Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Bác Sĩ Cạn Dầu


Bác  Sĩ  Cạn  Dầu



gestresster-arztMột nghiên cứu mới đây do Mayo Clinic và American Medical Association thực hiện và công bố trên Archive of Internal Medecil ngày 20 tháng 8 năm 2012 cho hay cứ hai y sĩ thì một người than bị kiệt sức vì việc làm của mình. Tỷ lệ này cao hơn so với các nghề nghiệp khác.
Căng thẳng trong nghề nghiệp là trường hợp trong đó đương sự cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc cộng thêm mất niềm tin về khả năng cũng như giá trị việc làm của mình.Lý do có thể vì không kiểm soát được thời gian làm việc, về vai trò của mình cũng như số lượng quá nhiều của việc làm.
Nghề y từ trước tới nay vẫn được nhiều người coi trọng vì những lý do khác nhau. Thi tuyển vào nghề y vẫn là khát vọng của nhiều sinh viên khi tốt nghiệp trung học. Tiêu chuẩn được chọn vào trường y cũng cao hơn so với các ngành học khác. Và hoàn tất một chương trình y khoa cũng vất vả tốn kém hơn. Vậy mà vẫn còn nhiều học sinh muốn vào. Đa số là vì yêu nghề mà mọi người vẫn cho là cứu nhân độ thế. Phần khác là do ý muốn của cha mẹ. Nhất y, nhì dược…
Theo kết quả nghiên cứu kể trên thì các bác sĩ ở tuyến đầu chăm sóc như tại phòng cấp cứu hoặc bác sĩ nội khoa gia đình, chuyên khoa thần kinh đứng đầu danh sách, với 60% bị cạn dầu. Bác sĩ trị bệnh ngoài da, y khoa phòng ngừa, nhi khoa tương đối bớt stress hơn. Do đó, các bác bác sĩ ở nhóm thứ hai có đời sống cá nhân-việc làm tương đối hài lòng hơn là nhóm thứ nhất.
Nói chung các bác sĩ làm việc ít nhất là 10 giờ mỗi tuần nhiều hơn, so với các nghề khác .
Cũng theo nghiên cứu, vì sự burn-out này mà phẩm chất của chăm sóc giảm, lỗi lầm nghề nghiệp tăng, đời sống cá nhân xáo trộn, không có thì giờ dành cho gia đình, một số không ít lạm dụng rượu thuốc thậm chí quyên sinh. Ngoài ra nhiều bác sĩ cũng sớm về hưu. Hậu quả là trong tương lai sẽ gây ra tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là Medicare, Medicaid cắt giảm bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh. Bác sĩ phải khám nhiều bệnh nhân hơn để bù đắp, cho nên thời gian dành cho bệnh nhân giảm, bệnh nhân ít được giải thích tình trạng bệnh, điều trị tùy tiện, bệnh tái phát hoặc kéo dài, chi phí gia tăng.
Bác sĩ Tail Shanafelt, một trong các nhà nghiên cứu, kết luận, “Bất hạnh là hiện nay sự quan tâm tới vấn nạn này còn quá ít. Vì ích lợi của bác sĩ và bệnh nhân, các nhà soạn thảo chính sách và các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải đề cập tới vấn đề cạn dầu của giới bác sĩ”.
Rất mong ý kiến xác đáng này sớm được thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét