Lề luật Lề luật Lề luật
(Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B)
Ngay từ
thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã thiết lập lề luật để con người tuân giữ:
“Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều
thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn
ngươi sẽ phải chết” (St 2:16-17). Bà Eva cho biết vị trí cây này ở ngay
giữa Vườn Địa Đàng (St 3:3).
Ăn
để sống, thế mà có thứ ăn vào thì sống, có thứ ăn vào thì chết. Cuộc sống đời
thường cũng vậy, không phải ẩm thực nào cũng tốt. Có thứ ăn vào thì tốt, có thứ
ăn vào thì hại, có thứ ăn vào thì khỏe, có thứ ăn vào thì bệnh. Đó là quy luật
về ẩm thực, về dinh dưỡng. Cẩn tác vô ưu, vì cái miệng có thể hại cái thân!
Cuộc
sống có nhiều loại luật – luật tự nhiên, luật môi trường, luật hôn nhân và gia
đình, luật giao thông, luật dân sự, luật quân đội,... Nhà có gia phong, nước có
quốc pháp, tổ chức dù lớn hay nhỏ đều có quy luật. Đời và đạo cũng có luật
riêng. Như chiếc hàm thiếc hoặc chiếc dây cương để điều khiển con ngựa, luật
giúp con người sống đàng hoàng hoặc chấn chỉnh cách sống. Lề luật cần thiết
nhưng không quan trọng bằng con người. Người Pharisêu thấy các môn đệ bứt lúa
ăn trong ngày sa-bát, họ liền chê trách và cho đó là phạm luật, nhưng Chúa
Giêsu thẳng thắn nói với họ: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ
không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Luật vị nhân sinh là thế.
Trong
luật còn có những điều khoản khác nhau. Vi phạm luật là phạm pháp, là có tội,
nhưng mức độ phạm tội cũng khác nhau. Người áp dụng luật để xét xử cũng phải
dùng lòng yêu thương mà xét xử.
Cuộc
sống có nhiều thứ luật, từ hội đoàn tới làng xã, từ quốc gia tới quốc tế, nhưng
các luật đó vẫn chỉ là nhân luật – luật của con người, quan trọng nhất vẫn là
Thiên Luật, và mọi lề luật đều phải dựa vào Luật Trời, Luật của Thiên Chúa. Với
người Công giáo, chúng ta có Mười Điều Răn (Thập Giới) và Sáu Điều Răn Hội
Thánh. Luật Tân Ước tóm gọn còn 2 điều là Mến Chúa và Yêu Người. Còn Luật Cựu
Ước có hơn 600 điều.
Will
Durant (1885-1981 – văn sĩ, sử gia và triết gia Hoa Kỳ) có triết lý sống rất
lạ: “Con người trở nên tự do khi nhận ra mình bị luật lệ ràng buộc”. Lề
luật như sợi dây “trói buộc” người
ta, nhưng chính sợi dây đó lại làm cho người ta được tự do. Thật là kỳ diệu!
Trình
thuật Xh 20:1-17 cho biết rằng Thiên Chúa đã truyền ban các khoản luật để con
người theo đó mà sống. Trước tiên, Ngài nói: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có
thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ
vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt
đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì
Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ
ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những
ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn
đời”.
Luật
Chúa là luật tự nhiên, không gì trái ngược. Ngài cho biết thêm: “Ngươi không
được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa
không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát,
mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc
của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.
Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con
gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu
ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng
Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và
coi đó là ngày thánh”. Phần này, nghe có vẻ dài dòng, nhưng là những điều
có trong Sáu Điều Răn Hội Thánh. Không xa lạ, vì rất nhiều nhà thờ thường đọc
kinh Mười Điều Răn và Sáu Điều Răn Hội Thánh vào các ngày Chúa Nhật. Nhưng có
thể vì chúng ta thuộc lòng, đọc quen quá rồi, thế nên có thể chỉ đọc mà quên
suy.
Thiên Chúa
tiếp tục truyền dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất
mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm
chứng gian hại người. Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được
ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của
người ta”. Phần này, chúng ta cũng thấy có trong Mười Điều Răn, tất nhiên
cũng là những điều quen thuộc.
Cựu
Ước có cách nói tiêu cực: Cấm, đừng, chớ, không được,… Tân Ước có cách nói tích
cực: Phúc cho… Cách nói thay đổi theo sự phát triển của xã hội, của con người,
cách nghĩ cũng thay đổi theo cho phù hợp. Đó là điều bình thường mà thôi. Như
chúng ta biết, tất cả mọi sự đều thay đổi theo thời gian, kể cả luật pháp, cũng
chỉ vì muốn con người sống tốt, hy vọng con người càng ngày càng hoàn thiện
hơn. Mình sống tốt thì vừa lợi cho mình vừa lợi cho tha nhân, hữu ích cho xã
hội và Giáo Hội, và như vậy cũng đẹp lòng Thiên Chúa.
Vì
chúng ta bất toàn nên cần giữ luật. Luật có thể giúp con người hoàn thiện. Với
kinh nghiệm giữ Luật Chúa, tác giả Thánh Vịnh đã vui mừng thốt lên: “Luật
pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững
chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ
cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19:8-9).
Rõ ràng là đa lợi ích!
Trong
lời ăn tiếng nói, con người thường ưa dùng lối tỷ giảo (cách so sánh), có lẽ vì
con người thích những gì cụ thể để dễ hiểu: Sắc như dao cau, đen như mực, trắng
như bông, đẹp như tiên, xấu như quỷ,… Với những gì siêu phàm thì càng khó hiểu
hơn, thậm chí là không thể hiểu. Tuy nhiên, tác giả Thánh Vịnh vẫn khéo léo
giúp chúng ta dễ hiểu với lối so sánh thực tế: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong
trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công
minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn
mật ong nguyên chất” (Tv 19:10-11).
Mỗi
con người là một thế giới bí ẩn, người thế này, kẻ thế khác, chẳng ai giống
nhau, từ thể lý đến tinh thần. Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến những điều
trái ngược nhau: Người thích điều thiện, kẻ ưa điều ác. Thật ư? Thật vậy. Nếu
không thích thì sao người ta dễ giết nhau chỉ vì xích mích nhỏ? Có những người,
cả trẻ và lớn, đi đâu cũng giấu sẵn dao, gặp “sự cố” là rút ra “chơi”
liền, tức là họ đã mưu tính trước. Vậy không là thích điều ác sao?
Thánh
Phaolô nói về các sở thích khác nhau: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những
điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, chúng tôi lại rao
giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể
chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1:22-23). Sở thích của Thánh
Phaolô cũng là sở thích của những người muốn nên giống Đức Kitô, muốn hoàn
thiện, muốn nên thánh.
Thánh
Phaolô giải thích: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là
Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài
người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr
1:24-25). Điên rồ mà khôn ngoan, yếu đuối mà mạnh mẽ. Với phàm nhân, điều
đó hoàn toàn nghịch lý và không thể hiểu; nhưng với người có đức tin, điều đó
lại là thuận lý, có thể hiểu. Thập giá là đường dẫn tới cái chết ê chề, nhưng
lại hóa thành chìa khóa mở cửa Vương Quốc Trường Sinh. Vô cùng kỳ diệu!
Trình
thuật Ga 2:13-25 nói về cách Chúa Giêsu áp dụng luật: Thẳng thắn và cương
quyết.
Gần
đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Ngài thấy
trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi
tiền. Ngài liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra
khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra, và lật nhào
bàn ghế của họ. Cả đám đông thế mà không dám cự nự gì, trong khi Chúa Giêsu chỉ
có mình Ngài.
Chắc hẳn họ biết mình sai, biết Chúa Giêsu làm đúng, thế nên họ tháo chạy.
Người ta luôn sợ sự thật, kẻ xấu biết mình sai nên chỉ hành động lén lút, bị
phát hiện thì bỏ chạy. Sợ sự thật bị phơi bày nên mới chạy.
Rồi
Chúa Giêsu nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi
đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Ngày nay, không ai
dám buôn bán trong nhà thờ, nhưng người ta có nhiều cách buôn bán tinh vi hơn –
cả tinh thần lẫn vật chất. Thế nhưng người ta cũng có nhiều cách tinh vi để
chống chế, để biện hộ, với nhiều chiêu thức “kỳ
lạ” lắm.
Ngày
xưa, những người buôn bán trong Đền Thờ là dân thường. Ngày nay, dân thường làm
sao “có cửa” để làm như vậy? Chắc
chắn họ phải có chức, có quyền. Thế thì những “con buôn” ngày nay là ai? Liệu chúng ta có dám nhìn thẳng vào sự
thật? Ai dám nói ra, ai dám phanh phui, và ai dám phản đối? Nói theo ngôn ngữ
ngày nay, ai dám thẳng thắn làm như vậy thì... “chết chắc”. Nghĩa là họ sẽ bị cô lập, bị mọi người xa lánh, bị
ghét bỏ, ghét hơn ghét tội. Tiền bạc có sức mạnh khó cưỡng lại nên người ta gọi
là “ma lực”. Kinh khiếp thật đấy!
Bọn
con buôn chưa thể hại Chúa Giêsu lúc đó, nhưng chắc chắn họ rất ghét Ngài, tìm
mọi cách cấu kết với nhau để triệt hạ Ngài. Những ánh mắt của họ lúc đó như
những tia lửa, những cặp mắt mang hình trái lựu đạn, lòng họ hậm hực, miệng họ
nguyền rủa,... Vì thế, các môn đệ của Ngài nhớ lại lời đã chép trong Kinh
Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv
69:10).
Người
Do-thái ấm ức lắm, cay cú lắm, nên họ hỏi vặn Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào
chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”. Ngài thản nhiên
đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.
Họ hiểu gì nổi! Do đó, họ mới ngây ngô nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi
sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”. Nếu
chúng ta là người Do-thái lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng gãi đầu, bứt tóc, mắt
chữ O và miệng chữ A, rồi cũng chẳng hiểu mô tê gì ráo trọi. May thay, Thánh
Gioan cho chúng ta biết: “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể
Ngài”.
Khi người
Do-thái hỏi ngớ ngẩn như vậy, ngay cả các môn đệ cũng ngớ ra, chả hiểu Thầy
mình nói gì. Mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại
Ngài đã nói điều đó, họ mới thực sự tin vào Kinh Thánh và lời Sư Phụ đã nói.
Cuộc đời
luôn nhiêu khê, kẻ thế này, người thế nọ, kẻ cố chấp, người phục thiện. Trong
số những người bị đánh đuổi ra khỏi Đền Thờ, không phải ai cũng khó chịu, ghen
ghét, mà có những người chợt “sáng mắt”
và tâm phục khẩu phục. Thánh Gioan cho biết: “Trong lúc Đức Giêsu ở
Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Ngài bởi đã chứng kiến
các dấu lạ Ngài làm”. Nhưng Thánh Gioan cũng cho biết thêm: “Chính Đức
Giêsu không tin họ, vì Ngài biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con
người. Quả thật, chính Ngài biết có gì trong lòng con người”.
Tác giả
Thánh Vịnh tâm niệm: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ
đường con đi” (Tv 119:105). Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết tâm niệm như
vậy trong suốt cuộc đời, nhất là trong Mùa Chay Thánh, và đặc biệt hơn là Mùa
Chay này, vì không ai chắc mình còn được sống Mùa Chay năm tới nữa hay không.
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết phục thiện chứ đừng cố chấp, nhất là khi
chúng con được Ngài sửa dạy. Xin giúp chúng con can đảm bảo vệ sự thật, dám đối
mặt với những gì trái ngược với Thánh Luật. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét