Gia đình dừng việc kiếm triệu đô / năm để con được học tiếng Việt
Thứ
tư, 17/10/2018- VnEpress
Gia đình nhỏ của chị Quỳnh. Ảnh: NVCC.
Mở nhạc Việt bị con gái 4
tuổi phản ứng: “I hate listening Vietnamese”, chị Quỳnh giật mình nhận ra mình
đã sai ở đâu đó.
Chứng kiến nhiều gia đình
người Việt sống tại Mỹ quên dạy tiếng quê hương cho con, để rồi khi con trưởng
thành, cha mẹ con cái xa cách vì bất đồng ngôn ngữ, con không coi trọng nguồn cội,
chị Phan Quỳnh (39 tuổi, một Việt kiều sống tại Florida, Mỹ) nhận ra mình không
được đi theo vết xe đổ này. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Gia đình Việt kiều dừng
công việc kiếm triệu đô/năm để con được học tiếng Việt.
Sau khi tốt nghiệp đại học,
tôi sang Mỹ định cư, sau đó lập gia đình với một anh chàng gốc Việt. Năm 2011,
chúng tôi sinh con gái đầu lòng. Lúc nào, tôi cũng muốn cho con học tiếng Việt,
bởi muốn con nói chuyện được với ông bà nội ngoại, các cụ đến Mỹ lúc tuổi đã
cao nên không nói được tiếng Anh nhiều. Đặc biệt, tôi muốn con mình có thể tự
hào về nguồn gốc của cháu.
Tuy nhiên, do bận rộn,
tôi không dạy được con nhiều. Lúc đó, tôi có một văn phòng bán vé máy bay và dịch
vụ di trú. Tôi làm việc không có giờ giấc, từ sáng thức dậy cho đến khuya, một
ngày làm đến 18 tiếng, thậm chí ăn tại văn phòng.
Bà vú là người chăm sóc
chính của con tôi. Con bắt đầu đi học mầm non cả ngày từ khi hai tuổi. Về nhà,
con được bà vú tắm rửa, cho ăn, rồi cho ngủ. Hai bà cháu quấn quýt cả ngày, chỉ
nói bằng tiếng Anh.
Cho đến một hôm, lúc con
4 tuổi, trên đường chở con đi học, tôi mở nhạc Việt trong xe. Con lập tức phản ứng:
“I hate listening Vietnamese, I hate speaking Vietnamese” (Con ghét nghe tiếng
Việt, con ghét nói tiếng Việt). Tôi giật mình nhận ra mình đã sai ở đâu đó. Nếu
tôi không biết ngừng công việc lại, tôi sẽ làm mất luôn cơ hội biết nói tiếng
Việt của con.
Sau khi nghỉ việc, vợ chồng chị Quỳnh có nhiều thời gian đưa con đi chơi các nơi. Ảnh: NVCC
Việc dạy tiếng Việt cho
con vẫn luôn là một chủ đề được cộng đồng người Việt tại Mỹ quan tâm. Tôi từng
chứng kiến một số trường hợp đau lòng, những đứa trẻ không được cha mẹ dạy tiếng
Việt, lớn lên, chúng chỉ nói tiếng Anh. Nhiều người mẹ không nói tiếng Anh giỏi,
bị con xem thường, rồi mặc cảm, khoảng cách mẹ con ngày càng xa.
Ở Mỹ, phần lớn người Việt
phải làm việc rất nhiều, không có thời gian dành cho con, họ giao phó trách nhiệm
dạy dỗ con cho nhà trường. Con không nói được tiếng Việt nên không nghe lời cha
mẹ. Trẻ thì tự ti về nguồn gốc của mình, còn cha mẹ thì bất lực cho rằng không
được đánh con nên không dạy được con.
Một số gia đình có chút
tiền do may mắn thì chủ động không cho con nói tiếng Việt. Họ cho rằng, con họ
đã ở Mỹ, giao tiếp bạn bè là người Mỹ, học tiếng Việt chẳng có ích lợi gì.
Những đứa trẻ này lớn lên
đều không biết nói tiếng Việt, chúng mất gốc. Khi các cha mẹ đau khổ nhận ra
mình đã mất con thì quá muộn.
Sau khi nghe con gái nói
ghét tiếng Việt, hai vợ chồng tôi đã ngồi lại bàn bạc. Chúng tôi biết, mầm non
là tuổi dễ học nhất, là cơ hội. Chúng tôi không cần biết sau này con chọn ngành
nghề nào, dù nói tiếng Anh như người bản xứ, thì hình dáng bên ngoài, con vẫn
là người Việt Nam. Con vẫn cần tự hào về nguồn cội, tiếng nói của đất nước
mình, đó là cái gốc của sự tự tin và thành công.
Tôi quyết định nghỉ việc
để tìm cách dạy con. Vợ chồng tôi cố gắng nói tiếng Việt với con mỗi khi cháu ở
nhà. Con vẫn đi học mầm non với các bạn Mỹ. Chủ nhật hàng tuần, tôi đưa con đến
lớp Việt ngữ.
Ở nhà, tôi cũng thay thế
dần những phim hoạt hình yêu thích của con bằng những bộ phim, sách, truyện tiếng
Việt. Tối trước khi con ngủ, tôi đọc truyện tranh bằng tiếng Việt cho con nghe.
Con rất thích những truyện ngắn vui như “Cá có ngủ không?...”. Nghe mẹ đọc với
giọng điệu hơi hài hước, con cười nắc nẻ.
Sau gần một năm học như
thế, tiếng Việt của con khá hơn rất nhiều. Nói chuyện với bố mẹ, lúc con có thể
nói tiếng Anh, lúc lại dùng tiếng Việt. Nhờ có mẹ luôn ở bên, con lúc nào cũng
vui vẻ.
Muốn con được sống trong
môi trường văn hóa Việt Nam, tháng 3/2016, chồng tôi tạm nghỉ công việc bác sĩ
2 tháng, cả gia đình về nước.
Chúng tôi về Huế, nơi người
thân đang sống, xin cho con vào trường mầm non ở địa phương, học bán trú như
các bạn. Thời gian đầu đi học, cô nhắc con ngủ trưa, con nói “cháu không được
ngủ”. Hai cô trò cứ nói đi nói lại, mãi sau mới biết, con nói ngược, ý là “Cháu
không ngủ được”.
Năm ngoái, khi con lên 6
tuổi, chúng tôi lại cho con về TP HCM một tháng, chơi cùng các bạn trong xóm từ
sáng tới chiều. Tiếng Việt của con khá lên nhanh chóng. Sau 3 năm, con gái nói
tiếng Việt tạm ổn. Con đọc được truyện tranh, biết nói những câu chọc cười, thuộc
nhiều bài hát Việt và rất thích xem hài kịch.
Bây giờ, khi vốn tiếng Việt
của con đã khá, tôi quay trở lại công việc nhưng chỉ làm từ 11h đến 15h, là lúc
con ở trường. Tôi vẫn ưu tiên dành thời gian cho con, cố gắng ở gần con.
Tôi cảm thấy vô cùng hạnh
phúc khi giờ đây, con luôn tự hào nói với các bạn: “Tôi là người Việt Nam nhưng
sinh ra ở Mỹ. Mẹ tôi có bầu tôi ở bên Pháp, nên tên của tôi là Paris”.
Cô giáo
Nguyễn Khánh Uyên, từng phụ trách lớp mầm non bé Paris theo học tại Huế, vẫn nhớ
cô học trò nhỏ 2 năm trước. Cô Uyên cho biết, hồi mới vào học, Paris chỉ nói tiếng
Anh. Kết thúc thời gian học, con nói tiếng Việt khá. Bé chơi thân với một bạn vốn
tăng động không được các ban trong lớp chơi cùng. Nhờ có Paris, bạn đó đã hòa đồng
hơn. "Tôi rất xúc động khi một lần chị Quỳnh gọi điện khoe Paris nói: 'Mẹ
ơi, con yêu mẹ nhất trên đời' bằng tiếng Việt. Chị Quỳnh bảo mình hạnh phúc
quá, và tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc theo", cô Uyên kể thêm.
Kim Anh (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét