Thứ sáu, 4/2/2022,vnexpress.net
Giọt máu đào của những người dưng
Nhận tin thiếu niên 17 tuổi bị ung thư tủy giai đoạn cuối cần truyền tiểu cầu của nhóm máu hiếm BRh- khẩn cấp, anh Nguyễn Anh Minh, 37 tuổi, bắt ngay chuyến xe đêm từ TP HCM ra Khánh Hòa.
Minh và người bệnh thuộc nhóm máu hiếm BRh- (tại Việt Nam chỉ có 0,04%-0,07% dân số mang nhóm máu Rh-, còn lại là nhóm Rh+). Nếu không may bị tai nạn, hoặc bệnh tật cần truyền máu và các chế phẩm máu mà không tìm được nhóm máu tương thích, hoặc truyền nhầm nhóm máu, người bệnh có nguy cơ bị nhiều tai biến, thậm chí tử vong. Trong khi đó, ở Khánh Hòa không còn ai đủ điều kiện hiến máu cho bệnh nhân, Minh buộc phải tới.
Khi xe khách dừng ở cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Minh được thông báo tình hình người bệnh trở nặng, vừa chuyển cấp cứu vào bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM. Anh hối hả bắt xe khách ngược trở lại Sài Gòn, cùng thân nhân người bệnh túc trực, chờ hiến máu hoặc tiểu cầu khi cần thiết.
Tuy nhiên, sau vài ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhân không còn đáp ứng điều trị, được sắp xếp về lại bệnh viện tỉnh để chăm sóc giảm nhẹ. Gia đình bệnh nhân mong muốn "còn nước còn tát", nhờ anh Minh cùng về quê hiến tiểu cầu cứu con. Anh đồng ý, song chưa kịp đi thì vợ gọi điện báo con gái lên cơn sốt co giật, nghi viêm màng não Nhật Bản, đang cấp cứu trong bệnh viện nhi đồng. Người đàn ông bối rối, đành xin khất với người nhà bệnh nhân, chạy về với con. May mắn, kết quả chọc dịch não tủy cho thấy cô bé chỉ bị sốt siêu vi.
Nhìn chồng bồn chồn, áy náy vì chưa kịp giúp gì cho chàng trai ung thư, chị Trân - vợ anh Minh giục chồng đi Khánh Hòa cứu người. Lần thứ hai lên đường, anh Minh cùng một người bạn từ Hà Tĩnh, có nhóm máu BRh- đã hiến hai đơn vị tiểu cầu cho người bệnh. Chàng trai dần hồi tỉnh, có thể nói chuyện và ăn được chút cháo. Mặc dù vậy, vì quá nguy kịch, bệnh nhân hôn mê và mất sau khi truyền tiểu cầu vài tiếng.
"Đến giờ tôi vẫn nghĩ, giá như mình tới sớm hơn, biết đâu cậu ấy có thêm chút thời gian", anh Minh nói khi nhớ lại kỷ niệm buồn ba năm trước. Đây là một trong số ít trường hợp bệnh nhân được Minh trực tiếp hiến máu hoặc tiểu cầu nhưng không qua khỏi, còn lại hầu hết họ đều thoát cơn hiểm nghèo.
Anh Minh cho hay, năm 2006 khi lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện theo chương trình vận động của cơ quan, anh tình cờ biết mình thuộc nhóm máu hiếm. Từ đó, anh tìm hiểu và tham gia Câu lạc bộ máu hiếm TP HCM (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM). Hàng năm, anh hiến máu đều đặn 4 lần, theo định kỳ mỗi ba tháng một lần tại các điểm tiếp nhận cố định. Anh còn lập thêm ứng dụng S4Life - "ngân hàng máu sống" kết nối thêm nhiều tình nguyện viên, sẵn sàng cho máu trường hợp máu hiếm cần truyền máu khẩn cấp, như phẫu thuật tim, sinh nở, tai nạn giao thông...
Minh không nhớ chính xác số lần mình đã hiến máu và tiểu cầu, chỉ áng chừng khoảng 60 lần, suốt 15 năm qua. Trong đó, tại các đơn vị có cấp giấy chứng nhận hiến máu như Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy gần 50 lần. Ngoài ra, hơn chục lần anh hiến cho các ca bệnh cấp cứu tại Viện tim TP HCM, bệnh viện các tỉnh Khánh Hoà, Quảng Ngãi hay miền Tây... thì không có chứng nhận, thống kê. Chi phí đi lại, ăn ở của các chuyến đi tỉnh hiến máu, anh Minh đều tự bỏ tiền túi, không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ người nhà bệnh nhân.
"Mục đích của tôi là làm sao cứu được nhiều người nhất. Được ghi nhận, đền đáp hay không chưa bao giờ quan trọng", anh Minh nói.
Đây cũng là quan điểm chung của nhiều người hiến máu tại TP HCM. Ông Đặng Văn Hải (54 tuổi, Công an quận 8, đã hiến máu 67 lần) cho biết, gần 20 năm qua trừ vài lần bị ốm phải nhập viện như mổ mắt, sốt siêu vi hoặc chữa răng, ông hiếm khi trễ lịch hiến máu tại Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP HCM. Mức máu hiến thường ở mức cao nhất, 350-450 ml mỗi lần. Mới đây, một bác sĩ đã ước tính tổng lượng máu ông đã hiến là khoảng 24 lít, xấp xỉ gấp 5 lần số máu đang có trong cơ thể.
Tuy nhiên, ông nhiều lần nhắc lại bản thân không cần vinh danh, tặng quà hay hồi đáp nào từ hành động của mình. Với ông Hải, những túi máu ấy cho ai cũng được, miễn là cứu được người. Ông cũng tin tưởng vào sự điều phối của trung tâm hiến máu, các bệnh viện. Đây là cách làm từ thiện đơn giản, minh bạch, phù hợp nhất. Tinh thần thiện nguyện của ông đã lan tỏa sang mọi thành viên trong gia đình. Vợ và con gái lớn có bệnh nền và huyết áp thấp nên mới hiến được lần lượt 5 và 7 lần; riêng cô con gái út ngoài 20 tuổi đã hiến máu 15 lần. Chị Trân (vợ anh Minh) cũng thường xuyên đồng hành cùng chồng đi hiến máu định kỳ, đến nay chị đã hiến tổng cộng 19 lần.
Tương tự, ông Ngô Quốc Tùng (54 tuổi, ngụ quận 8, có 71 lần hiến máu) kể, mỗi khi nhận được quà từ đơn vị tiếp nhận máu hiến là sữa, bánh và 50.000 đồng phí đi lại, ông thường gửi tặng cho những người bán vé số, nhặt ve chai hoặc bệnh nhân trong bệnh viện... Ông cho biết, vì mình không có bệnh nền nào, sau hiến máu cơ thể nhanh hồi phục nên không cần đến đường sữa hay chế độ bồi bổ đặc biệt.
"Thói quen hiến máu mang đến cho tôi nhiều món hời", ông Tùng nói. "Đó là ý thức tự chăm sóc bản thân, không uống rượu bia, cà phê, không thuốc lá, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, từ đó giữ được nguồn máu sạch và một cơ thể khỏe mạnh". Ngoài ra, sau mỗi lần hiến máu, đơn vị tiếp nhận đều gửi thông tin chất lượng túi máu như kết quả xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C, ký sinh trùng gây sốt rét... nên ông biết được tình trạng sức khỏe để có phương án xử trí phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Phòng nghiệp vụ, Trung tâm hiến máu Nhân đạo TP HCM, ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm TP HCM), phong trào hiến máu nhân đạo được duy trì và phát triển mạnh mẽ nhiều năm qua đã hồi sinh rất nhiều cuộc đời, đặc biệt là những bệnh nhân máu hiếm. Tình trạng "cò máu", bán máu chuyên nghiệp trước kia đã triệt tiêu gần như hoàn toàn.
Người hiến máu có thể yên tâm với quy trình tiếp nhận, xử lý và truyền máu khép kín. Cụ thể, sau khi tiếp nhận các túi máu toàn phần, trung tâm hiến máu sẽ bảo quản và giao cho ngân hàng máu là Bệnh viện Huyết học truyền máu TP HCM. Bệnh viện sẽ xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm qua đường máu để sàng lọc các túi máu đủ điều kiện. Với các túi máu "sạch", bệnh viện sẽ chiết tách thành các chế phẩm máu (tiểu cầu, hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh...) để truyền cho từng bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 5/2021, thành phố giãn cách xã hội, nhiều tua lấy máu lưu động bị huỷ, xảy ra tình trạng thiếu máu dự trữ. Có thời điểm tháng 8, lượng dự trữ ở ngân hàng máu thành phố chỉ còn khoảng 3.100 túi (bình thường số dự trữ đạt khoảng 8.000-10.000 túi). Khi thành phố mở cửa trở lại từ 1/10, lượng máu hiến đã tăng dần lên. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2020, thành phố có lượng máu trữ ổn định, dồi dào do đã tổ chức nhiều đợt hiến máu.
Thư Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét