Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Oct 7, 2018 - Chúa nhật 27 thường niên năm B


 Một  vợ  một  chồng!



Các Bạn thân mến,
Những ai đã sống trong bậc gia đình lâu năm hẳn thấy việc tôn trọng và chung thủy với nhau suốt cả cuộc đời thật là quá sức khó khăn, quá sức chịu đựng, nên nhiều khi ngã lên ngã xuống, chết đi sống lại…không biết bao nhiêu lần với nửa thân xác kia của mình!
Nên hằng năm Giáo Hội đã có nhiều dịp khuyên bảo, nhắc nhở, an ủi, động viên chúng ta sống an hòa, trung thành với bạn đời. Tuần này Giáo Hội cho nghe lại bài Tin Mừng nổi tiếng của Đức Giesu nói về sự chung thủy trong đời sống vợ chồng. Qua đó còn như nhắc nhở chúng ta cần phải chung thủy với tình yêu của Thiên Chúa nữa.
Đây là dịp để những ai đã lập gia đình nhắc nhở mình mục đích của sự hy sinh chịu đựng nhau trong tình nghĩa vợ chồng mà tiếp tục sống với nhau. Cũng như những ai chưa lập gia đình, nên tìm hiểu cặn kẽ, tường tận và chuẩn bị cho những ngày tháng sẽ như dài vô tận, nếu thiếu niềm tin, hầu đảm bảo sự chung thủy bậc gia đình theo luật Chúa khi thành hôn.
 Tin Mừng thánh Macco ghi rõ ràng:"Có mấy người Pharisieu đến gần Đức Giesu và hỏi rằng:"Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?"
Đức Giesu thường gặp những câu hỏi khúc mắc như thế do những người am hiểu luật pháp đạo đời thuộc nhóm Pharisieu, biệt phái, tư tế hay rabi đặt ra, trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Ngài.
Nhưng đây là một trong những câu hỏi có nhiều ẩn ý, nhiều động cơ nhất: có thể để thử Ngài về phương diện giáo lý Chính Thống, có thể để Ngài tự mâu thuẫn với mình, có thể dể Ngài sẽ gặp rắc rối, có thể để đẩy Ngài vào chỗ thù nghịch với vua Herode, là người đã ly dị vợ để cưới người khác, có thể xem phản ứng Ngài trước luật lệ của Mose hầu tố cáo Ngài là tà giáo, và cũng có thể họ thật lòng muốn biết ý kiến của Ngài.
Bởi ly dị luôn là một vấn đề nóng bỏng, dù nó đã xuất hiện từ rất lâu cùng với con người, trong lãnh vực tình yêu vợ chồng.
Về lý thuyết, không có gì cao hơn lý tưởng của hôn nhân trong Do Thái giáo. Sự trinh tiết được xem như đức hạnh quan trọng nhất, hơn mọi đức hạnh. Lý tưởng đã nằm sẵn ở đó nhưng thực tế lại hụt hẫng quá xa!
Điểm cơ bản làm xáo trộn mọi sự ở đây là theo luật Do Thái thì phụ nữ bị xem như một đồ vật, không có quyền lợi pháp định, hoàn toàn bị đặt dưới quyền xử dụng của người đàn ông làm chủ gia đình. Hậu qủa là người đàn ông có quá nhiều quyền để ly dị vợ mình với bất cứ lý do gì, không cần ý kiến của người vợ; trong khi người phụ nữ có rất ít lý do để được phép bỏ chồng. Phụ nữ chỉ được phép ly dị khi chồng mắc bệnh phong, khi chồng xâm phạm tiết hạnh một trinh nữ, khi chồng cáo gian vợ phạm tội trước khi kết hôn với nhau, cùng lắm người vợ chỉ có thể xin chồng ly dị mình!
Do vấn đề then chốt là việc họ giải thích luật pháp ly dị theo sách Thứ Luật qui định:"Người đàn ông có thể ly dị vợ nếu thấy nơi nàng một xấu hổ".
Thế là người Do Thái tha hồ mà phân tích, giải thích thế nào là“xấu hổ” theo trường phái riêng của họ. Hậu qủa các lý do để ly dị đôi khi rất nhỏ nhặt, hoặc chẳng có lý do nào cả lại là chuyện phổ biến tai hại. Sự việc cứ tiếp diễn như thế cho đến thời Đừc Giesu, phụ nữ thường ngại không muốn lập gia đình nữa, vì hôn nhân quá bấp bênh.
Nhưng hôm nay Đức Giesu đã quan tâm đến vấn đề nóng bỏng, bức xúc này, không chỉ của riêng phụ nữ, mà còn của cả xã hội, cũng như vãn hồi địa vị thích đáng phải dành cho hôn nhân chính đáng.

  1. Luật của Mose:
-  Khi được hỏi, Đức Giesu không trả lời ngay, mà Ngài hỏi ngược lại:"Thế ông Mose đã truyền dạy các ông những gì?"
-  Họ đáp:" Ông Mose cho phép viết giấy mà ly dị vợ."
-  Đức Giesu phân tích: sở dĩ Mose đã qui định như vậy:"Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mose mới viết điều răn đó cho các ông."
-  Ngài vạch cho thấy nguồn gốc của ly hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu xa của con người mà ra.
-  Nghĩa là có qui định như thế vì đó là điều tốt đẹp nhất người ta có thể trông mong nơi dân mà ông đã ban bộ luật pháp cho.
-  Cũng có nghĩa là qui định như thế vì Mose muốn cố gắng kiểm soát tình hình lúc bấy giờ đã thoái hóa trầm trọng.
-  Nó cũng như là một nỗ lực nhằm kiểm soát việc ly dị vợ, đưa nó vào trong phạm vi một thứ luật lệ, khiến việc ly dị vợ gặp nhiều khó khăn hơn, chứ thật ra không hề có chuyện cho phép người đàn ông ly di vợ.
 -  Đức Giesu đã cho thấy rõ Ngài chỉ coi luật đó như một qui định do hòan cảnh, không phải là một sự ràng buộc vĩnh viễn.
-  Cũng như Giáo Hội, trước sau như một, luôn duy trì luật hôn nhân, nhưng do hoàn cảnh xã hội, gia đình, con người, càng ngày càng nhiêu khê, phức tạp, phát sinh xáo trộn, mất bình an, dẫn đến nhiều nguy cơ trầm trọng, có thể thiệt hại cả tinh thần lẫn thể xác, nên đã cho phép ly dị một số trường hợp mà Giáo Hội đích thân cứu xét.
-  Luật hôn nhân một vợ một chồng đã được nhiều quốc gia dân tộc hưởng ứng, và ghi chép vào hiến pháp như một luật lệ cố định.
-  Tuy nhiên cũng có luật ly dị để cởi trói cho cả vợ lẫn chồng trong những trường hợp nghiêm trọng, nhưng luôn có nhiều điều kiện nghiêm khắc kèm theo.
-  Bởi cuộc sống gia đình thực tế đã có những cặp vợ chồng tuy bước đi bên nhau trong đời, nhưng những bước chân đó đã dẫm lên đời nhau nhiều đau thương. Làm cho cuộc sống bất an, thiêu rụi tình yêu, gia đình biến thành địa ngục, cuộc hành trình không trọn vẹn an toàn. 
-  Lịch sử con người đầy rẫy những cuộc chia tay, đổi vợ, phản chồng cách đau thương, tàn nhẫn.
-  Từ thời Mose, người ta đã biết đến ly di, ngay cả vua Davit được Thiên Chúa ban phúc, tràn trề vinh hoa phú qúi, dân chúng tôn kính ái mộ nhưng cũng không tránh khỏi lầm lỗi này.
 -  Vì thế luật Chúa cấm ly dị trở thành một trợ giúp đắc lực cho các cặp vợ chồng biết nhẫn nhục, kiềm chế, tự chủ trước những khó khăn, giống tố, bất hòa để giữ gìn hạnh phúc gia đình, và lành mạnh hóa xã hội. Đó chính là một ơn huệ của bí tích hôn nhân.

2.” Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”:
-   Trả lời câu hỏi của mấy người Pharisieu xong, như để thêm uy quyền, Đức Giesu nêu lại chuyện sáng tạo trời dất như đã ghi trong sách Sáng Kế.
-   Theo quan điểm của Ngài, ngay trong bản chất của sự việc, hôn nhân vốn có tính chất vĩnh viễn, là sự kết hợp bền vững giữa hai người bằng một phương cách mà không bao giờ luật lệ, qui định của con người có thể phá vỡ, cắt đứt được sự ràng buộc ấy.
-    Ngài tin quyết trong cơ cấu của vũ trụ, hôn nhân là một sự kết hợp tuyệt đối vĩnh viễn, bất khả phân ly, chẳng có qui tắc nào của Mose hay con người nhắm vào hoàn cảnh tạm thời lại có thể thay đổi được.
-    Ngài nhắc::"Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."



-   Yếu tính đích thật của đọan Tin Mừng này là Đức Giesu không chỉ muốn nhấn mạnh tình trạng lỏng lẻo của nền đạo đức về hôn nhân và tình dục vào thời đại của Ngài, cần phải được hàn gắn, sửa đổi, và xuyên suốt tất cả các thời đại, đều phải được quan tâm như thế.
-   Bởi hôn nhân cũng là trách nhiệm, một sự liên hợp thuộc linh, không phải chỉ để tìm lạc thú, thỏa mãn đam mê nhất thời.
-  Nên Ngài đã, đang và sẽ mãi mãi xây dựng một thành lũy chung quanh gia đình.
-   Hãy cảm tạ Ngài đã bảo vệ hôn nhân gia đình cho chúng ta, và nhiệt thành cùng Ngài xây dựng, vun xới thành lũy cho gia đình mình.

3. Trẻ thơ:
-   Tin Mừng ghi:"Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giesu, để Ngài chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẳng giọng với chúng."
-   Nghĩa là người ta muốn xin Chúa ban phúc lành cho trẻ em, nhưng lại bị các người thân cận của Chúa cản ngăn.
-   Ngày nay cũng vậy, người ta thường ngăn cấm không cho trẻ em đến những nơi trang nghiêm hay gặp những người quan trọng.
-    Người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ, cho là hạng người còn ở ngoài xã hội; nhiều người chúng ta cũng thế, còn không muốn cho trẻ em đi tham dự thánh lễ vì sợ chúng quấy phá làm mất sự trang nghiêm.
 -    Đức Giesu thì khác, Ngài đã bực mình nói với các môn đệ:"Cứ để trẻ em đến với Thầy, đứng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng."
-   "Rồi Ngài ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng", cử chỉ thân thương như cha mẹ ôm yêu con cái mình, khẳng định quan điểm của Ngài và cho thấy Ngài rất yêu thương trẻ nhỏ.
 -    Tuần trước Đức Giesu đã dạy không được làm cớ cho con trẻ sa ngã; tuần này Ngài lại tuyên bố:"Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”
  Thế mà những bậc làm cha mẹ, khi bị thử thách, khó khăn, chỉ muốn tìm giải pháp thỏa mãn cho riêng mình cách nhanh nhất, dứt khoát nhất, bằng con đường ly dị. Mặc cho số phận của những đứa con còn thơ ngây non trẻ.
 Thật ra nhiều cha mẹ cũng hiểu biết được những bất hạnh sẽ chờ đón con cái mình, nhưng họ đã không đủ can đảm vượt qua, không đủ tình thương để bảo vệ con trẻ, không đủ niềm tin để chiến thắng cám dỗ.  
  Tâm trạng của một đứa trẻ khi cha mẹ ly dị như bị xâu xé, ray rứt, đau đớn, mặc cảm… có thể biến thành thù ghét cha mẹ, nhưng lại thèm tình thương của cha mẹ.
  Thực tế cho thấy phần lớn những trẻ em ấy đã nổi loạn, chống phá mọi người và phá hoại cả cuộc đời của chúng.
 -   Vì thế, với lý luận nào thì những cha mẹ ly hôn cũng phải chịu trách nhiệm về sự ít lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ lớn lao của con trẻ chưa có kinh nghiệm sống, cũng chẳng có gì trong tay! Tệ hơn nữa, càng ngày người ta lại càng ủng hộ việc ly dị.
  Do quan niệm qúa giản dị,"không thể sống chung thì chia tay!", "mình cũng phải có cuộc sống cho riêng mình", nhưng đó là những thiếu sót trầm trọng:
       . ích kỷ: muốn mình được thoải mái, trên cả con cái,
       . phản bội: ly dị là không giữ lời thề hứa, cả với chính lương tâm mình.
       . yếu đuối: nông cạn, gần như nhu nhược, muốn lẩn tránh trách nhiệm.
-Đừng quên rằng trong cuộc sống hôn nhân, ai cũng phải trải qua những cuộc khủng khoảng, những khó khăn nhất thời hoặc lâu dài. Nên phải kiên trì chịu đựng, đừng nóng nảy muốn thoát thân bằng cách ly hôn, ly dị để dứt bỏ nhanh chóng.
 -   Vì thế lập trường của Đức Giesu thật rõ ràng, không thể có ly dị, không có quyền ly dị, không cộng tác thỏa hiệp hay xúi dục ly dị.
 -   Thái độ Ngài ôm trẻ nhỏ vào lòng đã nhắc mọi người nhớ đến những đứa trẻ vô tội cần tình thương bao bọc và phải được hưởng mọi thứ đầy đủ an toàn.
  Đừng lẩn tránh, ruồng bỏ, chia chác, rao bán con cái để tìm cuộc sống riêng cho mình bằng con đường ly dị.
 -   Cũng đừng cản con trẻ đến với Thiên Chúa bằng cách đẩy chúng vào con đường bất mãn, nổi loạn, sa đọa khi cha mẹ chúng đã ly dị.
 -   Tuy nhiên trẻ em ở đây cũng không chỉ được hiểu là do tuổi đời, mà còn được hiểu về sự trẻ trung của tâm hồn, tính cách, niềm tin, một con người hồn nhiên, lành mạnh, trong sáng, không vướng bận điều gì, không tham sân si!
  Ai cũng đã từng có và đã trải qua tuổi thơ ngây trong sáng ấy, nhưng cùng với thời gian, chúng ta đã đánh mất sự hồn nhiên, để thay vào đó những lo toan, ưu phiền, nghi ngờ, tính toán, sợ hãi, thất vọng…
 -   Hãy nhớ, niềm tin làm chúng ta sống an vui, trẻ trung, hy vọng, lạc quan, hăng hái, thân thiện chan hòa với mọi người…
 -   Hoài nghi, bi quan, giận hờn làm chúng ta phiền muộn, lo lắng, bệnh tật, cằn cõi gìa nua…
 -   Nên vẫn có thể tìm được sự hồn nhiên để trở lại như trẻ thơ. Bằng cách lạc quan, chan hòa, mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không phân biệt, không loại bỏ ai.
-   Đừng đánh mất cảm thức của mình về những điều ngạc nhiên như trẻ thơ trước cuộc sống, trước vũ trụ. Bởi ngạc nhiên là trọng tâm mọi lời khẩn nguyện và thờ phụng.
-    Nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy khó cầu nguyện và thờ phượng Chúa, sẽ trở nên mù loà, không nhìn thấy dấu tay Thiên Chúa trong vũ trụ chung quanh, đặc biệt nơi ánh mắt và khuôn mặt của trẻ nhỏ.
-    Hãy nghiêm chỉnh nghe theo lời Đức Giêsu, biết luôn tiếp xúc với những trẻ em chung quanh, đừng bao giờ quên lời Ngài truyền dạy hôm nay:"Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”

Lạy Chúa, Chúa đã gắn bó người nam và người nữ qua phép hôn phối với tất cả những ưu, khuyết điểm của họ. Nhưng cuộc sống hôn nhân tốt đẹp hạnh phúc bao nhiêu thì cũng đau thương thử thách bấy nhiêu.
Xin Chúa cho tất cả những ai đã liên kết nhau bằng bí tích hôn phối, được tồn tại và trở nên sâu xa nhờ biết quảng đại, kiên nhẫn chịu đựng, để được hưởng cuộc hôn nhân trọn vẹn suốt đời theo tinh thần Kito giáo, cùng nhau chia xẻ trách nhiệm, vui, buồn; đừng để hôn nhân của họ phải nửa vời cả về thời gian, sự chọn lựa và sự dấn thân. Vì cả hai đã thật sự trở thành một xương một thịt như Thiên Chúa đã phối hợp. Amen. (mượn ý)
Than men,
duyenky






 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét