Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

LINH HỒN VỀ ĐÂU?

 

Wed, 13/07/2022 - Trầm Thiên Thu

LINH  HỒN  VỀ  ĐÂU?

(Hướng dẫn của Thánh TS Tôma Aquinô về đời sau)



Thiên Đàng là một nơi cụ thể. Thiên Đàng có đầy các thiên thần thánh thiện ngay khi được tạo nên. Từ đó, các thiên thần vô hình như các linh hồn được phân tách, một nơi nào đó được ấn định để tiếp nhận các linh hồn đã được phân tách đó. (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologica, Supplement, 69, 1)

1. THIÊN CHÚA CÓ TẠO NƠI ĐỂ NHẬN LINH HỒN CHÚNG TA SAU KHI CHẾT?

Giáo lý Công giáo dạy rằng sau khi chết và trước khi sống lại, linh hồn được tách ra khỏi thể xác. (số 1005, 1016) Ngay cả vào thời Thánh Tôma, một số người lập luận rằng vì linh hồn người quá cố thuộc về tâm linh hoàn toàn và không có thể xác vật chất có thể được đặt vào hoặc bị ảnh hưởng bởi một vị trí vật lý, nên không có một nơi nào được ấn định để tiếp nhận linh hồn chúng ta sau khi chết. Thánh Tôma trả lời ngược lại. Như chúng ta biết, Thiên Đàng là một nơi cụ thể (vật chất, tự nhiên, hữu hình) có đầy các thiên thần, những sinh vật thuộc về tâm linh hoàn toàn, không có thân xác. Hơn nữa, trong tác phẩm Đối Thoại, Thánh Grêgôriô Cả (540-604) đã viết về những linh hồn người quá cố đã được nhìn thấy hoặc được mặc khải là ở những nơi cụ thể trên trái đất hoặc trong hỏa ngục.

Thánh Tôma giải thích rằng việc gán tính chất tinh thần vào những nơi cao quý hơn là điều phù hợp, theo nghĩa đặc biệt là các tính chất tâm linh có thể ở một nơi nào đó. Tính chất tâm linh càng cao thì nó càng gần với tính chất đầu tiên, ở nơi cao nhất. Tính chất đầu tiên và cao quý nhất là Thiên Chúa, và khi Ngài ở khắp nơi trong vũ trụ qua bản thể, sự hiện diện và quyền năng của Ngài, Kinh Thánh cho chúng ta biết ngai vàng của Ngài ở trên trời. (Tv 103:19; Is 66:1)

Thánh Tôma lưu ý rằng các tính chất tâm linh vô hình, chẳng hạn một linh hồn ra khỏi xác, không chiếm giữ một vị trí giống như cách của thể xác, nhưng theo một cách đặc biệt duy nhất đối với tính chất tâm linh – cách mà chúng ta, với tư cách là những thể xác được chôn cất trên trái đất, không thể hiểu rõ ràng. Trong Tổng Luận Thần Học, phần “Luận Về Các Thiên Thần,” Thánh Tôma giải thích rằng các thiên thần là phi vật chất, giống như linh hồn đã tách rời của chúng ta, nhưng linh hồn cũng có thể chiếm giữ những vị trí, mặc dù vị trí không chứa đựng linh hồn. Điều này tương tự cách mà trong cuộc sống trên thế gian, “linh hồn ở trong thể xác như chứa đựng nó, nhưng không chứa đựng nó.”

Hơn nữa, mọi thứ có thể có điểm chung theo hai cách: Thứ nhất, do có cùng chất lượng, như vật nóng có điểm chung về nhiệt. Các tính chất tinh thần không thể có điểm chung nào với những thứ vật hữu hình theo cách này. Thứ hai, mọi thứ có thể chia sẻ một số điểm chung theo kiểu tương xứng, như khi Kinh Thánh mô tả thế giới tâm linh một cách ẩn dụ dưới dạng những thứ hữu hình. Ví dụ, Thiên Chúa được gọi là mặt trời, bởi vì “Ngài là nguyên lý của sự sống tâm linh như mặt trời là nguyên lý của sự sống vật chất” trên trái đất. Theo nghĩa loại suy này, chúng ta có thể thấy rằng các linh hồn có những điểm chung với một số nơi nhất định – “ví dụ, những linh hồn được soi sáng về tâm linh, với thể xác sáng ngời, và những linh hồn bị chìm đắm trong bóng tối bởi tội lỗi, với những nơi tăm tối.”

Cuối cùng, những linh hồn bị đã phân tách không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những vị trí hữu hình như thể xác, nhưng việc biết những nơi họ được ấn định sẽ mang lại cho những linh hồn này niềm vui hoặc nỗi buồn, tùy thuộc nơi được đặt vào. Niềm vui hay nỗi buồn này là một phần của phần thưởng hoặc hình phạt.

2. LINH HỒN CÓ ĐI THẲNG TỚI THIÊN ĐÀNG HAY HỎA NGỤC KHI CHÚNG TA CHẾT?

Một số người lập luận rằng theo Mt 25:31-46, các linh hồn không được đưa tới để trải nghiệm niềm vui của Thiên Đàng hoặc đau khổ của Hỏa Ngục cho đến Cuộc Phán Xét chung thẩm ngày tận thế.

Để đáp lại, một lần nữa Thánh Tôma quay sang Thánh Grêgôriô, người đã nhận xét trong tác phẩm Đối Thoại rằng Sự Phán Xét cuối cùng thực sự sẽ đem lại phần thưởng lớn hơn nữa cho các linh hồn trên Thiên Đàng bởi vì “trong khi bây giờ họ chỉ được hưởng hạnh phúc của linh hồn, sau đó họ cũng sẽ được hưởng hạnh phúc của thể xác, để vui mừng trong xác thịt mà họ đã mang nỗi buồn và sự đau khổ vì Chúa. Điều tương tự cũng được nói đến khi đề cập những kẻ bị nguyền rủa.”

Thánh Tôma nói rõ rằng một số linh hồn thực sự đi thẳng lên Thiên Đàng hoặc Hỏa Ngục. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” (2 Cr 5:1) Thánh Thomas nói: “Vì vậy, sau khi thể xác tan rã, linh hồn có một nơi ở, nơi đã được dành cho nó trên Thiên Đàng.” Thánh Phaolô cũng tuyên bố: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô.” (Pl 1:23) Sự thật là Đức Kitô ở trên trời, Thánh Grêgôriô lập luận: “Không thể phủ nhận rằng linh hồn của Thánh Phaolô cũng ở trên trời.” Hơn nữa, Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ ràng rằng một số linh hồn sẽ xuống Hỏa Ngục ngay sau khi chết, như trường hợp của ông nhà giàu chết, được chôn cất và xuống Hỏa Ngục. (x. Lc 16:19-31)

Tuy nhiên, một số linh hồn không đi thẳng tới Thiên Đàng hay Hỏa Ngục. Điều thú vị là Thánh Tôma so sánh tác động của tội lỗi lên linh hồn sau khi chết với tác động của trọng lực lên thể xác. Các vật thể nhẹ hơn không khí sẽ bay lên ngay lập tức, trong khi các vật thể nặng hơn sẽ rơi xuống ngay lập tức, trừ khi có chướng ngại vật nào đó cản trở đường đi của chúng. Một linh hồn được giải thoát khỏi mọi món nợ tội lỗi sẽ lên Thiên Đàng ngay lập tức, còn một linh hồn mắc tội trọng sẽ xuống Hỏa Ngục ngay lập tức. Một trở ngại có thể ngăn cản một linh hồn không mắc tội trọng lên Thiên Đàng là món nợ tội nhẹ, “việc bay lên [của linh hồn] phải trì hoãn, cho tới khi linh hồn được thanh tẩy.

Theo Thánh Tôma, Giáo Lý Công giáo dạy rằng sau khi chết, tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với “cuộc phán xét riêng” ngay lập tức, trong đó Đức Kitô xác định linh hồn chúng ta vào Thiên Đàng hay Hỏa Ngục ngay lập tức, hoặc trước tiên phải trải qua giai đoạn thanh tẩy. (số 1022)

3. LINH HỒN CÓ ĐƯỢC PHÉP RỜI THIÊN ĐÀNG HAY HỎA NGỤC?

Một số đoạn trong Kinh Thánh dường như gợi ý rằng các linh hồn không bao giờ có thể rời khỏi thiên đàng hoặc Hỏa Ngục. Ví dụ: “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng.” (Tv 27:4) và “Ví tựa mây tan, ví tựa mây bay, ai xuống âm phủ rồi, chẳng còn lên được nữa!” (G 7:9)

Ngược lại, Thánh Tôma trích dẫn lập luận hùng hồn của Thánh Giêrônimô (347-420) trong những vấn đề sau đây: “Vậy ngươi có đặt luật cho Thiên Chúa không? Có phải ngươi sẽ trói các tông đồ vào xiềng xích, giam cầm họ cho đến ngày phán xét, và cấm họ ở với Chúa của họ, có lời chép về họ rằng: Họ đi theo Con Chiên bất cứ lúc nào Ngài đi? Và nếu Con Chiên ở khắp nơi, chúng ta phải tin rằng những người ở với Ngài cũng ở khắp nơi.” Thánh Giêrônimô lập luận thêm rằng từ khi ma quỷ và kẻ ác lang thang trên thế gian, “tại sao các vị tử đạo, sau khi đổ máu, bị giam cầm và không thể ra ngoài?” Thánh Tôma cũng lưu ý rằng Thánh Grêgôriô đã trích dẫn nhiều trường hợp người chết xuất hiện trên trái đất.

Kinh Thánh nói rằng không ai rời khỏi Thiên Đàng hay Hỏa Ngục “đơn giản” hoặc mãi mãi, nhưng không nói rằng đôi khi các linh hồn không thể rời khỏi nơi ở của họ trong một khoảng thời gian giới hạn để tham gia vào công việc của người sống và xuất hiện với loài người “theo sự quan phòng của Chúa,” như Thánh Tôma nói.

4. ÂM PHỦ VÀ LÒNG ÁPRAHAM CÓ GIỐNG NHAU?

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Kitô đã “xuống Ngục Tổ Tông.” Sách Giáo lý giải thích rằng “Chúa Giêsu đã chết giống như mọi người, và linh hồn Người đã xuống với họ, ở nơi của những người chết. Nhưng Người xuống đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ ở đó.” (GLCG số 632) Hơn nữa, “Thánh Kinh gọi nơi ở của những người chết, mà Đức Kitô khi chết đã xuống, là âm phủ, Sheol (tiếng Do Thái) hoặc Hades (tiếng Hy Lạp), bởi vì những kẻ ở đó không được nhìn thấy Thiên Chúa.” (GLCG số 633)

Với bối cảnh này, bây giờ chúng ta đến với Thánh Tôma. Ngài lập luận rằng sau khi chết, linh hồn không thể tìm thấy sự yên nghỉ ngoại trừ nhờ đức tin, như Dt 11:6 nói: “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” Bởi vì Ápraham là người đầu tiên rời khỏi thân xác của những người không tin, và nhận dấu chỉ đặc biệt của đức tin, nơi an nghỉ dành cho con người sau khi chết được gọi là “lòng Ápraham,” như chúng ta thấy trong Lc 16:19-31, trong đó nói rằng ông nhà giàu bất trung bị nguyền rủa phải vào Âm Phủ – Hades, còn Ladarô tín trung “được các thiên thần đưa vào lòng Ápraham.”

Trước khi Chúa Giêsu Kitô đến giải thoát linh hồn của họ, những người tín trung trong âm phủ đã trải qua một phần yên nghỉ ở nơi họ không bị trừng phạt, nhưng kết cục cuối cùng của họ – ở với Thiên Chúa trên Thiên Đàng – vẫn chưa hoàn tất. Vì vậy, cùng một nơi được gọi là “Âm Phủ của Hỏa Ngục” (Limbo of Hell) vì đó là nơi chờ đợi trong tình trạng “tù đày,” nơi các linh hồn bị tước mất sự an nghỉ cuối cùng của họ trong Thiên Chúa, và “lòng Ápraham” vì phần còn lại đã có trước khi Đức Kitô đến. “Tình trạng của các giáo phụ thánh thiện đối với những gì tốt đẹp trong đó được gọi là lòng Ápraham, nhưng vì những khiếm khuyết của nó nên được gọi là Hỏa Ngục.”

Khi Đức Kitô tái lâm, lòng Ápraham không còn được gọi là chỗ “âm phủ của Hỏa Ngục” nữa, bởi vì các thánh trong lòng Ápraham giờ đây đã hoàn toàn yên nghỉ nơi họ nhìn thấy Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Giáo hội cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất sẽ được đưa vào lòng Ápraham.

5. ÂM PHỦ CÓ NHƯ HỎA NGỤC CỦA KẺ BỊ NGUYỀN RỦA?

Thánh Tôma tuyên bố khá ngắn gọn: “Trong Hỏa Ngục, không có sự cứu chuộc. Nhưng các thánh [Tổ phụ hoặc Giáo phụ, và các tín hữu đã ra đi trước Chúa Giêsu Kitô] đã được cứu khỏi Âm Phủ. Vì vậy, Âm Phủ không giống Hỏa Ngục.” Âm Phủ là nơi tạm thời chờ đợi khác với Hỏa Ngục củ những kẻ bị nguyền rủa. Tuy nhiên, Thánh Tôma lưu ý rằng Hỏa Ngục và Âm Phủ có thể chiếm cùng một vị trí, hoặc có thể liên tục để phần cao hơn nào đó của Hỏa Ngục có chứa Âm Phủ.

6. CẦN NHIỀU NƠI AN NGHỈ CHO CÁC LINH HỒN?

Đôi khi, các Kitô hữu ngoài Công giáo chỉ trích giáo huấn của Giáo hội về những nơi an nghỉ khác nhau cho các linh hồn. Họ nghĩ rằng Thiên Đàng và Hỏa Ngục, hai nơi cuối cùng của những điều cuối cùng, là đầy đủ, còn bất kỳ nơi an nghỉ nào khác chỉ bắt nguồn từ truyền thống của loài người. Thật vậy, ngay cả trước Thời Kỳ Cải Cách, và trong chính Giáo hội Công giáo, đã có nhiều nghi ngờ và hiểu lầm liên quan nơi an nghỉ cho các linh hồn. Một số người cho rằng cần phải có nhiều nơi an nghỉ hơn, thậm chí là vô số, vì mức độ công đức và tội lỗi là vô hạn!

Thánh Tôma cung cấp và trả lời mười ý kiến phản đối trong vấn đề 69, điều 7, “Có Nên Phân Biệt Nhiều Chỗ Ở Hay Không?” chứng tỏ mức độ của cuộc tranh luận này. Xin mời bạn đọc những phản đối này và câu trả lời của Thánh Tôma, nhưng bây giờ xin cung cấp vài kết luận chính của ngài.

Thánh Tôma lưu ý rằng “nơi ở của các linh hồn được phân biệt theo các trạng thái khác nhau của linh hồn.” Khi ở trần gian, hiệp nhất với thể xác, linh hồn “ở trong trạng thái xứng đáng,” nhưng sau khi chết, tách khỏi thể xác, linh hồn chỉ có thể nhận điều thiện hoặc điều ác đối với những công trạng đã có, mặc dù có thể không ở trong tình trạng thích hợp để làm như vậy. Nếu đúng vậy, linh hồn sẽ nhận được phần thưởng cuối cùng theo hai cách Thánh Tôma đã xác định. Nếu linh hồn thuần khiết và tốt lành, nơi ở của linh hồn là Thiên Đàng. Nếu linh hồn xấu xa về tội lỗi thực sự, nơi ở của linh hồn là Hỏa Ngục, trong khi nếu linh hồn chỉ xấu xa về tội Nguyên Tổ, nơi ở của linh hồn là “nhà giam cầm của con cái.”

Mặt khác, nếu do tội lỗi mà linh hồn bị cản trở hoặc bị trì hoãn trong việc nhận phần thưởng cuối cùng, thì nơi ở của linh hồn hoặc là luyện ngục – nếu linh hồn bị cản trở bởi sự khiếm khuyết của con người, tức là tội nhẹ, hoặc Âm Phủ của các Tổ Phụ, tức là lòng Ápraham – nếu linh hồn bị cản trở bởi sự khiếm khuyết của bản chất, nghĩa là tội lỗi của bản chất con người chưa được Đức Kitô cứu chuộc.

TS KEVIN VOST

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét