‘Khủng hoảng niềm tin’ ở Việt Nam, đâu là gốc rễ?
Đối với những người Việt
chưa từng tiếp xúc với môi trường cuộc sống ở Mỹ, lần đầu đến du lịch hay làm
việc ở đây thì sẽ có thể nhận thấy một vài hiện tượng “rất kỳ lạ.”
Một cô gái người châu Á
đưa cha mẹ đến tham quan một thắng cảnh ở Manhattan. Sau khi mua vé vào rồi, cô
mới chợt nghĩ ra rằng người già có thể được ưu đãi nên vội vàng quay lại hỏi
nhân viên. Người bán vé là một cô gái trẻ tuổi, nghe thấy câu hỏi đó liền nói lời
xin lỗi, và lấy khoản tiền ưu đãi gửi lại. Điều khiến du khách này ngạc nhiên
là, cô gái người Mỹ cũng không cần xem xét giấy tờ chứng nhận, thậm chí không
đi nhìn xem cha mẹ cô có đúng là người già hay chưa (người hơn 62 tuổi mới được
ưu đãi). Điều này khiến chúng ta thầm hiểu rằng: “Đây đúng là làm theo nguyên tắc
“tin người”.
Thật ra, gần như ở tất cả
các nơi công cộng, nếu có ưu đãi giảm giá cho người già và trẻ nhỏ thì đều
không cần xem giấy tờ chứng nhận. Họ chỉ cần lời nói là sẽ tin mà không sợ “người
già nhưng nhìn rất trẻ” và “trẻ con nhưng nhìn rất cao lớn”.
Sự thành tín trong xã hội
Mỹ
Người Mỹ với nhau họ rất
“dễ tin”, hơn nữa ở bất kể cửa hàng kinh doanh lớn nhỏ nào đều đặt danh tiếng
lên trên hết. Khi mua đồ ở cửa hàng, ngoại trừ là đồ ăn và một số mặt hàng đặc
biệt thì tất cả đều có thể trả lại trong một thời gian nhất định và được hoàn
tiền đầy đủ. Ví dụ, mua đồ điện tử, quần áo, giày dép hoặc là các thương phẩm
khác… Về nhà dùng một lát, cảm thấy không tốt, cầm lại cửa hàng, đều cho trả lại.
Tuy rằng cuộc sống ở Mỹ
không hoàn toàn là màu hồng, cũng có những phần tử lừa đảo và trái pháp luật đủ
loại, nhưng nói chung, những ai nghe các câu chuyện trên hẳn sẽ cảm thấy quả là
“chuyện lạ” đối với người Việt Nam.
Người Việt đang phải sống
dưới quá nhiều áp lực
Sáng ngày 09/06/2017, tại
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước
Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí,
thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống… “Mọi
thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo
đức ứng xử đạo giữa người với người.”
“Khủng hoảng niềm tin” là
hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta, ở trên mọi khía cạnh cuộc
sống của người dân từ thành thị cho tới nông thôn. Dù sống ở đâu người dân đều
phải đối mặt với thực trạng với “thực phẩm bẩn”, nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước
thải công nghiệp, an toàn giao thông… đang vượt ngoài sự kiểm soát của các cơ
quan chức năng trong một thời gian kéo dài. Tới những vụ việc nổi cộm gần đây
như Formosa Hà tĩnh, tranh chấp đất tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; rồi vụ việc
đau lòng “8 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình”…
Theo học thuyết Maslow,
nhu cầu thiết yếu nhất của con người chính là thức ăn, nước uống, và sự an
toàn. Vậy mà người dân trong xã hội Việt Nam hôm nay đang sống trong trạng thái
thường xuyên phải lo lắng về sự an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, môi trường
và các dịch vụ y tế mà họ đang sử dụng hằng ngày… Có câu nói: “Mất niềm tin là
mất tất cả!” Điều tệ hại nhất là khi con người ta phải sống trong cảm giác
không còn biết tin ai, tin vào cái gì, đã tạo nên sự bất an và căng thẳng tâm
lý kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Thống kê cho thấy Việt
Nam hiện có khoảng 15% dân số đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần
thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Đặc biệt trong số các bệnh
nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, thì có tới hơn 45% ở
độ tuổi dưới 30. Một trong những nguyên nhân ít được thống kê là các vấn đề xã
hội: bất mãn về chính sách kinh tế xã hội, bất lực trong việc đấu tranh đòi
công lý, công bằng. Sự khủng hoảng niềm tin vào giá trị sống và hiện tượng xuống
dốc của đạo đức xã hội dẫn đến mâu thuẫn trong cuộc sống gia tăng, tâm lý, tinh
thần nhiều người bị khủng hoảng theo, làm gia tăng bệnh tâm thần, trầm cảm…
Nhiều bài viết đã được
đăng tải, xem “khủng hoảng niềm tin” như là một vấn đề nóng trong xã hội. Tuy
nhiên các bài viết chủ yếu phản ánh các biểu hiện của “khủng hoảng niềm tin”
trên mọi lĩnh vực xã hội (giáo dục, y tế, môi trường, giao thông,..) và tập
trung vào các nguyên nhân bề mặt như sự bất cập của các chính sách kinh tế xã hội,
sự bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng, và tham nhũng, sự tha
hoá lối sống ở các cấp… Trên thực tế, “khủng hoảng niềm tin” còn có những
nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn xuất phát từ trong tư tưởng của con người
trong xã hội hôm nay.
Đâu là gốc rễ?
Bản chất của niềm tin là
những giá trị được hình thành trên nền tảng văn hoá và đạo đức của một cá nhân.
Con người phân biệt đúng và sai, tốt và xấu, thiện và ác dựa trên các giá trị
văn hoá và chuẩn mực đạo đức của mình. Mà các giá trị này lại thường được quyết
định bởi tín ngưỡng.
Người Mỹ rất thành tín là
vì họ bảo vệ tốt tự do tín ngưỡng. Ở một cường quốc về công nghệ như Mỹ, chính
phủ và người dân vẫn không hề bớt niềm tin vào tín ngưỡng tâm linh. Kết quả
các cuộc điều tra cho thấy, có 76% tổng số người dân Mỹ theo Kitô giáo,
1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo, tổng cộng là gần 80% người
có tôn giáo. Theo một cuộc khảo sát khác, 40% nói rằng họ tham dự các buổi lễ
gần như mỗi tuần, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất 1 lần mỗi tuần. Đó là một
tỷ lệ khiến người ta kinh ngạc tại một quốc gia phát triển như Mỹ. Đa số người
Mỹ cho biết tôn giáo giữ một vai trò “rất quan trọng” trong cuộc sống của mình.
Tờ Đô la Mỹ cũng có in
câu: “In God We Trust” (Tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa). Tại sao một siêu cường
kinh tế và quân sự bậc nhất thế giới lại chọn in câu nói thể hiện “niềm tin
vào một đấng toàn năng nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học” trên đồng tiền của
mình chứ không phải là in những khẩu hiệu trung thành với Đảng Dân chủ
hay Đảng Cộng hòa?
Một số người có thể không
cho rằng tín ngưỡng là quan trọng đến thế, rằng nước Mỹ giàu mạnh vì những lý
do khác. Nhưng bạn có biết chăng, tự do tín ngưỡng, đề cao nhân quyền chính là
cái gốc lập quốc của Mỹ. Những người châu Mỹ thời kỳ đầu chính là những tín đồ
Thanh giáo, họ vì muốn có tự do tín ngưỡng mà đã vượt biển đến Tân thế giới.
Trong quyển Dân chủ ở Mỹ (Democracy in America), Alexis de Tocqueville đưa ra
luận cứ chứng minh chính lập trường Thanh giáo của những người di cư đã thiết lập
nền tảng vững chắc cho nền dân chủ ở Mỹ.
Tín ngưỡng chính thống có đặc tính ổn định. Giê-su nói “Dù cho Trời đất phải bỏ đi, lời của ta không thể bỏ đi”, người phương Đông cũng có câu “Thiên bất biến, Đạo diệc bất biến” (Trời
không đổi, Đạo cũng không đổi). Do đó những người có tín ngưỡng chính giáo sẽ
phán đoán đúng sai theo kinh điển của nó, nên tiêu chuẩn thị phi này là ổn định,
mang tới sự ổn định cho xã hội.
Sau khi Phật giáo truyền
nhập vào Việt Nam, theo sự lưu truyền trong dân gian người Việt tin tưởng rằng
có Thiên đường, Địa ngục và luân hồi chuyển thế, thiện ác hữu báo. Quan niệm và
đạo đức luân lý này kiên trì hình thành nên một cơ sở giá trị của cộng đồng, trở
thành cơ sở của văn hóa truyền thống.
Lấy một ví dụ, người Việt
xem ngày 23 tháng Chạp là “hết năm cũ”, là ngày Táo Quân lên trời. Nhân gian
cho rằng Táo Quân giám sát nhất cử nhất động một gia đình trong một năm, đến
ngày 23 tháng Chạp phải lên thiên đình để báo cáo. Hoạt động này là một kiểu biểu
đạt “trên đầu ba thước có Thần linh”. Do tin tưởng vào tác dụng giám sát của
Táo Quân, mọi người tự nhiên sẽ kiềm chế hành vi của bản thân mình.
(ảnh minh họa, nguồn: Facebook)
(ảnh minh họa, nguồn: Facebook)
“Dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm
trọng và sai lầm trước đây mà cả hiện nay nữa đã tạo ra một quá trình sa mạc
hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một
bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được
loại cây có hoa thơm, quả ngọt,” ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên
cứu tôn giáo, từng trả lời phỏng vấn với VietnamNet.
Nếu không còn tin tưởng
“trên đầu ba thước có Thần linh”, cũng chính là không còn ước thúc về đạo đức,
không có ước thúc về đạo đức, ước thúc về pháp luật cũng chỉ có thể là hữu danh
vô thực, khi không có ai giám sát, người ta vẫn sẽ làm điều xấu, vì để được mục
đích mà có thể không từ thủ đoạn. Khi không tin vào ý nghĩa nhân sinh, không
tin làm việc xấu sẽ có báo ứng, thì người ta làm việc gì cũng đều không tính đến
hậu quả, việc xấu gì cũng dám làm.
Có thể có người nghĩ rằng
vẫn có những chính sách khôi phục văn hóa tín ngưỡng diễn ra trên khắp cả nước,
nhưng thực chất đó chỉ là khôi phục nghi thức, khôi phục vỏ bọc tín ngưỡng mà
thôi. Ngày nay, người ta đến với lễ hội mang theo đủ loại tâm thái, đến vì tò
mò, vì cầu danh, vì giải nạn, vì phát tài, vì tình duyên… chứ không còn có cái
tâm kính ngưỡng như trước nữa. Người ta đi lễ mà không hiểu ý nghĩa của lễ hội
là gì, cần phải ứng xử ra sao, có người còn không hiểu đền thờ ai, thậm chí còn
dám dúi thẳng tiền vào tay tượng Phật, nhét vào miệng Phật, vì e rằng không làm
thế thì sẽ không “thiêng”!? Bản chất của vấn đề ở đây là không thực sự tín Thần.
Cũng cần nói rõ, trong xã
hội thông thường sẽ có người tín ngưỡng hữu Thần và vô Thần hoàn toàn có thể
cùng chung sống hòa bình, đó là sự lựa chọn tự do không cần bàn cãi. Nhưng khi
cưỡng chế nhồi nhét Vô Thần luận trong toàn xã hội, đàn áp tín ngưỡng vào Thần
làm mất đi tín ngưỡng của cả một xã hội, tất nhiên sẽ khiến hệ thống giá trị xã
hội truyền thống mất đi chỗ dựa, từ đó dẫn tới toàn xã hội trượt xuống vũng bùn
của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa túng dục.
Nếu không là một phần của
giải pháp, đừng trở thành một phần của vấn đề
Khôi phục niềm tin của
con người trong xã hội không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi chính sách hay
luật pháp. Rất nhiều người có thể dễ dàng chỉ trích những việc sai của người
khác, nhưng cũng lại dễ dãi và hành xử tương tự khi bản thân ở trong hoàn cảnh
đưa đẩy, bởi chính bản thân họ cũng đang sa vào vũng lầy khi đạo đức toàn xã hội
đi xuống. “Người ta lấy phong bì 10 triệu, tôi chỉ lấy 2 triệu, vậy là tôi đã tốt
hơn nhiều lắm rồi đó!” chính là kiểu tư duy như thế này.
Xét trên góc độ vĩ mô
toàn xã hội, sẽ phải mất cả thế hệ, hoặc nhiều thế hệ mới có thể khôi phục lại
chính tín và sự thành tín đã bị mất. Để làm được như thế, đầu tiên cần hiểu rõ
về tín ngưỡng và tự do tín ngưỡng, cùng các nền tảng đạo đức mang tới sự ổn định
và phúc báo cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Mahatma Gandhi có câu nói
nổi tiếng: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới
này”. Mỗi con người là một phần của xã hội, vì thế, thay đổi bản thân cũng chính
là đang thay đổi xã hội, và nó lan tỏa nhanh hơn bạn nghĩ. Có thể hiện tại
chúng ta chưa thể lựa chọn cho một thay đổi to lớn và toàn diện hơn trong xã hội,
nhưng chúng ta có thể thay đổi ngay bản thân mình và lan tỏa những điều tích cực
ngay từ bây giờ, để sẵn sàng khi một ngày nào đó lịch sử đặt quyền lựa chọn vào
tay chúng ta.
Sơn Vũ tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét