VỊ ĐẮNG CUỘC ĐỜI
Chúa
nhật 29 thường niên năm B
ĐAU
KHỔ THẾ TRẦN ĐẦY KHẮP CHỐN
PHÚC
VINH THIÊN QUỐC CHỈ MỘT NƠI
Cuộc đời có nhiều mùi vị.
Theo nghĩa bóng, không ai thích vi cay đắng, chua chát, … mà ai cũng thích ngọt
bùi. Còn theo nghĩa đen, ai cũng ưa vị cay nồng, đắng chát, … Mà cũng lạ, những
gia vị cay đắng lại tốt cho sức khỏe hơn so với vị ngọt ngào. Hảo ngọt là chết
chắc – dù nghĩa đen hay nghĩa bóng. Phải chăng đó là một dạng tự mâu thuẫn của
con người?
Kể ra cũng khó có thể xác
định, nhưng chắc chắn không ai muốn “chạm trán” với đau khổ – nghĩa là ai cũng
tìm mọi cách và bằng mọi giá để tránh né đau khổ, thế nhưng hầu như ngày nào
chúng ta cũng phải đối mặt với đau khổ, dù ít hay nhiều, với đủ dạng và đủ mức
độ khác nhau. Càng tránh khổ càng khổ thêm, càng diệt khổ càng tăng khổ. Vô ích
mà thôi! Tại sao? Bởi vì “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Có lần chính Chúa Giêsu
đã từng tỏ cho các môn đệ biết rõ rằng “Ngài PHẢI đi Giêrusalem, PHẢI chịu nhiều
đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi BỊ GIẾT CHẾT, và
ngày thứ ba sẽ SỐNG LẠI” (Mt 16:21). Một câu ngắn mà có tới 2 từ PHẢI và 1 từ BỊ,
cả hai đều ở thể thụ động. Não lòng quá! Đau khổ luôn có hệ lụy gần gũi với nước
mắt, loại chất lỏng đặc biệt mang vị mặn đặc trưng khác hẳn với các vị mẳn
khác.
Tuy nhiên, kinh nghiệm sống
cho thấy rằng đau khổ như “phần cứng” được cài đặt mặc định trong mỗi con người,
thậm chí còn như một chương trình “đóng băng” (DeepFreeze) về lĩnh vực máy vi
tính, và người ta không thể thay đổi theo ý mình được. Thật vậy, đau khổ như một
phần tất yếu của cuộc sống, không đau khổ cũng hóa “buồn tẻ” lắm, có đau khổ
thì mới phải cố gắng, cố gắng khiến người ta vươn lên – tức là tự đổi mới chính
mình. Chí lý lắm đấy chứ!
Chắc hẳn là thế. Này nhé,
một đứa trẻ chưa hề nếm mùi đau khổ, thế mà vừa sinh ra đã bật tiếng khóc để
chào đời. Vui sao lại khóc? Đứa trẻ nào không khóc là có vấn đề, cha mẹ lo sốt
vó lên ngay. Như vậy, mặc nhiên người ta đã chấp nhận sự đau khổ là phần tất yếu.
Người đời chia sẻ kinh nghiệm: “Đời là bể khổ”. Kinh Thánh đặt vấn đề: “Chuyện
gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu
dưới ánh mặt trời? Phải, đối với con người ấy, TRỌN CUỘC ĐỜI CHỈ LÀ ĐAU KHỔ,
bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng
yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:22-23). Thật thê thảm!
1. VÌ KHỔ MÀ ĐAU
Việt ngữ thường ghép hai
chữ Khổ và Đau thành Khổ Đau hoặc Đau Khổ – đảo qua đảo lại mà chẳng thấy khác chi
ráo trọi. Đúng là khổ thật! Trình thuật Is 53:10-11 là một phần của bài thứ tư
trong số các Bài Ca Người Tôi Trung: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát
vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối
dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”. Tình
trạng thê thảm là “bị nghiền nát”, nhưng lại là để “được vĩnh tồn”. Thật lạ
lùng và ngược đời quá! Đối với phàm nhân, tình trạng đó thật đáng sợ vì quá
chua chát và cay đắng, có thể không còn nước mắt để than khóc nữa. Người Tôi
Trung đó chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Và thật kỳ diệu, ngôn sứ Isaia giải
thích: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn
nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho
muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”. Ôi, lòng thương xót của
Thiên Chúa bao la vô tận, chúng ta không thể nào hiểu được!
Nhìn thấy người ta đau khổ
mà rợn cả người rồi chứ nói chi chính mình phải chịu. Đau khổ nào cũng cay đắng,
đắng đến tê lòng, thế nhưng đau khổ vẫn có vị ngọt bùi kỳ lạ. Thật diệu kỳ mầu
nhiệm của sự đau khổ. Trong thực tế cuộc sống, khi chịu đau khổ vì tình yêu, có
người gọi nỗi đau khổ đó là “thú đau thương”, là “nỗi đau dịu êm”. Vậy đó, đau
thương mà vẫn thú vị, đau khổ mà vẫn dịu êm. Còn nước mắt lại được ví von là
“giọt nước mắt ngà”. Thế mới lạ, thế mới cao thượng. Người đời con khả dĩ nhận
thức như vậy huống chi những người tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa! Ai có khả
năng cảm nhận được như vậy chính là người đã vượt lên trên nỗi đau khổ, đi
xuyên qua nỗi đau khổ. Chắc chắn không ai có thể tránh đau khổ, nhưng muốn
tránh đau khổ thì chỉ còn cách chiến thắng nó và làm chủ nó. Đó là cách độc đáo
để tự “vượt qua số phận”. Vị đắng chợt hóa ngọt ngào.
Những người chấp nhận đau
khổ là những người can đảm, họ can đảm nên không hề than thân trách phận, không
so đo với những người may mắn khác, chắc hẳn người đó phải có chiều sâu tâm
linh, luôn sống trong niềm tín thác vào Thiên Chúa quan phòng. Thật vậy, Thánh
Vịnh gia bày tỏ: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy
tin” (Tv 33:4). Nói được như vậy là xác định Thiên Chúa là ai và biết rõ Ngài
như thế nào: “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan
hoà mặt đất” (Tv 33:9). Chúng ta không thể nào hiểu hết tình yêu Chúa, cũng
không thể cân-đo-đong-đếm Lòng Chúa Thương Xót, vì tình yêu thương hoặc lòng trắc
ẩn ấy vẫn triền miên hết ngày dài lại đêm thâu, suốt từ thuở hồng hoang trải
dài từ đời nọ tới đời kia (x. Lc 1:50). Thật vậy, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn
tình thương” (1 Sbn 16:34; 1 Sbn 16:41; 2 Sbn 5:13; 2 Sbn 7:3; 2 Sbn 7:6; Er
3:11; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4, 29; Tv 136:1-26).
Tiếp tục minh định về Đấng-Xót-Thương,
Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy
vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi
cơ hàn” (Tv 33:18-20). Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng ngay cả khi chúng ta
quên Ngài mà Ngài vẫn luôn nhớ đến chúng ta, thậm chí cả khi chúng ta hoàn toàn
đối nghịch với Ngài mà Ngài vẫn miệt mài tìm chúng ta để đưa về hưởng an bình
nơi “đồng cỏ xanh rì bên suối ngọt lành” (x. Tv 23). Vô tri bất mộ, “tri” rồi
thì không thể không “mộ”. Ai đã nếm thử Chúa ngọt ngào thế nào rồi thì không thể
giữ riêng cho mình, mà tự lòng mình sẽ thôi thúc chia sẻ với người khác về
Ngài: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv
33:20), đồng thời tin tưởng và vui mừng cầu nguyện liên lỉ: “Xin đổ tình thương
xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).
Và như vậy, cho tới lúc
đó thì sự đau khổ không còn vị đắng cay nữa mà lại hóa vị ngọt ngào và êm dịu.
Nghĩa là người ta có thể cảm nhận sâu sắc thế nào là “thú đau thương”, là “nỗi
đau dịu êm” hoặc “giọt nước mắt ngà”. Quả là điều kỳ diệu, là mầu nhiệm về sự
đau khổ.
Thánh Phaolô cho biết:
“Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức
Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (Dt
4:14). Niềm tin luôn quan trọng trong cuộc sống đời thường, đức tin càng quan
trọng gấp bội trong đời sống Kitô hữu, nhất là chúng ta đang sống trong Thời
Cánh Chung, đồng thời còn phải lưu ý trách nhiệm chung là truyền giáo và tái
truyền giáo.
Thánh Vịnh gia nói: “Cậy
vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118:9). Thật vậy,
Chân phước LM Placid Riccardi (OSB, 1844-1915) cũng khuyên: “Đừng mong gì nhiều
nơi những người quyền thế của thế gian này – vì hầu hết họ đều bỏ mặc những người
nghèo khó trong cảnh bần hàn, họ vừa hèn hạ vừa thiếu quảng đại, giả điếc làm
ngơ trước tiếng kêu than của những người yếu đuối và bất lực”.
Vừa giải thích vừa khuyến
khích, Thánh Phaolô cho biết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng
không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã CHỊU THỬ THÁCH về MỌI
PHƯƠNG DIỆN cũng như ta, nhưng KHÔNG PHẠM TỘI. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại
gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi
khi cần” (Dt 4:15-16). Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của cả nhân loại” (Nhật Ký Thánh
Faustina, số 1485). Quả thật, nếu Lòng Chúa Thương Xót không lớn lao hơn mọi thứ
xấu xa tồi tệ nhất trên đời này thì chúng ta chết ngay lập tức. Tại sao? Không
khí là bằng chứng sống động về Lòng Chúa Thương Xót: Nếu không khí chỉ loãng
hơn một chút hoặc đậm đặc hơn một chút, chúng ta đủ chết ngắc rồi chứ đừng nói
chi đến thiếu không khí. Chỉ cần minh chứng đơn giản về không khí thôi, chúng
ta cũng đủ để phải không ngừng tạ ơn Chúa rồi, đừng nói chi đến những thứ khác.
Vì thế, “Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và ca tụng lời Người” (Tv 56:5 và 11).
2. VÌ ĐAU MÀ KHỔ
Người ta thường nói: “Yêu
thì khổ, không yêu thì lỗ, vậy thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Nhưng phải xác định
được mình CẦN gì, MUỐN gì và LÀM gì. Yêu thì khổ, khổ thì đau. Ai cũng được quyền
tự do chọn lựa và quyết định.
Trình thuật Mc 10:35-45
nói về chuyện “chạy chọt” chức vụ của hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và
Gioan. Họ thưa với Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho
chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Rào trước đón sau, rất đúng “bài bản”,
thậm chí còn như “ra điều kiện” với Chúa vậy. Tương tự, chúng ta cũng thường
xuyên có cách “cầu xin” như vậy. Chúa Giêsu hỏi họ: “Các anh muốn Thầy thực hiện
cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Họ khoái chí thưa ngay, không hề ngại ngùng
chi cả: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người
được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Rất thẳng thắn, rất thực tế,
rất rõ ràng. Nhưng đó là cách cầu nguyện vị kỷ và tìm tư lợi. Hai con trai ông
Dêbêđê chắc mẩm Sư Phụ rất “ngon”, nổi tiếng như cồn, quyền phép vô song, uy
tín quá chừng luôn, chắc chắn Sư Phụ sẽ lên ngôi báu trị vì thiên hạ, làm cận
thần của Thầy mình thì còn gì oai hơn chứ? Thật là trên cả tuyệt vời! Nếu là chúng
ta, có thể chúng ta không muốn làm cận thần như họ, vì như vậy vẫn “bèo” lắm,
mà có thể chúng ta muốn làm phó nguyên soái hoặc thủ tướng, chí ít cũng phải
xin làm bộ trưởng. Xin cho ra xin mới bõ công!
Thế nhưng Đức Giêsu thẳng
thắn nói luôn: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy
sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Chén này
không phải là chén mật hoặc chén sữa, cũng chẳng phải là chén cà-phê, dĩ nhiên
không phải là chén mật ngọt, mà là chén mật đắng; phép rửa này không rửa bằng
nước mà rửa bằng máu tươi. Có lẽ các ông không hiểu ý Chúa nên mạnh dạn đáp:
“Thưa được” (Mc 10:39a). Nếu thế thì quá ngon. Rất OK!
Rất điềm đạm và thản
nhiên, Chúa Giêsu ôn tồn: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy
sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy
KHÔNG có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. Vế
thứ hai trong câu nói của Chúa Giêsu thật đáng lưu ý. Nghe Thầy trò họ đối thoại,
mười môn đệ kia cảm thấy “nóng gáy” nên tỏ vẻ tức tối với anh em Giacôbê và
Gioan. Đó cũng chính là động thái của chúng ta ngày nay, cũng ghen ăn tức ở chứ
chẳng hơn gì họ ngày xưa, thậm chí còn kèn cựa nhau rất tinh vi theo dạng công
nghệ “bốn chấm” ngày nay.
Sau đó, Chúa Giêsu gọi
các đệ tử lại và nói: “Anh em biết rằng những người được coi là thủ lãnh các
dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản
dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn LÀM LỚN giữa anh em thì
phải LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ anh em; ai muốn LÀM ĐẦU anh em thì phải LÀM ĐẦY TỚ mọi
người”. Và Ngài dẫn chứng: “Vì Con Người đến KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI TA PHỤC VỤ,
nhưng là để PHỤC VỤ, và HIẾN MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người”. Có thể tóm lại
một câu ngắn gọn có vần điệu thế này cho dễ nhớ: “Làm đầu PHẢI hầu thiên hạ”.
Xưa cũng như nay, đối với
con người, vấn đề phục vụ là chuyện rất tế nhị, dễ “chạm” vào “phần mềm nhạy cảm”
của bất kỳ ai – dù đời hay đạo. Nhưng Lời Chúa quá rõ ràng, không bóng gió, không
văn hoa, không tránh né. Tuy nhiên, trong sinh hoạt thường nhật, cái mà người
ta nói là phục vụ người khác thì thực chất có thể lại chỉ là cung cách “phục vụ
có điều kiện”. Rất đáng quan ngại!
Phục vụ là động từ, nghĩa
là phải hành động cụ thể, chứ không là danh từ suông hoặc một mỹ từ để “trang
trí” theo chức vụ, tất nhiên liên quan đau khổ. Hầu như mọi thứ đều liên đới với
nhau, nối kết như mạng nhện vậy – không trực tiếp thì gián tiếp. Trên một tấm bảng
đồng, người ta thấy khắc những dòng chữ tuyệt vời này:
Lạy Chúa, con cầu xin được
Mạnh Mẽ để thành đạt trong cuộc đời, Ngài lại làm cho con ra YẾU ĐUỐI để biết
VÂNG LỜI và KHIÊM HẠ.
Con cầu xin có Sức Khỏe để
mong thực hiện những công trình lớn lao, Ngài lại cho con chịu TÀN TẬT để chỉ
làm NHỮNG VIỆC NHỎ TỐT LÀNH.
Con cầu xin được Giàu
Sang để sống sung sướng thoải mái, Ngài lại cho con NGHÈO NÀN để học biết thế
nào là KHÔN NGOAN.
Con cầu xin có Uy Quyền để
mọi người phải kính nể ca ngợi, Chúa lại cho con THẤP HÈN để con biết CẦN NGÀI.
Con cầu xin có Tất Cả để
tận hưởng cuộc đời, Ngài lại cho con CẢ CUỘC ĐỜI để TẬN HƯỞNG MỌI SỰ.
Con xin gì cũng chẳng được
theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết cầu
xin, thế mà Ngài vẫn ban cho con THẬT DƯ ĐẦY từ lâu.
Lạy Chúa, hóa ra con lại
là người hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được VÔ VÀN ÂN PHÚC của Ngài.
Con xin lỗi Ngài, xin tha tội cho con!
Ôi chao! Toàn là những thứ
trái ngược nhau. Tuy nhiên, qua đó chúng ta khả dĩ nhận thấy rằng đau khổ không
là điều đáng nguyền rủa, mà ngược lại, đau khổ lại là điều đáng mơ ước, vì đó
là “thánh giá Chúa trao” – như người ta thường nói với những người chịu đau khổ.
Vui chịu đau khổ là sống đức tin, là bước qua cửa hẹp (Mt 7:13-14; Lc 13:24),
là vác thập giá theo Chúa (Mt 10:38; Lc 14:27), là từ bỏ chính mình (Mt 10:39;
Lc 14:33). Hợp lý lắm!
Chúa Giêsu đã chịu đau khổ
tới mức tột cùng, với nhân tính thì Ngài cũng vô cùng đau đớn. Thiết tưởng rằng
mỗi chúng ta đều phải nghiêm túc xem lại đức tin của chính mình: “Ai tuyên bố
nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt
Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng
sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10:32-33).
Cuộc sống hầu như luôn
TRÁI Ý chứ KHÔNG NHƯ Ý của mình, thế nên Chúa Giêsu mới bảo “vác thập giá” mà
theo Ngài. Nhiều vị thánh đã có những lúc phải sống trong vùng tăm tối của linh
hồn, nhưng các ngài vẫn một lòng trung tín. Đấng đáng kính Charles de Foucauld
nói: “Đôi khi Thiên Chúa để chúng ta chìm trong tăm tối đến độ bầu trời của
chúng ta không có một vì sao chiếu sáng. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta sống
trên trần gian để chịu đau khổ, trong khi vẫn bước theo Đấng Cứu Độ dịu hiền
trên con đường tăm tối và chông gai. Chúng ta là những người lữ hành và những
người xa lạ trên trần gian. Những người lữ hành ngủ trong những túp lều và nhiều
lúc phải băng qua hoang mạc, nhưng khi nghĩ đến quê nhà là họ quên hết mọi sự
khác”.
Lạy Thiên
Chúa, chúng con thật là vô tích sự mà vẫn “chảnh”, xin biến đổi chúng con. Xin
ban thêm đức can đảm và đức khôn ngoan để chúng con sống đức tin, không ngừng
tuyên xưng Danh Thánh Ngài mọi nơi và mọi lúc, xin giúp chúng con biết dùng ánh
mắt đức tin để nhận biết Thánh Ý Ngài trong mọi nghịch cảnh ở đời này. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét