THỊ LỰC THỊ LỰC THỊ LỰC
MONDAY,
OCTOBER 22, 2018- TRẦM THIÊN THU
Thị lực liên quan con mắt.
Con mắt là một cơ phận nhỏ nhưng quan trọng. Người Việt nhận xét: “Giàu hai con
mắt, khó hai bàn tay”. Nữ diễn viên Audrey Hepburn (1929-1993, người Anh) có
cách nhận định khác: “Mắt đẹp là đôi mắt nhìn thấy nét đẹp từ người khác. Đôi
môi xinh là đôi môi chỉ nói lời hay ý đẹp, với đôi chân vững chắc luôn dạo bước
trong khu rừng của kiến thức”. Văn sĩ Nikos Kazantzakis (1883-1957, người Hy Lạp)
nói: “Khi chúng ta không thể thay đổi thực tế, chúng ta hãy thay đổi cái nhìn của
chính chúng ta về thực tế đó”.
Tác giả sách Giảng Viên
xác định: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. KHÔNG có
gì để THÊM, CHẲNG có gì để BỚT. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân BIẾT
KÍNH SỢ NGƯỜI” (Gv 3:14). Tương tự, các cơ phận trên thân thể con người cũng chẳng
phần nào thừa hoặc thiếu, dù đó là… “ruột thừa”. Thiếu phần nào thì khổ lắm, thừa
phần nào cũng mệt lắm, chỉ hoạt động kém một chút là thấy “oải” lắm rồi.
Người ta ví von: “Con mắt
là cửa sổ tâm hồn”. Thật chí lý, bởi vì khi nhìn vào mắt người đối diện, người
ta có thể “thấy” được những thứ trong tâm hồn người đó. Ánh mắt cũng có một
“dòng điện” đặc trưng, người nào “yếu” sẽ chuyển ánh mắt nhìn sang hướng khác –
nghĩa là “yếu vía” hơn người kia. Vì thế mà cũng là ánh mắt nhưng có nhiều cách
nhìn khác nhau: Nhìn thẳng, nhìn xiên, nhìn ngang, nhìn dọc, nhìn lấm lét, nhìn
trộm, nhìn kín đáo, nhìn lộ liễu, nhìn thán phục, nhìn khinh bỉ, nhìn chân thật,
nhìn đểu cáng, nhìn thô lỗ, nhìn hiền từ,… Ôi, cũng vẫn chỉ là con mắt nhưng
cách nhìn lại đa dạng quá chừng!
Và cũng chỉ với một vấn đề,
một sự vật hoặc một con người, thế mà mỗi người lại có cách nhìn hoàn toàn khác
nhau. Cố NS Trịnh Công Sơn có cách nhìn thế này: “Còn hai con mắt, khóc người một
con. Còn hai con mắt, một con khóc người” (Con Mắt Còn Lại), và ông còn diễn tả
con mắt bằng nhiều kiểu: “Những con mắt tình nhân, Nuôi ta biết nồng nàn, Những
con mắt thù hận, Cho ta đời lạnh căm. Những mắt biếc cỏ non, Xanh cây trái địa
đàng, Những con mắt bạc tình, Cháy tan ngày thần tiên. Những con mắt trần gian,
Xin nguôi vết nhục nhằn, Những con mắt muộn phiền, Xin cấy lại niềm tin, Những
con mắt quầng thâm, Xin tươi sáng một lần…” (Những Con Mắt Trần Gian).
Theo quan niệm của người
Đông phương cổ đại, người ta còn có “con mắt thứ ba” – gọi là “thiên nhãn” (*).
Với người có niềm tin tôn giáo nói chung, và với người Công giáo nói riêng, còn
có “con mắt đức tin” – một loại “thiên nhãn” đặc biệt. Quả thật, chỉ với con mắt
mà cũng có thiên hình vạn trạng. Về tâm linh, con mắt đức tin thực sự quan trọng
lắm!
Chúa Giêsu nói: “Đèn của
thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng thì toàn thân anh sẽ sáng” (Mt 6:22).
Cuộc đời chúng ta “tối” hay “sáng” là bởi con mắt. Cách nhìn của con mắt có thể
khiến lòng tham trỗi dậy. Lòng tham có thể ẩn núp tinh vi: Cho không lấy, thấy
không xin, kín thì rình, hở thì rinh. Chưa có “cơ hội” chưa biết ai thật thà
hay tham lam. Có những tài xế taxi phát hiện khách bỏ quên trên xe vài chục triệu
mà vẫn trả lại khổ chủ, đó mới là người trong sạch – sạch từ ánh mắt. Sách Huấn
Ca xác định: “Bạc tiền khiến cho bao người sa ngã, thế nào cũng đưa họ đến hư
vong. Nó là cái bẫy cho ai say mê nó, hết mọi kẻ ngu si sẽ sa vào” (Hc 31:6-7).
Ai cũng cần tiền, nhưng tiền không là tất cả, cần mức nào và có “nặng lòng” với
nó hay không lại là chuyện khác. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không là mục
đích. Người Pháp phân biệt rạch ròi: “Tiền là ĐẦY TỚ TỐT nhưng là ÔNG CHỦ XẤU”.
Hãy làm chủ nó, đừng lệ thuộc nó!
Giàu hay Nghèo có thể là
Phúc hay Tội còn tùy ở mỗi người, chưa chắc giàu là có tội và nghèo là có phúc.
Sách Huấn Ca nói: “Phúc thay ai giàu có mà vô tội, không chạy theo của cải, tiền
tài” (Hc 31:6). Đó là “mối phúc lạ” và đó mới là vấn đề. Đừng tưởng nghèo thì
được chúc phúc. Nghèo mà lòng không sạch thì cũng vô ích: Nghèo KHÔNG sạch,
rách KHÔNG thơm! Nghèo mà vẫn tham thì không thể vô tội, và tất nhiên không thể
biện hộ. Quả thật, không hề đơn giản! Đừng nói hay, đừng nói trước mà bước
không qua, có cơ hội tham mà không tham đó mới là thực sự trong sạch. Người đó
(dù giàu hay nghèo) được khen là có phúc, vì trong dân, người đó khiến cho bao
người phải tâm phục khẩu phục qua cách sống. Phải tự thẳng thắn và khó với
chính mình, đó mới là nghiêm túc thực sự.
Những người có tâm hồn
trong sạch như vậy chắc hẳn là người sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, dù
trong nghèo khổ hoặc cơ cực thì họ vẫn một lòng tín trung với Thiên Chúa. Trong
mọi hoàn cảnh, họ vẫn vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc
nhạc mừng. Thấy vậy, ngay cả dân ngoại cũng không thể lặng im: “Việc Chúa làm
cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:2). Quả thật, việc Chúa làm thật vĩ đại và vô
song. Và chính con người đó thấy mình chan chứa một niềm vui – vui vì sống
thanh thản trong Ơn Thánh của Thiên Chúa. Tuyệt!
Người ta thường ví von rằng
“đời là bể khổ”. Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết như vậy. Không ai lại không
khổ. Khổ nhiều cách. Khổ nhiều mức. Sinh ra là bắt đầu khổ. Đôi khi có người
còn khổ chồng chất, khổ tới chết vẫn không được một ngày sung sướng. Nhưng vấn
đề là ở lòng kiên trung trong niềm tin vào Thiên Chúa ngay trong những nỗi cơ cực
nhất, chắc chắn Chúa sẽ thương: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai
sau khấp khởi mừng” (Tv 126:5). Muốn tín trung thì phải dùng đến con mắt đức
tin và với thị lực tâm linh mạnh mẽ, tầm nhìn xa rộng. Có như vậy mới khả dĩ giữ
vững đức tin trong lúc khốn khổ cùng cực, chắc chắn chẳng ai bằng Thánh Gióp.
Trước mặt Satan, Thiên Chúa xác nhận bốn điểm son nơi Thánh Gióp: “Thật chẳng
có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người VẸN TOÀN và NGAY THẲNG, KÍNH
SỢ THIÊN CHÚA và LÁNH XA ĐIỀU ÁC!” (G 1:8).
Tin là chấp nhận hoặc từ
chối. Bài học đức tin đơn giản mà phức tạp. Thầy dạy đức tin là Đại sư phụ
Giêsu. Chúng ta có đức tin là nhờ Ngài. Vì thế, chúng ta sống đức tin là minh
chứng cho Thiên Chúa, không được giữ đức tin đó cho riêng mình mà phải truyền đức
tin sang cho người khác. Đó là một nhiệm vụ chung. Truyền đức tin sang người
khác cũng là một cách truyền giáo mới trong thế giới ngày nay, vì người ta càng
ngày càng không muốn sống đức tin nữa! Thánh nữ Bernadette nói: “Đối với người
tin thì không cần giải thích, đối với người không tin thì giải thích cũng vô
ích”.
Thông truyền đức tin là
nhiệm vụ chung của các tín nhân Kitô giáo, nhưng những người được tuyển trạch để
lãnh nhận chức tư tế thừa tác thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Thánh Phaolô
cho biết: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt
lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để
dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5:1). Đúng vậy, trước khi làm tư tế
thì vẫn phải làm con người, với mọi thứ của một con người bình thường. Người đó
phải “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì
chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội
cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt
5:2-3). Và vì thế, “không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên
Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi” (Dt 5:4).
Thế nhưng trong thực tế lại
khác, đúng như người Việt thường nói: “Cờ đến tay ai người đó phất”. Câu nói giản
dị và nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm thúy! Nhưng thật buồn bởi vì có khi người ta
sống ngược với lời Đức Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt
20:28). Thực hành đúng ý Chúa phải nỗ lực rất nhiều, không thể cứ tà tà mà được!
Rõ ràng và rạch ròi,
Thánh Phaolô cho biết: “Không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng
là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,
như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật
Men-ki-xê-đê” (Dt 5:5-6). Đức Kitô còn chưa tự xưng mình là “ông kia, ông nọ”
thì huống gì chúng ta, những phàm nhân đầy tội lỗi, bất trác, bất túc, và yếu
đuối lắm.
Và rồi một hôm, Đức Giêsu
và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Thầy trò cùng một đám người khá đông ra
khỏi thành Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường – tên anh ta
là Batimê, con ông Timê. Vừa nghe nói có Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu
lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Thấy vậy,
nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy
Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:48). Con mắt thể lý của anh ta
mù lòa, nhưng con mắt tâm linh của anh ta lại rất sáng, bởi vì anh nhận ra người
mà anh ta kêu xin là Con vua Đavít.
Qua đó, chúng ta thấy có
hai thái cực rõ ràng: Những người quát nạt Batimê là những người NGĂN CẢN người
khác đến với Chúa Giêsu, còn anh mù Batimê đại diện cho những người TIN TƯỞNG
mãnh liệt. Có nhiều khi chúng ta cũng đã từng ngăn cản người khác đến với Chúa
bằng nhiều cách, dù không nói trực tiếp. Chẳng hạn, khi chúng ta mỉa mai hoặc
chê bai khiến người ta ngại đến với Chúa. Chúng ta phải học tập anh Batimê
trong việc tín thác vào Chúa, như ca dao Việt Nam nói: “Dù ai nói ngả nói
nghiêng, Lòng tôi vẫn vững như kiềng ba chân”. Và “chiếc kiềng” đó là: Thỉnh cầu,
Tín thác, Thực hành. (Để dễ nhớ, có thể gọi tắt là 3T).
Tiếng kêu cứu của Batimê
gào to khiến Đức Giêsu chạnh lòng thương, Ngài đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại
đây!” (Mc 10:49a). Người ta gọi anh và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh
đấy!” (Mc 10:49b). Nghe nói vậy, anh ta quá phấn khởi nên liền vất áo choàng, đứng
phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Ngài hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc
10:51a). Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10:51b). Ngài
nói: “Anh hãy đi, LÒNG TIN của anh đã CỨU anh!” (Mc 10:52). Chính Chúa Giêsu đã
xác định đức tin vô cùng quan trọng!
Sự việc diễn ra rất mau
chóng và nhanh gọn. Điều đáng lưu ý là Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến LÒNG TIN,
nghĩa là “đức tin quan trọng hơn phép lạ” vì “người công chính nhờ đức tin sẽ
được sống” (Gl 3:11), nhưng người ta lại thường “khoái” phép lạ hơn tầm nhìn của
đức tin. Nếu vậy, đó là chứng “kém thị lực tâm linh” hoặc “mù đức tin”. Kém thị
lực hoặc mù tâm linh nguy hiểm hơn chứng mù thể lý. Bởi vì không hiểu rõ, không
biết nhiều hay không chịu hiểu? Đó là điều cần tự suy xét về cách tin và mức độ
tin vào Chúa Giêsu, như Ngài đã từng nói: “Quý vị tin thế nào thì được như vậy”
(Mt 9:29).
Lạy
Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin chữa lành chứng bệnh về con mắt tâm linh
nơi chúng con, xin củng cố đức tin cho chúng con để chúng con vững tin trong mọi
hoàn cảnh, xin gia tăng thị lực đức tin để chúng con nhận biết Thánh Ý Ngài và
sẵn sàng chia sẻ nỗi đời với mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Hình ảnh con mắt thứ
ba được thể hiện trên trán của các vị thần trong các tác phẩm điêu khắc cổ đại ở
các đền chùa Phật giáo. Người ta tin rằng, con mắt nhìn thấu mọi điều đã được
Thượng đế ban tặng cho các vị thần để họ có những năng lực siêu phàm nhìn thấu
những vật vô hình. Theo đạo Cao Đài, người tu hành khi đạt được “đạo pháp” sẽ
có thêm con mắt thứ ba – gọi là “huệ nhãn”, có thể nhìn thấu cõi vô hình. Trong
Yoga, việc luyện tập Marantha để có được một vài năng lực tâm linh thần bí như
khai sáng được “con mắt thứ ba” mà người khác không có.
Người Ấn Độ thường chấm một
điểm trên trán giữa hai con mắt để diễn tả con mắt thứ ba, đó là “thần nhãn”,
có thể thấy những gì mà người trần mắt thịt vẫn nhìn mà không thể thấy được.
Nhiều giả thuyết khác cho rằng, ngày xưa Adam và Eva đã phạm “thiên luật” nên
tuyến yên (pituitary) và tuyến hạch (pineal, hình trái thông) nằm ở khoảng giữa
hai con mắt đã dần bị hạn chế khả năng nhìn nhận ánh sáng.
Theo một số nghiên cứu
khoa học, thông thường mỗi sinh vật đều có một “con mắt thứ ba” nằm ở trung tâm
não, gọi là “tuyến tùng”. Nó cảm nhận giống như một con mắt vì tuyến tùng phản ứng
lại với những thay đổi của ánh sáng. Mới đây người ta khám phá thấy mắt thường
cũng có thể sản xuất được chất melatonin, làm cho tuyến tùng càng ít quan trọng
hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét