Việc chế tài an táng theo nghi thức Giáo Hội Công Giáo
Qua những nghi thức an táng, Giáo hội khẩn cầu
ơn trợ giúp thiêng liêng cho những người quá cố, tôn kính thi hài của họ, và
đồng thời đem lại niềm an ủi, hy vọng cho những người còn sống trong tang quyến
vì mất một người thân yêu
Việc chế tài an táng theo nghi thức Giáo Hội Công Giáo
Quyển 6 của Bộ Giáo Luật 1983 quy định việc chế tài trong Giáo hội. Bài viết này chỉ đề cập đến việc chế tài về an táng theo Giáo luật trong tinh thần mới của Giáo huấn Giáo hội, đặc biệt trong tinh thần loan báo Tin mừng là niềm vui của Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) Đức Thánh Cha Phanxicô: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ, được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng nội tâm và cô lập…….Tôi muốn khuyến khích các tín hữu Kitô giáo, để mời họ vào một giai đoạn mới của truyền giáo được đánh dấu bằng niềm vui trong khi chỉ ra những con đường mới cho cuộc hành trình của Hội thánh trong những năm tới”.
I. QUYỀN ĐƯỢC AN TÁNG THEO NGHI THỨC GHCG
1. Mọi Kitô hữu Công Giáo có quyền được an táng theo nghi thức GHCG
Giáo hội tuyên bố một cách rõ ràng mọi Kitô hữu Công giáo qua đời phải được an táng theo nghi thức Công giáo phù hợp quy tắc luật phụng vụ của GHCG. Qua những nghi thức an táng, Giáo hội khẩn cầu ơn trợ giúp thiêng liêng cho những người quá cố, tôn kính thi hài của họ, và đồng thời đem lại niềm an ủi, hy vọng cho những người còn sống trong tang quyến vì mất một người thân yêu[1].
2. Những nghi thức an táng Công giáo
Người Ki tô hữu qua đời được cử hành nghi thức an táng trong nhà thờ giáo xứ của mình hoặc trong một nhà thờ khác[2]. Tuy nhiên, nghi lễ an táng Công giáo có thể được cử hành ở nhà tang, tại nhà thờ và ở nghĩa trang [3]: Ở nhà tang có nghi thức tẩm liệm và canh thức cầu nguyện cho người qua đời. Ở nhà thờ có Thánh lễ an táng và nghi thức phó dâng và từ biệt lần cuối cùng. Ở nghĩa trang và nơi phần mộ gồm có: nghi thức làm phép mộ, cầu nguyện và hạ quan. Người tín hữu quá cố phải được an táng trong nghĩa trang riêng của giáo xứ hoặc trong một nghĩa trang khác[4].
II. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢCC AN TÁNG THEO NGHI THỨC CÔNG GIÁO LA TINH
1. Bộ Giáo luật 1917
Điều 1240 Bộ Giáo luật 1917 liệt kê một số trường hợp không được an táng theo nghi thức Công Giáo La Tinh:
1.1 Những người bội giáo khét tiếng, những người lạc giáo và ly giáo khét tiếng, những người thuộc Tam Điểm và những hiệp hội khác tương tự.
1.2 Những người bị vạ tuyệt thông hoặc cấm chỉ bởi một bản bản án được tuyên kết.
1.3 Những người phạm tội tự sát.
1.4 Những người chết trong một cuộc đấu kiếm hoặc đấu súng; hoặc bởi vết thương do những cuộc đấu đó gây ra.
1.5 Những người ra lệnh hỏa thiêu thi hài của họ.
1.6 Tất cả những tội nhân được biết công khai khác.
2. Bộ Giáo luật 1983
Theo bộ Giáo luật 1983, một số Ki-tô hữu Công giáo có thể không được an táng theo nghi thức GHCG La tinh [5], bao gồm bị từ chối bất cứ Thánh lễ an táng nào [6]. Ngay cả Thánh lễ công khai nhưng không có thân xác của người này hiện diện và các nghi thức liên hệ đến Thánh lễ an táng. Mặc dầu có thể dâng một Thánh lễ cầu hồn sau này, nhưng không được làm công khai khi nó có thể gây ra gương xấu. Hai điều kiện cần có và đủ để Giáo hội từ chối cử hành an táng theo nghi thức của Giáo hội:
+ nếu họ phạm một tội rõ ràng theo luật định.
+ nếu trước khi qua đời họ đã không biểu lộ dấu chỉ sám hối nào đó.
Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiều chi tiết hai điều kiện này.
2.1 Những trường hợp phạm tội theo luật định
Có ba trường hợp trong đó Ki-tô hữu thuộc GGCG La tinh có thể không được cử hành an táng theo nghi thức Giáo hội:
2.1.1 Những người lạc giáo, những người bội giáo và những người ly giáo hiển nhiên[7]. Nghĩa là tội của họ đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội tuyên bố công khai hoặc thực tế được nhiều người biết rõ ràng đến nỗi không ai có thể phủ nhận hoặc nghi ngờ. Nếu tội của họ chưa hiển nhiên thì việc từ chối cử hành an táng theo nghi thức của Giáo hội không thể được biện minh hợp pháp.
+ Người lạc giáo [8] là người Công giáo hoặc người Ki-tô hữu của các Giáo hội KTG khác được nhận vào GHCG, nhưng ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin Công giáo được Thiên Chúa mặc khải, thí dụ mầu nhiệm Nhập thể hoặc mầu nhiệm Phục sinh….
+ Người bội giáo [9] là người chối bỏ một cách chủ ý, hiểu biết đầy đủ và ngoan cố toàn bộ đức tin Ki-tô giáo - không chỉ đức tin Công giáo.
+ Người ly giáo [10] là những người đã được rửa tội trong GHCG hoặc đã được nhận vào GHCG nhưng sau đó không liên kết và hiệp thông với những Ki-tô hữu khác trong cơ cấu hữu hình của GHCG qua việc tuyên xưng đức tin, lãnh nhận các bí tích và từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng[11].
Những người lạc giáo, bội giáo và ly giáo đã chối bỏ một phần hoặc tất cả tín điều Công giáo hay sự hiệp thông với Giáo hội; và làm như thế một cách hiển nhiên. Như vậy, thực tế, họ đã diễn tả ý không muốn cử hành an táng theo nghi thức Giáo hội. Giáo hội chỉ muốn tôn trọng ý muốn cá nhân của những người đã được rửa tội.
2.1.2 Những người đã chọn hỏa táng thi hài mình vì những lý do nghịch với đức tin Kitô giáo[12]. Thí dụ, một người đã chọn và di chúc cho gia đình hỏa táng thân xác của mình như một cách để chứng tỏ mình không tin vào giáo lý người chết sống lại của GHCG.
2.1.3 Những tội nhân hiển nhiên khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội không thể không sinh gương xấu công khai cho các tín hữu [13].
Trường hợp thứ ba này đòi hỏi hai điều kiện sau:
2.1.3.1 Người này phải là một tội nhân rõ ràng: nhiều người biết đương sự đang sống trong một tình trạng tội nặng hoặc những vị chức trách có thẩm quyền của Giáo hội đã tuyên bố công khai cho nhiều người biết.
2.1.3.2 Cử hành an táng theo nghi thức GHCG gây ra gương xấu công khai cho các tín hữu khác.
Vì thế, nếu không có gương xấu; cũng như nếu tình trạng phạm tội không rõ ràng thì không có lý do nào để từ chối cử hành an táng theo nghi thức của GHCG.
Nếu hai điều kiện này được xác minh rõ ràng là có thật thì người này không được cử hành nghi thức an táng. Tuy nhiên để Linh mục xác định hai điều kiện này có thực không phải là một chuyện dễ dàng. Trong trường hợp có sự nghi ngờ, Linh mục phải hỏi ý kiến của Đấng bản quyền địa phương và theo phán quyết của ngài [14].
Những nhà chú giải Giáo luật cho rằng một số những tội nhân rõ ràng là [15]:
+ Một tội phạm đã phạm tội nặng công khai và khét tiếng, như là một trùm băng đảng buôn bán ma túy, cướp của, giết người khét tiếng.
+ Người là một thành viên công khai của một nhóm hoặc một tổ chức có mục đích chống đối, phê bình, chỉ trích GHCG như là những người trong phong trào đấu tranh cho việc phá thai, hôn nhân đồng tính….chỉ trích những lập trường và giáo lý của Giáo hội về những vấn đền này.
+ Người công khai theo những ý thức hệ vô thần chống lại Giáo hội.
2.2 Họ đã không biểu lộ dấu chỉ sám hối nào đó trước khi qua đời
Những người phạm tội kể trên chỉ bị từ chối cử hành an táng theo nghi thức GHCG khi họ không biều lộ dấu chỉ sám hối nào đó trước khi qua đời. Nếu họ đã có biểu lộ dấu chỉ sám hối thì Linh mục không thể từ chối. Dấu chỉ sám hối có thể là những dấu hiệu họ muốn hòa giải với Thiên Chúa và Giáo hội: như là mời Linh mục đến vào lúc giờ hấp hối; làm một hành động ăn năn tội cách trọn; hoặc nói ra ước muốn được chết trong tình trạng ân sủng…..trong Giáo hội Công giáo.
Một ngưởi chỉ làm một hành động chứng tỏ niềm tin vào Thiên Chúa thì không đủ trở thành là một dấu chỉ sám hối, vì ngay cả những người lạc giáo, bội giáo và ly giáo cũng tin vào Thiên Chúa[ 16].
Nếu một người đã biểu lộ một dấu chỉ sám hối, hành động này cần được công khai hóa cho nhiều người biết để tránh gương xấu, sự hiểu lầm.
III. GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
1. Thư của Thánh Bộ Đức Tin
Lá thư của Thánh Bộ Đức tin ngày 29. 5. 1973 nói rằng: “Việc cử hành nghi thức an táng của Giáo hội nên được ban dễ dàng hơn cho những người Công giáo trước đây đã bị từ chối bởi điều 1240 của Bộ Giáo luật cũ 1917………Căn cứ vào sự sắp xếp mới, việc cử hành những nghi thức an táng theo phụng vụ sẽ không còn bị cấm trong trường hợp của những người tín hữu, ngay cả khi họ ở trong một hoàn cảnh tội lỗi rõ ràng trước khi qua đời, đã duy trì lòng trung thành với Giáo hội và đã biểu lộ dấu hiệu hiển nhiên của lòng sám hối ăn năn. Một điều kiện cần thiết là không có gương xấu công khai cho những người tín hữu khác. Chúng ta sẽ có thể giảm được gương xấu như thế nếu các vị mục tử giải thích một cách hữu hiệu ý nghĩa của một đám tang Ki-tô giáo. Như thế đại đa số sẽ nhìn đám tang như là một lời kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa và như là chứng tá của cộng đoàn Ki-tô hữu cho đức tin vào sự sống lại của kẻ chết và sự sống vĩnh cửu” [17].
Vì vậy, ngày nay GH không từ chối cử hành nghi thức an táng những người sau đây:
1/ Những người phạm tội tự sát [18]. Họ không tự động bị loại khỏi nghi thức an táng của GH, trừ khi chứng minh được một cách chắc chắn họ là những tội nhân công khai [19] và không có thể hiện một dấu chỉ sám hối trước khi chết.
Giáo lý Công Giáo dạy rằng “việc quy tội và trách nhiệm cho một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí được loại bỏ vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó, và các nguyên nhân khác về tâm lý và xã hội” [20]. Điều 1321 §1 quy định: “Không ai bị trừng phạt, nếu việc vi phạm luật hay mệnh lệnh bên ngoài không thể quy trách cho người đó cách nằng nề do cô tình hay do lầm lẫn”. Điều 1323 còn miễn chế tài trong một số trường hợp hoặc Điều 1324 giảm nhẹ hình phạt nếu phạm tội trong một số trường hợp được xác định. Những người phạm tội tự sát thường là những người đang sống trong những khủng hoảng tâm lý, xã hội, bệnh tật (bệnh Trầm cảm)…….đến nỗi họ tuyệt vọng và coi cái chết là con đường duy nhất để giải thoát họ khỏi những khủng hoảng này. Họ không có đủ ý thức và tự do trong hành động tự sát, vì thế việc quy tội và trách nhiệm cho tội tự sát của họ có thể được giảm thiểu và thậm chí bị loại trừ.
2/ Những người đã sống trong hôn nhân không thành sự và bất hợp pháp.[21]
Hiện nay, họ không được lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh thể, nhưng họ không bị tách lìa khỏi Giáo hội. Giáo hội vẫn yêu thương, săn sóc và mời gọi họ tham dự Thánh lễ, cầu nguyện và tham gia đời sống loan báo Tin mừng của Giáo hội…..[22]. Thực tế nhiều người trong họ tuy sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp, họ vẫn trung thành với GH và tham dự các việc thờ phượng chung như thánh lễ và tham gia các hoạt động mục vụ của Giáo hội. Nhiều người ở trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp không thể giải gỡ rất đau buồn và thiết tha được thoát khỏi tình trạng này. Các mục tử và cộng đoàn Ki-tô giáo phải tỏ ra ân cần quan tâm đến họ.
Những người này được cử hành an táng theo nghi thức của Giáo hội sau khi qua đời. Vì việc không cho họ được cử hành nghi thức an táng của Giáo hội gây nhiều gương xấu hơn là cử hành nghi thức an táng cho họ.
2. Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Giáo hội quan tâm đến việc loan lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người như lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong số 43 của Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng” ngày 24.11.2013:
“Có những luật lệ giới răn của Hội thánh có thể rất hiệu quả ở những thời đại khác, nhưng không còn sức mạnh tương tự như trong việc giáo dục đời sống. Thánh Thoma Aquino đã nhấn mạnh rằng những giới luật được Đức Ki-tô và các Tông đồ ban cho Dân Thiên Chúa thì “rất ít”. Ngài lưu ý rằng “những giới luật được thêm vào bởi Hội Thánh phải đòi hỏi một cách vừa phải để ‘không là gánh nặng cho đời sống của các tín hữu’ và biến tôn giáo của chúng ta thành một hình thức nô lệ, trong khi ‘lòng thương xót của Thiên Chúa muốn nó được tự do” [23]. Ngài kêu gọi các cánh cửa của các Bí tích cũng không được đóng lại vì bất cứ lý do nào: “Chúng ta thường hành xử như những người ban phát ân sủng chứ không như những người giúp người khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội thánh không phải là một hải quan, mà là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả mọi người, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của họ” [24].
Kết luận
Có ba điều kiện cần để một Linh mục có thể từ chối cử hành an táng một người Công Giáo theo nghi thức GHCG (x. Điều 1184§1):
+ Người này đã phạm tội rõ ràng theo luật định. Tuy nhiên Giáo lý Công Giáo dạy rằng việc quy tội và trách nhiệm cho một hành động của họ có thể được giảm thiểu và thậm chí được loại bỏ vì một lý do hợp pháp như đã trình bày [25].
+ Trước khi qua đời họ đã không biểu lộ dấu chỉ sám hối nào đó.
+ Cử hành an táng theo nghi thức GHCG gây ra gương xấu công khai cho các tín hữu khác. Nếu không gây gương xấu thì Linh mục không thể từ chối cử hành an táng cho họ theo nghi thức của Giáo hội.
Vì thế, để từ chối cử hành nghi thức an táng cho một người Ki-tô hữu Công giáo đã qua đời, các mục tử cần xem xét quy định của Bộ Giáo luật 1983 và tinh thần mới của Giáo huấn Giáo hội. Ngõ hầu nghi thức an táng trở thành một phương thế loan báo Tin mừng trong niềm vui, khẩn cầu ơn trợ giúp thiêng liêng cho những người quá cố, và đồng thời đem lại niềm an ủi, hy vọng cho những người trong tang quyến vì mất một người thân yêu.
Lm. Ga. Trần Trọng Dung
[1] x. đ. 1176 § 1
[2] x. đ. 1177 § 1-3
[3] x. Nghi thức an táng và thánh lễ cầu hồn
[4][4] x. đ. 1180 § 1-2
[5] x. đ. 1184
[6] x. đ. 1185
[7] x. đ. 1184 § 1, n.1
[8] x. đ. 751
[9] Ibid
[10] Ibid
[11] x. đ. 205
[12] x. đ. 1184 § 1, n.2
[13] x. đ. 1184 § 1, n.3
[14]x. đ. 1184 § 2
[15] x. The Canon Law: Letter and spirit, The Canon Law Society of Great Britain and Ireland, trang 672; và New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, trang 1413
[16] x. New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, p. 1412
[17] DOL n.3398 và CLD 8 862-863; The Canon Law: Letter and spirit, The Canon Law Society of Great Britain and Ireland, trang 673
[18] x. NCCC guidelines, CLD 9, 694; OCF 398, prayers 44-45
[19] x. Canon Law Digest of the Philippine Catholic Church , Florencio I. Testera, O.P., trang 76; x. NCCC Guidelines, CLD 9,694; The Pastoral Companion , JohnM Huels, trang 316
[20] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1735
[21] x. New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, p. 1413; x. SCDF, letter Complures Conferentiae Episcopales May 29, 1973, DOL 417; CLD 8, 862-863; Salamanca Com, 573-574
[22] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1651; x. ĐGH Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris consortio, 84.
[23] Evangelii Gaudium sổ 43
[24] Ibid số 47
[25] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1735
[2] x. đ. 1177 § 1-3
[3] x. Nghi thức an táng và thánh lễ cầu hồn
[4][4] x. đ. 1180 § 1-2
[5] x. đ. 1184
[6] x. đ. 1185
[7] x. đ. 1184 § 1, n.1
[8] x. đ. 751
[9] Ibid
[10] Ibid
[11] x. đ. 205
[12] x. đ. 1184 § 1, n.2
[13] x. đ. 1184 § 1, n.3
[14]x. đ. 1184 § 2
[15] x. The Canon Law: Letter and spirit, The Canon Law Society of Great Britain and Ireland, trang 672; và New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, trang 1413
[16] x. New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, p. 1412
[17] DOL n.3398 và CLD 8 862-863; The Canon Law: Letter and spirit, The Canon Law Society of Great Britain and Ireland, trang 673
[18] x. NCCC guidelines, CLD 9, 694; OCF 398, prayers 44-45
[19] x. Canon Law Digest of the Philippine Catholic Church , Florencio I. Testera, O.P., trang 76; x. NCCC Guidelines, CLD 9,694; The Pastoral Companion , JohnM Huels, trang 316
[20] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1735
[21] x. New Commentary on the Code of Canon Law, the Canon Law society of America, p. 1413; x. SCDF, letter Complures Conferentiae Episcopales May 29, 1973, DOL 417; CLD 8, 862-863; Salamanca Com, 573-574
[22] x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1651; x. ĐGH Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris consortio, 84.
[23] Evangelii Gaudium sổ 43
[24] Ibid số 47
[25] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1735
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét