VẠN TUẾ ĐỨC KITÔ!
NOVEMBER
19, 2018- TRẦM THIÊN THU
Thánh Gioan kể lại thị kiến
về cuộc chiến cánh chung thứ nhất: Một con ngựa trắng và người cưỡi ngựa tên là
Trung Thành và Chân Thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Người
mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa”
(Kh 19:11 và 16). Trước khi bị hành quyết vì “tội” là linh mục Công giáo, cha
Miguel Agustin Pro (1891–1927, Dòng Tên) vẫn hiên ngang hô vang: “Viva Cristo
Rey! – Vạn tuế Đức Vua Kitô!”. Tạ ơn Chúa luôn ban cho những tấm gương sáng cho
tín nhân soi vào để củng cố đức tin!
Chân thành thân thưa,
Thánh Vịnh gia xác định: “Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy, con nghe được
hai điều, rằng: Ngài nắm quyền uy và giàu lòng nhân hậu; rằng: Ngài theo tội
phúc mà thưởng phạt mỗi người” (Tv 62:12-13). Đó là điều rạch ròi và chắc chắn,
vì Ngài KHÔNG THIÊN VỊ bất cứ ai (Đnl 10:17-18; Hc 35:12; Lc 20:21; Cv 10:34;
Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9). Chúa Giêsu xác định: “Chúa Cha không xét xử một ai,
nhưng đã ban cho Người Con MỌI QUYỀN XÉT XỬ” (Ga 5:22).
QUỐC VƯƠNG ĐỆ NHẤT
Trong một quốc gia thời
quân chủ, quyền tối thượng thuộc về vua. Theo trật tự xã hội, người ta “quy ước”
là Quân-Sư-Phụ – thứ nhất là vua, thứ nhì là thầy (người dạy), thứ ba mới là
cha mẹ. Vua được tôn xưng là Đức Vua, là Hoàng Đế, là Thánh Thượng, và tất
nhiên cũng nắm quyền lực cao nhất – bao hàm cả quyền sinh sát: “Quân xử thần tử,
thần bất tử bất trung”. Không chỉ vậy, vua còn mệnh danh là Thiên tử – con của
Trời, thần dân phải phụng mệnh tối đa, tuân thủ “tối mặt”. Vua bảo chết mà chết
mới là trung thần. Đúng là “hết ý” luôn!
Trong mười hai con giáp,
rồng là con vật quý – dù chỉ là con vật do tưởng tượng, nhưng mọi thứ của vua đều
được trân trọng là “rồng”: Long nhan, long thể, long bào, long mão, long sàng,…
Chúng ta biết rằng thời
phong kiến theo chế độ “tông pháp” (cha truyền con nối), vua trị vì tới mãn đời.
Vua có khi chỉ là một thiếu niên, và sẽ làm vua cho đến chết, gặp phải ác vương
thì dân vô cùng khốn khổ. Vua có “quyền” nên thỏa sức “hành” người ta, vì thế
vua nào cũng có có “máu ác”, thế mà vẫn được xã hội mặc nhiên chấp nhận, ít có
những ông vua đức độ như vua Nghiêu và vua Thuấn của Trung quốc, làm thiên hạ
thái bình, hoặc như các vua Trần Nhân Tôn và Lê Thánh Tôn của Việt Nam; qua thời
dân chủ thì TT Ngô Đình Diệm là người khiến dân Việt tiếc thương hoài, tưởng nhớ
mãi.
Lịch sử cho thấy rằng
minh quân thì hiếm, hôn quân (vua ác) thì nhiều. Trung quốc có Tần Thủy Hoàng,
Vạn Lý Trường Thành của ông vua này đã hao tổn bao sinh mạng của dân lành; Việt
Nam có vua Lê Long Đĩnh, với “biệt danh” là Ngọa Triều (“ngọa” là nằm, “triều”
là triều chính, ông này ăn chơi sa đọa đến nỗi không ngồi được nên phải nằm mỗi
khi ngự triều), ông ta còn có thú vui độc ác là “róc mía trên đầu nhà sư” và “mổ
bụng các thai phụ để xem thai nhi thế nào”; vua Shah Jahan của Ấn Độ đã xây đền
Taj Mahal bằng cẩm thạch (một trong những kỳ quan thế giới) để tưởng nhớ người
vợ thứ ba là Mumtaz Mahal, nhưng khi đền này xây xong, ông ra lệnh chặt tay tất
cả những người thợ để họ không thể xây ngôi đền khác như vậy. Ác nhân luôn vui
thú với sự ác độc của họ, càng nghĩ ra các trò ác thì họ càng thấy vui.
Việc bách hại Kitô hữu
cũng theo quy trình tương tự. Thời xưa, đế quốc La Mã đã từng “làm mưa, làm
gió” một thời, biết bao tín hữu bị phanh thây, xẻ thịt! Người Công giáo Việt
Nam cũng bị hành hạ suốt ba thời ác vương: Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức.
Hàng trăm ngàn tín nhân đã chết không toàn thây để anh dũng minh chứng niềm tin
tuyệt đối vào Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh.
Từ cổ chí kim, luôn có những
ác vương trên khắp thế giới. Thế nhưng thần dân vẫn phải tán tụng họ là “hoàng
thượng anh minh”. Thậm chí khi muốn tấu trình thì phải “muôn tâu bệ hạ” – tức
là tâu với cái bệ rồng của vua ngồi chứ không được tâu thẳng nhà vua, thậm chí
còn không được nhìn mặt vua, ai nhìn là phạm tội “khi quân”.
Ngày nay chỉ còn vài quốc
gia theo chính thể quân chủ, nhưng không “thuần túy” như xưa. Người đứng đầu một
quốc gia ngày nay gọi là tổng thống, chỉ tại chức theo nhiệm kỳ vài năm. Ngày
xưa vua tàn ác minh nhiên, dễ thấy; còn ngày nay, người đứng đầu một nước cũng
vẫn có người ác độc, nhưng bằng các động thái khác và “tinh vi” hơn nhiều, rất
khó phát hiện. Mà có phát hiện thì cũng chẳng làm gì được, bởi vì phe nào cũng
có “vây cánh” cả rồi!
THIÊN VƯƠNG NGỰ ĐẾN
Đệ nhất quốc vương hoặc tổng
thống cũng chỉ là phàm nhân, nghĩa là vẫn sai lầm và dân vẫn chịu khổ. Vì thế người
ta mong chờ Thiên Vương để đòi lại công bình cho họ. Ngôn sứ Đa-ni-en kể:
“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người
đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn
đưa tới trình diện” (Ðn 7:13). Đó là hình ảnh liên quan thời điểm niên tận thế
cùng – Ngày Tận Thế, Ngày Cánh Chung. Chính lúc đó mọi người tỏ tường mọi thứ,
là lúc yết kiến Thiên Vương, và cũng là lúc phải trình diện Vua Muôn Đời.
Và rồi lúc đó, “Đấng Lão
Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị”, còn “muôn người
thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Ðn 7:14a), thậm
chí quỷ vương cũng phải tâm phục khẩu phục mà bái lạy Người là Vua các vua, là
Chúa các chúa, như Kinh Thánh đã nói: “Một ngày kia, con cái Thiên Chúa đến
TRÌNH DIỆN Đức Chúa; Satan cũng đến trong đám họ để TRÌNH DIỆN Đức Chúa” (Gióp
2:1). Đó là đặc quyền, độc nhất vô nhị: “Quyền thống trị của Người là quyền
vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Ðn
7:14b).
Theo thị kiến của ngôn sứ
Đa-ni-en, Con Người ngự giá mây trời đó chính là Đức Kitô, là Vị Vua hoàn toàn
khác thường về mọi thứ: “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào,
Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.
Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời” (Tv
93:1-2). Vì thế, Ngài chính là Đệ nhất Thiên Vương mà chúng ta hằng mong đợi, đồng
thời cũng phải tôn thờ và tôn vinh: “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời” (Tv 93:5). Vạn
tuế Thiên Vương Kitô!
Không chỉ có vậy, chúng
ta còn phải cầu nguyện: “Xin Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là
Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế
trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy
máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và
hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang
và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!” (Kh 1:5-6). Thánh sử Gioan cũng thị
kiến “Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1:7a), điều đó cho thấy về Ngày Tận Thế,
ngày mà Đức Kitô đến xét xử thế gian, vẫn đang diễn tiến từng ngày. Và rồi “ai
nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực
than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!” (Kh 1:7b). Kẻ lành và kẻ dữ đều diện
kiến Ngài, nhưng cuộc sống vĩnh hằng của họ lại hoàn toàn khác nhau: Người lành
được làm công dân Nước Trời vĩnh hằng, còn kẻ ác làm đệ tử Luxiphe đời đời.
Là Thiên Chúa duy nhất, hằng
hữu và hằng sống, Ngài xác định: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã
có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1:8). Và mãi mãi Ngài vẫn là thế, vĩnh hằng
bất biến: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi
đến muôn đời” (Dt 13:8).
THIÊN VƯƠNG THƯƠNG XÓT
Trình thuật Ga 18:28-37
mô tả một phiên tòa bất công – vì kẻ ác lại kết án tử một người công chính. Hôm
đó, ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu tới và hỏi: “Ông có phải là vua
dân Do Thái không?”. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp mà đáp lại bằng một câu
hỏi: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Ông
Philatô nói: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp
ông cho tôi. Ông đã làm gì?”. Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế
gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu
không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn
này”.
Chúa Giêsu rạch ròi hai lần
xác định: “Nước tôi không thuộc thế gian này”. Chắc hẳn tổng trấn Philatô không
thể hiểu ý Chúa, thế nên ông ta liền hỏi lại: “Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu
không hề tự nhận là vua, và thản nhiên nói: “Chính ngài nói rằng tôi là vua”. Rồi
Ngài nói rõ: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG
CHO SỰ THẬT. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ngài là Người-của-Sự-Thật,
là Nhân-Chứng-Chân-Lý, Ngài không đấu tranh cho chính Ngài mà đấu tranh vì công
lý và hòa bình của nhân dân, dù người đó sống tốt lành hay tội lỗi. Lòng thương
xót của Chúa Giêsu bao la vô tận: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1
Sb 16:34 và 41; 2 Sb 5:13; 2 Sb 7:3 và 6; Er 3:11; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1;
Tv 118:1-4 và 29; Tv 136:1-26).
Nếu nói về Vương Quốc
Chân Lý, Ngài là Vua Sự Thật. Tuy là Thiên Vương đệ nhất nhưng Ngài lại luôn động
lòng trắc ẩn, như vậy Ngài chính là Đức Vua Thương Xót. Thế mà những kẻ ác lại
tự nhận mình là công chính để rồi xét xử Người-Vô-Tội. Thiết nghĩ cũng nên biết
điểm “chú thích” này: Tại dinh Cai-pha, một mình Chúa Giêsu phải đối mặt với hội
đồng xét xử gồm 71 người – trong đó có 23 Tư tế, 23 Luật sĩ, 23 Kỳ lão, với hai
vị chánh và phó chủ tịch. Ôi, thật kinh khủng!
Đề cập vua chúa thế gian
và quyền hành trần tục, có lần Chúa Giêsu đã nói: “Thủ lãnh các dân thì dùng uy
mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mt
20:25). Người có thế quyền và thế lực hành xử như vậy, bắt người khác quy phục,
còn Chúa Giêsu không dùng uy quyền và thế lực để đàn áp người khác, không lạm dụng
uy tín và chức vụ để thị uy hoặc bóc lột người khác, mà ngược lại, Ngài phục vụ
chứ không bắt người khác phục vụ (x. Mt 20:28; Mc 10:45). Ngài không chỉ là Vua
của các vua mà còn là Vua Khiêm Nhường và Nhân Ái.
Xưa nay và mãi đến tận thế,
chắc hẳn chẳng có ông vua nào dám làm như vậy, thậm chí đối với những kẻ nhẫn
tâm giết Ngài mà Ngài vẫn bênh vực họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm” (Lc 23:34). Ngài thật lòng thương xót và thật lòng tha thứ chứ
không miễn cưỡng hoặc vì ở thế việt vị.
Quả thật, Chúa Giêsu là Vị
Vua “ngược đời” nhất thế gian, vì Ngài là Vua Trời nhưng đã tự hạ mình xuống thế
gian để hòa nhập với thần dân. Chúng ta cũng “ngược đời”, nhưng ngược đời trái
chiều với Vua Trời, vì chúng ta chỉ là bụi tro nhơ nhớp và hèn mọn, thế mà
chúng ta lại muốn ở “trên mây”, nghĩa là nâng mình lên càng cao càng tốt – tức
là kiêu ngạo, hợm mình, ảo tưởng. Nếu vậy thì chúng ta hoàn toàn đi ngược chiều
với Đấng mà chúng ta tôn vinh là Thiên Vương, là Chúa Tể Càn Khôn, là Vua Trời
Đất, là Vua Vũ Trụ. Hai người chuyển động ngược chiều thì chẳng bao giờ gặp
nhau được!
Hôm nay nhìn lại chính
mình, chúng ta học được chút gì ở Vua Giêsu về quyền hành, chức vụ, địa vị,
cách phục vụ, sự tha thứ, tình yêu thương, lòng thương xót, cách nói, cách
nhìn, cách đối nhân xử thế,…? Nhưng nên nhớ rằng học là một chuyện, và thuộc
bài là một chuyện, còn thực hành bài học đó hay không lại là chuyện khác!
Kính mừng Đức Kitô là Vua
Vũ Trụ cũng là lúc kết thúc năm phụng vụ và năm đời thường, đồng thời là lời nhắc
nhở về tận thế và sự chết, chúng ta cùng suy tư về ý tưởng độc đáo của tộc trưởng
Aupumut – bộ lạc Mohican: “Vào giây phút ra đi, ĐỪNG để trái tim mình ngập tràn
nỗi sợ hãi, khóc than, nhưng HÃY cầu nguyện như thể được ban tặng một cuộc đời
nữa để sống khác đi, HÃY hát bài ca chào cái chết, và ra đi giống như một người
hùng quay trở về cố hương”.
Lạy Thiên Vương Giêsu
Kitô, đầy uy quyền nhưng rất mực khiêm nhường, có quyền ném vào lửa đời đời
nhưng đầy tình thương xót, chúng con thành kính phủ phục để thú tội vì chúng
con quá tồi tệ. Cúi xin Ngài xót thương và tha thứ cho chúng con, xin giúp
chúng con sống đúng theo Ý Ngài muốn, xin Ngài mãi mãi là Vua cai trị cuộc đời
chúng con, và ban cho chúng con được hưởng Ơn Cứu Độ muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét