Thái giáo... mà Đức Giesu công khai kêu gọi sám hối, lên tiếng kêu mời bốn môn đệ đầu tiên là Phero, Anre, Gioan và Giacobe đi theo Ngài.

Phúc Âm hôm nay chỉ cho chúng ta cách thức mở lòng ra để Đức Giêsu bước vào; đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá phải trả nếu chúng ta muốn làm được điều này. Phải thực hành những gì các tông đồ đã làm, sẵn lòng chấp nhận cái giá các Ngài đã phải trả, sẵn lòng thiêu huỷ mọi chiếc cầu phía sau để bước theo Đức Giêsu bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn chúng ta tới.

Nếu quyết định làm điều các tông đồ đã làm, quyết định liều bỏ mọi sự vì Đức Giêsu, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho các vị ấy. Ngài sẽ biến chúng ta nên những thành viên chia sẻ công việc của Ngài, và ban cho đời sống chúng ta một ý nghĩa mới vượt quá mọi niềm ước mơ vĩ đại nhất của chúng ta.

 

1. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”:

    a) Sai phạm: không kể tổ tiên, ông bà, cha mẹ anh chị em, các đấng các bậc hay những người thấp hèn chung quanh chúng ta thánh thiện hoặc tội lỗi ra sao, mà chỉ xét riêng bản thân chúng ta, chắc chắn ai cũng nhận ra mình có nhiều sai phạm nặng nhẹ, tội lỗi và thiếu sót, đối với cá nhân, gia đình, cộng đoàn xã hội và đặc biệt với Thiên Chúa. Đó là phạm tội, phạm lỗi. 

-  Phạm tội là khi chúng ta làm phiền lòng Chúa, cố tình bỏ không làm những điều Chúa buộc hoặc cố ý làm những điều Chúa cấm, được tóm lại trong giới luật của Ngài, của Giáo hội, của chính quyền...

-  Khi phạm tội là làm mất lòng Chúa, làm Chúa buồn phiền. Chúng ta sợ hãi mặc cảm, trốn tránh, dẫn đến sự mất thân mật, mất ơn nghĩa, mất cơ hội tốt lành... Nếu muốn được Chúa tha tội và được giao hòa lại với Ngài, chúng ta phải sám hối ăn năn.

    b) Sám hối: Là thái độ ăn năn thống hối về các lỗi lầm của mình, cởi bỏ những chướng ngại tội lỗi, ám chỉ một thái độ từ bỏ tâm trạng cũ, một não trạng xưa. Mong muốn mình được tốt hơn.

-  Việc sám hối đây không phải chỉ bỏ một số tội lỗi, hay lo buồn về một hành vi quá khứ đáng tiếc, nhưng là quay trở về hoàn toàn, căn bản là trở về với Thiên Chúa, trở về với chính mình. Với thái độ này, chúng ta mới đáng đón nhận những chân lý phải tin, Tin Mừng từ Thiên Chúa ban cho.

-   Sự ăn năn thực sự được biểu lộ qua việc hồi tâm xét mình, lo buồn trách mình vì đã phạm tội mất lòng Chúa, khiêm nhường xưng thú tội lỗi với vị linh mục và quyết tâm chừa cải bằng cách xa lánh dịp tội và làm việc đền tội cân xứng.

-  Việc sám hối đối với những người tội lỗi thì dễ hiểu, còn đối với người tốt lành thì khó, bởi vì họ không thấy có gì phải sám hối. Họ thấy lỗi của người khác rõ ràng, còn đối với họ thì rất mù mờ, họ có thể lên án người khác mà lại quên chính bản thân mình.

-  Sám hối cần can đảm để nhận ra thực trạng của mình, không đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh. Can đảm phá bỏ con đường cũ để theo con đường mới, giết con người cũ để mặc lấy con người mới.

-  Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng lời kêu gọi “Hãy sám hối”. Lời này được gửi đến những người tội lỗi trước tiên, nhưng cũng gửi đến tất cả những người khác, kể cả những người tốt lành. Để ý thức mình có những điều sai lạc hay còn thiếu. Cần phải hoàn thiện.

   c) Tin vào Tin Mừng:  Tin Mừng hôm nay chỉ chúng ta cách thức mở lòng ra để Đức Giêsu bước vào; đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá phải trả nếu muốn làm được điều này: phải thực hành những gì các Tông đồ đã làm, phải sẵn lòng chấp nhận cái giá các ngài đã phải trả.

-   Nếu chúng ta quyết định bỏ mọi sự vì Đức Giêsu thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta nên những thành viên chia sẻ công việc của Ngài, và ban cho đời sống chúng ta một ý nghĩa mới, vượt quá mọi niềm ước mơ vĩ đại nhất của chúng ta.

-  Dù rằng đã thực hành nhiều việc đạo đức như công đức, phụng vụ, bác ái ... nhưng thường vì không quen sống trong đức tin, nên nhiều khi chúng ta cảm thấy hoang mang, thậm chí còn nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, hoặc nếu tin Thiên Chúa hiện diện thì lại thầm oán trách Ngài vì để những bất hạnh xẩy ra!

-  Nhưng khi sự việc đã qua, nhìn lại với con mắt đức tin, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ diệu từ lòng yêu thương của Thiên Chúa; sẽ nhận ra được ơn gọi của mình thật là cần thiết!

-  Để sống Sứ Điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần thực hiện các điều sau:

      . xác tín mình được trao sứ mạng chinh phục lòng người trong thời đại của mỉnh.    

     . tha thiết cầu xin và để Chúa Thánh Thần huấn luyện, nhào nặn mình thành “những kẻ lưới người như lưới cá” mà Đức Giêsu mong đợi.

      . biết tận dụng cơ hội, hoàn cảnh để trau dồi những gì cần thiết cho sứ mạng chinh phục lòng người, nhất là vun đắp cho mình có một đời sống chứng tá hiệu quả. Vì: “chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn các thày dậy” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

 

2.  Đức Giesu kêu gọi:

      a) Những người tầm thường:

-   Tất cả là ngư dân đánh bắt cá bình thường như những người chài lưới ở xứ sở mà thực phẩm chính yếu là cá, và còn xuất đi các khu vực chung quanh.

-   Thời và nơi khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ, ngành thủy sản chưa ra đời, tầu bè làm bằng các vật liệu thô sơ như gỗ, tre, nứa… rồi dùng sức người chèo lái ra biển hồ, sông ngòi đánh bắt cá.

-   Đó là công ăn việc làm chính thức nuôi sống họ và gia đình.

-   Bốn ông được kêu mời hôm nay đều xuất thân từ gia đình lao động nghèo như vậy, cũng không qua trường lớp đào tạo văn hóa nghiệp vụ nào, mà chỉ với nghề đánh cá cha truyền con nối, hoặc tự mình mầy mò kinh nghiệm làm ra.

-   Họ hoàn toàn không phải thuộc giới qúi tộc giàu có sang trọng, hay hàng tư tế, đạo hạnh chức quyền trong dân chúng.

-  Thế mà Đức Giesu lại tuyển mộ họ làm môn đệ của Ngài, những người trần trụi, chân đất, bận bịu lăn lộn ngày đêm bên bờ hồ.

-  Trong khi những tín đồ Chính thống, những thầy tư tế, biệt phái, những nhà thông luật ở kinh đô, luôn tự hào với đạo đức siêu việt của mình, ngày đêm cầu nguyện, ăn chay hãm mình, nghiền ngẫm kinh thánh, luật lệ, với quần áo súng sính, lễ phục trang trọng, ra vào đền thờ, dòm xét, bắt bẻ từng hành vi, cử chỉ sai trái của dân chúng, thì Chúa xa tránh.

-   Đối tượng Đức Giesu kêu mời thật lạ lùng, mạo hiểm, đi ngược với sự tuyển chọn của con người theo chuyên môn ngành nghề.

-   Nhưng chính cuộc phiêu lưu khởi đầu từ những người dốt kém ở miền đất bị nguyền rủa này, lại cởi mở đón tiếp Thánh Thần Thiên Chúa, đã được chọn làm nền tảng cho Tin Mừng.

-   Chúa kêu gọi những người tầm thường, trí khôn mỏng manh bé nhỏ để Ngài khơi dậy nơi họ cái chân tâm khiêm nhường, trung tín, nhiệt huyết, hiền lành, hầu tình yêu của Ngài giúp họ biến đổi nên người hùng mạnh, khôn ngoan, làm nền tảng cho Giáo Hội của Ngài.

-   Hình như Chúa muốn nói với nhân loại: Ta không cần người thông minh tài giỏi qúi tộc giàu có, Ta chỉ cần những người nhiệt tâm hiến thân, Ta sẽ làm cho họ thay đổi cả thế gian!

-    Đấy là kinh nghiệm để chúng ta nhớ rằng đừng bao giờ đắn đo qúa nhiều về thân phận mình, hãy nghĩ đến những gì Chúa sẽ làm cho chúng ta, Ngài sẽ khiến chúng ta trở thành những gì Ngài muốn.

-    Cũng đừng nhìn về phía sau, mà lạc quan, nhìn về phía trước, về tương lai, để thấy tất cả đều có thể, đều tốt đẹp trong niềm tin vào Thiên Chúa; chúng ta sẽ không thất vọng về mình, về con người, về xã hội, về cả cuộc đời.

    b)   Không gian, thời gian bình thường:

-   Đức Giesu kêu gọi các ông trong lúc họ đang làm công việc bình thường hằng ngay ở hồ Galile, thuộc địa phương họ. Đây là công việc, thời gian, không gian quen thuộc ngày đêm của họ.

-   Ngay từ trong Cựu Ước, chúng ta đã được biết tiếng gọi của Thiên Chúa đến với một người không phải chỉ xẩy ra trong lúc người đó đang cầu nguyện, đang ở trong nhà Thiên Chúa, hay ở một nơi bí mật, linh thiêng, sang trọng. Mà là những lúc người ấy đang làm công việc bình thường của họ.

-   Điều này nhắc nhở chúng ta cùng mọi tạo vật của Thiên Chúa rằng, tất cả đều sống trong một thế giới tốt đẹp, bao trùm quyền năng của Ngài, không tạo vật nào có thể xa lìa, trốn tránh.

-   Ngài có thể mời gọi chúng ta bất kỳ khi nào Ngài muốn, Ngài cần, mà chẳng quan tâm đến tình trạng, không gian, thời gian của chúng ta.

-    Đây là niềm tin, hy vọng cho chúng ta để đứng vững, sẵn sàng, cho dù khốn khó, vất vả, bất hạnh, thử thách có khắc nghiệt thế nào thì vẫn chắc chắn rằng Thiên Chúa là Chúa, là ánh sáng chiếu soi mọi sự, và quan phòng tất cả.

   c) Cách gọi khác thường:

-   “Các anh hãy theo tôi!”

-    Lời kêu gọi như một mệnh lệnh, tức khắc, ngắn gọn, không thuyết pháp, không hứa hẹn…khiến các ông đang làm việc, cũng bỏ tất cả, đứng ngay lên đi theo Chúa, không suy nghĩ tính toán. Sự đáp trả bằng phản xạ cá nhân, trực tiếp với Ngài.

-    Đúng là một xúc động tự thâm tâm, làm nẩy sinh lòng cương quyết, dứt khoát, không gì cản trở được.

-    Thật ra, bốn ông này đã gặp Chúa tại Giude với sự giới thiệu của ông Gioan Tẩy Gỉa.

-    Là lần Đức Giesu mời các ông “Đến mà xem”; và hôm nay các ông được kêu gọi chính thức, công khai đi theo Ngài.

-    Thật vậy, phần lớn tiếng Chúa gọi như tiếng sét, như ma thuật, như tiếng gọi của con tim. Đúng là Chúa đã kéo mọi người đến với Ngài.

-    Tuy nhiên đó không phải là tất cả, nhiều người vẫn cần có thời gian suy nghĩ cẩn thận, thu xếp ổn thỏa. Hiển nhiên Chúa không câu nệ chuyện ấy.

-   Bởi nơi Đức Giêsu có nhiều khác biệt với những lãnh tụ khác. Đó là ảnh hưởng của Ngài gây ra trên chúng ta, không chỉ mang tính cách tâm lý, mà còn gồm cả tính mầu nhiệm nữa.

-   Đức Giêsu có thể đặt tinh thần Ngài trong chúng ta. Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài với chúng ta. Ngài bước vào trong tâm trí chúng ta để gíup làm được điều mà tự sức riêng chúng ta không thể nào làm được một mình. Chỉ cần chúng ta mở rộng lòng trí cho Ngài thì Đức Kitô sẽ bứơc vào trong cuộc đời của chúng ta và Ngài sẽ làm tất cả những gì tiếp theo sau đó.

-   Còn các lãnh tụ khác chỉ có thể ảnh hưởng trên chúng ta niềm phấn khích. Ảnh hưởng họ gây ra trên chúng ta chỉ thuần về mặt tâm lý. Điều này có nghĩa là các lãnh tụ khác có thể hâm nóng nhiệt tình của chúng ta, có thể khích động, có thể khơi dậy niềm xúc cảm, khích thích trí tưởng tượng của chúng ta nhưng họ không thể ban tinh thần của họ, không thể chia sẻ năng lực và sức mạnh riêng của họ; nếu có sự thay đổi nơi những người theo họ, thì chắc hẳn sự thay đổi đó là do nơi nguồn lực và sự gắng sức của người theo họ.

   d)  Nhiệm vụ được trao ban:

-    Đức Giesu không gọi các môn đệ dể họ được an nhàn sung sướng, giàu sang, quyền hành, cũng chẳng phải chỉ để ngồi rảnh rỗi đọc kinh cầu nguyện, chúc tụng Thiên Chúa.

-    Mà Ngài gọi họ để sai họ đem ánh sáng của Ngài đến những nơi tối tăm, tội lỗi, nghèo khổ, kể cả những người ly khai, lạc giáo, lương dân và vô thần, để những ai nhận ánh sáng, tin vào ánh sáng, tin vào mặc khải của Đức Giesu, sẽ được trở thành con cái của ánh sáng.

-    Bởi cuộc đời con người đầy bóng tối về sự thật, về quan hệ tương giao, đầy tội lỗi, do hoàn cảnh xã hội hay do chính sự yếu đuối của mình…

-   "Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."

-    Đó là nhiệm vụ Chúa trao, nhiệm vụ đánh cá đời sống, vất vả, khẩn trương, lại đầy bất ngờ, hên xui! Nên cần tự giác, nhiệt thành, kiên trì, sáng suốt kịp thời, dù phải thức suốt đêm, mệt mỏi, mất mát đến tận cùng vì Ngài và anh em.

-    Đó là một nhiệm vụ mà thực chất họ chẳng được gì cho riêng họ, mà chỉ luôn hiến dâng, chịu đựng bốn bề tứ phía!

-    Mỗi Kito Hữu chúng ta cũng được trao ban trách nhiệm như thế. Hãy đón nhận và thi hành, dù đời sống khó khăn khắc nghiệt, xã hội phức tạp, lòng người đa đoan hơn khi xưa rất nhiều, cũng đừng nản lòng, bởi Chúa luôn ban những ơn cần thiết cho chúng ta.

 

Lạy Chúa, Ngài đã kêu gọi mọi người đến lãnh ơn cứu độ của Ngài; nhưng đến ngày nay, ngay nơi chúng con sinh ra, ngay trong gia đình, ngay nơi sống và làm việc của chúng con, Chúa vẫn chưa được đón tiếp xứng đáng, trên thế giới vẫn còn hằng tỷ người chưa nhận Ngài là Đấng Cứu Độ.

Xin thôi thúc chúng con khao khát muốn giới thiệu Ngài cho mọi người, muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và sự bình an của Ngài cho tất cả. Dù chúng con bất lực, vụng về...

Xin hãy cho những cố gắng của chúng con được thành công, sinh nhiều hoa trái như ý Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen

Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét