Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Người xây ước mơ cho học sinh cá biệt

Người  xây  ước  mơ  cho  học  sinh  cá  biệt
(Thứ năm, 13/11/2014 - Quỳnh Trang - VnExpress.net)

                  Mỗi khi bước vào lớp, cô Tạ Thị Vĩnh Hà luôn cố gắng tạo được không khí vui vẻ để học trò thích rồi hứng thú học hành. Ảnh: Quỳnh Trang.

'Từ những đứa trẻ phá phách, học kém, cô Hà đã giúp chúng em sống có mục tiêu, trách nhiệm hơn và yêu thích học hành', Hồng Anh cựu học sinh lớp cô Tạ Thị Vĩnh Hà (THCS Nam Trung Yên) chủ nhiệm rưng rưng nhắc về 'người mẹ thứ hai'.

Trước khi chuyển đến cấp 2 THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), Hồng Anh là học sinh cá biệt của trường cũ. Không được bố mẹ quan tâm, em sống bất cần, chán học, hay cãi thầy cô và sẵn sàng xông vào đánh bạn. Biết hoàn cảnh gia đình của nữ sinh cá biệt này, cô Hà hay gọi em ra tâm sự. 
"Cô giáo rất biết lắng nghe và là người em luôn tìm đến để dựa vào, xin lời khuyên mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Bố mẹ không quan tâm nhưng cô Hà lại tận tình chăm sóc em. Với em, cô chính là mẹ", Hồng Anh sụt sùi nói.
Nữ học trò nhớ như in những buổi trên lớp hay tại nhà riêng, cô Hà dành thời gian trò chuyện, phân tích đúng sai và cùng tìm hướng giải quyết với mình. Có lần gia đình Hồng Anh trục trặc khiến cô con gái đang tuổi dậy thì chán nản. Em đến lớp với khuôn mặt buồn bã và lập tức được cô chủ nhiệm động viên.
Học cùng cô giáo Hà 2 năm (chuyển trường từ lớp 8), Hồng Anh từ đứa trẻ bất cần, bi quan trở nên có trách nhiệm và sống có định hướng. Việc học của em cũng được cải thiện. Từ học lực trung bình, cực kỳ ghét môn Toán, Hồng Anh được cô chủ nhiệm khơi gợi niềm yêu thích học hành. Em đỗ cấp ba vào lớp chọn của một trường THPT có tiếng ở Hà Nội. Thi ĐH em cũng đỗ 2 trường với điểm 10 môn Toán. Dù tốt nghiệp cấp hai đã 4 năm, nhưng nữ sinh ĐH Hà Nội vẫn nhiều lần tìm đến cô chủ nhiệm Tạ Thị Vĩnh Hà để tâm sự.
Cũng trong nhóm học sinh cô Hà chủ nhiệm, Quốc thuộc loại khó bảo nhất trường. Nam sinh này luôn phì phèo thuốc lá, trấn tiền, đánh bạn, coi thường thầy cô và bắt nạt mẹ mình. Quốc sau đó được cô Hà thường xuyên tìm gặp. Kết hợp kỷ luật nghiêm khắc, cô kể nhiều câu chuyện cuộc sống xúc động về sự hối lỗi của những người con sau khi bất hiếu làm mẹ qua đời. Cô giao việc quản lớp, vẽ báo tường… để tạo cơ hội cho Quốc làm việc tốt.
Cô khích lệ, giúp Quốc được ghi nhận thành tích trước lớp để từ đó có niềm vui, động lực vươn lên. Sau một năm được giáo viên chủ nhiệm Vĩnh Hà dìu dắt, nam sinh "đầu gấu" đã thay đổi nhận thức, dần bỏ được tật xấu của mình.
Nhiều học sinh từng bỏ nhà, trộm tiền, bỏ bê học tập của THCS Nam Trung Yên khi nói về cô Tạ Thị Vĩnh Hà đều dành lời "biết ơn sâu sắc". "Cô Hà đã làm thay đổi rất lớn con người em. Cô dạy em cách làm người, giúp em yêu thích môn Toán và học tập tiến bộ. Với em, cô là vĩ nhân có thể biến điều không thể thành có thể", Tuấn Kỳ, một chàng lười, chuyên quậy phá trước đây, nói.
Lớp 7 bị chuyển vào lớp "hợp chủng quốc" do cô Vĩnh Hà chủ nhiệm, Tuấn Kỳ bức xúc vì bị đánh đồng với các học sinh cá biệt tại đây. Sau khi được cô phân tích, uốn nắn, em nhận ra những điểm rất xấu ở mình và thay đổi. Nam sinh THPT Nhân Chính vẫn nhớ như in những ngày được cô Hà cho đến nhà riêng để kèm học cùng một số bạn kém khác. Cô nấu cơm cho ăn và trò chuyện thân tình. Từ học lực trung bình, dần dần điểm số của Tuấn Kỳ vươn lên mức khá, kỳ 2 năm lớp 9, bài kiểm tra của em toàn đạt 8 điểm trở lên và đỗ vào 10 với 52,5 điểm.
Mẹ của Tuấn Kỳ, chị Nguyễn Thị Linh Chi đến giờ vẫn không thể tin con mình từ xuất phát điểm rất thấp có thể đạt thành tích vào lớp 10 tốt như vậy. "Sau nửa năm học với cô Vĩnh Hà, Tuấn Kỳ đã thay đổi hẳn. Con nói với tôi chỉ mong được đến lớp để học. Lúc đó tôi đã khóc, thương con và hối hận vì trước đây chỉ ép buộc bài vở mà không quan tâm cảm xúc của con. Gia đình tôi rất cảm ơn và ngưỡng mộ cô giáo Vĩnh Hà đã dành nhiều tâm sức giúp Tuấn Kỳ và rất nhiều học sinh cá biệt khác tiến bộ", chị Chi nói.
Chia sẻ về công việc của mình, cô Tạ Thị Vĩnh Hà cười hiền bảo "cứ coi các học sinh như con thì sẽ giúp được". Trước đây, cô Hà là giáo viên luyện đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh cho Trường THCS Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Tây cũ) với 20 năm kinh nghiệm. Khi gia đình chuyển nơi ở, cô về Trường THCS Nam Trung Yên và được giao nhiệm vụ đặc biệt - chuyên chủ nhiệm lớp toàn học sinh cá biệt.
Sự thay đổi lớn về học sinh giảng dạy khiến cô Hà bao lần mệt mỏi, chán chường. Song, nhớ lời động viên của hiệu trưởng rằng "dạy học sinh giỏi là tốt nhưng chỉ giúp được một số ít người, dạy học sinh yếu kém, các học sinh đại trà thì giúp được nhiều người hơn". Và cũng vì THCS Nam Trung Yên khi ấy mới thành lập còn ít học sinh nên để tạo được niềm tin của phụ huynh, thu hút được học sinh, cô Hà nhận nhiệm vụ khó nhọc về mình.
Để dạy được học sinh hư, cô phải tìm tòi, nghiên cứu thêm phương pháp giáo dục đặc biệt, tâm lý lứa tuổi, luật trẻ em, tích luỹ nhiều câu chuyện cuộc sống xúc động... Phương pháp dạy của cô là đầu tiên phải khiến trò kính nể và tin tưởng mình về kiến thức, kinh nghiệm sống, sau đó bằng nhiều cách truyền cảm hứng, sự yêu thích học tập rồi khơi dạy ham muốn cầu tiến cho các em. Mỗi thành tích của học sinh cá biệt, dù chẳng là gì so với học sinh bình thường nhưng cô Hà vẫn khen thưởng, khích lệ và coi đó là thành công của thầy và trò. Giữ bí mật, tôn trọng, tạo điều kiện để học trò có cơ hội làm việc tốt, cải tạo điểm số, được ghi nhận sự tiến bộ dù nhỏ nhất trước bạn bè… cũng là bí kíp dạy dỗ những đứa trẻ cá biệt của cô chủ nhiệm Tạ Thị Vĩnh Hà.
"Những năm qua cô Tạ Thị Vĩnh Hà đã khẳng định được thương hiệu của mình với nhà trường, phụ huynh, đặc biệt là các thế hệ học sinh. Ngoài chuyên môn giỏi, cô Hà còn tâm huyết, tâm lý và biết hy sinh vì học trò. Người giáo viên này đã đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của nhà trường, khi nhiều năm trường đứng trong top đầu của thành phố với 100% học sinh đỗ vào lớp 10 với số điểm cao. Năm học vừa qua, lớp 9A5 do cô Hà chủ nhiệm đã thi đỗ vào 10 với điểm số trung bình là 53", cô Đặng Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên nói.
Quỳnh Trang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét