Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

4 loại viêm mũi không dị ứng thường gặp

 

Chủ nhật, 25/9/2022, VnExpress.net

4  loại  viêm  mũi  không  dị  ứng  thường  gặp

Viêm mũi nhiễm trùng, viêm mũi vận mạch, viêm mũi teo và viêm mũi do lạm dụng thuốc khá phổ biến mà nguyên nhân không do dị ứng.

Viêm mũi không dị ứng thường có các triệu chứng giống viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, hắt xì, sưng, đau, chất nhầy trong cổ họng... Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng này không phải do dị ứng và không gây ngứa mũi, mắt hoặc cổ họng. Theo Medical News Today, có 4 loại viêm mũi không dị ứng thường gặp.

Viêm mũi do nhiễm trùng

Viêm mũi nhiễm trùng do virus cảm lạnh hoặc cúm gây ra. Lớp niêm mạc của mũi và cổ họng bị viêm khi virus tấn công vào khu vực này. Tình trạng viêm kích thích sản xuất chất nhầy, gây hắt hơi và sổ mũi. Viêm mũi do virus thường có các triệu chứng tương tự như cảm lạnh hoặc cúm.

Viêm mũi vận mạch

Bệnh xảy ra khi các mạch máu trong mũi quá nhạy cảm, có sự bất thường của dây thần kinh kiểm soát các mạch máu trong mũi dẫn đến viêm nhiễm. Thông thường, sự co giãn của các mạch máu trong mũi giúp kiểm soát dòng chảy của chất nhầy. Tuy nhiên, khi các mạch máu quá nhạy cảm, một số tác nhân từ môi trường nhất định khiến chúng giãn ra gây tắc nghẽn và sản xuất quá nhiều chất nhờn.

Viêm mũi vận mạch có các triệu chứng tương tự như viêm mũi dị ứng. Các tác nhân gây kích ứng như nước hoa, khói bụi, khói thuốc, thay đổi độ ẩm, giảm nhiệt độ, uống nhiều rượu, thức ăn cay và căng thẳng tinh thần.

Viêm mũi thường gây chảy dịch mũi, khó chịu. Ảnh: Freepik.

Viêm mũi teo

Viêm mũi teo xảy ra khi các mô turbina trở nên mỏng và cứng hơn, khiến lỗ mũi mở rộng và khô hơn. Mô turbinate là mô bao phủ ba gờ xương bên trong mũi. Mô này giúp giữ ẩm, chống lại vi khuẩn, điều hòa áp suất không khí khi hít vào và chứa các dây thần kinh khứu giác. Khi mô turbinate mỏng hoặc bị mất, vi khuẩn dễ dàng phát triển trong khoang mũi hơn, tăng nguy cơ viêm, nhiễm trùng.

Ngoài các triệu chứng của viêm mũi thường gặp, khi viêm mũi teo, các lớp vảy có thể hình thành bên trong mũi và có mùi hôi. Nếu người bệnh cố gắng loại bỏ vảy này có thể gây chảy máu, thậm chí mất khứu giác. Tuổi cao, biến chứng của phẫu thuật mũi hoặc nhiễm trùng có thể làm mất mô turbinate.

Viêm mũi do dùng thuốc

Viêm mũi do lạm dụng thuốc thông mũi, thuốc chẹn beta, aspirin... Thuốc thông mũi làm giảm sưng các mạch máu bên trong mũi nhưng nếu sử dụng lâu (hơn một tuần) có thể khiến mũi bị viêm trở lại, ngay cả khi đã khỏi cảm lạnh hay cúm. Trong trường hợp viêm mũi do thuốc, người bệnh nên dừng dùng thuốc và đi khám.

Các chất kích thích như khói thuốc lá, bụi, khói thải, hóa chất, ăn thức ăn cay có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi không dị ứng. Phụ nữ dễ mắc bệnh này hơn trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai. Một số bệnh lý như lupus, xơ nang, rối loạn nội tiết tố, hen suyễn cũng làm tăng khả năng phát triển viêm mũi không dị ứng.

Khi viêm mũi do virus người bệnh có thể dùng thuốc thông mũi không kê đơn giúp giảm sưng và nghẹt mũi. Tuy nhiên, bạn không lạm dụng thuốc này vì có thể làm tái phát triệu chứng. Người bệnh viêm mũi vận mạch có thể dùng thuốc xịt mũi corticosteroid giúp giảm viêm và tắc nghẽn. Trong trường hợp viêm mũi teo, rửa mũi thường xuyên và bôi trơn có thể ngăn sự hình thành các lớp vảy và giữ ẩm cho niêm mạc mũi.

Người bệnh nên làm sạch mũi bằng cách rửa nước muối thường xuyên thay vì dùng xịt thông mũi. Bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu trà vào bát nước nóng để xông mũi, dùng máy tạo độ ẩm làm ẩm không khí trong phòng không gây khô mũi. Tránh các tác nhân từ môi trường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như khói bụi, khói thuốc lá, nước hoa... nhất là người bị viêm mũi vận mạch

Một số trường hợp không đáp ứng điều trị tại nhà, bác sĩ có thể kê đơn thuốc xịt mũi giúp mở rộng đường thở, giảm viêm và giảm sản xuất chất nhầy. Tưới dung dịch nước muối để giảm đóng vảy và khô hoặc dùng kháng sinh đối với viêm mũi nhiễm trùng.

Mai Cát

(Theo Medical News Today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét