Chủ nhật, 31/12/2023, 10:00 (GMT+7)
Ăn gì để não khỏe?
Việt quất, trứng, chocolate có chứa các chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe tổng thể và chức năng não.
Việt quất chứa vitamin C, K, mangan và chất dinh dưỡng thực vật giúp kích thích lưu lượng máu và oxy trong não, cải thiện khả năng tập trung.
Nghiên cứu năm 2019, của Trường Đại học Charité Berlin và Đại học kỹ thuật Braunschweig, Đức, với hơn 28.000 người tham gia, cho thấy ăn quả việt quất có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer do tuổi tác.
Lượng chất xơ cao trong thực phẩm này hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, giảm viêm và thúc đẩy tâm trạng tốt hơn.
Dầu ô liu nguyên chất rất tốt cho não. Ăn dầu ô liu còn giảm tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer bằng cách khuyến khích quá trình làm sạch tế bào của chính cơ thể.
Quả bơ rất giàu axit béo omega-3, hỗ trợ cải thiện khả năng tư duy và trí nhớ. Bơ rất giàu khoáng chất quan trọng như kali và magiê - chất cần thiết để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh chi phối sự tập trung và nhận thức trong não.
Trứng chứa nhiều choline, có thể giảm viêm và thúc đẩy chức năng não như duy trì trí nhớ, giao tiếp giữa các tế bào não.
Nghiên cứu năm 2019, với gần 2.500 nam giới tham gia, của Trường Đại học Đông Phần Lan và Đại học Helsinki, Phần Lan, cho thấy người hấp thụ lượng phosphatidylcholine trong trứng cao giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và tăng khả năng nhận thức tốt hơn.
Cà chua tốt cho sức khỏe não bộ nhờ hàm lượng lycopene. Loại carotenoid này đã được chứng minh có thể ngăn các rối loạn nhận thức như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Một quả cà chua tươi cỡ vừa chứa khoảng 3,2 mg lycopene.
Theo Trường Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, mỗi người nên bổ sung khoảng 9-21 mg lycopene mỗi ngày để bảo vệ cơ thể và bộ não.
Củ nghệ chứa curcumin có thể bảo vệ hỗ trợ tăng trưởng tế bào não, chống lại bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu năm 2019 từ Trường Đại học Khoa học Y khoa Tehran, Iran, trên 139 người, phát hiện chất curcumin trong nghệ có thể làm tăng mức BDNF trong não. BDNF ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, học tập và trí nhớ và cũng gây ra rối loạn hành vi.
Chocolate đen chứa flavonoid, caffeine và chất chống oxy hóa nên có thể tăng cường trí nhớ và làm chậm quá trình suy giảm tinh thần do tuổi tác.
Nghiên cứu năm 2022 của Trường Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, cho thấy người ăn chocolate đen (85% cacao) có tâm trạng tích cực và hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng hơn so với người không ăn.
Các nhà khoa học lý giải chocolate hỗ trợ tăng prebiotic (một loại chất xơ), từ đó cải thiện trạng thái cảm xúc tiêu cực thông qua kết nối ruộ - não
Huyền My (Theo Healthline, Eating Well)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét