Nhà khoa học Việt tạo giống lúa chống stress
Thứ
năm, 25/10/2018-VnExpress.net
Giống lúa OM 3673 đang sản xuất thử ở Sóc Trăng. Ảnh: ĐN.
Lúa có thể chịu được mặn,
hạn hán nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm, dẻo ngon nhờ chọn bằng
công nghệ gene.
Người làm nông nghiệp hữu
cơ mong tiếp cận nguồn gen quý
Việt Nam là một trong những
quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hiện tượng nước biển
dâng cao dẫn đến nguy cơ bị mất diện tích canh tác do ngập úng, nhiễm mặn. Vì vậy
việc tạo ra các giống lúa mới có thể chống chịu được điều kiện môi trường mặn,
ngập, hạn là yêu cầu cấp thiết.
GS Nguyễn Thị Lang,
nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã tìm cách để
nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống lúa mà theo cách gọi của bà là “chịu được
stress”.
GS Lang đã chọn lọc các
dòng triển vọng và lựa những ưu điểm của từng giống để kết hợp các tính trạng
chống chịu nhiều stress.
Ở những khu vực bị ảnh hưởng
bởi biến đổi khí hậu, trong một vụ cây lúa có thể chịu cả hạn, úng ngập, nhiễm
mặn. Những stress xảy ra cùng lúc khiến lúa không thể phát triển ngay từ khi
còn ở giai đoạn cây con. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ
thuật chồng lắp gene chống chịu stress sử dụng marker phân tử (MAS) cùng với kỹ
thuật trong sinh học phân tử.
Để tạo ra được các giống
lúa năng suất cao chống chịu khô hạn, các nhà khoa học đã tổng hợp 100 tổ hợp
lai, kết hợp gene chống chịu mặn và khô hạn, thời gian sinh trưởng ngắn, phẩm
chất tốt vào giống lúa nâng suất cao. Quá trình lai tạo chọn ra giống thích
nghi với các stress ở cả hai giai đoạn cây con và trổ bông.
Nhóm nghiên cứu cũng thực
hiện các thí nghiệm để chọn giống có hạt gạo dài, đẹp và ngon từ các mẫu tiêu
biểu. Có khoảng 200 tổ hợp lai được tạo ra từ các mẫu hạt dài, có mùi thơm. Những
tổ hợp được chọn lọc đánh giá bằng marker phân tử đã tìm ra được giống năng suất
tốt nhất để trồng thử trong nhà lưới ở Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó
đã có 22 dòng hạt dài được kiểm tra trên cánh đồng ở 13 tỉnh thành.
Đến nay đã có sáu giống
lúa được công nhận đưa vào sản xuất thử trên diện tích khoảng 90 ha. Trong số
này có giống OM 8928 chống chịu khô hạn, năng suất từ 6 -7 tấn/ha; OM 10373 chịu
hạn; OM 137 thơm và chịu mặn; OM345 thơm, năng suất cao chịu khô và mặn...
Hội đồng nghiệm thu đề
tài tổ chức ngày 19/9. Ảnh: ĐN.
GS Lang cho biết, khi thực
hiện đề tài nhóm nghiên cứu đã được Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia của
Bộ khoa học và Công nghệ cấp kinh phí và hỗ trợ các bước trong quá trình triển
khai. Sự phối hợp này giúp nhóm nghiên cứu vượt qua được nhiều khó khăn để sớm
đưa ra kết quả. Đầu năm 2018, nhiều giống lúa của đề tài đã chuyển giao cho
doanh nghiệp để sản xuất ở những vùng khô hạn ở miền Trung.
Theo GS Trần Đình Long,
Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, với những giống lúa có phẩm chất tốt, chống
chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, thời tiết sẽ giúp cho bà con
nông dân vùng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu yên tâm sản xuất. Nhiều giống
lúa này đang nằm trong dự án đổi mới công nghệ để xây dựng thương hiệu gạo quốc
gia do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đây là đóng góp rất ý nghĩa của GS
Nguyễn Thị Lang và tập thể các nhà khoa học của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long
đối với việc phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng và thân thiện với
môi trường”, GS Long nói.
Ngày 19/9 hội đồng khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu ứng
dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích
nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu
Long" do GS Nguyễn Thị Lang chủ trì thực hiện.
Đề tài thực hiện từ năm
2013 đến 2017 đã tạo được 6 giống lúa đưa vào sản xuất thử: OM6328, OM3673,
OM10418, OM137, OM10373, OM5976.
Đã có nhiều kết quả
nghiên cứu về sản phẩm cụ thể với 250 tổ hợp lai với 12.600 dòng từ các thế hệ
khác nhau, nhiều giống lúa bổ sung vào vật liệu khởi đầu và cải tiến đưa vào sản
xuất 75 dòng/giống triển vọng.
Đoàn Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét