Cơm và Phở
Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Các cụ ta ngày xưa đã bảo:
Ông ăn chả, bà ăn nem. Đại khái có nghĩa là: Nếu ông có bồ nhí, thì bà cũng phải
có kép nhỏ. Nói như vậy, thì hơi bị oan cho quí bà quí cô một tí, bởi vì người
phụ nữ thường sống bằng cả trái tim của mình và tình yêu đối với họ bao giờ
cũng chiếm địa vị số một. Do đó, họ thường chung thủy và ít khi đi hoang trong
tình yêu. Còn đờn ông con giai thì khác. Tục ngữ cũng đã bảo: Đờn ông những tám
lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người. Vì thế, chuyện ăn nem của các ông chồng
xem chừng có vẻ như khí bị nhiều.
Thực vậy, khung cửa đầu
tiên để cho tình yêu đi vào người đờn ông thường là con mắt. Người đờn ông dễ bị
hớp hồn bởi vẻ đẹp bên ngoài. Chẳng thế mà “ranh ngôn thời nay” đã bảo: Lập gia
đình giống như đi ăn nhà hàng với bạn bè. Bạn gọi món bạn muốn, nhưng khi nhìn
thấy những gì người khác gọi, bạn lại ước chi mình đã gọi giống như vậy. Câu
ranh ngôn này thực đúng với kinh nghiệm, với qui luật của muôn đời: Vợ người
thì đẹp, văn mình thì hay. Trong những năm gần đây, báo chí tại Việt Nam không
còn dùng cái phạm trù “chả và nem” nữa, bởi vì nó đã xưa rồi Diễm ơi, nhưng lại
thích dùng cái phạm trù “cơm và phở”. Cơm ám chỉ bà xã, còn phở ám chỉ bồ nhí.
Gã xin ghi lại nơi đây những
lời phát biểu thật hăng tiết vịt trong cuộc đấu láo vung vít tại một câu lạc bộ
“bồ nhí”. Mấy ông to gan lại bạo phổi, muốn thiết lập phòng nhì, đã vuốt chòm
râu dê của mình mà xuất khẩu thành thơ.
Ông thì ngâm nga: Vợ là địch,
bồ bịch mới là ta. Khi chiến sự xảy ra, ta buộc về với địch, nằm trong lòng địch,
ta vẫn nhớ đến ta.
Có ông lại cười khà khà
mà ví ví von von: Sáng, chở cơm (vợ) đi ăn phở. Trưa, chở phở (bồ) đi ăn cơm.
Chiều, Cơm về nhà cơm, phở về nhà phở. Tối: Nằm với cơm, mà vẫn mong về phở.
Nói thế thì nói, nhưng vẫn
phải luôn luôn đề cao cảnh giác: Vợ là”cơm nguội” của ta, nhưng là”phở tái” của
cha láng giềng!
Hôm nay, gã xin dựa vào một
tài liệu bất ngờ chộp được ở đâu đó để phân tích về những cái lợi và những cái
hại của cơm và của phở.
Nhận định thứ nhất, đó là
cơm thường được ăn khi đói, còn thường được ăn khi…thích.
Thực vậy, thiên hạ thường
bảo: Con người ăn để mà sống, chứ không sống để mà ăn. Như một chiếc máy, muốn
chạy tốt thì cần phải nạp đủ nhiên liệu, con người cũng vậy, chính khi ăn là
lúc ta nạp nhiên liệu vào cho cơ thể, nhờ đó cơ thể mới có thể lao động: ăn để
mà sống. Như thế, ăn trở thành một sinh hoạt chính yếu nơi con người. Ta phải vất
vả, bới đất nhặt cỏ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tìm được chén cơm manh áo cho bản
thân và gia đình.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng:
sống để mà ăn, thì chuyện đời lại mang một ý nghĩa khác. Lúc bấy giờ, người ta
sẽ ăn cho khoái khẩu, hay ăn cho thỏa mãn nhục dục, như một số nhà đạo đức đã
lên tiếng chỉ trích. Và thánh Phaolô cũng đã diễn tả: Họ lấy cái bụng của mình
làm chúa. Bình thường, nếu đói thì phải ăn, bẵng không, tay chân sẽ bủn rủn, thậm
chí con ruồi đậu vào mép cũng chẳng buồn xua. Lúc ấy, bỗng cảm thấy mình là
“người Việt mắt hoa” chính hiệu con nai vàng ngơ ngác, hay lại cảm thấy như có
cả một sư đoàn kiến đang lổm ngổm bò trong bụng. Đối với người Việt Nam, thực
phẩm được nhồi nhét vào cái bao tử rỗng tuếch lúc bấy giờ thường là cơm. Chín hột
gạo mới được một hột cơm: Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột, đắng cay
muôn phần.
Tóm lại, cơm thường được
ăn khi đói, còn phở thì khác. Phở thường được ăn khi thích. Cũng vậy, khi hứng
tình nổi lên, nhất là trong túi lại rủng rỉnh có một nắm tiền, anh chồng chán
cơm bèn đi tìm phở để xơi cho đã thèm, hay nói cách khác, chán bà xã bèn đi tìm
bồ nhí để mà hú hí nơi phòng khách sạn, nơi quán bia ôm hay cà phê đèn mờ.
Nhận định thứ hai, đó là
cơm thì thường đơn giản, còn phở thì thường đa dạng.
Thực vậy, chỉ việc vo gạo
và cho vào nồi, rồi đổ nước và đun lên, thế là xong ngay một nồi cơm. Đơn giản
chỉ có vậy. Hơn thế nữa, ngày nào ta cũng xơi cơm, ít là hai lần, thành thử cơm
trở thành một thứ thực phẩm quá quen thuộc. Thậm chí, đôi lúc vì quá quen thuộc
mà hóa ra nhàm chán. Trong lúc nhàm chán, “ngấy đến tận cần cổ”, thấy cơm mà nuốt
chẳng vô, người ta bỗng thèm phở.
Đi qua một tiệm phở, chỉ
cần ngửi thấy cái hương vị thơm tho bốc lên từ thùng nước lèo, là nước miếng đã
đầy tràn cả miệng. Phở thật tuyệt vời và đa dạng.
Trước hết, phở đa dạng về
chủng loại. Ở miền Nam gã thấy có phở gà, phở bò. Riêng về phở bò, thì có phở
tái và phở chín. Nhưng ở miền Bắc, có lần đi chơi vịnh Hạ Long, bất ngờ ghé vô
một quán bên đường để ăn sáng, gã còn thấy có cả phở vịt và phở ngan nữa. Có lẽ
vì sợ bị lây nhiễm bệnh cúm gà, mà thiên hạ đã chế biến thành những thứ phở
“tương cận” chăng? Trước năm 1975, tại Saigon có những tiệm phở thật nổi tiếng,
đã từng chui vào văn học sử, vì được ngòi bút của mấy ông văn thi sĩ đá động tới.
Thậm chí báo Văn Học còn phát hành cả một số đặc biệt, để chỉ nói về phở mà
thôi. Điểm qua những tiệm nổi tiếng, gã thấy người ta ca tụng phở gà ở đường Hiền
Vương, phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ, phở Quyền và phở 94 ở đường Võ Tánh, Phú
Nhuận, phở Hịa ở đường Pasteur… Tại những tiệm nổi tiếng này, người ta phải xếp
hàng và chờ đợi tới phiên của mình, mới có được một tô phở nóng.
Tiếp đến, phở còn đa dạng
về khẩu vị. Bước vào một tiệm phở, ta có thể gọi tái hay chín. Mà tái thì còn
có thể là tái nạm gầu, rồi cộng thêm với nước béo. Trước một tô phở nóng hổi như
đang bốc khói, tùy sở thích ta có thể
nêm tương đậu và tương ớt, vắt
thêm một vài miếng chanh, rồi lại còn ngắt mấy cọng rau thơm mà bỏ vô. Quả thực
là đậm đà khó quên. Chẳng thế mà phở đã trở thành một món ăn đặc sắc của người
Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngòai nước. Và ông Clinton, tổng thống nước Mỹ,
khi sang thăm Việt Nam, đã đi bát phố và cũng đã xơi một tô phở. Từ Saigon ra
Hà Nội, ban sáng ghé vô tiệm phở mà cảm thấy tức anh ách, bởi vì phở Hà Nội
không có tương ớt và rau thơm, mà chỉ có mì chính, nên nó có vẻ nhạt nhẽo vô
duyên sao ấy. Chính vì những lý do trên, phở thường thơm tho và hấp dẫn hơn
cơm, ấy là gã chưa nói tới những trường hợp gặp sự cố, nồi cơm bị trên sống, dưới
khê, tứ bề nhão nhoét, thật là chán mớ đời. Cũng thế, bà xã suốt ngày ở với ta,
sáng tối đụng đầu nhau theo kiểu: Đi ra thì ta với mình, đi vào thì mình với
ta. Miết rồi hóa nhàm hóa chán. Ấy là gã chưa nói tới trường hợp có những bà vợ,
một khi đã “đưa chàng về dinh” thì không còn lo lắng tới ngoại hình của mình nữa.
Trước kia chải chuốt bao nhiêu, thì bây giờ lại lôi thôi lếch thếch bấy nhiêu.
Mặt mũi thì lem luốc chẳng còn hình tượng người ta. Áo quần thì xốc xếch ống
cao ống thấp. Trong khi đó, bồ nhí thì lại đa dạng về cách thức ăn mặc và chiều
chuộng, thành thử “cuốn hút” hơn, khiến ông chồng cứ chết mê chết mệt, chẳng phải
bùa mê thuốc lú nào cả.
Nhận định thứ ba, đó là
cơm thường được ăn ở nhà, còn phở thường được ăn ở quán, mà bầu không khí ở
quán thường thì vui hơn ở nhà.
Thực vậy, bầu không khí ở
nhà thường tẻ nhạt, nhất là khi bà vợ mắc phải chứng bệnh than. Ông chồng suốt
ngày vất vả làm việc để kiếm tí tiền còm, như cánh chim tha mồi về tổ. Và khi về
tới tổ, thường mong muốn được nghỉ ngơi, được chiều chuộng cho bõ công sức lao động của mình. Thế nhưng, vừa chui đầu
vào nhà là đã phải nghe những điệp khúc buồn. Nào là thời buổi gạo châu củi quế.
Nào là vật giá leo thang. Nào là con cái ngang bướng ngỗ nghịch. Nào là bệnh tật
đau yếu…Thôi thì trăm thứ bà giằng. Bầu không khí tẻ nhạt đã đành, mà nhiều lúc
nó còn trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Chẳng hạn như khi người ta còn đang bất
đồng với nhau về chuyện mua sắm hay về chuyện dạy bảo con cái. Chẳng hạn như
khi người ta còn đang giận hờn với nhau về chuyện ông xã đi phố với một bóng hồng
lạ lẫm hay về chuyện bà xã bị bể hụi, nên nợ nần cứ giáng xuống trên đôi vai gầy.
Trong khi đó, ở quán người ta được tự do ăn, tự do nói, tự do cười, nhất là khi
gặp được mấy tên bạn chí cốt nữa, tha hồ mà “xả sú bắp”, cộng thêm vào đó mấy
cô chiêu đãi viên cứ lượn qua lượn lại trong bộ áo quần quá nghèo đến độ thừa
da thiếu vải. Còn cô bồ nhí thì lại sẵn sàng gắp giùm mồi để bỏ vào miệng, sẵn
sàng nâng hộ cốc để đổ bia vào mồm, sẵn sàng cho mượn bờ vai để tựa đầu, cũng
như sẵn sàng cho mượn cặp đùi để gếch chân, rồi lại còn khăn nóng khăn lạnh.Thảo
nào mấy ông xã cứ vắt óc đưa ra một ngàn lẻ một lý do để dối gạt bà xã, nào hội
họp, nào chiêu đãi, nào tiếp khách đđể mà ghé quán. Tới lúc này thì phở đang
chiếm phần ưu thế, dầu vậy cuộc đời luôn có những chữ “nhưng” chết tiệt của nó.
Chính vì những chữ nhưng chết tiệt này mà cơm dần dần lấy lại được vị trí số một
của mình.
Nhận định thứ tư, đó là
cơm thường được bảo quản kỹ nên nguy cơ bị ngộ độc thấp, còn phở thường không
được bảo quản kỹ nên nguy cơ bị ngộ độc cao.
Thực vậy, cơm được nấu
chín và để trên bếp, tới khi ăn mới bắc xuống, nên bữa ăn trong gia đình bao giờ
cơm cũng nóng và canh cũng sốt, cho nên rất an toàn và bảo đảm cho sức khỏe.
Trong khi đó phở thì khác. Cách đây không lâu, báo chí tại Việt Nam đã phanh
phui hầu hết những cơ sở làm bánh phở, tại Hà Nội và Saigon, vì muốn cho bánh
phở được dẻo, dai và dòn, người ta đã dùng hàn the và thậm chí còn dùng cả “phoọc
môn” ướp xác chết, mà ướp bột gạo. Tất cả đều là những chất độc hại cho cơ thể.
Thêm vào đó, thịt dư từ ngày hôm qua, bây giờ được tái phối trí bằng cách mấu lại
cho thực khách xơi. Hay thịt được thái ra, để khơi khơi giữa trời và đất, mặc
cho bụi bậm từ xe cộ và những người qua lại trên đường được cơn gió thổi tới mà
bám vào. Rồi trong tiệm, ngổn ngang trên sàn những giấy lau bát, những giấy
chùi miệng, những cọng rau không còn lá và cả những nước miếng, đờm rãi người ta khạc nhổ mà
tương xuống. Có lần gã quan sát thấy vì đông khách, nên ông đầu bếp mồ hôi mồ
kê nhễ nhại, thậm chí có cả những giọt mồ hôi vô tư rớt vào thùng nước lèo hay
vô tư rơi xuống đống thịt đã được thái sẵn.
Sống với bà xã, ta không
sợ bị lây nhiễm bệnh tật, mà hơn thế nữa, còn được o bế về sức khỏe một cách tận
tình và chu đáo: Dù không sinh đẻ ra ta, nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.
Khi ta đau ốm xanh xao, vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay. Chẳng thế mà để chống
lại với những chứng bệnh do tệ đoan xã hội gây nên, người ta đang hô hào trở về
nếp sống chung thủy, một vợ một chồng. Chứ còn lang bang hết cô này tới cô kia,
không sớm thì muộn cũng sẽ mắc vào bệnh nọ tật kia. Ngày xưa người ta thường
nói đến những chứng bệnh nguy hiểm như phong tình, hoa liễu, giang mai. Vi
trùng “gồ nô”được phe chị em ta trao ban cho ta, để rồi bây giờ ta lại đem về tặng
lại cho bà xã ta và gây nên hệ lụy đớn đau cho con cho cháu ta. Tuy nhiên, những
chứng bệnh đã từng vang bóng một thời, dường như đã chìm vào dĩ vãng, bởi vì hiện
nay người ta đang ngán ngẩm trước cơn bệnh thế kỷ, cơn bệnh Sida vốn chưa có
thuốc chữa và một trong những con đường lây nhiễm HIV, đó là quan hệ tình dục một
cách bừa bãi.
Nhận định thứ năm đó là
khi ăn cơm, ta muốn ăn bao nhiêu cũng được và lại đỡ tốn tiền. Còn khi ăn phở, ta chỉ được ăn
theo một chế độ nào đó và luôn phải…xùy
tiền ra.
Đúng thế, cuối tháng lĩnh
lương, ta chỉ việc hân hoan đem về giao nộp cho bà xã, còn mọi sự lỉnh kỉnh
khác như tính toán cộng trừ nhân chia…bà xã sẽ phải lo tất tật. Lúc bấy giờ ta
có thể vểnh chòm râu cá chốt lên mà phán: Thế sự thăng trầm quân mặc vấn. Chuyện
đời lên xuống anh hỏi làm gì. Đến bữa, ta chỉ việc xơi, xơi bao nhiêu cũng được.
Thậm chí xơi cho đến độ căng rốn cũng chẳng ai bảo sao. Trong khi đó, lỡ đèo
bòng bồ nhí ta phải lo toan mọi sự từ A cho tới Z, từ nơi ăn cho tới chốn ở, từ
những nhu cầu chính yếu của kiếp người, cho tới cả những phụ tùng lỉnh kỉnh của
đờn bà con gái. Tất cả đều lệ thuộc vào cái vấn đề “đầu tiên”. Nếu không có thủ
tục đầu tiên này, thì ta sẽ bị bồ nhí đá văng cái rụp. Và nếu ví ta yếu, thì đường
ai người ấy đi, tình nghĩa chỉ có bi nhiêu thôi. Tóm lại, khi không có tiền ta
vẫn có thể về nhà ăn cơm, chứ đừng dại dột vác cái bản mặt tới tiệm phở. Hay
nói cách khác, vì phở tốn tiền hơn cơm, nên ta chỉ có thể ăn phở khi ví ta căng
phồng. Phở làm cho ta tốn tiền hao bạc đã đành, mà nhiều lúc phở còn làm cho ta
thân bại danh liệt. Không thiếu gì những ông tai to mặt lớn, chỉ vì nghe theo
những lời đường mật của bồ nhí, hay chỉ vì không đủ khả năng cung phụng cho những
nhu cầu của bồ nhí, nên đã can đảm ăn hối lộ, anh dũng biển thủ công quĩ, để rồi
bây giờ âm thầm nằm trong nhà đá bóc lịch, “vắt chân lên trán” mà suy gẫm chuyện
đời.
Và sau cùng, nhận định thứ
sáu đó là cơm thì ta phải ăn thường xuyên, còn phở thì không nhất thiết phải là như thế.
Như trên gã đã xác quyết:
Cơm chính là thức ăn thường xuyên, mỗi ngày ta đều phải dùng tới hai ba lần ở
nhà. Còn phở thì khác, xuân thu nhị kỳ ta mới đến tiệm. Thậm chí có người cả đời
vẫn chưa biết mùi phở là như thế nào.
Cũng thế, bà xã ở cạnh ta hai mươi bốn trên hai mươi bốn, ngày cũng như đêm.
Còn bồ nhí thì khác, chỉ những lúc ta rửng mỡ và thừa tiền, hay những lúc ta thất
bại chua cay, bị đời đá lên đá xuống, ta mới tìm chỗ giải khuây để trút bầu tâm
sự hay để trả thù cuộc đời đen bạc. Chính vì thế, ta có thể kết luận một cách mạnh
mẽ như sau: Dù phở hấp dẫn hơn cơm, nhưng ta chỉ có thể ăn cơm trừ phở, chứ chẳng
thể nào ăn phở trừ cơm. Đúng thế, nếu thử ăn phở dăm bữa liền, thế nào ta cũng
cảm thấy xót ruột và nóng cả người, nóng âm ỉ từ trong lục phủ ngũ tạng, để rồi
tìm về với cơm là món ăn truyền thống. Cũng vậy, sau những bước chân đi hoang,
cặp kè với bồ nhí, thế nào cũng có lúc lương tâm thức giấc, ta bỗng nhớ tới vợ
tới con. Ấy là gã chưa nói tới tình huống ta bất đắc dĩ phải ở ngoài vòng phủ
sóng vì hết tiền, vì ốm đau hay vì thân bại danh liệt. Không sớm thì muộn, những
ông chồng lạc lối ấy cũng sẽ ca bản: Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Chả biết lúc
bấy giờ bà xã có còn đủ khoan dung mà tha thứ
cho hay không mà thôi. Ý thức được những tình huống não nùng và bi đát
do phở gây nên, không chi bằng ngay bây giờ, hỡi những ông chồng “yêu rấu”, ta
hãy quyết tâm trở thành những ông xã ngoan: Chồng em không thích ăn quà, đi đâu
cũng thích về nhà ăn cơm. Con bò trọn kiếp nhai rơm, chồng em trọn kiếp ăn cơm ở
nhà.
Tới đây gã xin mượn mấy
dòng thơ thẩn của một tác giả Linh Cơ, như một kết luận: Mong ai cũng một dạ
cùng “cơm”, ăn mãi ngon lành, mãi ngọt thơm. Cơm” tẻ no, “phở” cho chả thiết,
đi đâu xa cũng nhớ về “cơm”.
TAGSchuyện phiếm Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét