Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Oct 14-2018 - Chúa nhật 28 thường niên năm B



Ý  thức  đúng về  cuả  cải.




Các Bạn thân mến,
Nhiều người nói cái nghèo là cái khổ nhất ở trên đời, người lại nói nghèo là cái tội lớn nhất của con người! Nhưng kinh nghiệm thực tế thì đôi khi như ngược lại, giầu có mới là cái khổ nhất của con người, vì dù nó có mang lại bao nhiêu vui vẻ sung sướng no đủ cũng không bằng những tai hại lo lắng do nó mang đến cho con người! Nên nhiều khi ai đó phải than“giá” nghèo như ngày xưa thì còn vợ, còn chồng, còn con, còn sức khỏe…
 Nhưng cũng có người như anh thanh niên trong Tin Mừng chúa nhật tuần này, giầu có, lành mạnh, an nhàn ấm no, không tất bật lo lắng gì về đời sống vật chất, sống đạo hạnh, chỉ còn khát khao làm sao có được cuộc sống đời đời làm gia nghiệp.
Với thế gian thì anh là người may mắn, hạnh phúc, tốt lành. Với đạo giáo thì anh là người có ước mơ chính đáng, biết nhìn xa trông rộng, biết chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu của mình. Thế nhưng vẫn chưa đủ, Thiên Chúa còn muốn hơn thế nữa, và thật đáng tiếc, anh đã dừng tại đó vì không thể vượt qua!

 A. Sự giầu có:
-  Tin Mừng tuần này nói về người thanh niên giầu có như một bức tranh sống động nhất trong các sách Phúc âm.
-   Câu chuyện kể rằng:"Đức Giesu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, qùi xuống trước mặt Người và hỏi:"Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"
-   Thái độ của người giầu có, qúi phái này đáng ngạc nhiên: chạy đến, qùi dưới chân Ngài, một người Nadaret bình thường nghèo nàn, không địa vị, không chức tước. Lại nói những lời lẽ hết sức tốt đẹp, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.
-   Nhưng dường như Đức Giesu đã dội một gáo nước lạnh, như dập tắt lòng nhiệt thành đang có của anh:"Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa."
-   Có lẽ Đức Giesu nhìn thấy rõ ràng người này đã vội vàng đến với Ngài trong lúc bị xúc động mạnh mẽ, bởi Đức Giesu như thu hút và thôi miên anh ta. Nhưng Ngài muốn anh dừng lại để suy nghĩ, bình tĩnh xem rõ mình đang làm gì, nói gì, và cần nghĩ đến cái gía phải trả khi theo Ngài, và phải nhìn vào Thiên Chúa, chứ không chỉ nhìn Đức Giesu trước mặt.
-   Câu chuyện cho thấy rõ chân lý thiết yếu của Kito giáo không phải chỉ kính trọng là đủ, Đức Giesu nêu ra các điều răn vốn là nền tảng của một đời sống đạo đức, đáng kính trọng. Chàng thanh niên nhanh chóng đáp lại rằng anh ta đã giữ trọn tất cả các điều răn.
-   Trong các điều răn, thì ngoại trừ một điều răn" hãy thờ kính cha mẹ" chỉ thực hành trong phạm vi gia đình, còn lại tất cả các điều răn khác đều là những mệnh lệnh tiêu cực.
-   Thế nên dù cả cuộc đời anh chưa làm thiệt hại ai bao giờ, nhưng vấn đề đặt ra là anh đã làm được những việc tốt lành nào cho tha nhân chưa?
-   Khi biết anh đã giữ trọn các điều răn, Đức Giesu chăm chú nhìn anh và đem lòng thương. Rồi mời gọi anh tiến cao thêm một bước nữa.
-   Yêu cầu Ngài đặt ra rõ ràng:"Anh chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo".
-   Đức Giesu muốn hỏi rằng anh đã bỏ ra những gì để nâng đỡ, ủi an, khích lệ kẻ khác như điều đáng phải làm chưa?
-   Nếu chưa, thì hãy làm đi! Hãy thay đổi cách nhìn, đừng chỉ nhắm đến sự tốt lành một cách tiêu cực, không gây thiệt hại cho ai, mà còn phải nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, còn phải giúp đỡ người khác. Đó là những điều làm cho anh thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả trong cuộc sống mai sau.
-    Ngài thách đố anh nhà giàu là anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo Ngài khi bị thiệt thòi không? Có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống vĩnh cửu không?
-    Khi nghe điều này anh nhà giàu có lẽ nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết nhiều điều.
-    Chúng ta cũng vậy, đã tuân giữ những luật truyền, nhưng vẫn chưa đủ quảng đại hết sức có thể đối với những người túng thiếu, kẻ trần trụi và người đói khát.
-   Nghĩa là người Kito giáo chưa thực hành nhiều, chưa hiểu rằng không chỉ coi trọng, tôn kính, không làm điều xấu này điều ác nọ là đủ. Đây chính là điều làm chàng thanh niên giầu có thất bại cũng như nhiều người giầu trong mọi thời đại không thể vượt qua!
-   Đấy là điều ép buộc chúng ta phải trở nên một người nhân từ cách tích cực và mạnh dạn hy sinh nhiều hơn.
-   Phải đối diện với vấn đề thiết yếu cơ bản là xem mình có bao nhiêu tính chất Kito giáo đích thực? Cùng đã sẵn sàng từ bỏ hết tài sản mình đang có chưa?
-   Chính sự chần chừ, hối tiếc, là căn bệnh "muốn có, muốn giữ", làm nên tấm thảm kịch không chỉ cho chàng thanh niên ở đây mà còn cho rất nhiều người có cuộc sống đầy đủ lành mạnh.
-   Thật vậy, mọi người đều muốn sống tốt lành đạo đức, nhưng lại quá ít người tha thiết muốn được nó đến mức chịu trả gía cho nó. Thật dáng tiếc!
-  Đức Giesu cũng thấy thật đáng tiếc, Ngài nhìn chàng thanh niên giầu có cách trìu mến, cái nhìn với khá nhiều ý nghĩa:
     a) Có tiếng gọi của tình yêu thương:
         . Đức Giesu không giận anh, nhưng yêu thương anh ta.
         . Đây không phải là một cái nhìn giận dữ, mà là cái nhìn của yêu thương, của tiếng gọi tình yêu.
         . Thực tế khi có tình yêu và tình yêu mạnh mẽ thì sẽ thúc đẩy chúng ta hoạt động, làm những gì phải làm và nên làm dể dành hơn.
       b) Có lời thách thức, hy sinh:
         . Cái nhìn của Đức Giesu là cái nhìn tìm cách kéo anh ra khỏi đời sống ổn định dư gỉa, dám cắt đứt những buộc trói mình để thoát ra khỏi nó, sống phiêu lưu mạo hiểm của một Kito hữu chân chính.
         . Công việc thường đòi phải hy sinh, thiệt thòi, đau khổ, can đảm và phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra rằng sự hy sinh đó là cần thiết để đem lại an bình và vui tươi trong tâm hồn.
         . Động lực mạnh để thúc đẩy hy sinh chính là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
     c) Cái nhìn buồn rầu:
        . Đây là sự buồn rầu da diết, là nỗi buồn khiến người ta đau lòng khi thấy một người biết rõ điều thất bại nhưng vẫn chọn nó.
        . Trong khi đáng lý ra họ có thể đã và đang trở thành người xứng đáng hơn.
        . Cơ hội đã qua, còn tiếc nuối thì tồn tại mãi, khó mà nguôi ngoai!

B. Mọi sự đều có thể:
 -   Khi anh nhà giàu tiếc của bỏ đi, Đức Giesu và các môn đệ cũng tiếc nuối anh và nhìn theo cho tới khi anh khuất hẳn, rồi Đức Giesu quay lại phát biểu một chân lý:" Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Ngài còn lặp lại ngụ ý đó bằng cách nói hơi khác một chút nhưng mạnh mẽ, để làm sáng tỏ:"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa", là kiểu nói Á Đông, lối so sánh diễn tả một việc làm cực kỳ khó khăn; khiến các môn đệ lại càng sửng sốt hơn nữa và sầm sì thất vọng voi nhau:"Thế thì ai có thể được cứu?"
-   Ngài đã đảo ngược hoàn toàn các tiêu chuẩn thông thường của người Do Thái. Bởi đạo đức của họ thật đơn giản, họ tin sự hưng thịnh, giầu có, an nhàn là dấu hiệu chứng tỏ một người tốt, có đức hạnh, được Thiên Chúa tôn trọng ban phúc, và chắc chắn được vào Nước Trời.
-   Tiếp theo, Đức Giesu nhìn thẳng vào các môn đệ mà phán:"nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được." 
-   Vấn đề như vỡ òa ra, bùng lên niềm hy vọng, phấn khởi, lạc quan. Thật vậy, sự cứu rỗi là ân huệ của Thiên Chúa, người nào tin cậy vào quyền năng cứu rỗi và tình thương của Ngài, sẽ được giải thoát dễ dàng.
Tuy nhiên những nguy cơ vẫn còn đó mà ít ai thấy được nguy cơ của sự thịnh vượng và dư giả tài sản vật chất rõ ràng hơn Đức Giesu:

      1. Nguy cơ gắn chặt tâm lòng con người vào đời này:
 -   Chúng ta hẳn cũng có kinh nghiệm nhiều ít về nguy cơ này, nó làm chúng ta bám chặt lấy thế gian, quan tâm qúa nhiều đến nỗi khó nghĩ đến điều gì vượt ra khỏi nó, đặc biệt khó nghĩ tới chuyện rời bỏ nó.
 -   Sự nguy hiểm của tài sản là nó buộc chặt các tư tưởng và sự quan tâm của con người vào đời này.
 -   Làm cho người ta quên rằng tiền của, tài sản chiếm hữu được ở trần gian chẳng có gía trị gì đối với Nước Trời, nếu nó không được đổi thành việc lành phúc đức.
 -   Đó là thông điệp, là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niện giầu có trong Tin Mừng hôm nay và hết mọi người mọi thời đại: cho đi gia tài để mua lấy Nước Trời.

     2. Chiếm hữu:
-   Chiếm hữu, sở hữu là một trong những tính cách lợi hại, đa dạng nhất của con người, phát sinh không biết bao nhiêu hậu qủa tốt xấu!
 -   Nếu mối bận tâm chính yếu của con người là việc chiếm hữu của cải vật chất thì nó khiến người ta có khuynh hướng nghĩ về mọi sự bằng cách lượng định gía cả của nó.
 -   Con người chỉ nghĩ đến những gì có thể mua bán, trao đổi bằng tiền bạc của cải mà thôi.
 -   Và sẽ quên hẳn đi rằng có những gía trị nơi con người, giá trị ở đời không thể nào mua bán bằng tiền bạc, bởi nó vô gía, qúi báu mà tiền bạc không thể trao đổi: đó là tình cảm chân thật, lương tâm trong sáng, niềm vui mạnh khỏe, tình tương thân tương ái, sự đoàn kết...
 -   Thế nên thật tai hại cho những ai nghĩ rằng tất cả mọi điều muốn có, đều có thể mua bằng của cải vật chất như kiểu nói:"Có tiền mua tiên cũng được"!
 -   Có ai đó cũng đã nói:"Có tiền và mua được những thứ bằng nó là điều tốt, nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn."
-   :"Sống làm sao để khi chết không vướng một nợ nần, cũng không mang theo một thứ gì."

      3. Tác dụng của của cải vật chất:
  Của cải vật chất đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nó có mặt gần như trong hết mọi lãnh vực: giáo hội, xã hội, gia đình, cá nhân, sự phát triển, tồn tại, thành đạt, hạnh phúc, sức khỏe, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế, thông tin, truyền bá và hiển nhiên nó làm chủ kinh tế thương mại...Mà thiếu nó, vấn đề thường trở nên khó khăn, hạn chế, giảm sút, thất bại...
 -   Tuy nhiên nó là con dao hai lưỡi sắc bén, có thể cắt cả hai phía, hai chiều, tất cả những gí nó chạm đến.
 -   Khiến chúng ta trở thành nạn nhân cách nhanh chóng, nó cũng dễ làm rơi rớt, nhạt nhòa nhân cách, trở nên khoe khoang, kiêu căng, tự mãn, phàm tục, trác táng, nẩy sinh nhiều lỗi phạm...
 -   Người ta đã làm một cuộc trắc nghiệm cho thấy trong khi có một trăm người chịu đựng nói là vượt được nghịch cảnh thì chỉ có một người vượt được sự giầu có.
-   Cho thấy của cải vật chất là một trắc nghiệm, một thử thách rất khó vượt thắng!
-   Phải là một vĩ nhân, một người thánh thiện đích thật mới đủ điều kiện xứng đáng được giầu sang vì thắng được sự chi phối của nó.
-   Nhưng Đức Giesu không lên án của cải vật chất, vì Ngài đã từng tham dự các bữa tiệc sang trọng của những người biệt phái giầu có, từng ăn uống tại nhà những người thu thuế lắm tiền bạc, từng chịu ơn những phụ nữ nhân đức nhiều của cải.
 -   Ngài chỉ lên án những ai ham mê của cải qúa đáng, coi đồng tiền như chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra với những người nghèo khó và quảng đại với công việc của Thiên Chúa.

 4. Nó là một trách nhiệm:
Bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, cần sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta, chúng ta không thể vừa nói yêu Chúa lại vừa làm ngơ những nhu cầu của họ. Chúng ta cần phải có con mắt nhận xét và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình nhất. 
 -   Con người luôn bị phê phán căn cứ trên hai tiêu chuẩn: cách thâu góp tài sản và cách xử dụng chúng.
 -   Nên nó có thể tái tạo hay hủy hoại nhân cách chúng ta.
 -   Càng có nhiều tài sản bao nhiêu, càng nhiều trách nhiệm bấy nhiêu.
 -   Xử dụng nó cách ích kỷ hay hào hiệp, đứng đắn hay tung tóe phí phạm là điều chúng ta cần quan tâm suy nghĩ trước khi hành động.
 -   Xử dụng nó như đó là tài sản thuộc riêng mình chẳng có ai tranh chấp hay như mình chỉ tạm giữ nó trong tay một thời gian, như người quản lý?
 -   Luôn phải tránh tối đa"những điều thiếu sót", là những gì đáng lẽ phải làm, nên làm, mà chúng ta đã không làm, chưa làm; phải cứu giúp người mà đã không cứu. phải hy sinh mà không hy sinh, vì không muốn bị thiệt thòi, mất mát, phiền hà, vì tính bỏn xẻn, tính toán, khiến chúng ta lại thôi.
-   Phải can đảm đứng ra bênh vực lẽ phải, nhưng vì sợ bị liên lụy, sợ bị lôi thôi, mà chúng ta đành làm ngơ để cho bất công tự do hoành hoành.

 Lạy Chúa, của cải vật chất thật hấp dẫn, nó cho chúng con cảm giác an nhàn, đầy đủ, sung sướng; đôi khi lại như có tất cả, được mọi sự, chẳng phải lo toan ngược xuôi sớm chiều. Thế nên ngày đêm chúng con không chỉ chăm chú kiếm cơm ăn áo mặc hằng ngày mà còn muốn dành dụm, tích trữ đề phòng khi sa cơ lỡ bước, nhưng chúng con quên cái túi không đáy của mình, nên cứ dồn mãi, ép mãi, khao khát cho đầy tràn để rồi đêm ngày lo lắng, bo bo bảo vệ, dù chung quanh chúng còn biết bao người đang lo âu hằng ngày vì sống trong nghèo khổ, chỉ cầu có miếng cơm manh áo thanh đạm, đơn sơ, mà chúng con cũng không đủ cam đảm hy sinh, chia sẻ cho họ, dù chút ít.
Xin tha thứ, và đổ tràn tình yêu Chúa và anh em vào tâm lòng chúng con để chúng con luôn sống theo tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, dám trao đổi tất cả những gì mình có để mua lấy Nước Trời. Amen.

Than men,
duyenky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét