Những Nẻo Tâm Linh Ngoài Kitô Giáo
Lm.
Giuse Trương Đình Hiền-06/Nov/2018
Khoá trình Linh Đạo cơ bản
Trước khi tìm hiểu “sự đa
dạng linh đạo” trong khung cảnh Kitô giáo, chúng ta thử dành một cái nhìn
thoáng qua những nẻo đường linh đạo của một số tôn giáo lớn (hầu hết xuất phát
tại Á Châu) [1] đã và đang dẫn dắt rất đông con người tiến bước về tiêu đích “chân,
thiện, mỹ”. Đây cũng chính là việc làm cần thiết mà giáo huấn của Giáo Hội đã
xác nhận với 3 mục đích sau:
- “giữ một niềm kính phục
sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với
các môn sinh của truyền thống đó” [2],
- “làm tăng triển những
giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hoá nơi những tín đồ
thuộc các tôn giáo khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác với thái độ thận trọng
và bác ái…” [3]
- “quy tụ toàn thể nhân
loại thành đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa, kết thành thân thể duy nhất của
Chúa Kitô, và xây nên đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần…hoàn tất ý định của
Đấng Tạo Hoá…cùng đồng thanh cất tiếng: “Lạy Cha chúng con” [4]. (Xem thêm:
Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 6) [5]
Chúng ta lựa chọn 6 tôn
giáo (ngoài Kitô giáo) đại diện cho 3 vùng của Á Châu là Ấn Độ, Trung Hoa và
Trung Đông, đó là : ẤN GIÁO, PHẬT GIÁO (Ấn Độ), KHỔNG GIÁO, ĐẠO GIÁO (Trung
Hoa) VÀ DO THÁI GIÁO, HỒI GIÁO (Trung Đông), và sẽ tập trung dừng lại 2 chiều
kích chính : NGUỒN GỐC GIÁO LÝ và TRUYỀN THỐNG LINH ĐẠO; từ đó, rút ra vài khía
cạnh, chiều kích linh đạo tích cực để vận dụng vào con đường hoàn thiện của Tin
Mừng.
1. Các tôn giáo xuất xứ từ Ấn Độ:
1.1: ẤN GIÁO:
a. Nguồn gốc:
Theo “Tự điển tôn giáo giản
yếu” thì Ấn giáo (Hinduism) là “tên gọi chung của phương Tây để chỉ cấu trúc và
thể chế tôn giáo và xã hội truyền thống của Ấn Độ. Là tôn giáo có nguồn gốc huyền
thoại, Ấn giáo không biết tới người sáng lập (khác với Phật giáo, Hồi giáo, hay
Kitô giáo), cũng như điển lễ cố định. Điểm chung của mọi tín đồ Ấn giáo là tin
vào luật của nghiệp”. [6]
Về lịch sử, trong các tôn
giáo lớn nêu trên, Ấn giáo có nguồn gốc lâu đời nhất (xuất hiện khoảng năm 2000
trước Công nguyên) và cũng biến thái phức tạp nhất qua nhiều giai đoạn lịch sử
với những cấu trúc đặc biệt phản ảnh trọng tâm giáo lý và biểu hiện thái độ tín
ngưỡng với 3 hình thái của 3 thời kỳ sau:
- Thời Vệ-đà
giáo (Vedism) từ khoảng năm 2000 – 800 trước Công nguyên (Ấn giáo sơ nguyên): Đặt
nền tảng trên bộ kinh Vệ-đà (Veda), là bộ kinh cổ nhất và quan trọng nhất của Ấn
giáo; nội dung chủ yếu của bộ kinh và cũng là trọng tâm đức tin của Ấn giáo
trong thời đại nầy chính là mối tương quan giữa con người với các Thần linh và
với vũ trụ cần được thể hiện qua lễ tế, cúng bái. Giai đoạn nầy Ấn giáo mang
tính đa thần và thuộc hình thức tôn giáo bình dân. [7]
- Thời
Ba-la-môn giáo (Brahnanism) từ năm 800 – 200 trước Công nguyên (Ấn giáo chính
truyền): Đặt nền tảng trên 2 bộ kinh chú giải từ bộ kinh Vệ-đà:
Bộ Brahmana thiên về nghi thức tế tự, lễ điển; bộ Upanishad thiên về thần học,
nghị luận.
- Thời Ấn độ
giáo (Hinduism) khoảng từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến nay [8] (Ấn giáo hiện
đại): Vẫn
giữ những điểm cốt yếu của Vệ đà giáo và Bà-la-môn giáo nhưng canh cải cho phù hợp
với đà tiến của xã hội và tinh lọc trước ảnh hưởng của Phật giáo. Đây cũng là
thời kỳ Ấn giáo trở thành quốc giáo của Ấn Độ và phát triển theo hướng triết
lý.
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo:
- Tất cả các nội dung
giáo lý cũng như linh đạo và nền phụng tự của Ấn giáo được đều phát xuất từ những
bộ Kinh thánh quan trọng (Veda, Bramana, Upanishsad…), những bộ Sử thi huyền diệu
như Mahabharata, Ramayana, Bhagavad-Gita (Chí tôn ca) …cùng với bộ Luật Manu. Tất
cả làm nên tổng luận giáo lý cũng như nền linh đạo Ấn giáo.
- Về thượng đế quan và
nhân sinh quan của Ấn giáo xoay quanh hai phạm trù sau: Brahman : Đại ngã tương
đương với thực tại Thần linh, Đấng tối cao và Vũ trụ đại thể bao trùm vạn vật
trong đó có Atman là Tiểu ngã tan hoà trong Đại ngã. Để giác ngộ được chân lý Đại
ngã và tiểu ngã, nghĩa là thoát khỏi vòng luân hồi (Samsara) do Nghiệp báo
(Karma), con người phải gắng sức tu luyện và giác ngộ toàn bộ bản thân. (Xem
bài viết của Phúc Trung : Ấn giáo hay Bà la môn giáo)[9]
- Về “linh đạo của Ấn
giáo” có thể tóm tắt qua phương thức “4 chặng đường đời”[10]: Chặng ấu thơ thời
môn sinh thụ huấn và giác ngộ Veda (brahmacarya); chặng trưởng thành dấn thân
vào xã hội (grihastha); chặng khổ luyện trên rừng (vanaprasthya); chặng hành khất
thoát tục (sannyasin) và “ba nẻo giải thoát” : nẻo Tri thức (jina-marga) : giác
ngộ đại ngã (Brahman); nẻo hành động (karma-marga) : phụng tự và thực hành luân
lý; nẻo Sùng tín (bhakti-marga) : thực hành yêu thương và hoán cải. Song hành với
3 “nẻo” trên, từ thế kỷ thứ 2 sau CN, xuất hiện con đường tu thân dưỡng tính
mang tên YOGA với những phương thế tích cực ảnh hưởng sâu rộng cho tới hôm
nay.[11]
c/. Linh đạo và bài học từ Ấn giáo:
Công Đồng Vatican II
trong Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo
Giáo Hội (Nostra Aetate) đã tóm tắt toàn bộ giáo lý, linh đạo và phụng tự của Ấ
độ giáo như sau :
“Như trong Ấn giáo, con
người tìm hiểu huyền nhiệm thần linh và tìm cách diễn đạt bằng những thần thoại
vô cùng phong phú cũng như bằng các nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc, đồng thời
đi tìm lối thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người, hoặc bằng nếp sống khổ hạnh,
hoặc nhờ tịnh niệm thâm sâu, hay tìm nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng kính yêu và
tin tưởng.” [12]
Qua nhận định trên của
Công Đồng Vaticanô II, chúng ta có thể rút ra các điểm tích cực sau đây trong
con đường tâm linh của Ấn giáo :
- Cội nguồn đích thực để
con người đạt tới hạnh phúc trọn hảo là trở về, là kết hiệp với Thượng Đế tối
cao qua con đường công đức, thực hành lễ tế để thoát “Nghiệp” (Karma Marga).
- Song song với thực hành
“công đức” con người phải luôn mài dũa tri thức để biết, để ngộ được mình
(Atman) thuộc về Đại ngã (Brahman).
- Sau cùng, bằng sự sùng
tín, bác ái, sẻ chia…trong tâm thể bình yên, đợi chờ hạnh phúc vĩnh hằng. (Xem
thêm: Ruth S. Anderson trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”. Mục ẤN GIÁO; và
Phan Tấn Thành, ĐỜI SỐNG TÂM LINH I, DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO, tr.
350-351).
Trong một xã hội quay cuồng,
động đạt, bon chen…của não trạng duy vật hưởng thụ và nô lệ cho đam mê vật chất,
các đề nghị “giải thoát” của Ấn giáo thật là quý giá và cần thiết.
1.2: PHẬT GIÁO
(Bouddhism):
a. Nguồn gốc:
Nếu Ấn giáo không tìm thấy
“Đấng sáng lập” thì Phật Giáo được sáng lập bởi Đức Siddharta Gautama (Tất Đạt
Đa Thích Ca), ra đời tại thành Kapilavastu (Ca-tì-la-vệ) thuộc thung lũng sông
Hằng, ở vùng Nepal, Ấn độ, vào khoảng năm 563 trước Công nguyên, thuộc bộ lạc
Aryan, con trai của vị raiah (tiểu vương) trong giai cấp Kshatriya, tức giai cấp
chiến sĩ của vương triều.
Một trong khúc quanh quan
trọng và cũng là điểm xuất phát Phật giáo chính là sự “giác ngộ” của Đức Thích
Ca sau 49 ngày thiền định, nghiền ngẫm những lẽ sinh diệt của cuộc đời dưới gốc
cây Bồ đề (bohdi cũng được gọi là tri thức). Sự “đắc đạo” hay “ánh quang minh”
tiếng Phạn gọi là Buddha (Phật) và từ đó gắn liền với tên của Ngài: Đức Phật, tức
Đấng Đại giác, Đắc đạo, Quang minh và tên của tôn giáo do Ngài xướng xuất : đạo
Phật (Bouddhism)[13]
Xuất thân từ môi trường Ấn
giáo và được dạy dỗ các lẽ đạo của tôn giáo nầy, Đức Phật đã tìm ra con đường
riêng cho mình, vừa bổ túc những chân lý Ấn giáo mà ngài cho là chưa thoả đáng,
vừa đề xuất những phương cách độc đáo để “giải thoát chúng sinh”.
Đức Phật, sau 49 năm ngược
xuôi truyền giảng Phật pháp, đã qua đời ở tuổi 80 mà các môn sinh tin rằng
“Ngài đã nhập Niết Bàn”, tức đi vào cõi được giải thoát vĩnh viễn khỏi vòng
Luân hồi.
Kể từ đó, Phật giáo đã
lan rộng khắp Ấn độ, Sri Lanka (Tích Lan), Miến Điện, Thái Lan, Trung Hoa, các
nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á… và đã trở thành một trong các tôn giáo có tàm ảnh
hưởng nhất của thế giới cho tới hôm nay.
b. Nội dung giáo lý
và chiều hướng linh đạo:
-
Nền tảng Phật pháp: Giáo
lý Phật giáo chứa đựng và căn cứ trên ba bộ hợp tuyển kinh sách gọi là TAM TẠNG
(TRIPIKATA): Tạng kinh (Sutra pitaka), Tạng luật (Vinaya pitaka), Tạng luận
(Abhidhamma pitaka).
-
Do các chuyển biến của
lịch sử, việc truyền tải TAM TẠNG phân rẽ theo hai đường : phía
Bắc với ngôn ngữ Sancrit làm nên truyền thống Phật giáo Bắc Tông hay Phật giáo
Đại thừa, ảnh hưởng các vùng Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cỗ, Mãn Châu, Cao ly, Nhật
Bản, Việt Nam….; phía nam với ngôn ngữ Pali, làm nên truyền thống Phật giáo Nam
tông, hay Phật giáo Tiểu thừa (nguyên thuỷ), ảnh hưởng các vùng : Tích Lan, Miến
Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonésia…[14]
- Trọng tâm và tiêu đích: Nếu hiểu tôn giáo, tín
ngưỡng là một khái niệm luôn gắn kết với một Đấng Thượng Đế, một “Đấng Khác”,
thì có lẽ Phật Giáo chỉ dừng lại ở một “triết lý nhân bản”, một “luân lý tu
thân”, một “phương thế tự giải thoát”…hơn là một tôn giáo; vì đích điểm của con
đường tâm linh nơi Phật giáo không dẫn đến một Đấng Thượng Đế, không đạt tới “Ơn
cứu độ từ Đấng Toàn Năng”…mà là một cõi “Niết bàn” đồng nghĩa với một “cõi hư
vô tuyệt đối” ! Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong tác phẩm “Bước
Qua ngưỡng cửa Hy vọng”, nơi câu trả lời liên quan đến Phật giáo, đã nhận xét :
đích điểm của Phật giáo là “vô thần”[15].
Cho dù vậy, trong thực
hành “Phật pháp”, có rất nhiều giá trị luân lý và tu thân ảnh hưởng tích cực
trên con đường hành thiện mấy ngàn năm của nhân loại. Người ta tìm thấy những
điểm cốt yếu về luân lý và thực hành tâm linh của Phật giáo qua “bốn lẽ huyền
diệu” được mệnh danh là “TỨ DIỆU ĐẾ” (Ariya Saccani) và “tám con đường sự thật”
gọi “BÁT CHÁNH ĐẠO”.
b.1/. TỨ DIỆU ĐẾ bao
gồm:
- Khổ đế (Dukka): Bể khổ mênh mông của đời sống với “đại
diện” là “ngủ khổ” (Skandas): sinh, lão, bệnh, tử, ly.
- Tập đế (hay nhân đế - Sameda Dukka): Nhận
thức để khắc phục nguyên nhân của bể khổ với 12 biểu hiện dục vọng, ham muốn gọi
là “Thập nhị nhân duyên (Vô minh (mê muội), Hành (hành động tạo nghiệp), Thức
(ý thức), Danh sắc (tên và hình, biểu hiện của tái sinh, luân hồi), Lục căn (6
giác quan), Xúc (cảm xúc), Thụ (Lưu giữ tác động bên ngoài), Ái (luyến ái, khao
khát), Thủ (bám chặt), Hữu (tồn tại), Sinh (hiện hữu, sống ở đời), Lão - tử
(già và chết). Trong “đế” này cũng nhắc tới việc nhận ra “10 phiền não” để loại
trừ, trong đó có “Tham, Sân, Si” là những nguyên nhân chủ yếu.
- Diệt đế (Nirodha Dukka): Hiệu quả tốt lành sau khi
đã diệt khổ.
-
Đạo đế (Nirodha
Gamadukka): Phương pháp tu hành để diệt khổ, “linh đạo” dẫn tới
cõi “Niết bàn”. [16]Bao gồm 8 con đường gọi là “Bát Chánh Đạo)[17]
b.2/. BÁT CHÁNH ĐẠO:
- Chánh kiến (nhận thức
đúng đắn).
- Chánh tư duy (Suy nghĩ
đúng đắn).
- Chánh ngữ (Lời nói đúng
đắn).
- Chánh nghiệp (hành động
đúng đắn).
- Chánh mạng (Sinh sống bằng
nghề nghiệp đúng đắn).
- Chánh tinh tấn (Nỗ lực,
chuyên cần phấn đấu để tiến lên).
- Chánh niệm (tâm niệm đạo
đức đúng đắn).
- Chánh định (Tập trung
tư tưởng đúng đắn).
Theo quan niệm chung của
các nhà nghiên cứu Phật pháp thi 8 con đường trên có thể tập hợp theo 3 nhóm:
- Nhóm 1 (2 Chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư duy) liên quan đến
chiều kích trí tuệ, sự hiểu biết gọi chung là “TUỆ” (Prajna).
- Nhóm 2 (3 Chánh: Chánh ngữ, chánh nghiệp, Chánh mạng)
: Liên quan đến chiều kích tu đức, hoàn thiện bản thân theo luân lý, giới luật
gọi chung là “GIỚI” (Shila).
- Nhóm 3 (3 Chánh: Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định):
liên quan đến sự giác ngộ do tâm trí được rèn luyện, gọi chung là “ĐỊNH”
(Samadhi). [18]
c. Linh đạo và bài học
từ Phật giáo:
Những đề nghị “diệt khổ,
diệt dục” để đạt “phật tính”, tiến vào cõi “Niết bàn”… của Phật giáo qua các thực
hành rèn luyện tâm trí, trai giới, nhu hoà, an định, từ bi hỷ xả, khắc chế tham
sân si…đã trở thành những phương pháp tu tâm dưỡng tính của bao thế hệ con người
từ đông sang tây và vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều lãnh vực của xã hội
con người.
Riêng Giáo Hội Công Giáo
với Công Đồng Vatican II đã dành một sự trân trọng đặc biệt đối với Phật giáo
qua những nhận định sau trong Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các
tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate):
“Phật giáo với nhiều tông
phái khác nhau, đã nhận ra sự bất túc tận căn của thế giới vô thường này và đã
khai sáng lối đường cho những người chính tâm và thành tín, giúp họ tìm thấy sự
giải thoát hoàn toàn hay đạt đến sự giác ngộ tối thượng, nhờ những nỗ lực của bản
thân hoặc sự tế độ của ơn trên.” [19]
Và có lẽ chúng ta đều đồng
ý với tiến sĩ Nguyễn Như Lai khi truy nhận đức “TỪ BI HỈ XẢ” trong giáo lý Phật
giáo gần như trùng khớp với ý nghĩa “Chạnh lòng thương”, lòng trắc ẩn của tình
yêu tự hiến trong Tin Mừng; và phải chăng, đó chính là con đường dẫn đến sự
hoàn thiện:
“Những” Trọn hảo của sự
Khôn ngoan” (Prajnaparamita) nói rằng:” Không cần phải dạy cho các Bồ Tát
(Bodhisavattva) nhiều giới luật. Chỉ có một giới luật bao gồm mọi giới luật:
Khi một Bồ Tát có lòng trắc ẩn vô lường, tức là ngài đã có đủ mọi điều kiện
mang đặc tính Phật đà, cũng như ai có giác quan sinh lực (sens vital) thì nơi họ
mọi giác quan đều vận hành” [20]
2. Các tôn giáo thuộc Trung Hoa:
2.1. KHỔNG GIÁO (Confucianism):
a. Nguồn gốc:
Khổng giáo mang tên của
chính vị sáng lập là Đức Khổng Tử (Confucius) [21] (hay Khổng Phu Tử), sinh khoảng
năm 551 trước Công nguyên tại nước Lỗ, đồng thời với Lão Tử, Phật Thích Ca,
Plato, Aristotle…Khổng giáo xuất hiện vào thời nước Trung Hoa thuộc triều đại
Đông Chu (771-256 Trước CN) trong bối cảnh xã hội đầy phức tạp, rối ren, bất ổn;
nhưng cũng từ đó, đã phát sinh hai luồng tư tưởng quan trọng chi phối toàn bộ
văn hoá, xã hội, tín ngưỡng Trung Hoa và ảnh hưởng cho tới mãi hôm nay.[22]
Trong bối cảnh xã hội
phong kiến đầy bất ổn và thối nát đó, Đức Khổng dấn thân chu du thuyết giảng những
con đường luân lý nhân bản nhằm canh tân các mối tương quan trong xã hội và
thăng tiến nhân cách, đạo đức làm người.
Theo nhà nghiên cứu Ruth
S. Anderson thì: “Khổng Tử đã dùng những năm cuối cùng của mình để dạy dỗ và
biên soạn môt số sách cổ điển của Trung Hoa. Vị sư phụ nầy đã qua đời vào năm
479 T.C và được các đệ tử ông cư tang, than tiếc. Sự tôn kính dành cho ông lớn
lên, và theo thời gian, ông đã được thần thánh hóa như một vị thần. Suốt trong
triều đại nhà Hán, vào khoảng năm 220 T.C. Hoàng đế triều Hán là Hán Vũ đã được
một học giả môn phái Khổng giáo thuyết phục, và tuyên bố Khổng giáo là quan niệm
học chính thức của Trung Hoa. Nó đã nhảy một bước lớn để hội nhập vào đất nước.”
[23]
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo:
Xét về mặt tôn giáo-tín
ngưỡng theo nghĩa hẹp (tương quan với Thượng đế), thì gần giống như Phật giáo,
Khổng giáo chưa phải là một tôn giáo đúng nghĩa cho bằng một “học thuyết, một
triết thuyết”, một “tổng hợp đạo lý nhân bản” hướng dẫn làm người, xây dựng xã
hội. (Xem thêm khảo luận của Ruth S. Anderson về Khổng giáo) [24]
Nền tảng học thuyết và
triết lý của Khổng giáo căn cứ trên hai bộ sách quan trọng, hoặc do chính Khổng
tử san định, sưu tập, sáng tác, hoặc do các đồ đệ của ngài biên soạn sau nầy.
Hai bộ sách đó là NGŨ KINH và TỨ THƯ.
b.1/. NGŨ KINH:
- Kinh Thư: Chuyên đề lịch
sử và các văn kiện liên quan đến cấu trúc đạo đức Trung hoa.
- Kinh Thi: Tuyển tập thơ
ca, ca dao tục ngữ cổ đại.
- Kinh Lễ: Nghi thức lễ
điển.
- Kinh Dịch: Lẽ biến dịch,
đổi thay.
- Kinh Xuân Thu: “biên
niên sử của thời Xuân Thu”. Đây là cuốn sách duy nhất tương truyền do chính Đức
Khỏng Tử là tác giả, giải thích về nước Lổ vào thời Khổng Tử.
b.2/. TỨ THƯ:
Những điều Khổng Tử dạy hầu
hết tập trung nơi NGŨ KINH. Sau nầy, các môn sinh Khổng giáo san định lại các lời
dạy của Khỏng Tử và làm thành một bộ sách khác làm nên giá trị phong phú của học
thuyết của Khổng giáo. Đó chính là bộ TỨ THƯ:
- Sách Luận Ngữ: Đây là bộ sưu tập về các câu nói của
Khổng Tử và của một số môn đệ ông.
- Sách Đại Học: Giáo huấn và đào tạo người quân tử.
- Sách Trung Dung: Mối tương quan giữa bản chất con người
với trật tự đạo đức trong xã hội.
- Sách Mạnh Tử. Hệ thống triết lý của Khổng Phu Tử. [25]
b.3/. Các nền tảng luân lý:
- Quan hệ giữa con người
và trong xã hội:
TAM CƯƠNG: Quân thần cương (Đạo vua tôi); Phụ tử
cương (Đạo cha con); phu phụ cương (Đạo vợ chồng).
NGŨ LUÂN: Quân thần (Đạo vua tôi), Phụ tử (Đạo cha
con), Phu phụ (Đạo vợ chồng), Huynh đệ (Đạo anh em), Bằng hữu (Đạo bạn bè).
NGŨ THƯỜNG: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
TAM TÒNG: Tại gia tòng phụ (Phụ nữ còn ở nhà phải
nghe theo cha); xuất giá tòng phu (Lấy chồng phải nghe theo chồng); phu tử tòng
tử (Chồng qua đời phải nghe theo con trai).
TỨ ĐỨC: Công (khéo léo trong công việc), dung (chỉnh
chu trong cung cách), ngôn (cẩn trọng trong lời nói), hạnh (đúng mực trong ứng
xử).
- Chân dung NGƯỜI QUÂN TỬ: Lý tưởng đạo đức của Khổng
giáo được biểu hiện cách rõ nét và sinh động qua chân dung người QUÂN TỬ. Đây
là một nhân cách nghiêm túc chu toàn các đức tính căn bản (Ngũ thường) và hoàn
thiện các mối tương quan (Tam cương, Ngũ luân); đồng thời cũng là người hiểu được
mệnh trời (Tri Thiên mệnh), sống đạo đức với bản thân, đúng mực nơi gia đình,
chính trực trong xã hội và mưu ích nhân loại (Tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ).
Như
vậy, có thể nói được rằng: giáo lý, linh đạo của Khổng giáo mang chiều kích
“nhân bản”, một con đường hướng dẫn tu thân tích đức gần gũi với giai đoạn
“Ascétique” (tu đức, khổ chế) của Kitô giáo.
c/. Linh đạo và bài học từ Khổng giáo:
Cuộc “chạm mặt” đàu tiên
giữa Khổng giáo và Kitô giáo, dĩ nhiên, không tránh khỏi những đố kỵ, hiểu lầm,
thái độ bất bao dung đến từ cả hai phía: những “môn đồ trung tín của Khổng Mạnh”
và các Kitô hữu, đặc biệt các thừa sai nước ngoài. Kèm vào đó, những tác động về
chính trị, về não trạng bảo thủ của các vương triều phong kiến chọn triết lý Khổng
Nho làm nền tảng thiết chế xã hội…đã gây nên những cuộc bách hại khủng khiếp
(các chỉ dụ cấm đạo của các vương triều) [26], cùng với những luận điệu bài
xích, xuyên tạc (các điều lệ, văn bản, tác phẩm như “Điều lệ hương đảng” của
vua Gia Long ban hành 1804, Thập huấn điều của Minh Mạng ban hành năm 1834, Đạo
Biện (Tự Đức 1862), Tây Dương gia bí lục của nhóm nho sĩ bài Công Giáo cuối thế
kỷ 19…) đầy tính tiêu cực và khích bác lẫn nhau của cả hai phía. [27]
Dù vậy, không thể phủ nhận
những trân trọng và đánh giá cao của các thừa sai về các giá trị nhất định của
nền văn hoá và tư tưởng Khổng giáo trong thực hành xây dựng và điều hướng giềng
mối đạo đức xã hội và con người, cách riêng, góp phần không nhỏ trong tiến
trình chuẩn bị, củng cố và đào sâu các giá trị của Tin Mừng, như một số nhận định
tiêu biểu của các linh mục thừa sai : linh mục Alexandre de Rhodes[28], linh mục
F.Buzômi[29], hoặc Giám Mục Hermosilla (Liêm)… .[30].
Cách riêng trong lãnh vực
linh đạo, hay con đường nên thánh, phải kể đến nhận định rất thâm thuý của cụ
Giuse Nguyễn Như Lai, trong luận văn tiến sĩ mang tựa đề “Truyền Thống Tôn Giáo
Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam” (La Tradition Religieuse Spirituelle Sociale au
Vietnam) khi nêu bật giá trị tuyệt vời của hai đức trong “Ngũ thường” : ĐỨC
“NHÂN” VÀ ĐỨC “NGHĨA”; đặc biệt là đức “Nhân”, rất gần với ý nghĩa của đức
“Ái”, con đường cốt yếu dẫn tới sự thánh thiện Kitô giáo[31] :
2.2. LÃO GIÁO (ĐẠO GIÁO) (Taoism hay Daoism):
a. Nguồn gốc:
Lão giáo hay Đạo giáo là
một tôn giáo xuất hiện đồng thời với Khổng giáo trong địa bàn của nước Trung
Hoa thời cổ đại thuộc vương triều nhà Chu bởi một nhân vật sống và hoạt động
truyền đạo cùng thời với Đức Khổng Tử mà danh xưng gắn cho vị nầy là “LÃO TỬ”.
Chúng ta thử theo chân của
nhà nghiên cứu Ruth Andersen tìm lại đôi nét lịch sử về nhân vật đặc biệt nầy:
“Theo một truyền thuyết của
Đạo giáo thì Lão Tử được sanh ra tại làng Chujen, một làng ở huyện Hồ (Hồ Bắc)
trong tỉnh Hà Nam, độ chừng năm mươi năm trước Khổng Phu Tử. Ông sống trong thời
kỳ của Zoroaster tại Ba Tư (một nhà tiên tri của Ba-Tư - ND) và thời kỳ của các
tiên tri Giêrêmi và Êxêchiên của người Hêbơrơ. Ông được chỉ định làm một học giả
trông coi Kinh sách trong triều đình nhà Chu. Ông là một con người trầm tĩnh,
ít tiếp xúc với xã hội. Ông được xem là một vị thánh hiền, và không bao lâu sau
khi ông mất, ông được thờ phượng như một thần linh.
Lão Tử và Khổng Tử sống ở
Trung Hoa trong thời kỳ đất nước loạn lạc. (…). Lão Tử đã cố gắng để khôi phục
trật tự chính trị xã hội, nhưng ông đã không thành công. Truyền thuyết nói rằng
ông đã để Kinh sách của Đạo giáo lại tại Vạn Lý Trường Thành của nước Trung Hoa
và đi tìm sự sống vĩnh hằng, trở thành một với Đạo.” [32]
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo:
Một phần nào giống như
Không giáo, Lão giáo thiên về một học thuyết, một triết lý sống hơn là một tôn
giáo đúng nghĩa. Theo nhận định của Ruth Andersen thì Lão giáo có thể định
nghĩa như sau:
“Từ ngữ Đạo giáo có nghĩa
là “một con đường”. Người Đạo giáo tin rằng mọi vật trong vũ trụ đều chuyển động
và thay đổi. Nó chuyển động một cách hòa hợp và có trật tự. Con người bị lạc đường
do không hòa hợp của mình và những chủ tâm của riêng mình. Con đường cần quay về
con đường của sự đơn sơ và khiêm tốn bằng hành động thụ động và một con đường đạo
đức đúng đắn. Trong thực tế, Đạo là một triết lý, một tôn giáo, một hệ thống
nghi lễ có tính pháp thuật, tất cả đều gom vào thành một.” [33]
Tư tưởng của Lão giáo hay
Đạo giáo tập trung trong một tác phẩm tương truyền do chính Lão Tử soạn tác đó
là quyển ĐẠO ĐỨC KINH [34]. Sau nầy, có thêm một đồ đệ của Lão Tử là Trang Tử
đã san định, bổ túc để làm cho học thuyết “Đạo giáo” mang tính thống nhất, đầy
đủ và dễ thuyết phục hơn. [35] (Xem thêm về sách ĐẠO ĐỨC KINH [36])
Sau đây là những điểm
tích cực trong con đường tu thân tích đức (linh đạo) chúng ta tìm thấy trong
Lão giáo:
b.1/. Giáo lý và quan niệm cốt lõi: ĐẠO
Nền tảng giáo lý và triết
lý của Lão giáo có thể tập trung ở một từ duy nhất “ĐẠO”:
“Theo các tín đồ Đạo giáo
thì Đạo giáo không thể mô tả được, bởi vì nó luôn luôn thay đổi. Nếu người ta
có thể cắt nghĩa được, thì nó sẽ không còn là đạo nữa. “Đạo mà có thể luận giải
được thì không phải là Đạo tuyệt đối” (Đạo khả đạo phi thường đạo). Người ta
nói rằng nó thuộc về hình nhi thượng (métaphisical), vượt ngoài lãnh vực vật
lý. Nó là vô hình, và siêu việt trên thế giới loài người (Danh khả danh phi thường
danh). Một khía cạnh duy nhất mà con người có thể nhận biết về Đạo là tiến
trình hữu hình của thiên nhiên mà theo đó mọi vật dời đổi biến hóa. Thấy những
gì nó hoạt động thì một người có thể nói rằng Đạo hiện hữu.” [37]
Từ quan niệm đó. Lão giáo
chủ trương thuyết “VÔ VI”:
“Đạo không chỉ là nguyên
lý của vũ trụ mà cũng còn là một mẫu mực cho cách cư xử của con người. Trong sự
thay đổi không ngừng của Đạo, người ta thấy sự tự do và năng lực. Đạo hứa hẹn hạnh
phúc cho những ai chịu phó mình cho nó. Điều nầy xảy ra như thế nào? Bằng việc
thực hành sự vô vi, nghĩa là “không hoạt động, không tranh đấu, sinh hoạt vô hoạt
động”. [38]
Như vậy có thể tóm tắt học
thuyết và linh đạo của Lão giáo qua những điểm sau:
- Một người có thể đạt đến
sự kết hiệp với Hữu thể tối cao.
- Một người nên lấy thiện
trả ác.
- Một người nên lấy lý
trí khống chế cảm xúc.
- Sự sống quan trọng hơn
tài sản vật chất.
- Phục vụ kẻ khác là lý
tưởng.
- Để trọn vẹn con người
phải đi theo ý trời.
c. Linh đạo và bài học từ
Lão giáo:
Theo
phân tích và đối chiếu của tiến sĩ Nguyễn Như Lai, thì có thể chọn trong giáo
lý, học thuyết của Lão giáo 3 điều tương ứng với 3 nhân đức của Tin Mừng: KHIÊM
NHƯỜNG, KHÓ NGHÈO VÀ CHIA SẺ BÁC ÁI.
- Khiêm nhường:
“Ðạo
Lớn tràn lấp, bên phải bên trái. Vạn vật nhờ Ðạo mà sinh ra, mà không một vật
nào bị Ðạo khước từ, Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài,
mà không làm chủ. Thường không ham muốn, nên có thể gọi tên là Nhỏ. Ðược muôn vật
theo về mà không làm chủ, nên có thể gọi tên là Lớn. Bậc Thánh Nhơn cho đến
ngày cùng, không cho mình là lớn. Cho nên mới thành được việc lớn của mình”
(Ch. XXXIV) [39]
- Khó nghèo:
“Ăn
mặc lộng lẫy, đeo đai và kiếm sắc, đồ ăn thức uống dư dật và của cải đầy
tràn... đó chỉ là hang trộm cướp (đạo tặc) chứ đâu phải đường của đại Ðạo”
(x.Ch. LIII). (…). Không thể giữ bưng mãi được bình nước đầy, có lúc nó sẽ vơi;
Không thể giữ mãi được con dao sắc bén, chầy kíp nó sẽ cùn! Cũng vậy, dùng vàng
bạc ngọc ngà chất chứa đầy nhà, chỉ là tự vời kẻ trộm đến. Phú qúy là điều
thiên hạ ai cũng muốn, lại còn khoa trương thì không vời họa đến cho mình sao
được” (x. Ch. 9) [40]
- Chia sẻ
bác ái: “Bậc
thánh nhơn không thu giữ, càng vì người mình càng thêm có, càng cho người mình
càng thêm nhiều, Ðạo của Trời lợi mà không hại, Ðạo của thánh nhơn, làm mà
không tranh” (Ch. LXXXI) [41]
3. Các tôn giáo độc thần thuộc Trung Đông:
3.1. DO THÁI GIÁO (Judaism):
a. Nguồn gốc:
Do Thái giáo (Judaism) là
tên của một tôn giáo độc thần cổ nhất tại vùng Trung Đông của một quốc gia cùng
tên: nước Do Thái (Hay còn gọi là nước Giuđa – Jew). Nước Do Thái hay dân Do
Thái còn mang nhiều tên gọi tuỳ theo các giai đoạn hay biến cố lịch sử ảnh hưởng
sự hình thành, tồn tại được Kinh Thánh ghi lại [42].
Do thái giáo là một “tôn
giáo mặc khải”, độc thần, vì tất cả cơ sở của đức tin và các truyền thống tập tục
tôn giáo của Do Thái giáo bắt nguồn từ sự mạc khải của Thượng Đế dành cho
Abraham, Môsê và các tiên tri. Chính vì thế, lịch sử của dân Do Thái chính là lịch
sử của niềm tin tôn giáo; và Kinh Thánh của Do Thái giáo chính là câu chuyện lịch
sử thuật lại mối tương quan giữa Đấng Thiên Chúa họ tôn thờ và dân tộc họ, một
dân tộc mà họ xác tín, được Thiên Chúa tuyển chọn như một “Dân ưu Tuyển”.
Đặc biệt, Do thái giáo và
Kinh Thánh của đạo nầy lại có liên quan mật thiết đến Kitô giáo; và có thể nói,
Do Thái giáo chính là “tiền thân” của Kitô giáo. Công Đông Vatican II trong Hiến
chế về Giáo Hội đã nhấn mạnh nội dung ý nghĩa nầy như sau:
“Trước tiên là dân tộc đã
nhận lãnh giao ước và lời hứa, và từ dân tộc ấy, Đức Kitô đã sinh ra theo thể
xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quý bởi đã được tuyển chọn vì cha ông
họ: Thiên Chúa không hối tiếc vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29) [43]
Riêng với Tuyên ngôn
“Nostra Aetate”, Công Đồng đã dành cả số 4 để trình bày mối tương quan giữa Do
Thái Giáo và Giáo Hội, đồng thời vạch ra lộ trình đối thoại, học hỏi và gặp gỡ:
“Vì người Kitô hữu và Do
Thái cùng chung một di sản thiêng liêng thật cao quý, nên công đồng muốn cổ vũ
và khuyên nhủ hai bên hãy tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đây là điều có thể thực
hiện được đặc biệt qua việc học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như qua những
cuộc đối thoại huynh đệ” [44]
Và câu chuyện “lịch sử đặc
biệt” của dân Do Thái đã khởi đầu với “lời kêu gọi Tổ phụ Abraham” khoảng thế kỷ
18 trước Công nguyên (1800 TCN), diễn ra trên vùng đất Palestine bên bờ Địa
Trung Hải và những vùng lân cận cho đến khi đất nước Do Thái hoàn toàn bị tan vỡ
dưới gót giày của đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; và chỉ được
tái lập sau gần 2000 năm lưu đày, ly tán, vào năm 1948, để hôm nay trở thành một
quốc gia nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, văn minh mang tên It-ra-en, sánh vai với các quốc
gia hùng mạnh nhất của thế giới. (Xem thêm khảo luận về Do Thái giáo của Ruth
S. Anderson trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”: DO THÁI GIÁO (JUDAISM) [45]
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo:
Như đã nói trên, đối với
dân Do Thái, lịch sử của dân tộc cũng là lịch sử của đức tin. Chính vì thế,
toàn bộ sinh hoạt tâm linh (giáo lý, linh đạo, phượng tự…) của Do Thái giáo đều
căn cứ vào một bộ sách lừng danh mà cho tới hôm nay, cả thế giới cũng đều gọi
chung đó là KINH THÁNH. [46]
Bộ Kinh Thánh của Do Thái
giáo không chỉ là “gia bảo thiêng liêng, kho tàng văn hoá…” cho riêng dân tộc,
đất nước Do Thái mà còn là một phần căn bản không thể thiếu trong bộ “Kinh
Thánh của Kitô giáo” [47] và trong “Kinh Coran của Hồi giáo” [48].
Kinh thánh Do thái giáo,
theo quy điển chính thức, kết quả của hội nghị các rabbi Do thái tại Jamnia vào
khoảng năm 100 sau CN [49], bao gồm 39 cuốn (theo tên từng cuốn) phân làm 3
nhóm loại sau:
- Nhóm luật
pháp (Torah): 5 cuốn (được gán cho Môsê): Sáng thế, Xuất hành, Lêvi,
Dân số, Đệ nhị luật.
- Nhóm ngôn
sứ (Nebhiim): 6 cuốn tiền ngôn sứ: Giosuê, Thủ lãnh, Samuel (2), Các
Vua (2); 12 cuốn hậu ngôn sứ : Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel và 12 ngôn sứ nhỏ.[50]
- Nhóm văn
phẩm (Kethubhim): 13 cuốn: Thánh vịnh, Châm ngôn, Gióp, Diễm
ca, Rút, Ai ca, Giảng viên, Esther, Daniel, Esdras, Nêhêmia, Sử biên niên (2)
Ngoài bộ Kinh Thánh, Do
Thái giáo còn một bộ sách sưu tập những luật lệ truyền khẩu gọi là Talmud mà uy
thế chỉ đứng sau bộ Torah để làm kim chỉ nam cho các sinh hoạt sống đạo và ứng
xử đức tin của dân Do thái. [51]
Nếu Kinh Thánh là “quy luật
đức tin, luân lý, phượng tự…” thì cũng từ đó, Do thái giáo đã rút ra những luật
lệ để áp dụng vào việc thể hiện đức tin, thiết chế lễ nghi thờ phượng, đời sống
xã hội dân sự…Trong đó, phải kể bảng “Thập Điều” là quy luật tối thượng được
chính Thiên Chúa ban cho dân Do thái qua trung gian vị lãnh đạo Môsê. Kitô giáo
cũng chọn “bản Thập Điều” nầy là quy luật tối thượng của mình (Chỉ khác ở điều
răn thứ 3: thay vì “giữ ngày Sabat” là “giữ Ngày Chúa Nhật”).
c. Linh đạo
và bài học từ Do thái giáo:
Trong viễn tượng lịch sử
cứu độ, thì quả thật Do thái giáo chính là “khởi điểm, là tiền thân” của Kitô
giáo: Do thái giáo chính là một sự chuẩn bị, tiên báo để Kitô giáo hiện thực
hoá, thành toàn. Do thái giáo chính là “Cựu ước” và Kitô giáo chính là “Cựu ước
và Tân ước”; cả Cựu lẫn Tân làm nên một “Giao ước duy nhất”, một lịch sử duy nhất,
một kế hoạch duy nhất…”.
Vì thế, trân trọng các
gái trị Do thái giáo chính là thái độ và đường hướng mục vụ đúng đắn xưa nay của
Hội Thánh, như khẳng định của Công đồng chung Vatican II: “Giáo Hội tuyên xưng
rằng tất cả các Kitô hữu, con cháu của Abraham theo đức tin, đã được tích chứa
ngay trong ơn gọi của vị Tổ Phụ, và sự cứu độ của Giáo Hội đã được tiên báo
cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành khỏi miền đất nô lệ của đoàn dân được tuyển
chọn. Vì thế, Giáo Hội không thể quên rằng mình đã nhận được mặc khải Cựu ước
nhờ chính dân tộc mà Chúa đoái thương ký kết Giao ước cũ do lòng thương xót vô
biên của Ngài, và được nuôi dưỡng nhờ gốc rễ ôliu tươi tốt, trên đó những cành
ôliu hoang dã là chư dân đã được tháp ghép vào…” [52]
Nếu phải ghi nhận những
điểm tích cực mà Do thái giáo mang lại cho con đường hoàn thiện của Kitô giáo,
thì đó chính là 3 điểm căn bản nầy: Lời Chúa, Lề luật và Phụng tự. Từ nền tảng
căn bản đó, Do thái giáo còn cung cấp một con đường tâm linh sâu xa hướng con
người sống hoàn thiện trong mối tương quan liên vị với Thiên Chúa hằng sống, một
Thiên Chúa đồng hành với lịch sử của con người mà con người có thể đọc được qua
các dấu chỉ như những “Giao ước”. (Xem thêm: Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH
I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Chương 13: Giáo lý
các tôn giáo, tr. 341-343)
3.2. HỒI GIÁO (Islam):
a. Nguồn gốc:
Cùng với Do Thái giáo và
Kitô giáo, Hồi giáo là một tôn giáo độc thần, tôn thờ một Đấng Thượng Đế (God)
mà tiếng Ả-rập gọi là Allah.
Tên “Hồi giáo” hay
“Islam”, là từ có liên hệ tới từ gốc là “Salam”, một từ Ả-rập có nghĩa là “đầu
hàng, phục tùng, bình an và uỷ thác”. Như vậy, Hồi giáo chính là sự “đầu phục Đức
Allah”, và người tín hữu đạo Hồi gọi là “Muslims”, tức những người đặt trọn niềm
thần phục dành cho Đức Allah. [53]
Đức Muhammad (còn gọi là
Ma-hô-mét) sinh khoảng năm 570 sau công nguyên tại thành Mecca (tiếng Ả-rập là
Makka) thuộc nước Ả-rập Xê-út, vào một thời mà thành phố nầy là trung tâm và
giao điểm thương mại sầm uất giữa Đông Tây cùng với cuộc sống xô bồ, hổn tạp giữa
các nền văn hoá và tôn giáo pha tạp. Chính trong bối cảnh đó, đức Muhammad, vốn
là một doanh nhân (có vợ là bà chủ doanh nghiệp Khadija lớn hơn ông 15 tuổi, có
với nhau được 2 trai 4 gái, trong đó có cô Fatima sống bên cha), sau một thời
gian tịnh tâm suy niệm trong một hang động cách Mecca khoảng 5 km, đã nhận được
khải thị mà ông xác tín đó là của thiên thần Gabriel. Từ đó, ông bắt đầu rao giảng
những giáo lý được mặc khải, sau viết lại thành bộ kinh Koran (Qur’an), Kinh
Thánh của Hồi giáo, và ông được tín đồ Hồi giáo truy nhận là vị Đại tiên tri.
Hồi giáo hiện nay có hai
dòng chính (phát sinh từ sau cái chết của vị sáng lập với lý do cốt yếu liên
quan đến “kế vị”): Dòng Sunni chiếm khoảng 90%, chủ trương quyền kế vị thuộc
các “đồng chí” của Muhammad. Dòng Shiites chủ trương kế vị thuộc dòng tộc của
Muhammad.
Cùng với tài tổ chức, sức
thuyết phục của một giáo lý mới phù hợp với tâm thức của người Ả-rập, kèm với
những cuộc chiến quyết liệt khuất phục mọi người theo đạo, chẳng bao lâu Hồi
giáo đã lan rộng ra toàn vùng Ả-rập, Palestine, Ai Cập, Bắc Phi, Ba Tư…
Vào thế kỷ 15 (1453) thủ
đô phía đông của đế quốc Rôma là Constatinople lọt vào tay của đế quốc Hồi giáo
Ottaman Thổ Nhĩ Kỳ và được đổi tên là Istanbul. Cũng đừng quên, nếu hải quân Hồi
giáo chiến thắng trong trận chiến vịnh Lepanto (7.10.1571) thì ngày nay Âu châu
đã bị Hồi giáo hoá. [54]
Ngày nay, Hồi giáo là một
tôn giáo có số tín đồ đông thứ nhì (trên một tỷ rưỡi người) sau Kitô giáo (bao
gồm Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo); riêng nước Inđônêsia có khoảng
150 triệu tín đồ, quốc gia Hồi giáo đông nhất thế giới. (Xem thêm Ruth S.
Anderson).
b. Nội dung giáo lý và chiều hướng linh đạo:
b.1/. Nền tảng giáo lý:
- Kinh Qur’an (hay Koran
hoặc Coran): “Những lời phán truyền của Thượng Đế Allah là toàn bộ nội dung
giáo lý Islam. Qur’an là kim chỉ nam đối với tín đồ Islam và là một trong những
yếu tố tạo nên nề nếp sống của tín đồ Islam”. [55]
- Luật
Sharia: Trích
xuất từ kinh Qur’an trở thành các điều răn thực hành của Hồi giáo. Có các khoản
dành riêng cho đàn ông và đàn bà.[56]
b.2/. Thực hành đức tin: 5 cột trụ:
1. SHAHADAH
là
sự tuyên xưng và đồng thời là điều cốt lõi trong đức tin của một tín đồ.
2. SALAT là
việc cầu nguyện. Tín đồ Islam phải cầu nguyên năm lần một ngày, vào lúc bình
minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối.
3. ZAKAT là
sự bố thí. Theo Kinh Koran, một người phải trao cho người khác "những thứ
dư thừa".
4. SAWM là
việc nhịn ăn. Mọi tín đồ Islam phải nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan,
trừ trẻ em, người già và những người ốm đau bệnh tật. Những người đang có việc
phải đi xa không phải nhịn ăn, nhưng họ sẽ nhịn bù sau đó.
5 HAJJ là
việc hành hương. Ít nhất một lần trong đời, những tín đồ Islam có khả năng phải
hành hương tới thánh địa Mecca… [57]
c/. Linh đạo và bài học từ Hồi giáo:
Trước hết, chúng ta thử
nghe lại lập trường của Giáo Hội Công Giáo đối với Hồi giáo qua tuyên ngôn của
Công Đồng Vatican II:
“Giáo Hội cũng tôn trọng
các tín đố Hồi giáo, những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng
hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã ngỏ lời với con
người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn tuân phục với trọn cả
tâm hồn, theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Abraham, người mà niềm tin Hồi
giáo vẫn luôn gắn bó. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn
sùng Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria, và
đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét,
ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng
đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và
chay tịnh”. [58]
Qua những nhận định và
thái độ như thế, cùng với những gì khám phá được trong thực hành đức tin của
người Hồi giáo, chúng ta có thể rút ra những điểm tích cực sau đê vận dụng
trong việc tài bồi cho con đường nên thánh:
- Với Chúa:
Thiên
Chúa luôn là đối tượng “ưu tiên một” để suy phục, yêu mến phụng thờ.
- Với mình:
Cầu nguyện và chay tịnh phải là “kỷ luật”, là “quán tính” gắn liền với cuộc sống.
- Với người:
Chia
sẻ, bố thí: thực thi đức ái.
Chúng ta mới vừa lược qua
6 tôn giáo lớn của Á Châu cùng với một số điểm nhấn trong nội dung giáo lý,
linh đạo và việc thực hành đức tin của các tôn giáo nầy như những “giá trị tích
cực” có thể rút tỉa cho hành trình nên thánh của người Kitô hữu.
Thật ra, tại Á Châu hay
nhiều nơi trên thế giới, còn rất nhiều các tôn giáo khác, các truyền thống tâm
linh, các học thuyết, triết lý, việc thực hành niềm tin, linh đạo…mà chúng ta
không thể tìm hiểu hết.
Cách riêng tại Á Châu, những
niềm tin sâu sắc của Thần Đạo (Shintoism) đã ảnh hưởng sâu đậm trên văn hoá và
lịch sử cũng như toàn bộ đời sống của người Nhật Bản, khiến dân tộc nầy cảm thấy
“không cần tiếp nhận thêm” tôn giáo nào khác; cũng vậy, đối với người Việt Nam
hay Trung Hoa, việc thờ kính tổ tiên, tuy rằng có ảnh hưởng lai tạp bởi các tôn
giáo Phật, Lão, Khổng, nhưng gần như đã trở thành một thứ “Đạo Ông Bà” gần như
chi phối và ảnh hưởng rất tích cực trên rất đông những người tự nhận không theo
tôn giáo nào.
Chính vì thế, việc chúng
ta nỗ lực tìm hiểu giáo lý và các thực hành tâm linh của các tôn giáo, tín ngưỡng
ngoài Kitô giáo chẳng những không uổng công chút nào mà còn rất ích lợi trong
việc khám phá, học hỏi và tài bồi cho chính con đường hoàn thiện của mình, như
nhận xét của Cornelis E. trong tác phẩm Valeurs chrétiennes des religions non
chrétiennes mà linh mục
Mai Đức Vinh đã chuyển ngữ trong bài viết
ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT
NAM VỚI KITÔ GIÁO:
“Ðôi khi người ta đã tìm
cách giải thích thế giới tôn giáo ngoài Kitô giáo như một sự loan báo trước” những
hòn đá chờ đợi”, bị đổ bừa bãi trên công trường của thế giới. Họ miệt mài tìm
kiếm cho tới khi tìm thấy trong” Viên Ðá Góc” một nguyên tắc hay một kỹ thuật
kiến trúc gắn bó được hết mọi hòn đá... Ðối với những ai chuyên tìm ý nghĩa Kitô
giáo tích cực trong các tôn giáo lớn của Nhân Loại, thì giả thuyết trên thật hấp
dẫn. Vậy cần phải phát hiện giá trị của việc mạo hiểm tìm kiếm này” [59]
Phải chăng đó cũng cính
là thái độ “biết lắng nghe” để “phân định” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý
trong tông huấn gọi mời nên thánh “Gaudete et Exsultate”, một sự “lắng nghe” để
được phong phú và để bổ túc những giới hạn, bất toàn của chính mình:
“cần nhớ rằng việc phân định
trong cầu nguyện phải được khởi đi từ một sự sẵn sàng lắng nghe: lắng nghe
Chúa, nghe người khác, và nghe chính thực tại, vốn luôn chất vấn chúng ta với
những cách mới mẻ. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để chối từ quan
điểm phiến diện và không đầy đủ của mình, nhũng thói quen riêng và cách nhìn sự
vật của mình. Như thế, chúng ta thực sự mở ra để đón nhận một tiếng gọi có thể
phá vỡ sự an toàn của mình, nhưng dẫn ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi lẽ
cũng không đủ khi mọi sự đều ổn thỏa và bình an. Thiên Chúa có thể đang trao
ban cho chúng ta một cái gì đó hơn thế, mà nếu thiếu chú tâm, chúng ta không nhận
ra được.” [60]
LM. Giuse Trương Đình Hiền
(Tháng 11/2018)
[1] ĐGH Gioan-Phaolô II,
Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” (Ecclesia in Asia), Bản dịch Việt ngữ: Lm.
Phêrô Nguyễn Quang Sách, số 6: “Á Châu cũng là chiếc nôi của các tôn giáo lớn
trên thế giới -Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo và Ấn Giáo. Đó là nơi phát
sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo,
Zoroastrianism, Jainism (Ấn Độ), giáo phái Sikh và Thần Đạo (Nhật). Hàng triệu
người cũng theo những tôn giáo truyền thống và bộ lạc, với nhiều cấp độ nghi thức
và giáo thuyết. Giáo Hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền
thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống
đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức
Giêsu Kitô.”.
Nguồn:
http://www.simonhoadalat.com;
hoặc:
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/15/tong-huan-giao-hoi-tai-a-chau/3/
[2] Ibid.
[3] HĐGMVN, Uỷ ban Giáo
Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II (Bản dịch Việt ngữ), nxb. Tôn Giáo 2012,
Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Giáo Hội
(Nostra Aetate), số 2, tr. 742. (Viết tắt: NA)
[4] Ibid. Sắc lệnh về
truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes), số 7, tr. 655-656. (Viết tắt: TG)
[5] ĐGH Gioan-Phaolô II,
Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” (Ecclesia in Asia), Bản dịch Việt ngữ: Lm.
Phêrô Nguyễn Quang Sách, số 6: “Tất cả những điều trên chỉ cho thấy một cảm thức
thiêng liêng nội tâm và sự khôn ngoan về mặt luân lý trong tâm hồn người Á
Châu, và đó là cốt lõi mà xung quanh đó được xây dựng một ý thức đang lớn mạnh
về thế nào "là người Á Châu". Nhận thức "là người Á Châu"
này được khám phá và khẳng định cách tốt nhất không phải trong sự chạm trán và
đối nghịch nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và hoà hợp. Trong khung cảnh bổ
sung và hoà hợp này, Giáo Hội có thể loan truyền Tin Mừng qua một cách thức vừa
trung thành với truyền thống của mình và vừa trung thành với tâm hồn Châu Á.”.
(Nguồn: đã dẫn ở trên)
[6] John Bowker, Từ điển
tôn giáo giản yếu, dịch giả: Lưu Văn Hy, hiệu đính: Chương ngọc, nxb. Tự điển
bách khoa 2011, mục từ HINDUISM Ấn giáo, tr. 343.
[7] Phan Tấn Thành. “ĐỜI
SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr.
316. (X. Bài khảo luận của tác giả Đức Nguyên : Đạo Bà-la-môn (Ấn Độ giáo). Nguồn
: https://www.daotam.info/booksv/nvhdcdvctg.htm
[8] Cũng có tài liệu chia
thời kỳ nầy làm 2: Thời Ấn giáo cổ điển (Bà-la-môn) từ thế kỷ 2 trước CN đế thời
Trung cố (khoảng thế kỷ 10 sau CN) và thời kỳ Ấn giáo sùng tín (Bhakti) từ thời
Trung cổ đến nay. Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1881-n-giao.html
[9] Phúc Trung. Bài viết: Ấn giáo hay Bà la môn giáo. Nguồn:
https://thuvienhoasen.org/a9418/an-giao-hay-ba-la-mon-giao-phuc-trung
[10] Phan Tấn Thành. “ĐỜI
SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr.
350-352.
[11] Ibid. Tr. 352-353.
[12] SĐD, tr. 740-741.
[13] Xem thêm: chuyên đề
PHẬT GIÁO của tác giả Ruth S. Anderson trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”.
Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1945-2018-06-06-10-46-31.html;
hoặc tác phẩm: PHẬT HỌC PHỔ THÔNG, QUYỂN NHỨT của Hoà thượng Thích Thiện Hoà,
nxb. Tp. Hồ Chí Minh 1997. KHOÁ I, Tr. 15-18.
[14] Phan Tấn Thành. “ĐỜI
SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr.
318-319. (Xem thêm : Hoà thượng Thích Thiện Hoà, PHẬT HỌC PHỔ THÔNG, QUYỂN NHỨT
của, nxb. Tp. Hồ Chí Minh 1997. KHOÁ I, Tr. 18-21.)
[15] Gioan-Phaolô II, BƯỚC
QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG, tr. 105: “Sự “khai ngộ” do Đức Phật thể nghiệm thực sự
được tóm kết trong niềm xác quyết rằng thế giới này đầy những tham-sân-si, rằng
đó là nguồn mạch sự dữ và đau khổ cho con người. Để giải thoát chính mình khỏi
tội ác, con người phải giải thoát chính mình khỏi thế giới này, đòi hỏi phải đoạn
tuyệt với những ràng buộc nối liền chúng ta với thế giới bên ngoài – những ràng
buộc hiện hữu nơi bản chất của con người chúng ta, nơi tâm thức và cả nơi ngũ
quan nữa. Chúng ta càng giải thoát khỏi những ràng buộc đó nhiều, chúng ta trở
thành thản nhiên trước những gì thuộc về thế giới đó, và càng tránh được đau khổ,
nghĩa là tránh khỏi những sự dữ đến từ thế giới. Chúng ta có thể tiến tới gần
Thiên Chúa bằng đường lối này không? Đó cũng không là vấn đề được đặt ra trong
“Khai Ngộ” do Đức Phật truyền đạt. Phật giáo theo nhận định rộng rãi là một hệ
thống Vô thần (không đề cập đến Thượng Đế hay Trời Đất). Chúng ta không giải
thoát chính mình khỏi sự dữ nhờ chính sự Thiện đến từ Thiên Chúa; chúng ta chỉ
giải thoát chính mình qua việc tách rời khỏi thế giới vô thường. Hành động tách
rời hoàn toàn không phải là việc thông hiệp với Thiên Chúa, nhưng Niết Bàn chỉ
là tình trạng hoàn toàn thờ ơ trước thế giới. Ơn cứu độ trên tất cả là sự giải
thoát khỏi sự dữ, bằng cách hoàn toàn cách biệt với thế giới huyễn tượng chính
là nguồn sự dữ. Đó chính là cao điểm của diễn trình tâm linh trong Phật giáo!”
[16] Hoà thượng Thích Thiện
Hoà, PHẬT HỌC PHỔ THÔNG, QUYỂN NHỨT của, nxb. Tp. Hồ Chí Minh 1997. KHOÁ III,
Tr. 10-12.
[17] Ibid. Bài thứ 10, Mục
E: BÁT CHÁNH ĐẠO. Tr. 156-165.
[18] Phan Tấn Thành. “ĐỜI
SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr.
319-320.)
[19] SĐD (Tuyên ngôn…), số
2, tr.141
[20] Ts. Nguyễn Như Lai:
“Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam” (La Tradition Religieuse
Spirituelle Sociale au Vietnam), chương VII. ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ CÁC
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO (Confrontation des Croyances et Religions au
Vietnam avec Christianisme), Mai Đức Vinh chuyển ngữ, tr. 487-495.
[21] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”: KHỔNG GIÁO (Confucianism): “Từ ngữ
Confucius là một từ tiếng Trung Hoa Khổng Phu Tử , có nghĩa là “thầy Khổng”. Khổng
là tên họ, đã được phiên ra hình thức chữ La Tinh thành Confucius do các giáo
sĩ dòng Tên (dòng Jesuits) thời trước.”. Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1944-2018-06-06-10-35-08.html
[22] Trang Wikipedia :
Năm 771 TCN, khi Chu U Vương phế truất Thân hậu để đưa Bao Tự lên thay thế,
kinh đô nhà Chu đã bị các lực lượng du mục phía đông bắc tràn vào cướp phá do sự
xúi giục của Thân Hầu (cha Thân hậu). U vương bị giết và con cả là thái tử Nghi
Cữu được các quý tộc chư hầu Trịnh, Tấn, Tần đưa lên làm vua, tức là Chu Bình
Vương, dời đô về phía đông năm 771 TCN tới Lạc Dương, tỉnh Hà Nam hiện nay. Từ
đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu, và chỉ kết thúc khi bị nhà Tần lật đổ vào năm
256 trước Công Nguyên; trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn này được gọi là
"Thời Xuân Thu" (771-403 TCN) và "Thời chiến quốc" (403-256
TCN).
Sự phân chia này dựa trên
một bộ sử biên niên của Khổng Tử, bộ Kinh Xuân Thu. Bộ này chép sử nước Lỗ từ
năm thứ nhất đời Lỗ Ấn Công (722 TCN) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (481 TrCN),
gồm 240 năm, năm 479 là năm Khổng Tử mất. Nhiều học giả thấy năm 722 và năm 480
(hoặc năm 479) không đánh dấu một biến cố lớn lao nào trong lịch sử, nên đã
chia lại như sau:
- Thời Xuân Thu: 770-403
TCN, từ đời Chu Bình Vương tới cuối đời Chu Uy Liệt Vương.
- Thời Chiến Quốc:
403-221 TCN, từ đời Chu An Vương đến khi nước Tần diệt được Tề và thống nhất
Trung Quốc.
Thời kỳ này của nhà Đông
Chu cũng được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của tư tưởng và văn hoá
Trung Quốc trong lịch sử. Chính trong giai đoạn cai trị này của nhà Đông Chu mà
những nhà tư tưởng lớn nhất đã sáng tạo ra những quan niệm khởi đầu về triết học,
đạo đức, học thuyết chính trị và văn hoá Trung Quốc.
[23] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH” : KHỔNG GIÁO (Confucianism): Nguồn :
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1944-2018-06-06-10-35-08.html
[24] Ibid.: “Câu hỏi thường
được đặt ra là: “Khổng giáo có phải là một tôn giáo không?” Một số người cho rằng
Khổng Tử là người sáng lập ra một trong số các tôn giáo của thế giới. Những người
khác thì cho rằng ông là một người theo thuyết bất khả tri luận (agnotic), nếu
không nói là một người vô thần. Sự thật có thể nằm ở đâu đó giữa hai sự cực
đoan nầy. Nếu Khổng Tử đề cập đến tôn giáo, thì đó là để cho phù hợp với các
nghi lễ và sự thờ phượng tổ tiên. Nhưng điều ông quan tâm nhiều hơn, đó là cách
dân chúng nên hành xử thế nào trong cuộc sống thường nhật. Ông là một triết gia,
ông đã dạy một hệ thống luân lý, một lý thuyết về sự cai trị, và một loạt những
mục tiêu xã hội mà chúng đã có ảnh hưởng cho người Trung Hoa trong hai mươi lăm
thế kỷ qua.”
[25] Ibid. (Xem thêm:
Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB.
Phương Đông 2015. Tr. 319-320.)
[26] Lm. Mai Đức Vinh.
CÁC VĂN KIỆN CẤM ĐẠO. Nguồn: Trang mạng giáo phận Đà Lạt:
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/22VaKienCamDao.htm
[27] Nguyễn Hồng Dương:
Mối quan hệ giữa Nho Giáo và Công Giáo ở Việt Nam. “…Sự xuất hiện của Công Giáo
ở Việt Nam ngay từ buổi đầu đã là sự kiện tôn giáo đặc thù. Đó là việc truyền
bá một tôn giáo hoàn toàn xa lạ với các tôn giáo truyền thống. Chẳng những thế
tôn giáo này đã không thừa nhận các tôn giáo đang hiện diện, coi tất cả là tà
giáo là đạo dối. Các giáo sĩ Công Giáo dựa vào tín lý, giáo lý Công Giáo tấn
công vào hệ tư tưởng Nho giáo, hệ tư tưởng trị nước thời bấy giờ. Về phía Nho
giáo để bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình các nhà Nho mà đại biểu của nó là nhà
Vua, là các Nho thần, tất nhiên cũng tấn công lại một cách mạnh mẽ những tư tưởng
của Công Giáo. Từ đó hình thành nên cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng mang
tính học thuật”. Nguồn: Trang mạng Văn Hoá Nghệ An: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/moi-quan-he-giua-nho-giao-va-cong-giao-o-viet-nam
[28] Alexandre de Rhodes,
Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tr.39-40: “Thực ra Khổng Tử nhà hiền triết này,
trong những sách ông để lại, có nhiều giáo huấn về thuần phong mỹ tục: như khi
ông nói, trước hết hãy sửa mình mà muốn thế thì xét mình mỗi ngày ba lần để sửa
điều lầm lỗi. Sau đó mới đem tâm trí và chuyên cần xếp đặt, điều khiển gia
đình. Và sau khi đã cẩn thận chu toàn chức vụ đầu tiên này chứ không trước khi
đó, thì bấy giờ mới lo dìu dắt và cai trị quốc gia. Ông còn luận về nhiều điều
liên hệ tới pháp lý dân chính, về xét xử các vụ kiện và thi hành công lý, do đó
các tiến sĩ Đàng Ngoài nghiên cứu kinh sách của ông một cách chuyên cần như
chúng ta khảo sát hiến pháp hay bộ luật. Ông còn trình bày và phân giải những
châm ngôn về chính trị và luật pháp tự nhiên. Vì thế ông không nói trái với những
nguyên lí của Kitô giáo và cũng không nói những gì phải bác bỏ hay bị kẻ tin
theo lên án”.
[29] Nguyễn Hồng: Lịch sử
truyền giáo ở Việt Nam. T1 Hiện Tại, Sài Gòn 1959, tr.57: “Nhờ Khổng giáo, xã
hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những
đức tính, phong tục rất đáng khâm phục nó đã giúp rất nhiều vào công cuộc truyền
giáo”.
[30] Những thư chọn trong
các thư chung các đấng Vicariô Apôstôlicô và Vicariô Prôvinciale về dòng ông
thánh Du Mingô đã làm tự năm 1849, Quyển thứ 2. In tại Kẻ Sặt 1903, tr.63.:
“Các quân tử cứ lẽ tự nhiên đã suy đến sự ấy đã kể phép nhất phu, nhất phụ
trong ba giềng mối can hệ nhất trong thiên hạ quen gọi là tam cương… Ví bằng
người ta cẩn thận giữ cho phải mlễ trong việc nhất phu, nhất phụ thì các việc
khác liền được an”.
[31] Ts. Nguyễn Như Lai:
“Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam” (La Tradition Religieuse
Spirituelle Sociale au Vietnam), chương VII. ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ CÁC
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO (Confrontation des Croyances et Religions au
Vietnam avec Christianisme), Mai Đức Vinh chuyển ngữ, tr. 477-481: “…Ông Tử Cống
(Tseu Kong) hỏi đức Khổng Tử: “Ví như có người thi ân bố đức cho khắp cả dân
gian, lại hay cứu tế cho đại chúng, thì nên nghĩ cho người ấy ra thế nào? Có
nên gọi là người nhân chăng?”. Ðức Khổng Tử đáp: “Sao chỉ gọi là người nhân thôi?
Ắt gọi là bậc thánh mới xứng. Vua Nghiêu vua Thuấn cũng khó mà làm xong những
việc ấy. Này, người nhân hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo mà thành lập cho
người; hễ muốn cho mình thông đạt, thì cũng lo làm cho người thông đạt; hễ xử với
mình thế nào thì cũng xử với người xung quanh mình thế ấy. Ðó là những phương
pháp phải thi hành để trở nên người nhân đức vậy” (Ch. VI,28)
[32] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH” : ĐẠO GIÁO (LÃO GIÁO – TAOISM – DAOISM)
(Confucianism): Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1940-2018-06-06-03-28-21.html
[33] Ibid.
[34] Ibid.: “Huyền thoại
cho rằng vào khoảng cuối đời, Lão Tử chu du đến vùng núi phía tây. Nơi đây, người
trông coi cửa ải, là một người Đạo giáo, đã van nài ông đừng xuất thế mà không
lưu lại những tư tưởng vang danh của ông. Vị thánh hiền nầy đã biên soạn và viết
ra một tập khái niệm gồm năm ngàn chữ về đạo (con đường) và quyền lực của nó.
Sau khi làm điều đó, ông đã ra đi và không bao giờ còn được người ta nhìn thấy
lại nữa. Sách của ông được gọi là Đạo Đức Kinh , nó không phải là một tiểu sử
và nó cố để nói ra được những sự kiện từ tư tưởng kỳ dị đó. Nó gồm tám mươi mốt
chương ngắn. Con số đó được chọn vì nó là bội số của ba mà người ta nghĩ rằng
đó là một con số thiêng liêng. Chương đầu tiên đề cập đến Đạo như là một con đường
không thể đặt tên và không thể mô tả được. Nó là ngưỡng cửa mà từ đó mười ngàn
tạo vật của trái đất đã xuất hiện. Đạo được ví sánh với nước, vì nước thì mềm yếu
và được chứa trong những nơi thấp hơn hết. Nhưng nó đã làm ích cho mọi vật và
cuối cùng thắng hơn mọi vật.”
[35] Ibidi.: “Trang Tử,
là môn đệ của Lão Tử sống ở thế kỷ thứ tư trước công nguyên, đã thêm vào các
câu châm ngôn của Lão Tử, Ông biên soạn sách của mình và các sách khác vào
thành một quyển sách và cố gắng thuyết phục dân chúng tiếp nhận Lão Tử thay vì
Khổng Tử làm vị đạo sư chính của họ. Ông đã thêm vào cái ý niệm cho rằng các
mùa và lịch sử tiến với nhau thành một cái vòng cũng như âm và dương, chúng tạo
ra và hủy phá lẫn nhau. Mỗi cái kết thúc thì sẽ trở thành một sự khởi đầu mới.
Trang Tử nói rằng, trong lãnh vực xã hội, có yêu thương và có thù ghét. Nhưng
không có tình trạng nào lâu dài, hoặc là của sự hòa bình hoặc là của sự thù địch,
hay là cách hoạt động thích hợp cho mọi sự vật. Mọi vật đều có Đạo riêng của nó
và Đạo đó là thích hợp cho nó.”
[36] Theo trang bách Khoa
toàn thư mở (Wikipedia) thi: Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ
Hán, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.
- Thượng Kinh gồm 37
chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi thường Đạo". Thượng Kinh
luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.
- Hạ Kinh gồm 44 chương,
bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức". Hạ Kinh luận về
chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.
[37] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”: ĐẠO GIÁO (LÃO GIÁO – TAOISM – DAOISM)
(Confucianism). Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1940-2018-06-06-03-28-21.html
[38] Ibid.
[39] Ts. Nguyễn Như Lai:
“Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam” (La Tradition Religieuse
Spirituelle Sociale au Vietnam), chương VII. ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ CÁC
TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO (Confrontation des Croyances et Religions au
Vietnam avec Christianisme), Mai Đức Vinh chuyển ngữ, tr. 481-487
[40] Ibid.
[41] Ibid.
[42] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”: DO THÁI GIÁO (JUDAISM). “Dòng dõi của
dân Do Thái được ghi nhận từ thời của Áp-ra-ham, là người thuộc thế hệ thứ mười
của dòng dõi Sem, con trai cả của Nô-ê. Do đó họ được gọi là dân Sê-mít (dân tộc
của Sem). Dân tộc của Áp-ra-ham cũng được gọi là dân Hê-bơ-rơ, là một từ ngữ có
lẽ đến từ dân Habiru ở phía bắc xứ Mê-sô-bô-ta-mi, nơi mà Áp-ra-ham đã sống ở
đó một thời gian. Tên Y-sơ-ra-ên đến từ cháu nội của Áp ra ham là Gia Cốp, là một
người sau khi vật lộn với Đức Chúa Trời đã được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên. Vì vậy,
con cháu của ông được gọi là dân Y-sơ-ra-ên. Danh hiệu Do Thái (hay Giu-đa) đến
từ con trai của Gia cốp là Giu-đa. Dân tộc nầy được gọi là dân Giu-đa kể từ cuộc
lưu đày qua ba-by-lôn. Tuy nhiên, được gọi là Dân của Đức Chúa Trời là điều
quan trọng nhất đối với chính người Do Thái. Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1968-2018-06-07-03-11-34.html
[43] GH 16
[44] NA 4
[45] SĐD. Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1968-2018-06-07-03-11-34.html
[46] Bài khảo cứu: SƠ LƯỢC
VỀ KINH THÁNH. Trang mạng THƯ VIỆN TIN LÀNH: “Danh từ Kinh Thánh, hay Thánh
Kinh, trong tiếng Việt được dịch từ chữ Holy Bible trong tiếng Anh. Chữ bible
trong tiếng Anh xuất phát từ chữ biblia trong tiếng La Tinh, hay βιβλία trong
tiếng Hy Lạp. Đây là một danh từ mô tả số nhiều, trung tính, có nghĩa là “những
cuốn sách.” Trong tiếng La Tinh, chữ biblia xuất phát từ chữ biblos (βιβλίον –
Hy Lạp). Chữ biblos là từ ngữ chỉ phần bên trong của cây papyrus, là nguyên liệu
được người Ai Cập chế biến để làm giấy; do đó chữ biblos có nghĩa là “giấy.” Vì
giấy được sản xuất vào thời đó được cuộn tròn cho nên từ ngữ này còn có nghĩa
là “quyển.” Về sau danh từ biblos được dùng phổ biến với nghĩa là “sách.” Đến
thế kỷ thứ IV, chữ sacra được thêm vào nên từ ngữ biblia sacra có nghĩa là “những
sách thánh.” Do tính nhất quán của tất cả các sách trong Thánh Kinh được nhấn mạnh
nên chữ biblia sau đó đã được chuyển từ danh từ số nhiều sang danh từ số ít; vì
thế ý nghĩa của chữ biblia sacra trở thành “sách thánh,” và chữ “những” không
còn nữa. Trong danh từ Hán Việt, các sách tôn giáo dạy đạo lý được gọi là kinh;
cho nên chữ biblia sacra khi được dịch sang tiếng Việt đã được các dịch giả gọi
là Kinh Thánh.”. Nguồn :
https://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=S%C6%A1_L%C6%B0%E1%BB%A3c_V%E1%BB%81_Kinh_Th%C3%A1nh
[47] Phan Tấn Thành. “ĐỜI
SỐNG TÂM LINH I” – DẪN VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr.
322: “Kitô giáo chấp nhận Sách thánh của đạo Do Thái, (gọi là Cựu ước: giao ước
cũ), và thêm một phần mới gọi là Tân ước (Danh từ Anticum Testamentum – Novum
Testamentum do ông Tertulianô đặt ra khoảng năm 200). Tuy nhiên Bộ Cựu ước của
Kitô giáo thêm bảy tác phẩm viết bằng Hy lạp (quen gọi là bản dịch LXX) không
được xếp vào quy điển Do thái: Tobia, Giuđitha, hai quyển Maccabê, Khôn ngoan,
Huấn ca, Baruch. Một cách tương tự như vậy, một vài chương của sách Đaniel
(chương 13-14) và Esther (14,4-16,24) viết bằng tiếng Hy lạp không có trong quy
điển Do Thái.”
[48] Ibid. Tr. 324.
[49] Quy điển của hội nghị
Jamnia chỉ công nhận các sách được viết bằng tiếng Híp-ri (39 cuốn) và loại bỏ
7 cuốn sách thuộc bộ sách được viết bằng tiếng Hi-lạp do 70 luật sĩ dịch sang
(được gọi là Bảng 70 (LXX). Sau nầy, Công Giáo chọn 7 cuốn nầy vào số quy điển
Cựu ước của Công Giáo nên, theo Công Giáo, Cựu ước có 46 cuốn.
[50] Người Do Thái gom lại
thành 8: 4 tiền ngôn sứ và 4 hậu ngôn sứ.
[51] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH”: DO THÁI GIÁO (JUDAISM).
[52] NA 4
[53] Ruth S. Anderson
trên trang mạng “NHU LIỆU THÁNH KINH” : HỒI GIÁO (Islami). “Hồi giáo là một
phong trào tôn giáo do tiên tri Ma-hô-mét sáng lập vào đầu thế kỷ thứ bảy sau
công nguyên. Từ ngữ Hồi giáo (Islam) xuất xứ từ từ ngữ Salam của tiếng Ả-rập,
có nghĩa là “đầu hàng, phục tùng, bình an và ủy thác”. Hồi giáo là đức tin đặt
nơi Allah, có nghĩa là “Vị thần” (The God). Nó bao gồm mạo từ Al của chữ Ả-rập
với từ ngữ Illah của chữ Ả-rập có nghĩa là “Thần” (hay Thượng Đế - God). Do đó
chữ Hồi giáo (Islam) có nghĩa là “Sự bình an trọn vẹn đến từ sự hoàn toàn đầu
phục Allah”. Những tín đồ Hồi giáo được gọi là người Hồi giáo (Muslims), là một
danh từ dẫn xuất từ chữ Hồi giáo (Islam). Với tên gọi đó, họ chứng tỏ rằng họ
đã giao phó chính mình cho một Vị Cai trị Thần thánh quản trị, họ quyết định đi
theo ý muốn của Vị cai trị Thần thánh nầy trong mọi phương diện của cuộc sống.
Người Hồi giáo bác bỏ danh từ người Ma-hô-mét (Muhammaidans), vì họ xem Thượng
Đế là trọng tâm của đức tin mình, chớ không phải là Ma-hô-mét. Cũng như Cơ Đốc
giáo, Hồi giáo có gốc rễ trong Do- Thái giáo. Nhưng không giống Cơ Đốc giáo, Hồi
giáo là một tôn giáo của các tiên tri, trong đó nó nhìn nhận những người quan
trọng như Nô-ê, Áp-ra-ham, Jesus và Ma-hô-mét là các tiên tri, được Thượng Đế lựa
chọn và kêu gọi, nhưng vẫn là những con người thường.” Nguồn:
http://www.nhulieuthanhkinh.com/index.php/chng-o/cac-dan-tc-va-tin-ngng/1969-2018-06-07-03-31-15.html
[54] Trang “Bách Khoa
Toàn thu mở” (Wikipedia) : Trận Lepanto (Tiếng Hy Lạp: Ναύπακτος, Naupaktos,
pron. Náfpaktos; colloquial tiếng Hy Lạp: Έπαχτος, Épahtos; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ:
İnebahtı) là trận hải chiến diễn ra ngày 7 tháng 10 năm 1571 khi hạm đội Liên
minh thần thánh (1571) do Giáo hoàng Piô V (1566 – 1572) thành lập, một liên
minh bao gồm nước Cộng hòa Venezia, vương quốc Tây Ban Nha (lúc đó bao gồm cả
Napoli, Sicilia và Sardinia), Quốc gia Giáo hoàng, nước Cộng hòa Genova, Công
quốc Savoie, Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta cùng một số đồng minh khác đánh hạm
đội Đế chế Ottoman đại bại. Trận kịch chiến kéo dài 5 giờ đồng hồ ở phần phía bắc
của Vịnh Patras, nằm ở phía tây Hy Lạp, nơi lực lượng Ottoman, đang thực hiện
cuộc hải hành từ căn cứ hải quân tại Lepanto giáp mặt hạm đội của Liên minh Thần
thánh, khởi hành từ Messina. Chiến thắng này mang lại quyền kiểm soát tạm thời
biển Địa Trung Hải cho Liên minh, bảo vệ Roma khỏi nguy cơ xâm lược, đồng thời
ngăn cản bước tiến của Đế chế Ottoman vào sâu nội địa châu Âu. Trận hải chiến
này cũng là trận đánh lớn cuối cùng giữa các chiến thuyền chèo dùng sức người,
đồng thời cũng là trận chiến quyết định quan trọng nhất, vì "sau trận
Lepanto quả cân xoay chiều, vận may chuyển từ Đông sang Tây, kéo dài cho tới tận
ngày nay", và cũng vì "đây là 'bước ngoặt quyết định' trong cuộc chiến
kéo dài giữa Trung Đông và châu Âu, cho tới giờ vẫn còn chưa ngã ngũ".
[55] KINH QUR’AN, BẢN DỊCH
CỦA HASSAN A. KARRIM, nxb. Tôn giáo Hà Nội, 2001. Lời mở đầu của Wassalam. (Xem
thêm : Phan Tấn Thành, ĐỜI SỐNG TÂM LINH I, ghi chú 1, trang 325 : “Ngày nay,
các nhà sử học cho rằng sách Coran thành hình qua nhiều chặng : chặng đầu là lời
truyền khẩu của Muhammad (+630); tiếp đó, là sự thu thập của califfo Abu Bakr
khoảng năm 650. Việc biên soạn sách Coran hoàn tất dưới thời califfo Uthman
(644-656).
[56] Theo trang “Bách Khoa
Toàn thư mở” (Wikipedia) : Với đàn ông
- Hành lễ 5 lần 1 ngày,
nhịn chay trọn tháng Ramadan, đóng Zakat;
- Đối với người làm Imam
(chủ lễ) đọc Adhan mỗi khi đến giờ hành lễ nhằm thông báo cho mọi người biết;
- Tích cực học Qur'an và
truyền đạo cho vợ, cho con cái;
- Nghiêm cấm giết người
vô tội trừ trường hợp gặp phải kẻ giết người hay kẻ phá hoại tôn giáo nếu không
sẽ bị hành hình;
- Nghiêm cấm gian dâm,
ngoại tình nếu không sẽ bị đánh 100 roi với tội ngoại tình
- Hiếp dâm sẽ bị ném đá đến
chết (hoặc tử hình)
- Nghiêm cấm hoạt động
tình dục đồng giới
- Luôn dang tay cứu giúp
những người nghèo và tuyệt đối không được xúc phạm hay đánh đập họ;
- Không được phép ăn cắp
nếu không sẽ bị chặt tay;
- Nghiêm cấm đánh vợ và
có những hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của vợ, nhưng trường hợp muốn
dạy người vợ ngang bướng thì hãy chỉ bảo nhẹ nhàng nếu không được thì đánh nhẹ
tay cấm được dùng gậy gộc để dạy vợ nếu người vợ chịu nghe lời thì không được
kiếm chuyện rầy rà với vợ;
- Khi cưới vợ cần tặng
quà cưới bằng 1 khoản tiền tuỳ theo khả năng.
- Khi cảm thấy không thể
chung sống được với nhau thì giải phóng người vợ một cách thỏa đáng và giữ lại
tiền cưới nếu người vợ không đòi lại;
- Đối xử tốt với vợ con
và gia đình
- Không được phép ăn thịt
heo, chó, các loại động vật bị săn bắn, bị thắt cổ chết,... nói chung là không
ăn những loại động vật không được cắt cổ theo đúng nghi thức nhưng nếu trong
trường hợp bất khả kháng thì được phép ăn những thứ trên để duy trì sự sống;
- Phải dùng những thực phẩm
đã được cấp chứng chỉ Halal;
- Không được uống rượu
bia hay những loại đồ uống có cồn.
Với phụ nữ
- Hành lễ 5 lần 1 ngày
(Fajr, Dhuhr, Asr, Maghrib, Isha'a) và nên hành lễ tại nhà, nhưng khi hành lễ tại
masjid tuyệt đối không được hành lễ chung với nam giới
- Tích cực đọc Qur'an.
- Phụ nữ được đeo nữ
trang; nam giới bị cấm đeo trang sức bằng vàng, hàng luạ, phải mặc burka che từ
cả mặt từ đầu đến chân chỉ hở hai mắt để nhìn
- Cả nam lẫn nữ nên hạ
đôi mắt xuống để tránh nhìn thẳng vào người đối diện
- Chỉ cưới với người nam
Muslim, vì lý do nếu lấy chồng là người không-muslim thì e rằng sau khi cưới sẻ
bị ép buộc bỏ đạo. Nam được phép cưới người Do thái giáo và người Thiên chúa
giáo mà không bắt buộc người vợ phải theo đạo. Thiên sứ Mahomed có hai người vợ
một là tín đồ Do Thái giáo và một là tín đồ Thiên chúa giáo. Cả hai không bị bắt
buộc cải giáo trong ngày cưới, mà họ chỉ cải đạo sau một thời gian đã sống
chúng với thiên sứ.
- Các trẻ em gái khi đến
trường học phải được xếp lớp học chỉ toàn học sinh nữ, không được cho học sinh
nữ ngồi cạnh học sinh nam;
- Phụ nữ nên chăm lo công
việc nội trợ ở nhà trong khi chồng đi làm nhưng nếu cần thiết có thể đi làm để
trang trải cho cuộc sống;
- Nếu bị bắt gặp ngoại
tình bị ném đá đến chết (do ảnh hưởng từ luật Do Thái và Thiên Chúa giáo và luật
cổ truyền của các bộ lạc Ả rập)
[57] Theo trang “Bách
Khoa Toàn thư mở” (Wikipedia):
1. SHAHADAH là sự tuyên
xưng và đồng thời là điều cốt lõi trong đức tin của một tín đồ. Nó bao gồm việc
lặp lại hai câu: "Không có Thượng đế nào khác ngoài Allah", và
"Muhammad là Thiên sứ của Ngài". Các tín đồ Islam nhắc lại những câu
này hàng ngày khi cầu nguyện. Việc coi Mohammed là sứ giả cuối cùng của Allah
đã phân biệt Islam với Kitô giáo và Do Thái giáo.
2. SALAT là việc cầu nguyện.
Tín đồ Islam phải cầu nguyên năm lần một ngày, vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa
chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu - tại
trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời - nhưng phải theo quy định.
Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác
thanh khiết. Trước tiên họ phải súc miệng, sau đó rửa mặt, cổ, tay và chân.
Buổi cầu nguyện bao gồm
việc đọc một số đoạn Kinh Koran, quỳ lạy và chạm đầu xuống đất, thể hiện sự phục
tùng Chúa Trời. Tín đồ sử dụng một tấm thảm để quỳ. Khi cầu nguyện, tín đồ phải
quay mặt về hướng Mecca, trung tâm tinh thần của Islam. Tại Mecca có Ka'bah, Đại
thánh đường lưu giữ Tảng đá đen. Tín đồ Islam tin rằng khi thiên sứ mohammed về
với allah tảng đá đòi đi theo nhưng mohammed không cho theo nên tảng đá đứng im
lơ lững tại đó.
3. ZAKAT là sự bố thí.
Theo Kinh Koran, một người phải trao cho người khác "những thứ dư thừa".
Vì thế cột trụ thứ ba liên quan đến việc trao một tỉ lệ nào đó tài sản của một
người cho người nghèo và người gặp cảnh không may.
4. SAWM là việc nhịn ăn.
Mọi tín đồ Islam phải nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan, trừ trẻ em, người
già và những người ốm đau bệnh tật. Những người đang có việc phải đi xa không
phải nhịn ăn, nhưng họ sẽ nhịn bù sau đó. Cuộc sống như dừng lại trong tháng
Ramadan, nhiều cửa hiệu đóng cửa cho đến sau buổi cầu nguyện trưa. Người Islam
tin rằng trong tháng Ramadan, cửa thiên đường sẽ mở ra và cửa địa ngục đóng lại,
và mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Đây là thời gian dành cho sự suy tưởng tôn
giáo. Tín đồ hay trở dậy vào ban đêm để đọc Kinh Koran và đến giáo đường nhiều
hơn ngày thường. Vào ngày kết thúc tháng Ramadan có một lễ hội lớn với rất nhiều
đồ ăn và quà tặng. Đó là lễ Eid al-Fitr, kỉ niệm việc chấm dứt thời kì ăn chay.
5 HAJJ là việc hành
hương. Ít nhất một lần trong đời, những tín đồ Islam có khả năng phải hành
hương tới thánh địa Mecca. Việc hành hương thể hiện sự phục tùng Chúa Trời và diễn
ra vào tháng thứ 12, tháng cuối cùng của năm Islam. Eid al Adha, lễ hiến tế,
đánh dấu ngày kết thúc kì hành hương, kéo dài trong mười ngày.
Mỗi năm, hàng triệu tín đồ
Islam từ khắp nơi trên Thế giới đổ về Mecca thuộc Ả Rập Xê Út. Những người hành
hương mặc áo choàng trắng đơn sơ, bất kể giàu nghèo. Điều này tượng trưng cho đức
tin của Islam rằng mọi người đều bình đẳng trước Chúa. Người hành hương không
đeo trang sức hay xức nước thơm. Họ phải gạt bỏ phù hoa để tìm kiếm sự tha thứ,
dẫn dắt và cứu rỗi linh hồn từ Thượng đế Allah
[58] NA 3, tr. 742
[59] SĐD. (Mai Đức Vinh.
ÐỐI CHIẾU CÁC TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM VỚI KITÔ GIÁO). Nguồn:
http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/554-%C3%900i-chieu-cac-tin-ngu0ng-va-t0n-giao-0-viet-nam-v0i-kit0-giao.html
[60] GE 172
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét