Sep 18, 2022
– Chuá nhật 25 thường niên
năm C
Dùng
của cải cách
khôn ngoan
Các Bạn thân mến,
Mình có người bạn kiến thức
cũng khá, tinh tế, hiểu biết chuyện ở đời, nhưng chỉ là tín hữu thời thanh thiếu
niên, còn từ trưởng thành trở đi thì có lẽ do những tiêu cực trong đạo nên nhìn
đạo với cặp mắt tiêu cực, phê phán, bôi bác những người có trách nhiệm trong
Giáo Hội rồi tự thất vọng, để “giữ đạo theo lương tâm”. Đôi lúc mình
nói: “Bạn không ngây ngô khờ dại, mà lại thích nhìn người để mà giữ đạo à!?”
Đặc biệt không tham lam, không ích kỷ nhưng bạn ấy lại vô tư hưởng thụ, nghĩ rằng
Giáo Hội phải phục vụ tối đa, phải thế này, thế kia, muốn các đấng, các bậc tu
trì phải là thánh sống, không được dính dáng gì đến tiền bạc của cải vật chất, đặc
biệt cuả giáo dân! Bạn lên án tất cả mọi hình thức kêu gọi đóng góp, cả chuyện
dâng hiến, bổng lộc cho việc phụng vụ nhà thờ, linh mục, tu sĩ, đoàn thể. Có lần
mình hỏi:
- Thế lấy tiền ở đâu để mua ghế cho bạn ngồi,
mở máy lạnh mùa hè, máy sưởi mùa đông cho bạn tham dự thánh lễ? ...
- Linh mục làm những việc phụng vụ không lương
thì lấy tiền đâu để trang trải nhà cửa, xe cộ, ăn uống, ốm đau?
- Giáo hội có phải là cái kho vàng bạc tiền của
từ trên trời rơi xuống đâu, mà lấy ra dùng tự do thoải mái không sợ hết?!
Bạn trả lời: “Thế thì
tiền bạc có thể mua đuợc tất cả à? Mọi thứ cũng giống vật chất sao?”
- Nói trắng ra thì cũng đúng thôi, nhưng
không giống vật chất, bởi không thể thuận mua vừa bán, mà những việc ấy dùng phục
vụ lại cho chính mình, hơn nữa Đức Giesu hôm nay cũng dạy: “Hãy dùng tiền của
bất chính mà tạo lấy bạn bè …”
Thực tế không ít người
như bạn mình, họ muốn nhà thờ phải khang trang sạch sẽ, mát mẻ, đẹp đẽ trang
nghiêm, ông cha phải thế này, ca đoàn phải thế kia, còn họ thích nhà thờ nào
thì đến, coi như không có bổn phận trách nhiệm gì, chẳng quan tâm đến chuyện
đóng góp xây dựng cộng đoàn giáo xứ của mình.
Có lẽ bạn ấy muốn Giáo Hội
Việt Nam mãi được hưởng thụ như thời non trẻ, được Giáo Hội Mẹ và anh em cấp dưỡng
nuôi nấng, vì còn là nước nghèo nàn mới được truyền giáo, con chiên chẳng phải
đóng góp gì?!
Thời đó đã qua, mấy trăm
năm rồi, Giáo Hội Việt Nam đã trưởng thành, phải tự đứng, tự sinh sống nuôi dưỡng
mình chứ?
Lời Đức Giêsu dạy hôm nay, là phải biết dùng
của cải đời này cách khôn ngoan, qua dụ ngôn ngừơi quản gia, và còn một điều
thú vị nữa là cuộc đời như một trường học mà chúng ta có thể học được gương tốt
nơi những người xấu!
Câu chuyện bao gồm những tên lưu manh, khéo
xoay sở, giỏi tính tóan, mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu, xã hội nào, thời
nào…
1. Một sáng kiến:
- Những người giàu có, điền chủ, … họ thường
dùng một người uy tín gọi là quản lý hay quản gia, một nhân vật rất có thế lực
để trao trách nhiệm điều hành, trông coi, thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy
ý, miễn sao có lợi cho chủ.
- Công lao của họ không được tính bằng tiền
lương, nhưng bù lại là sự uyển chuyển, quảng đại của chủ như ngầm cho phép họ
dùng tài sản của mình để làm ăn, miễn sao không hại đến tài sản chung của chủ.
- Nhưng người quản gia trong Tin Mừng hôm nay
đã qúa đà, phung phí của cải nhà chủ, nên được báo trước sẽ cho nghỉ việc.
- Ông ta nhanh chóng nghĩ ra được một sáng kiến:
tìm cách ghi sổ gian lận cho con nợ được trả ít hơn số nợ chính thức.
- Điều này có công hiệu là các con nợ phải
mang ơn ông ta, và ghê gớm hơn, là lôi kéo con nợ cùng liên lụy vào hành động
gian manh của mình.
- Để nếu lâm vào hoàn cảnh bế tắc thì ông ta sẽ
thực hiện những vụ tống tiền, nếu bị nghỉ việc thì ông được người ta giúp đỡ.
- Việc làm của ông như vậy mà lại được chủ
khen là khôn khéo, thật khó hiểu, phải chăng ông chủ này cũng là một tên lưu
manh?!
- Nhưng người quản gia này qủa thật khôn
ngoan, biết lo xa, vì để mua lấy bảo đảm cho tương lai, ông không tiếc phải hy
sinh tài sản hiện tại, để làm ơn cho những người thiếu nợ, hầu sau này những
người đó sẽ trả ơn cho ông.
- Còn Đức Giêsu nói người quản gia trong dụ
ngôn này là"bất lương".
- Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh nói rõ thêm về
sự "bất lương" này là ăn tiền của chủ, cho vay lời cắt cổ, sửa
đổi giấy nợ...
- Đức Giesu kết luận: “Qủa thật, con cái đời
này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”
- Nếu người Kito hữu chú
tâm, đầu tư về đời sống linh hồn, cũng như đầu tư vào việc buôn bán làm ăn ở đời
thì tốt biết bao; nếu Kito hữu cũng khôn khéo trên đường đạo như người đời khôn
ngoan về tiền bạc thì chắc chắn sẽ được rỗi.
- Phần lớn người ta biết chịu cực khổ để đạt
được phần thưởng thế gian, thì tại sao chúng ta lại không dám như vậy để đạt nước
Trờì?
- Thật thế, đạo của chúng ta chỉ trở thành thực
tại và hữu hiệu khi nào chúng ta đầu tư vào đó nhiều thời gian, sức lực như vào
các việc thế tục; nghiêm chỉnh thì còn phải hơn thế nữa.
- Nhưng điều Đức Giêsu muốn chúng ta noi gương
người quản gia này là cách xử dụng tiền của: biết sử dụng của cải cách khôn
khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
- "Con
cái của sự sáng" phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà
mua sắm của cải trên trời.
2. Dùng của
cải cách khôn ngoan:
- Tự bản chất của cải không xấu, không tội lỗi,
nhưng là một trách nhiệm lớn, để gíup đỡ, là làm trọn trách nhiệm của mình.
- Của cải trên trái đất chẳng có giá trị gì
trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với
chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.
- Nhưng ai cũng có lòng tham ít nhiều, cả những
người được coi là đạo đức như biệt phái, kinh sư…
- Và nguồn gốc của sự tranh chấp là lòng tham.
- Thấu
hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia
khôn khéo, không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa
cho tương lai của mình, biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.
- Nếu người đời biết phải làm gì và làm cách
nào đối với tiền của để to liệu cho ngày mai, thì sao các tín hữu chúng ta
không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở
tương lai?
- Người tín hữu phải biết sử dụng của cải phù
dù, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời, là:
a) Làm việc cho đời
sau: Người Do Thái tin rằng bố thí cho người nghèo được ghi vào trương mục
đời sau của kẻ cho.
. giúp đỡ những người bất
hạnh: nghèo đói, bệnh tật, đau ốm, cô đơn, hoạn nạn, thai nhi...
. xin
lễ cầu nguyện: báo hiếu, trả công, giúp đỡ bạn bè, các linh hồn...
b) Làm việc cho đời này:
. Dùng của cải để giúp cho
đời sống dễ chịu hơn, cho mình, gia đình, bạn bè, chung quanh.
. Giúp đỡ, nuôi dưỡng, đào
tạo, xây dựng cho tương lai tốt đẹp về giáo dục, y tế, sản xuất, xã hội…
- Như nhiều ân nhân đã dùng tiền bạc để thực hiện
được những công việc hữu ích thiết thực cho quê hương Việt Nam: xây dựng sửa chữa
biết bao nhà thờ, trường học; xây cầu gạch thay thế cầu khỉ; cấp học bổng cho học
sinh sinh viên; lập tụ điểm chăm sóc những người nhiễm bệnh thời đại, già cả
neo đơn...
- Ai cũng hiểu có tiền và có những cái mua được
bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua
được còn tốt hơn.
- Khi quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn,
chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý chủ, những quản gia trung
tín và khôn ngoan.
- Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện
phục vụ cho cùng đích là Nước Trời, chúng ta mới thực sự làm chủ đồng tiền và
làm tôi Thiên Chúa.
3. Sự trung thành:
- Là một đức tính quí báu không chỉ cần thiết
trong các mối tương giao, mà còn cả trong công việc.
- Trung thành được xây dựng từ cách thi hành
các việc nhỏ, qua đó hình thành nhân cách, tính nết, uy tín để xứng đáng với những
công việc lớn.
- Không ai được trao phó, cất nhắc lên địa vị
cao, nếu không có qúa trình chứng tỏ khả năng và lòng ngay thẳng.
- Vì thế Đức Giesu đã áp dụng nguyên tắc này
cho đời sau: “Anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính,
thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”
- “Ai trung tín trong
việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn”.
- “Nếu anh em không trung
tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải
dành riêng cho anh em?”
- Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để
biết được lòng người trung tín hay không, thì sao chúng ta lại không sử dụng tiền
của để bảo đảm cho chúng ta của cải chân thật đời sau?
- Bởi những của cải mà chúng ta sẽ được ở trên
trời tuỳ thuộc theo cách chúng ta dùng của cải dưới đất.
- Cũng chính sự trung thành mà “không gia
nhân nào có thể làm tôi hai chủ.”
- Vì gia nhân hay nô lệ là người bị chiếm hữu
cách tuyệt đối, tất cả thời gian cuả họ đều thuộc về chủ, không có thời gian
nào là của riêng, là rảnh rỗi.
- Ngày nay, chế độ nô lệ đã bị bỏ, luật nhân
quyền được bảo vệ, nên lao công, đầy tớ hay ai đó cũng có thể làm việc dễ dàng
cho nhiều chủ, nếu sắp xếp thời gian phù hợp.
- Phục vụ Thiên Chúa cũng không thể có thời
gian riêng, không thể làm việc bán thời gian, hay công việc của sự rảnh rỗi.
- Đã chọn phục vụ Thiên Chúa thì tất cả thời
gian, sức lực của mình đều phải dành trọn cho Ngài.
- Đam mê tiền bạc sẽ quên nhiều bổn phận, coi
trọng tiền bạc sẽ có nhiều lầm lỗi về công bình, bác ái.
- Mê kiếm tiền đến nỗi ngay trong những ngày lễ,
họ cũng chỉ mong cho ngày lễ ấy chóng qua để họ tiếp tục làm ăn kiếm tiền.
- Khi làm ăn, họ dùng đủ cách gian lận, đủ kiểu
trốn tránh, còn "làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng, nhẹ
thêm".
- Họ khai thác và bóc lột đến tận cùng những
người nghèo khổ, yếu kém...
- Vậy cách tốt nhất để không bị đồng tiền làm hại
là hãy kiếm tiền cách chân chính và đừng bao giờ bắt đầu một hành vi gian tham
dù rất nhỏ nhặt.
- Việc lớn bao giờ cũng là kết quả của những việc
nho nhỏ mà người ta đã bắt đầu làm từ rất lâu trong quá khứ.
Lạy Chúa, tiền bạc của cải
luôn là những cám dỗ rất lớn đối với chúng con, lại có thể làm chúng con quên
tình nghĩa anh em và xa rời tình yêu Thiên Chúa.
Xin cho chúng con chỉ biết
tôn thờ một mình Ngài, biết xử dụng tiền của như công cụ, như phương tiện, như
đầy tớ Chúa ban để nuôi sống bản thân, gia đình, đóng góp vào việc công ích và
chia sẻ cho những người nghèo khổ, để tích trữ gia tài vinh viễn là hạnh phúc
nước trời. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Thân mến,
M.Gorettiduyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét