Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất


Người  biết  đủ  là  người  giàu  có  và  hạnh  phúc  nhất

An Hòa•Thứ Hai, 17/05/2021

(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Lão Tử giảng: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì. Người không biết đủ luôn thấy thiếu thốn và sẽ không bao giờ thành công trong việc tìm kiếm hạnh phúc thật sự.

Những tài nguyên vật chất trên thế gian này là hữu hạn, nhưng ham muốn dục vọng của con người lại là vô hạn. Vì vậy một người nếu thực sự muốn hạnh phúc và vui vẻ, thì phải biết kiềm chế dục vọng của bản thân, biết đủ và có thiện niệm. Thời xưa có một câu chuyện kể về một người biết đủ như thế này.

Nghiêm Quân Bình là người triều nhà Hán thông hiểu Kinh Dịch, chuyên xem tướng tại Thành Đô. Ông nổi tiếng về thuật xem tướng. Hàng ngày người đến cầu ông xem tướng có rất nhiều, nhưng dẫu là ai thì ông luôn luôn nhắc nhở thủ giữ tín nghĩa trung hiếu, bởi thiện đức có thể ảnh hưởng đến số mệnh người ta.

Nghiêm Quân Bình ngày nào cũng chỉ làm cầm chừng, cảm thấy đủ dùng liền đóng của hiệu, vào nhà trong chuyên tâm đọc sách.

Một văn nhân nổi tiếng thời đó là Dương Hùng từng theo Nghiêm Quân Bình học tập, ca ngợi ông: “Đức hạnh của Quân Bình tiên sinh đủ để ngăn chặn lòng tham, khuyên nhủ người đời, cũng giống như những người sống ẩn dật thời xưa vậy”.

La Xung là người nước Thục, thấy Nghiêm Quân Bình có tài có đức, nên đã chuẩn bị xe ngựa, y phục, lương thực và tiền bạc, đem tới tặng, mong muốn thuyết phục ông ra làm quan.

Tuy vậy Quân Bình lại hỏi: “Ta có thừa mà tiên sinh chưa có đủ, tại sao người chưa đủ lại đến cung phụng người có thừa?”

La Xung nói: “Trong nhà của ta có nhiều vàng bạc, mà tiên sinh một chút lương thực để giành cũng không có, sao có thể nói là có thừa được?”

Quân Bình nói: “Ta đã từng tới nhà ngài, thấy ngài ngày đêm bận rộn mà đạt được những thứ ấy, chưa từng có lúc nào thấy thỏa mãn. Hiện tại ta xem tướng, không cần xuống giường mà tiền cũng đến, còn dư thừa mấy trăm, bụi bám dày một tấc, không biết dùng làm gì, rõ ràng là ta có thừa mà tiên sinh thì chưa có đủ.”

Quân Bình còn nói: “Gia tăng tài vật sẽ làm gia tăng tổn thương tinh thần, tiếng tăm của một người cũng có thể giết chết người ấy”.

Quân Bình sống đơn giản như vậy cho đến hơn 90 tuổi mới qua đời.

Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm người ta cảm thấy không thỏa mãn, công danh, sự nghiệp không được như ý, tiền tài, vật dụng không được như mong đợi. Thậm chí có lúc, họ oán trách trời đất bất công, oán giận cha mẹ không cho họ một hoàn cảnh sống sung túc, thuận lợi. Đối với đời sau, họ lại oán trách con cái không được giỏi giang, thành đạt như mong muốn. Hết thảy những bất mãn đó đều có nguyên nhân từ việc con người không biết đủ mà ra.

Đây kỳ thực chính là dục vọng của con người, là lòng tham muốn, là những mong ước hoang tưởng hay những đòi hỏi không thực tế nảy ra. Lòng tham của con người nếu không thể ước chế thì sẽ luôn không biết đủ. Không biết đủ là sự bi quan, là ác tâm của con người, còn biết đủ là một loại lạc quan, là sự thăng hoa của tư duy lý tính.

“Biết đủ” và “không đủ” cũng là một quá trình lượng hóa. Ở vào những niên đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, giai tầng khác nhau, độ tuổi khác nhau, kinh nghiệm cuộc sống khác nhau, thì “biết đủ” và “không đủ” luôn có sự nâng lên hạ xuống cho phù hợp. Ví như, khi còn trẻ tuổi sống nghèo khổ, có lẽ cảm giác không thấy đủ mới được xem là phù hợp. Bởi vì chỉ có như vậy cuộc sống của họ mới có sự thay đổi. Hay đối với những người đột nhiên giàu có lên, nếu biết “không đủ” với tri thức, với cách ứng xử, thì rồi cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn.

“Biết đủ” khiến con người bình tĩnh hơn, an tường, lạc quan và siêu thoát hơn. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Sự khác biệt trong tâm thái của họ chính là hạn độ, chính là sự đúng mực, là trí tuệ. Bởi có hạn độ nên họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.

“Biết đủ” là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của người ấy sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được. Bởi vì họ không tìm kiếm giải pháp căn bản ở bên ngoài mà hiểu được điều quan trọng nhất là nằm ở bên trong.

“Biết đủ” là một loại rộng lượng. Lòng dạ rộng lượng có thể dung nạp được thiên hạ, cho nên trong mắt người biết đủ, mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ là không cần thiết. Cũng chính bởi vì thế mà tâm lý của người biết đủ luôn được cân bằng, họ luôn thấy thỏa mãn và giàu có.

“Biết đủ” còn là một loại khoan dung. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la và rộng lớn. Chính vì thế mà cổ nhân mới dạy: “Thấy đủ thường vui”.

An Hòa biên tập

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét