Oct 21 , 2018 - Chúa nhật 29 thường niên năm
Kitô hữu đích thực
Kitô hữu đích thực
Các Bạn thân mến,
Chúng ta biết trong một
gia đình, một tổ chức, một đoàn thể, một cơ quan, một xã hội, một nước, một tôn
giáo nào… cũng phải có biện pháp, luật lệ để bảo vệ cho các thành viên được sống
ấm no hạnh phúc. Vì thế phải có những người làm những công việc ấy, gọi là“chức”như chức trưởng gia đình, đòan
trưởng, hội trưởng, hiệu trưởng, giám đốc, quận trưởng, tỉnh trưởng, thủ tướng,
tổng thống, giáo trưởng…Và chúng ta thường hiểu:
a) Chức:
- chức
phận là bổn phận về chức vụ;
- chức
vụ là việc trong chức phận phải làm, là trách nhiệm;
- chức
quyền là cái quyền lực trong chức vị mình-là chức vị và quyền thế.
b) Quyền:
- là quyền lợi,
- quyền
bính, là quyền thế nắm trong tay,
- quyền
lực là cái sức có thể cưỡng chế khiến người khác phải phục tùng mình,
- quyền
thế là quyền bính và thế lực.
Với cuộc sống trần gian
thì những chức vụ, chức quyền ấy do con người bình chọn qua sự tuyển lựa trên
cơ sở tài đức, và kinh nghiệm. Nhưng vì ngay từ khi biết tham gia sinh hoạt với
người thứ hai, con người đã biết tranh chấp nhau, muốn chiến thắng, nghĩa là
luôn có khuynh hướng làm chủ, muốn nắm quyền hành, chức vụ…
Thật vậy, não trạng
thống trị dường như thường trực trong đầu óc của mỗi người thuộc mọi độ tuổi,
mọi giai cấp, mọi lãnh vực, mọi thời đại. Nên người ta luôn tìm cách thực hiện
ý muốn chiếm địa vị, chức vụ để có quyền hành cao nhất, hay nhì, ba; được đứng,
ngồi những nơi cao, chỗ đặc biệt quan trọng, chính giữa hay bên hữu, bên tả
người có quyền thế, vai vế, nhằm thỏa mãn danh vọng, chức tước, quyến
lợi, để làm theo ý mình, đòi buộc người khác phục vụ mình mà không quan tâm đến
quyền lợi của họ.
Các môn đệ của Đức
Giesu cũng không ngoại lệ, các ông cũng bị thu hút vào thói đời, tính xác
thịt này. Hôm nay chúng ta được biết về một Giacobe cùng một Gioan như thế, họ ước
mong có được một cái ghế cao nhất, hơn hẳn các bạn để có quyền lợi, uy thế
trước mặt Đức Giesu cũng như mọi người, và để được phục vụ.
Dù bao nhiêu năm theo
Thầy Giesu, được học nhiều bài học về sự khiêm tốn, sự vô tư phục vụ, nhưng các
ông vẫn chưa thấm nhuần, vẫn nghĩ rằng phải chiếm được chỗ ngồi bên cạnh mới là
người thân cận gần gũi với Thầy của mình. Còn Đức Giesu lại khác, Ngài muốn
những người thân cận của Ngài phải là người có tinh thần thương yêu phục vụ mọi
người đến quên mình, chứ không phải lợi dụng quyền thế để thống trị.
Đây là câu chuyện vạch
rõ cho chúng ta thấy được nhiều điều:
1. Về Thánh Mac co:
- Tin Mừng Mattheu
cũng kể về câu chuyện này, nhưng lời yêu cầu không do Giacobe và Gioan đích
thân nêu ra, mà do bà mẹ của hai ông đề đạt với Đức Giesu.
- Có giải thích cho
rằng có lẽ Mattheu cũng cảm thấy rằng lời yêu như thế không xứng đáng với một
môn đệ, nên đã gán nó cho tham vọng tự nhiên của một người mẹ.
- Còn Macco thì
thành thật kể lại câu chuyện này với đích thân Giacobe và Gioan yêu cầu với Đức
Giesu.
- Macco muốn cho
chúng ta thấy rằng các môn đệ cùng thời ông, tuy được sống bên cạnh Đức Giesu,
được trực tiếp Ngài dạy dỗ, được thấy mọi việc Thầy làm…nhưng các ông vẫn chưa
phải, không phải là thánh, vẫn là người như mọi người, với đầy đủ tham sân si
như con người trần gian.
- Nhưng Đức Giesu vẫn
dùng những con người bình thường như thế, để biến đổi họ, hầu họ làm thay đổi
cả thế giới.
- Đấy là điều để
chúng ta an tâm, noi theo và thêm tin tưởng nơi quyền năng của Thiên Chúa. Mà
không ngại ngùng với thân phận yếu đuối của mình cũng không ngạc nhiên, bất mãn
trước những sai phạm của người khác.
2. Lời yêu cầu:
- Giacobe và Gioan
đến gần Đức Giesu và nói:"Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên
hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."
- Lời yêu cầu
chứng tỏ hai ông có nhiều tham vọng và chủ quan, vì đã được thân cận với Đức
Giesu; bởi nhiều lần Ngài từng biệt riêng họ ra trong đòan môn đệ; có thể
họ cũng đã có một chỗ đứng quan trọng hơn các môn đệ kia; thân phụ lại giầu có
nên họ nghĩ rằng ưu thế cá nhân và địa vị xã hội có thể giúp họ chiếm được vị
trí hàng đầu, nên yêu cầu công khai, thiếu tế nhị.
- Để lộ cho thấy họ
là những con người, từ nơi sâu kín của tâm lòng, có tham vọng chiếm giữ vị trí
hàng đầu trong vương quốc Đức Giesu.
- Còn cho thấy hai
ông dù nhiều lần được thân cận riêng nhưng họ hoàn toàn chưa hiểu Đức Giesu.
- Lời yêu cầu được
đưa ra lại gần như trùng hợp với thời gian Đưc Giesu tuyên bố dứt khoát và báo
trước chi tiết về việc chịu nạn và về cái chết của Ngài.
- Thật bàng hoàng
và đáng buồn cho Đức Giesu! Bởi với bao nhiêu lời lẽ Ngài đã dạy cũng chưa gọt
rửa được ý niệm về một Đấng Mesia quyền thế vinh hiển trần gian, đã ẩn qúa sâu
trong tâm trí hai ông, và có lẽ trong nhiều môn đệ khác nữa.
- Tuy
nhiên, sau tất cả những buồn phiền, bất bình về Giacobe và Gioan
thì câu chuyện cho chúng ta thấy một điểm sáng chói nơi hai ông là dù đang bối
rối, bị từ chối, bị các bạn chỉ trích, họ vẫn tin vào Đức Giesu.
- Vẫn gắn liền
vinh quang với Ngài, người thợ mộc nghèo nàn, bị các nhà lãnh đạo Chính thống
giáo thù ghét, chống đối kịch liệt và đang tiến đến chỗ phải chết nhục nhã.
- Đây là một lòng
tin cậy, tận trung đáng cho mọi người noi theo.
- Lời yêu cầu đã
làm hai ông phạm lỗi, nhưng tâm lòng của họ vẫn bền vững, nằm đúng vị trí họ đã
có.
- Họ vẫn sẵn sàng
theo Đức Giesu, không hoài nghi gì về chiến thắng khải hoàn của Ngài.
- Can đảm, mạnh
dạn chấp nhận lời thách thức của Thầy mình dù chưa hề hay biết gì về những cam
go đó.
- Thật vậy, những
ngày tháng sau đấy, trải qua kinh nghiệm của Thầy mình, Giacobe đã bị chém đầu;
Gioan tuy không tử đạo nhưng ông đã chịu nhiều khổ nạn vì Đức Giesu.
3. Tiêu chuẩn vĩ đại của Đức
Giesu:
- Gicobe và Gioan
đến xin Đức Giesu cho mình ngồi bên hữu và bên tả của Ngài, tức là họ muốn xin
quyền cai trị, là quyền tự trên áp xuống. Người nắm quyền bính thống trị này là
kẻ trên, còn những người dưới quyền mình là kẻ thấp, kẻ dưới, có bổn phận làm
theo ý kẻ trên họ, không theo sẽ bị trừng phạt.
- Tuy nhiên
Đức Giesu từ chối lời cầu xin ấy, vì với Ngài, người nắm quyền bính không được coi
mình là kẻ trên, và người thuộc quyền cũng không phải là kẻ dưới, nhưng đứng
cạnh nhau để giúp đỡ, nhắm đến ích lợi chung và ích lợi của người mình muốn giúp
đỡ. Loại quyền bính này được dùng để phục vụ.
- Ngài phân
biệt về cách cư xử của những người làm lớn trong nước trần gian và nước Thiên
Chúa:
. Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân, bắt dân
phải phục vụ mình.
. Trong nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì
càng phải phục vụ nhiều.
- Ngài đã dạy
hai môn đệ này cũng như mọi người rằng nếu không chấp nhận thập gía, không phục
vụ vì yêu thương, thì sẽ chẳng bao giờ có được mão triều thiên, chẳng bao
giờ có được địa vị lớn.
- Bởi tiêu chuẩn
cao trọng
trong Nước Trời là tiêu chuẩn
của thập gía, của phục vụ.
- Sẵn sàng bằng
lòng trải qua kinh nghiệm khủng khiếp mà Đức Giesu đã phải trải qua.
- Can đảm
đương đầu với sự thù ghét, sự đau khổ, và cái chết muốn nhấn chìm cả con người
mình.
- Như Giacobe và
Gioan, dù có tham vọng, yêu cầu quyền hành cao, nhưng các ông đã quyết tâm bước
theo Thầy của mình để cùng uống chén đắng và chịu phép rửa như
Ngài.
- Hiển nhiên đây không phải là chuyện dễ chấp
nhận, dễ thực hành, vì nó đảo ngược lại với tâm lý con người, với thói thường nhân
gian. Nhưng với lòng thành, sự quyết tâm theo Chúa, và lòng tin cậy nơi Ngài,
chúng ta sẽ từng bước theo được tiêu chuẩn của Ngài.
4. Mọi việc thuộc về
Thiên Chúa:
- Đức Giesu nêu rõ:"Chén Thầy uống,
anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên
hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn
cho ai thì kẻ ấy được."
- Cho
hay số phận tối hậu của một người là do quyền năng của Thiên Chúa định đọat,
Đức Giesu luôn tôn trọng và thuần phục ý Chúa Cha.
- Điều không thể
tránh được là hành động của Gicobe và Gioan đã làm các môn đệ kia tức giận. Vì
họ nghi hai ông đã cố giành bước trước, để chiếm ưu thế hơn họ. Lập tức vấn đề
tranh cãi nổi lên nghiêm trọng, dữ dội giữa các ông.
- Thấy vậy, Đức
Giesu vạch ra cho thấy tiêu chuẩn về sự cao trọng trong Nước Trời, đi
ngược lại tất cả tiêu chuẩn của trần gian, đó là sự phục vụ:"Ai muốn làm
lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì
phải làm đầy tớ mọi người."
- Cách thử nghiệm
là: chúng ta có thể phục vụ tới mức độ nào?
- Đây không phải
là tình trạng lý tưởng về cách đối xử ở đời, mà chỉ là một lẽ thường tình hợp
lý, là nguyên tắc căn bản đầu tiên của cách sống hằng ngày ở đời.
- Tuy nhiên cái
rắc rối trong tâm trạng con người là ai cũng muốn làm ít nhất, nhẹ nhàng nhất,
mà lại muốn được hưởng lợi nhiều nhất.
- Nên đã có lời
khuyên:" Chỉ khi nào người ta muốn đầu tư vào cuộc sống nhiều mà chỉ
lấy ra ít, thì đời sống mới phong phú và hạnh phúc cho chính họ và cho tha nhân."
- Gia đình, xã
hội, giáo hội cũng như thế giới, đang cần những con người thực hiện lý tưởng phục
vụ như lời Đức Giesu dạy ở đây.
- Chúng ta hãy nghe
theo lời dạy và noi gương Ngài, vì với quyền năng sẵn có, nhưng Ngài đã không
dùng, mà xử dụng chính bản thân để phục vụ mọi người với chủ đích:"Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng
sống làm gía chuộc muôn dân."
- Và hẳn Ngài không mong ước gì hơn là mọi người hiểu được như vậy để
kiên trì rèn luyện hầu trở nên người Kito Hữu đích thực.
Lạy Chúa, chúng con ai cũng ham muốn có chút địa vị, chức quyền,
để tự thỏa mãn, cùng để dễ dàng làm việc, phục vụ hơn. Nên dù đang ở độ tuổi
nào, vị trí nào, thời điểm nào, xin hãy mở rộng tâm lòng chúng con, và cho chúng
con luôn nhớ lời Ngài dạy là trách nhiệm càng cao, càng phải khiêm tốn phục vụ
nhiều hơn.
Cùng xin cho các vị lãnh đạo trong Giáo hội ý thức được sứ điệp
Tin Mừng của Ngài hôm nay, đã được Thánh Marco nhắc nhở các vị phải luôn là
người đầu tiên uống chén đắng đau khổ, hy sinh, nhịn nhục để phục vụ nhu cầu
của mọi tín hữu, bất cứ nhu cầu nào họ nhận thấy và bất cứ trong hoàn cảnh nào
họ nhận ra. Hầu phục vụ thiết thực việc truyền bá Tin Mừng, mau lan rộng nhanh
chóng đến muôn dân muôn nước trên toàn cầu. Vì Đức Giesu, Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét