ĐƯỢC
GỌI CHO MỘT
MỤC ĐÍCH
Fri,
04/02/2022 - Lm Minh Anh
“Thiên Chúa đem con người
đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”.
Thomas Carlyle nói, “Sống
không có mục đích, con người như con tàu không bánh lái; một vật trôi dạt, vô dụng.
Hãy có một mục đích sống!Và khi có nó, hãy dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp
vào công việc Chúa muốn nơi bạn!”. Đồng tình với Thomas Carlyle, một nhà sản xuất
phim nói, “Nếu chúng ta có trách nhiệm đối với ngân sách được Thiên Chúa trao,
Ngài sẽ mở cửa. Đừng quên, bạn ‘được gọi cho một mục đích!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Được gọi cho một mục
đích’, cũng là chủ đề của Lời Chúa mồng 3 Tết, ngày Thánh Hoá Công Việc. Các
bài đọc cho biết, nhân vật chính của câu chuyện lớn trong Thánh Kinh là ai,
Ngài làm gì, muốn gì? Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và con người;
Ngài muốn con người tiếp tục công trình của Ngài, nó ‘được gọi cho một mục
đích’, để “trồng tỉa và coi sóc vườn”.
Bài đọc Sáng Thế tiết lộ,
khởi đầu của vũ trụ không là một tai nạn ngẫu nhiên, mà là kết quả từ ý muốn
yêu thương và mục đích của Đấng Tạo Thành. Sau khi hoàn tất mọi sự trong năm
ngày;ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng con người. Ngài hình thành nó từ bụi đất.
Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất, tượng trưng cho một
thứ gì đó ít giá trị, thấp kém và mọn hèn.Nhưng Thiên Chúa thở vào lỗ mũi con
người; với hơi thởsự sống thần thánh này, con người đã trở thành một thực thể sống,
như các dạng sống của các tạo vật khác. Tuy nhiên, chỉ con người mới được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài đặt vào hơi thở của Ngài, Thánh Linh của
Ngài trong nó. Như vậy, khi hít thở một chút hơi thở của chính Thiên Chúa, con
người được chia sẻ quyền thống trị vạn vật với Ngài. Và “Thiên Chúa đem con người
đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Rõ ràng, nó ‘được gọi
cho một mục đích!’.
Mục đích của Thiên Chúa
thật rõ, “Để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. “Vườn” ở đây là “ngôi nhà chung”,
theo ngôn ngữ của Đức Phanxicô, mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm
sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, một con người ‘được gọi cho một mục
đích’, trong bài đọc thứ hai hôm nay, đã nêu gương cho tín hữu Êphêsô, “Những
gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.
Tôi luôn tỏ cho anh em thấy, phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng
vất vả như thế”.
Với bài Tin Mừng, những
nén bạc được trao, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên,
họ đã mạo hiểm, nên đã nhân đôi những gì đã lãnh nhận. Họ được ca ngợi vì cam kết
của họ đối với Ông Chủvà đối với Vương Quốc Ngài. Trước hết, họ nhìn những ân
ban đã lãnh nhận trong sự ngạc nhiên; cuộc sống, sức khỏe, đức tin, tài năng và
đặc biệt, những con người đã lấp đầy và làm nên cuộc sốngcủa họ. Họ không ngừng
tạ ơn vì những gì đã lãnh nhận; chính việc tạ ơn bảo vệ họ, giúp họ phát triển
mối quan hệ đáng yêu này ngày một hơn với Thiên Chúa, Đấng ban tặng. Đầy tớ thứ
ba, vì sợ Chủ, nên đã đánh mất tài năng anh có.Một khi những món quà của Chúa
không được sử dụng, thì sự tốt lành của Ngài lập tức, bị nghi ngờ.Anh quên, anh
‘được gọi cho một mục đích’.
Anh Chị em,
Chúng ta được dựng nên,được
đặt vào trái đất; nghĩa là ‘được gọi cho một mục đích’ thật rõ ràng, “để trồng
tỉa và coi sóc vườn”. Hạnh phúc thay khi chúng ta được chia sẻ quyền làm chủ vạn
vật với Thiên Chúa; như thế, lao động là cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng
tạo. Vì thế, hãy ‘cuốc những nhát cuốc’ trong Năm Mới này với tâm thức của một
nhà khảo cổ; đừng ‘cuốc’với tâm thức của một tù nhân ! Nhưng mục đích đó chỉ đạt
được,khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hành với
mình. Hãy dành cho Ngài một chỗ trong các công việc; hãy biến lao động của mình
thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm đầy can đảm như người đã
nhận năm nén và hai nén.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con
dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần những gì Chúa trao; nhờ đó,
anh chị em con được hưởng nhờ, Vương Quốc Chúa được mở rộng. Vì con “được gọi
cho một mục đích’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
TIẾNG THÌ
THẦM BÊN TRONG
“Vua không được phép chiếm
lấy vợ anh mình!”.
Nói đến lương tâm, Sidney
J. Harris có một nhận định khá sâu sắc, “Một khi chúng ta trấn an lương tâm bằng
cách gọi điều gì đó là “điều xấu cần thiết”, nó bắt đầu trông ngày càng ‘cần
thiết’ hơn, và ngày càng ‘ít ác’ hơn. Thật hiểm nghèo, bạn đã dập tắt ‘tiếng
thì thầm bên trong!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay văng vẳng
‘tiếng thì thầm bên trong’nơi hai con người. Đavít, sau khi phạm tội, nhờ
Nathan, đã nghe được tiếng ấy; Hêrôđê thì không, dù rất chiến đấu, ông thua cuộc.
Kết quả là gì? Máu một vị thánh đã đổ ra; và Gioan, ngôn sứ cuối cùng trở nên vị
tử đạo đầu tiên!
Bài đọc Huấn Ca khen ngợi
Đavít, một nghệ sĩ tài hoa, kẻ chiến thắng quân thù, và là một minh quân; thế
nhưng, cũng con người này, một đại tội nhân! May thay, nhờ nghe ‘tiếng thì thầm
bên trong’, Đavít tỏ lòng sám hối; nhờ đó, được Chúa xót thương, được thứ tha mọi
tội lỗi. Những mảng đen trong cuộc đời Đavít được bài đọc Huấn Ca hôm nay tóm tắt
trong một câu ngắn gọn, “Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh
của người đến muôn đời”. Và Đavít đã thưa lên, “Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng cứu
độ tôi”, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Tương tự như thế, Tin Mừng
nói đến ‘tiếng thì thầm bên trong’ nơiHêrôđê, “Vua không được phép chiếm lấy vợ
anh mình!”. Và này, một cuộc chiến đã dậy lên trong tâm hồn vị vua đáng thương
này! Ông bị giằng co giữa điều thiện phải theo và điều ác đã làm khi ông biết
Gioan là người thánh thiện và rất kính trọng Gioan; nhưng ông đã trót tống giam
Gioan vì sợ Gioan. Theo sử gia Josephus, Hêrôđê sợ Gioan nổi loạn; vì bấy giờ,
mọi người đang đi theo Gioan.Marcô cho biết, “Nghe ông nói, vua rất phân vân,
nhưng lại vui lòng nghe”. Nhưng cuối cùng, Hêrôđê đã thất bại ! Tại sao? Nhục dục
nơi con người này đã khiến ông mù loà; sĩ diện của ông quá lớn khi không dám
rút lại một lời hứa nông nổivới một cô bé trước mặt bá quan. Satan, kẻ đứng sau
tất cả những vọng động này,đã khiến Hêrôđê bịt tai trước ‘lời thì thầm bên
trong’; nó gieo hận thù nơi một phụ nữ, gieo phù phiếm nơi một cô gái và gieo
thối nát trong lòng một vị vua. Kết quả, Gioan bị chém đầu trong một nhà giam tối
tăm, vì ý thích của một vũ công vô tích sự, lòng căm thù của một phụ nữ nham hiểm
và sự đồi bại của một ông vua thiếu quyết đoán.
Vậy mà, ‘tiếng thì thầm
bên trong’ nào để Hêrôđê yên ! Như nhiều người thắc mắc về Chúa Giêsu, ông cũng
phân vân về Ngài, “Đó chính là Gioan, trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Tiếng
lương tâm mách cho Hêrôđê biết, tội giết người luôn rọi vào hiện tại của ông
như một ký ức đầy ám ảnh. Ai từ chối tiếng Thiên Chúa, quay lưng với lương tâm,
cuối cùng, vẫn là người bất an nhất trần gian; cho dù họ quyền lực, giàu có,
thông minh hoặc sở hữu những khả năng tuyệt vời. Bởi lẽ, khi điều thiện thực sự
xuất hiện trong cuộc sống, họ coi nó như một mối đe dọa; vì nó lên án họ và xa
lánh họ. Nhưng đó chính là sức mạnh của lương tâm, tiếng nói của luật Thiên
Chúa; nó cho biết điều gì đúng, điều gì sai và chúng ta nên làm theo ý của Chúa
như thế nào. Thánh John Henry Newman gọi lương tâm là “Vị Đại Diện của Chúa
Kitô” trong linh hồn.
Anh Chị em,
Đừng dập tắt ‘tiếng thì
thầm bên trong!’. Ân sủng của Thiên Chúa qua đi, không bao giờ trở lại. Tuy
nhiên, trong tất cả chúng ta, ngay cả những kẻ ác, lòng tốt luôn luôn có đủ để
mỗi người được cứu, đủ để Thiên Chúa có thể ban cho lẽ thật về sự cứu rỗi trong
chừng mực tự do của chúng ta cho phép. Ân huệ ấy chỉ tồn tại trong một thời
gian, không phải là mãi mãi. Những khoảnh khắc này không thể được coi là những
khoảnh khắc tạm thời xoa dịu lương tâm, để chúng ta tiếp tục phạm tội và phản
kháng chống lại một lối sống thánh khiết. Bạn không thể đùa giỡn với Chúa và
giành chiến thắng ! Hêrôđê thua cuộc và phản kháng những gì ông biết ông nên
làm. Thảm kịch này dạy chúng ta phải thành tâm và đừng bao giờ giam cầm tiếng
Chúa trong tâm hồn; trái lại, hãy để ‘tiếng thì thầm bên trong’ lên tiếng. Hãy
sử dụng tự do để đáp lại tiếng nói của Chúa, tiếng ấy sẽ phá bỏ xiềng xích đang
trói buộc chúng ta trong đêm trường.
Chúng ta có
thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ước cuộc sống con luôn nở hoa
thánh thiện; nhưng nếu phải lầm lỡ ngã sa, cho con biết khiêm hạ, mở lòng mình,
làm theo những gì ‘tiếng thì thầm bên trong’ nhắc bảo!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét