ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG LO ÂU TRONG CUỘC SỐNG
Mon,
07/02/2022 - Trần Mỹ Duyệt
Thoắt sinh ra thì đà khóc
choé,
Trần có vui, sao chẳng cười
khì?
Khi hỉ nộ, khi ai lạc,
khi ái ố, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân
dục![1]
Uy Viễn Tướng Công đã luận
cảnh nhàn dưới một cái nhìn vừa triết lý, vừa thực tế về số kiếp nhân sinh. Mọi
người đều khóc khi lọt lòng mẹ. Khóc cho số phận đời mình. Khóc cho những vất vả,
lao đao, nghiệt ngã, và cũng khóc cho những hạnh phúc, vui mừng. Nhưng những giọt
nước mắt vì vui mừng, sung sướng, và hạnh phúc thường không nhiều, mà phần lớn
là những giọt nước mắt của bất hạnh. Vì khổ lụy nên nhà Phật đã gọi đời là “bể
khổ”, là chốn “trầm luân”. Ngay trong cái nhàn của Nguyễn Công Trứ cũng vẫn tiềm
ẩn cái khổ: “Chứa chi lắm một bầu nhân dục!” [2]
Đúng vậy, dục vọng đã khiến
lòng người ra nặng nề, mê mẩn và say đắm. Nó là nguyên nhân khơi lên những ước
muốn tham, sân, si, để rồi không chỉ tạo cho mình những đắng cay mà còn gây ra
cho nhau muôn vàn khổ sầu, bi lụy! Tuy nhiên, ở một góc nhìn tích cực, đời vẫn
đáng sống, vẫn có giá trị, thế nên chúng ta phải học cách“Quẳng gánh lo đi và
vui sống.” (Dale Carnegie).
Có lẽ vì ngụp lặn trong
“bể khổ”, nên thường xuyên chúng ta đã cảm thấy bất an, lo lắng, buồn bực, hay
thất vọng. Cũng từ đó, chúng ta loay hoay tìm cách để thoát khổ, thoát buồn,
thoát sầu đau. Chúng ta mất ăn, mất ngủ, lo lắng khi một vấn đề chưa được giải
quyết, mà khi đã giải quyết xong, chúng ta lại tiếp tục lo lắng không biết chuyện
gì nữa sẽ xẩy ra trong tương lai!
Như vậy trước những nghịch
cảnh, những thách đố và đau khổ chúng ta phải có thái độ như thế nào? Nguyền rủa
cuộc đời, trốn chạy, cam chịu, hoặc can đảm trực diện với những hoàn cảnh ấy?
Theo tâm lý, nếu “miễn cưỡng” chấp nhận những điều tiêu cực, chúng sẽ chỉ đem lại
cảm giác bất ổn về tinh thần cũng như thể xác: thân thể bạc nhược, mệt mỏi, tâm
trí khó tập trung, đầu óc trống rỗng hoặc rối loạn!
TRỰC DIỆN VỚI
ĐAU KHỔ
Trong cuộc sống, bất cứ
ai cũng đã từng kinh nghiệm và gặp phải đau khổ. Những bất hạnh này đến từ
nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, nội tại cũng như ngoại tại, thể lý
cũng như tâm lý. Hoặc chính mình là nạn nhân, và cũng có thể mình là nguyên
nhân gây ra những điều ấy cho người khác. Còn trẻ thì khổ vì nhà nghèo, bị hành
hạ, lạm dụng, mồ côi, hoặc cha mẹ ly dị. Khi lớn lên thì khổ vì vợ hoặc chồng
phản bội, ngoại tình, cờ bạc, rượu chè, vô tâm, vô trách nhiệm. Khổ vì làm ăn
thua lỗ, bị bạn bè lường gạt. Lúc về già thì buồn khổ vì cô đơn, vì bị con cái
hất hủi, xa tránh, bệnh tật. Để giúp trực diện với những bất hạnh cuộc đời, năm
1969, Elisabeth Kübler-Ross, một bác sỹ tâm thần và là người tiên phong khảo cứu
về hiện tượng trước ngưỡng cửa sự chết. Qua tác phẩm On Death and Dying, bà đã
đưa ra lý thuyết giúp đối diện với đau khổ, được gọi là phương pháp DABDA [3],
bao gồm 5 cung bậc:
1.Denial (Phủ nhận): Phản ứng đầu tiên khi gặp phải những nỗi buồn hay đau
khổ, thất bại, là từ chối không muốn nhận sự thật. Thí dụ, khi nghe tin người
thân của mình qua đời, hoặc nghe nói người tình, người yêu mình phản bội, thì
tìm mọi cách không công nhận sự thật này. Không thể vậy. Điều này không đúng.
Tôi không tin.
2.Anger (Bực
bội): Khi không thể phủ nhận sự
thật là phản ứng bực tức, khó chịu và cay đắng. Cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi
chết thật sao? Người yêu của tôi cắm sừng tôi thật sao? Cuộc đời bất công với
tôi quá. Tôi chán ghét tình yêu. Tôi nguyền rủa sự chết! Tôi hận đời!
3.Bargaining (Mặc cả): Tiếp theo là hành động mặc cả. Tự mình đánh lừa mình,
tự mình an ủi mình. Điều đó xảy ra chắc có lý do. Tôi không thể tránh khỏi. Tốt
hơn tôi nên chuẩn bị chấp nhận. Cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi đã chết! Tôi bị
cắm sừng, bị phản bội cũng đành chịu vậy!
4.Depression
(Chán nản): Từ
những phản ứng tiêu cực trên là rơi vào trầm cảm, buồn nản, thất vọng, hoặc bí
tắc. Có người tự tìm cái chết để trốn thoát, nhưng phần đông nhìn đời bằng cặp
mắt bi quan, nhìn tình yêu bằng những ánh mắt nghi ngờ, oán hận.
5.Acceptance
(Chấp nhận): Sau
cùng, thực tế vẫn là thực tế. Chỉ có thể bằng an khi chấp nhận sự thật, khi đón
nhận sự thật bằng thái độ hiểu biết của lý trí. Chấp nhận biến cố vừa xảy đến
chính là hành động của nghị lực, và nhận thức trưởng thành về tâm lý.
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LO ÂU [4]
Đau khổ đem đến cho con
người những cảm giác buồn phiền, sợ hãi đôi khi không lối thoát. Tuy nhiên mức
độ lo lắng không phải ai cũng giống ai, nhưng nói chung, nó có thể khiến mất
ăn, mất ngủ và ảnh hưởng đến mọi lãnh vực trong sinh hoạt cuộc sống.
Nhưng với cái nhìn tích cực,
lo âu mang giá trị như một lời nhắc nhở vừa có tính cách vật lý, vừa có tính
cách tâm lý. Nó nói với chúng ta rằng có cái gì đó không ổn mà mình cần phải
hành động một cách sáng suốt. Theo tâm lý ứng dụng và trị liệu, sau đây là 5 bước
để giúp đương đầu với những khó khăn, sợ hãi, buồn bực, hoặc thất vọng:
1. Challenge Anxious Thoughts (Thách thức những tư tưởng lo âu)
Kinh nghiệm cho thấy, đứng
trước những lo âu chúng ta thường bị tấn công bằng những tư tưởng tiêu cực và
vô lý. Trong trường hợp này, phải nghĩ đến những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra,
và đưa ra những cách giải quyết để kịp thời phản ứng. Hành động này sẽ trở
thành một tập quán ứng xử trong các tình huống tồi tệ nhất, thay vì phủ nhận hoặc
chối bỏ.
Để chống lại những tư tưởng
bi quan, lo lắng là phải thực tế nghĩ đến chúng, thách thức chúng khi chúng xuất
hiện trong đầu óc. Điều này sẽ phá vỡ lối suy nghĩ tiêu cực. Hãy tự hỏi mình:
Đây có phải là sự sợ hãi vô căn cứ không? Nếu là đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra
sau đó? Biết được như vậy, chúng ta sẽ có thái độ bình tĩnh và tự tin khi giải
quyết.
2.
Recognize Your Negative Thinking Patterns (Chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực)
Thực tế rất khó để thách
thức những suy nghĩ tiêu cực nếu không nhận ra chúng. Chúng không rõ ràng chỉ
là sai hay đúng, đen hay trắng, hoặc có thể hay không có thể. Đôi khi chúng xuất
hiện như những bóng đen phủ trên bề mặt cuộc đời. Trong những trường hợp ấy, lo
âu sẽ có thể đem lại những hậu quả tiêu cực và giản bớt những điều tích cực.
Hãy cố gắng thừa nhận thực
tế khi cảm thấy một điều xấu xa nhất đang sắp xảy ra. Tiếp tục thách thức với
lo âu, và nói với chính mình rằng tôi có thể vượt qua một cách thành công. Bất
cứ điều gì khiến phải lo lắng, nếu nó được đánh giá, phân tích, hoặc không quá
bi quan đặt nặng vấn đề đều có thể có khả năng đem lại cơ hội chiến thắng nỗi sợ
hãi đó. Tóm lại, để tìm ra những nguyên nhân đang làm ảnh hưởng cuộc sống,
chúng ta phải bình tĩnh thừa nhận những suy nghĩ tiêu cực khi có những điều bất
lợi hoặc phiền não xảy ra.
3. Cultivate An
Optimistic Outlook (Tập cái nhìn tích cực)
Lo âu thường hướng dẫn
suy nghĩ của chúng ta chú tâm vào những tình huống nhỏ nhoi. Suy nghĩ một cách
tích cực cũng hành động giống vậy. Để thay đổi diễn tiến về suy nghĩ này, cần
chú tâm vào những điểm nhỏ mọn đó, những thời khắc đặc biệt gây ra sự căng thẳng
và rút ra những gì tốt có thể đến từ đó.
Chấp nhận một tình huống
trên quan điểm riêng mình, cũng có nghĩa là phải nhận ra nó trong bối cảnh tổng
thể của cuộc đời. Sự căng thẳng này, hoặc sự lo lắng kia không kiểm soát cuộc đời
bạn vì cuộc đời bạn lớn hơn bất cứ những điều nhỏ nhoi mà nó sẽ xảy ra. Điều
này giúp hoặch định tốt hơn những gì cần để trực diện với những tình huống xấu
trước mắt, biến đổi cảm xúc vô vọng thành một cái gì đó mà mình có thể kiểm
soát được. Nó cũng cho phép nhận ra những tình trạng như thế để cảm giác vô vọng
biến thành một cái gì có thể thay đổi, thay vì ném chúng ta vào bế tắc, vô vọng,
và qụy ngã.
4. Take Time for Yourself
(Dành thời giờ cho bạn)
Não bộ cũng cần những khoảnh
khắc thư dãn. Khi thường xuyên giải quyết những lo âu, chúng ta cần một chỗ
tĩnh lặng để giúp mình trốn thoát một cách tâm lý. Đọc sách, đi bộ, yoga, suy
niệm (thiền) tất cả cho phép tâm trí những giây phút rong chơi mà không phải lo
lắng.
Thư dãn và giải trí là
chìa khóa để đạt mục đích cho một đời sống đầy đủ và quân bình. Cuộc nghỉ ngơi
tâm thần này không phải là thứ mà chúng ta cần có một hay vài tuần mỗi năm. Đối
với lợi ích đầy đủ từ một cuộc thư giãn tinh thần, phải có nó trong lịch sinh
hoạt hàng ngày cũng như hàng tuần của mình. Mỗi ngày nên có ít phút riêng tư
cho chính mình, và mỗi tuần cũng phải dành ít phút như vậy để thư giãn và nghỉ
ngơi cho tâm hồn. Đây cũng là một hình thức tâm linh trị liệu: “Hãy tìm nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mark 6:31)
Nghỉ ngơi hay thư dãn
tinh thần có thể là cái gì xa xỷ và không cần thiết đối với những người bận bịu
với những lịch trình sinh hoạt dầy đặc. Tuy nhiên, dù chỉ là một thời khắc thư
giãn để nghe một bản nhạc, tập yoga, ngồi thiền, suy niệm cũng có thể khiến đầu
óc ra khỏi những suy nghĩ bận rộn. Nó sẽ chặn đứng những lo lắng không cần thiết
để thăng hoa giá trị cuộc sống. Giảm thiểu căng thẳng trong đời sống là sống một
lối sống lành mạnh.
5. Create An Anti-Anxiety Toolbox (Bảng kiểm
tra chống lo âu)
Cách tốt nhất để đương đầu
với những lo âu, buồn phiền khi không có phương tiện gặp một bác sỹ tâm lý, bác
sỹ tâm thần, hoặc uống thuốc tâm thần là tự kiểm soát chúng. Sau đây là Bảng kiểm
soát có thể giúp kiểm điểm tâm lý và thái độ mỗi khi gặp lo âu hoặc thử
thách:
a-Đặt vấn đề.
Khi nhận thấy mình trong tình trạng bất ổn, lo âu, hoặc sợ hãi, hãy đặt ra một
số câu hỏi để giúp mình vượt qua. Thí dụ: Điều gì đang xảy ra với tôi đây? Nó ảnh
hưởng đến tôi như thế nào? Tôi có thể vượt qua nó được không? Đâu là câu trả lời
thực tế cho tôi trong trường hợp này? Có những tình huống xấu nhất như vậy đã xảy
ra trước đây chưa? Và tôi đã làm gì để thắng vượt chúng?
b-Hành động.
Khi thấy mình rơi vào những lo âu, tôi đã hành động thế nào? Cầu nguyện, uống
thuốc, đi dạo, nghỉ ngơi, hoặc nói chuyện, chia sẻ với bạn bè thân quen. Một
cách đơn giản khác nữa như viết nhật ký, nghe nhạc, vẽ hoặc dùng những câu danh
ngôn tích cực để tự khích lệ mình. Thí dụ, “Sông có khúc, đời người có lúc.”
“Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai.” (Phan Bội Châu).
Trong Thánh Kinh, Đức Giêsu cũng đã dạy: “Ngày mai để mai lo. Sự khó ngày nào đủ
cho ngày nấy.” (Mt 6:34)
c-Giữ gìn sức khỏe.
Kiểm soát sức khỏe thể lý. Khi cơ thể cảm thấy khó chịu như tim đập loạn nhịp,
khó thở, tiêu hóa không đều, tê chân hoặc tay... Trong những trường hợp này,
tôi có dùng thuốc hoặc những phương pháp trị liệu thể lý cũng như tâm lý không?
Ăn uống điều độ, tập thể dục thường ngày, ngủ nghỉ đầy đủ, và tất cả những gì cần
cho sức khỏe như thế nào? Sức khỏe tâm lý ảnh hưởng sức khỏe thể lý cũng như sức
khỏe thể lý ảnh hưởng sức khỏe tâm lý. Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác
tráng kiện (mens sana in corpore sano).
LY CHANH ĐƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI
Bất hạnh trong cuộc đời
là điều không ai muốn xảy ra, nhưng nó lại là một thực tế luôn gắn liền với kiếp
người. Như vậy chẳng lẽ chúng ta đành bó tay nhìn đời mình đi vào những ngõ cụt
tăm tối? Để đối phó với những tình trạng như thế, điều cần thiết nhất là phải
tìm ra sứ điệp của những bất hạnh ấy. Chúng muốn nói với mình điều gì. Nếu
không mạnh dạn “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, thì ít nhất “khi đời cho ta một
trái chanh, hãy dùng nó để vắt lấy một ly chanh đường.” [5]
_________
1. Chữ nhàn. Nguyễn Công
Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1983.
2. Lòng dục vọng của con
người.
3. https://www.psycom.net
› depression.central.grief.html
4.
https://www.intrepidmentalhealth.com › blog › 5-ways-…
5. "When life gives
you lemons". Theidioms.com. The Idioms. Retrieved June 16, 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét