Dec 8, 2013 - Chúa nhật thứ II Mùa Vọng năm A –
Xin Chuá ban ơn hoán cải
Có lẽ không người nào
có một ước mơ vĩ đại về một thế giới thái bình trọn vẹn như tiên tri Isaia. Ông dùng một cái nhìn từ bên
ngoài để mô tả cảnh thái bình mà ông nghĩ sẽ được thực hiện vào thời đại Messia:"Sói sống chung với
chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau;
con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của
chúng nằm ngủ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô; trẻ con vừa thôi bú
sẽ thọc tay vào hang rắn độc; các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào..."
Ðức Giêsu chính là
Ðấng Messia đó. Khi Ngài đến, Ngài sẽ thiết lập thời đại thái bình ấy. Trong 40
ngày ở hoang địa, Ðức Giêsu đã sống chung một cách hài hòa với các dã thú, và
các thiên sứ hầu hạ. Giáo Hội thời sơ khai cũng là một cảnh thái bình, tất cả
các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung.
Nhưng rồi cảnh thái bình ấy đã dần dần biến
mất bởi con người tranh dành nhau, mỗi người một ý, rồi ganh ghét, hiểu lầm,
chia rẽ, nghịch thù, chiến tranh, chết chóc...dẫn đến đau khổ, mất mát, bệnh
tật, nghèo đói...khiến con người lại ra sức
tìm kiếm bình an, no ấm, hạnh phúc. Nhưng người ta đã dùng sức mạnh, phương cách chủ quan cá nhân để đòi hỏi, tìm kiếm những điều tốt đẹp đó. Nên dù tìm kiếm liên tục không mệt mỏi, nhưng lại vẫn gần như vô vọng.
Một sự tìm kiếm táo bạo, đơn phương, khủng
khiếp, vượt lên mọi nguy hiểm mà cả thế giới đang nổi giận với nó, đó
là những tiết lộ thông tin nội bộ, ngoại giao, bí mật quốc gia như ở Hoa
Kỳ mà vài công dân đã làm cùng những sự nghe lén nhiều nơi, lan đến cả Giáo Hội
La Mã…Khi được hỏi cơ sở nào khiến Wikileaks (một trong số họ) làm như vậy,
liệu ông có xem đó là"gây rối" hay không, Assange cho hay: "Không
chút nào. Tổ chức này tuân theo pháp luật, chúng tôi muốn thế giới văn
minh hơn và chống lại các tổ chức lạm quyền đẩy nó tới hướng ngược lại".
Ước mơ một thế giới thái bình, văn minh luôn là ước mơ của cả nhân loại, nhưng cách thực hiện điều ước mơ của họ thật vô cùng mạo hiểm, xúc phạm, gây tai hại khó lường, có nguy cơ châm ngòi cho nhiều sự bùng nổ.
Ước mơ một thế giới thái bình, văn minh luôn là ước mơ của cả nhân loại, nhưng cách thực hiện điều ước mơ của họ thật vô cùng mạo hiểm, xúc phạm, gây tai hại khó lường, có nguy cơ châm ngòi cho nhiều sự bùng nổ.
Để rồi họ phải lẩn trốn khắp nơi vì bị đe dọa.
Sau việc làm này, họ cũng chẳng hối hận ăn năn!
Thật thế, ai cũng ước mong hiện tại, tương lai
tốt đẹp, nhưng đó không phải là một điều cho không, biếu không, như lời Chúa
trong chúa nhật vừa qua cho biết tương lai tốt đẹp đang sẵn,
nhưng chúng ta phải tỉnh thức sẵn sàng để đón nhận nó. Lời Chúa hôm nay lại cho
thấy rõ hơn tương lai tốt đẹp ấy chính là Nước Thiên Chúa. Trong Nước này,
chính Thiên Chúa sẽ trực tiếp cai trị và mọi công dân sẽ sống rất hạnh phúc
trong công bình và bác ái.
Muốn như vậy, Đức Giesu mời gọi chúng ta phải
ăn năn, phải sửa sai, phải hối cải, do chính
ý thức của mình. Đó là nội dung chúa nhật thứ hai Mùa Vọng mà chúng ta được
nghe lại lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, một người được sai đến từ trong
hoang địa, kêu gọi:“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói
tới: có tiếng người hô trong hoàng địa: Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa, sửa lối
cho thẳng để Người đi.
Thật vậy, sự xuất hiện
của Gioan Tẩy Giả giống như tiếng của Thiên Chúa thình lình vang lên giữa lúc
dân Do Thái thất vọng nghĩ rằng tiếng nói tiên tri không còn nữa, vì trải qua
bốn trăm năm dài, không hề có tiên tri nào xuất hiện. Hôm nay Gioan, tiếng nói
tiên tri lại vang lên, với đặc điểm kêu gọi mọi người ăn năn khẩn cấp.
Gioan Tẩy giả cho biết Ðấng Messia mà ngôn sứ
Isaia tiên báo sắp đến rồi, do đó Nước Thiên Chúa cũng gần đến. Mọi người hãy
dọn đường cho Ngài bằng cách: Sám hối từ bỏ tội lỗi và làm việc lành cho
xứng với lòng sám hối ấy.
1. "Hãy dọn sẵn con
đường cho Đức Chúa”:
- Ai cũng biết rằng muốn đi
lại thì phải có lối đi, có đường dẫn. Đường lối càng sạch sẽ, nhẵn bằng phẳng
thì càng dễ đi, và ngược lại gồ ghề, lồi lõm, quanh co khúc khuỷu nhơ nhớp thi
khó đi.
- Thánh kinh có nói tới nhiều
con đường:
. Con đường dân Do
thái đi trong sa mạc: sa mạc rộng mênh mông, cát bụi bay mù mịt nên tìm một con
đường thật khó khăn, nếu không có la bàn hay kinh nghiệm định hướng. Vì thế dân
Do Thái đã đi hoài đi mãi suốt 40 năm mới tìm về được Ðất
Hứa.
. Con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô: hiểm trở đầy những ổ
phục kích của bọn cướp giật.
. Con đường của
xứ Samaria ngoại đạo: con đường đã bị chặn lại vì những thành kiến thù nghịch giữa
hai dân tộc.
. Con đường thập giá của Đức Giêsu: là con đường khổ
đau, đầy những máu, nước mắt và mồ hôi.
. Con đường về làng Emmau: con đường mù sương che mắt khiến hai tông đồ
không nhận ra Thầy mình.
. Con đường là chính Đừc Giêsu: "Ta là Ðường,
là sự thật và là sự sống".
- Những con đường trong
Thánh kinh ấy, là hình bóng của những con đường trong đời người, trong cuộc
sống:
*
những con đường có sức cản trở lớn: như chăng dây kẽm gai, đầy ổ phục
kích, đường hầm u tối, quanh co trong rừng rậm, gồ ghề lồi lõm… là thù hận,
cạnh tranh, lợi dụng, làm hại, lọc lừa, gian dối, lén lút tội lỗi, kiêu căng,
hà tiện, đam mê…
* những
con đường cản trở nhẹ hơn: như đầy cỏ dại, cát nóng, không vướng mắc tội
nặng nhưng mắc rất nhiều tội nhẹ, là những kẻ khô khan thờ ơ…
*
những con đường bằng phẳng: con đường bình an của những kẻ đạo
hạnh.
- Cuộc đời mỗi người
chúng ta là một con đường: con đường hai chiều đưa chúng ta đến với Chúa và
Chúa đến với ta, hay đưa ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta.
- Ðó chính là con
đường mà Chúa Giáng Sinh muốn đi, đi để đến với chúng ta, và qua chúng ta đến
với tha nhân: đến để mang cho chúng ta và cho anh em muôn ơn lành: bình an,
hạnh phúc.
2. Ăn năn:
Là người, ai cũng có
khuyết điểm, và gương xấu, Hội Thánh cũng vậy. Nhưng không vì thế mà loại trừ
nhau, mà xúc phạm, bới móc, phơi bầy nhau. Nhưng phải quyết tâm an năn sám hối:
a) Đối với người Do Thái:
- Ăn năn có nghĩa là quay lại,
quay lại với Thiên Chúa, là bỏ điều dữ, là thay đổi cách ăn nét ở, sống có luân lý và tôn giáo
của cá nhân, của dân tộc.
- Ăn năn là trọng tâm của mọi đức tin tôn
giáo, mọi sự liên hệ với Thiên Chúa.
- Ăn năn là điều kiện duy nhất và bất khả thay
thế để được Thiên Chúa tha thứ, phục hồi ân huệ của Ngài, và quyền lợi cho phạm
nhân.
- Sự
tha thứ và ân huệ ấy không bao giờ phụ lòng ăn năn chân thành của bất cứ ai,
bất cứ tội trạng nào.
- “Thiên Chúa hoàn toàn tha
thứ tội lỗi của người ăn năn, là lẽ đạo chủ yếu của người Do Thái.”
- Các Rabi cũng dạy rằng ăn năn rất vĩ đại vì
nó đạt ngay đến Ngai vinh quang của Thiên Chúa.
- Và quan niệm công trạng duy nhất để trở về
với Thiên Chúa là ăn năn.
- Nhưng
cảnh cáo rằng sẽ không được tha thứ nếu phạm tội để ăn năn và vừa mới ăn năn
xong lại tái phạm.
- Cũng
đừng như kẻ ngu dại khi phạm tội rồi thì dâng của lễ mà không ăn năn.
- Vì thế trong Do Thái giáo, sự ăn năn tự nó đã
có một đòi hỏi đạo đức, là từ bỏ tội lỗi mà đến cùng Chúa với một sự thay đổi
tương xứng trong hành động.
b)
Đòi hỏi của Gioan Tẩy Giả:
- Khi Gioan xuất hiện và đòi hỏi
người nghe phải có kết quả tương xứng với sự ăn năn thì đòi hỏi đó hoàn toàn
nằm trong truyền thống dân tộc. Nên Ông
được dân chúng đón nhận, và đáp lại lời kêu mời.
-
Nhưng không phải mọi người đến xin Gioan làm phép rửa đều thật lòng ăn
năn, nên Gioan đã nặng lời cảnh cáo những kẻ giả hình.
- Vì sự ăn năn sám hối phải được
minh chứng qua tâm tình và nếp sống thay đổi.
- Đừng dại khờ, lì lợm nghĩ rằng
cứ phạm tội rồi ăn năn, vì cứ phạm tôi rồi ăn năn thì người ấy không còn được
phép ăn năn nữa.
-
Cũng đừng thách thức:“Tôi phạm
tội, có việc gì xảy đến cho tôi đâu?”
- Và chớ cậy tin vào có của lễ
chuộc tội, rồi cứ tiếp tục phạm. Vì Chúa là Đấng nhân từ, Ngài là Thiên Chúa
của tình thương lẫn sự thịnh nộ.
c) Với Kito giáo:
- Như Do Thái giáo, quan niệm của
Ktio giáo cũng chủ trương ăn năn thật không chỉ biểu hiện bằng cảm xúc buồn
thảm, mà thật sự thay đổi đời sống.
- Kết quả chứng minh cho sự ăn
năn thật, là không còn tái phạm điều mình đã ăn năn.
- Ăn năn chính là trọng tâm của
đức tin Do thái và cũng là trọng tâm của đức tin Kito giáo.
- Vì ăn năn là quay lưng lại với tội lỗi để
đến với Thiên Chúa, để sống cuộc đời Ngài muốn chúng ta sống.
- Ăn
năn sam hối giúp chúng ta tha thứ cho nhau, đoàn kết để phụng vụ Chúa và anh
em.
- Ăn năn sám hối cũng còn giúp chúng ta lấy
lại quyền lợi, địa vị làm con Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em.
- Thiên Chúa sẵn sàng
kiên nhẫn chờ đợi, tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết ăn năn thật lòng.
- Giáo Hội cũng vậy, luôn mở rộng cánh cửa
đón nhận sự trở về của mọi giáo hữu.
3. "Hãy
sinh hoa quả xứng với lòng sám hối":
- Là cố gắng làm nhiều việc lành phúc đức để
chứng tỏ lòng thống hối thực sự và quyết tâm đổi mới.
- Hội Thánh không ngừng nhắc nhở các Kitô hữu
sám hối tội lỗi và canh tân đời sống mình.
- Ngày
nay, tội ác vẫn hoành hành trên khắp thế giới tạo nên một bầu khí bất an đe dọa
nếp sống yên lành của mọi người.
- Gioan
Tẩy Giả khi xưa thấy nhiều người thuộc phái Pharisieu và phái Xadoc đến xin chịu
phép rửa, ông nói với họ: “Nòi rắn độc
kia, ai đã chỉ cho các anh cách tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng
xuống vậy. Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng tưởng có thể
nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Apraham.”
- Rồi
Ông tiếp: và tôi, tôi nói thật cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những
hòn đá này trở nên con cháu Apraham.
- "Cai
rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh hoa quả đều bị chặt đi và
quẳng vào lửa.”
- Nghĩa
là dù hành động trong bóng tối, nơi riêng tư, chốn sâu thẳm, cũng không ai có
thể lừa gạt được Thiên Chúa cũng như chính bản thân mình.
- Nếu
thật sự ăn năn sám hối thì việc làm ấy phải có kết quả, không thể chỉ nói suông
được, không thể tái phạm nhiều lần.
- Cũng
không thể ăn năn sám hối theo đám đông, theo mùa, theo phong trào, theo đánh đu,
theo sĩ diện, mà không hề ý thức về sự ăn năn sám hối, ăn năn sám hối trơ trụi!
- Ăn năn
thật phải sinh hoa quả với lòng sám hối như:
* Sống với Chúa: ý thức Thiên Chúa yêu thương quan phòng, cứu
độ và luôn chờ đợi chúng ta quay về với Ngài.
Với tâm tình biết ơn,
khiêm nhu, tùng phục, và luôn khẩn thiết, chân thành, hoán cải khi sai phạm.
* Sinh hoa quả là sự cố gắng sống
đúng với tinh thần Tin Mừng, với bổn phận một Kito Hữu, luôn vượt khó, thăng
tiến, lắng nghe Lời Chúa, liên tục cầu nguyện, tích cực phục vụ, doàn kết đón nhận
nhau, chấp nhận hoàn cảnh…
Lạy Chúa, xin ban
ơn sám hối hoán cải chân thành, để chúng
con dám đi đến những hành
động cụ thể là cắt tiả lỗi lầm, đốt cháy tội lỗi để biết cảm thông, tiếp nhận,
phục vụ mọi người, hầu Giáo Hội thực sự có
một cuộc sống hạnh phúc trong Nước Chúa như giấc mơ thái bình của ngôn sứ Isaia
và bức tranh tuyệt vời của cộng đoàn tín hữu sơ khai.
Lạy Chúa, xin cứu chúng
con khỏi mọi sự dữ, để chúng con được đón Ngài lại đến. Vì Đức Giesu Chúa chúng
con. Amen.
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét