Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Hành trình của một tù nhân đến với sự tha thứ.

 

Hành  trình  của  một  tù  nhân  đến  với  sự  tha  thứ.

Kyle Bremmeyr – Lại Thế Lãng dịch

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ phải ngồi tù. Tôi đã từng xem những vụ ẩu đả và đâm chém băng đảng ở trong nhà tù trong các bộ phim truyền hình, vì vậy trong phiên xử, tôi rất sợ. Tôi ngồi trên chiếc ghế, tay bị còng, đối mặt với quan tòa, hy vọng bà ta có thể đưa ra mức án nhẹ nhất có thể là 5 năm trong nhà tù liên bang.

Vào thời điểm đó tôi đang sống một mình trong một căn hộ, mọi cử động của tôi được theo dõi bởi một màn hình ở mắt cá chân khi tôi hoàn tất bằng thạc sĩ về tư vấn lạm dụng chất kích thích. Vợ tôi và tôi đã ly dị hơn một năm trước. Tôi đã ngừng đi nhà thờ và rời xa khỏi bạn bè. Trong phòng xử ngày hôm đó, cha mẹ tôi là những người hỗ trợ duy nhất mà tôi có.

Công tố viên muốn tôi nhận mức án tối đa là 15 năm nhưng cuối cùng vị chánh án tuyên án tôi 10 năm với 5 năm thử thách. Một điều bà ta nói ngày hôm đó khiến tim tôi nhức nhối “Tôi chỉ cho anh 10 năm bởi vì tôi biết anh sẽ hành xử tồi tệ. Đến lúc đó tôi sẽ tuyên án anh chung thân”. Tôi muốn chứng minh là bà ta sai.

Cải thiện bản thân. Bản án của tôi bắt đầu vào ngày Cá Tháng Tư nhưng không phải là một câu chuyện vui đùa. Trong sáu tháng tôi cảm thấy quá sợ hãi đến nỗi không dám rời khỏi phòng giam không khóa của mình. Nhiệm vụ của tôi với tư cách là một người canh giữ nhà tù, chỉ đưa tôi ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn vào ban đêm và tôi đã khiến cho người bạn tù của tôi phát điên. Một ngày nọ anh ta kéo tôi sang một bên. “Nghe này, mày sẽ phải ở đây 10 năm đó. Mày phải ra ngoài và làm cái gì đó”.

Tôi đã ghi tên theo học một lớp do sở giáo dục nhà tù tổ chức. Và tôi đã tìm được một cộng đoàn Công giáo gặp nhau tại nhà nguyện ngày thứ Bảy để lần hạt Mân côi và tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Lúc đầu tôi đi chỉ muốn tỏ ra tôi đang cải thiện bản thân. Tôi nghĩ việc tham gia của tôi sẽ tạo một cái nhìn tốt đẹp đối với hệ thống nhà tù và ngay cả với Chúa. Trong thực tế, tôi đang dùng tôn giáo để biện minh cho bản thân và thoát khỏi cảm giác tội lỗi của mình. Tôi vẫn còn cay đắng với người luật sư và bà thẩm phán. Là người lần đầu tiên phạm tội không bạo lực, tôi nghĩ mình xứng đáng nhận một bản án khoan hồng hơn.

Rồi mấy tháng sau, trong dịp lễ Phục sinh ở nhà nguyện, linh mục tuyên úy đã nói vài điều  gây ấn tượng với tôi. Cha nói với chúng tôi cha nhận ra rằng thật là khó khăn khi phải xa gia đình và truyền thống của chúng tôi, nhưng chúng tôi có thể khám phá ý nghĩa đích thực của lễ Phục sinh ở đây, trong nhà tù này. Thông điệp của cha đã khiến tôi nhớ lại ông nội người Ba Lan của tôi đã yêu thích lễ Phục sinh như thế nào.

Khi tôi được mười chín tuổi, ông nội tôi đột ngột qua đời vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Sau đó truyền thống của gia đình chúng tôi bắt đầu phai nhạt. Món xúc xích huyết và bánh kếp bia mà ông luôn chiên cho chúng tôi đã biến mất. Bữa tối lễ Phục sinh nhỏ dần khi anh em họ của tôi không còn đến nữa. Cả bầu không khí trở nên trầm mặc. Tôi vẫn còn đến nhà thờ với bà nội tôi nhưng không còn giống như trước.

Hơn một thập niên sau khi ông nội tôi qua đời, tôi về Ba Lan thăm một người bạn. Ở đó tôi khám phá một di sản văn hóa phong phú chung quanh Tuần Thánh. Tôi quan sát sự quan tâm mà những giỏ Phục sinh được chuẩn bị và đầy những thực phẩm tượng trưng: xúc xích cho sự rộng lượng của Thiên Chúa, những qủa trứng tượng trưng cho cuộc sống mới của sự phục sinh v.v. Nó đưa tôi trở lại với thông điệp Phục sinh, Chúa Gêsu chết và sống lại cho chúng ta, điều quan trọng cho gia đình tôi khi tôi còn nhỏ.

Thật không may, niềm tin của tôi đã sụp đổ sau khi tôi kết hôn vào năm 2004. Căng thẳng tình cảm đã dẫn đến việc ly dị của chúng tôi bốn năm sau đó khiến tôi bị cô lập. Tôi đã đổ lỗi cho Chúa và từ bỏ đức tin nhiều năm trước khi tôi vào tù. Ngay cả khi tôi bắt đầu đến nhà nguyện trong tù, tôi vẫn không giải quyết hết cơn giận dữ của mình đối với Chúa. Nhưng thông điệp của vị tuyên úy trong thánh lễ Phục sinh đã gợi lại những kỷ niệm đẹp và bắt đầu cho tôi hy vọng.

Đủ tốt đối với Chúa. Hai năm sau khi thụ án, tôi tôi nhặt được một tờ tạp chí ở nhà nguyện và chú ý tới một quảng cáo cho một cuốn sách gọi là Hành trình tới thập giá của Chúa Giêsu, một hướng dẫn học Kinh Thánh theo chân Chúa Giêsu qua cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Ngài. Mùa Chay và lễ Phục sinh là thời gian đặc biệt đối với các Kitô hữu ở trong tù, vì vậy tôi nghĩ đó sẽ là một tài liệu tốt cho một khóa học ở trong tù. Tôi xin mẹ tôi gửi cho tôi cuốn sách đó. Cha tuyên úy và tôi đã phải mất một năm trời để chuẩn bị cho một lớp học kéo dài tám tuần lễ dành cho các tù nhân cả Tin Lành và Công Giáo. Chúng tôi đã mở đăng ký ngay trước mùa Chay 2014.

Tôi lo lắng những vấn đề thảo luận sẽ thất bại. Vì hiếm khi các phạm nhân cởi mở và chia sẻ về bản thân. Nhưng khi áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống của chúng tôi ở trong tù, thì họ đã làm được  - và từ tận đáy lòng. Chúng tôi đã chia sẻ những tiếng cười, nước mắt và những khoảnh khắc yên lặng vì cảm phục những người bạn tù chia sẻ thật lòng. Lớp học thứ tư đưa chúng tôi tới cảnh Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án. Đó là bức tranh mà các tù nhân có thể hình dung rõ ràng: Chúa Giêsu bị trói, đứng yên lặng trước những người buộc tội mình và nhận bản án tử hình. Đáng ngạc nhiên là Ngài không chỉ chấp nhận cách tự nguyện mà thậm chí còn tha thứ cho viên thẩm phán và công tố viên. Sau khi suy gẫm về phiên xử Chúa Giêsu, tôi muốn theo gương Ngài.

Bài học đó cũng bao gồm một câu Kinh Thánh để chúng ta suy gẫm “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ . . . Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga: 1-2)

Chúa Giêsu gánh chịu mọi sự để Ngài có thể tha thứ tội lỗi tôi. Ngài không coi sự trừng phạt của Ngài là kết quả của một hệ thống lỗi lầm nhưng Ngài chấp nhận nó như là cách để tôi được giải thoát khỏi cảm giác tội lỗi. Những người anh em của tôi và tôi trong buổi học hỏi Kinh Thánh đã nhận ra rằng “Nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho chúng ta, tại sao chúng ta không thể tha thứ cho người khác? Nếu chúng ta đủ tốt đối với Chúa, tại sao chúng ta không thể tốt đủ đối với chính chúng ta?”

Được tha thứ: cả bên trong lẫn ngoài. Đây là một bước ngoặt đối với tôi. Bây giờ tôi thấy rằng thông điệp lễ Phục sinh là sự tha thứ. Tôi phạm trọng tội không có nghĩa là tôi sẽ xuống hỏa ngục. Có ai đó đã tha thứ cho tôi, hiểu cho tôi – người đó là Thiên Chúa! Tôi cũng đã tha thứ cho chính mình và chấp nhận bản án của mình. Mặc cho thẩm phán của tôi nghĩ gì về tôi, tôi không còn ghét bà ta nữa.

Trong phạm vi của những bức tường nhà tù này, bây giờ tôi sống với một mục đích. Khi có người mới đến đây, tôi giúp đỡ họ. Tôi đang hướng dẫn thêm những lớp học hỏi Kinh Thánh nữa. Lớp đầu tiên có tám tù nhân; lớp mới nhất của chúng tôi qui tụ hai mươi ba người tham dự, tất cả đều trải qua một cuộc tái sinh tâm linh.

Tôi biết sẽ không dễ dàng sau khi chúng tôi ra khỏi tù. Mọi người có khuynh hướng nhìn qua bản án đối với các cựu tù nhân. Nhiều người sẽ nhìn chúng tôi theo cách khác, kể cả gia đình chúng tôi. Tôi sẽ bị coi là người phạm trọng tội. Tôi là người vô gia cư và sẽ khó tìm được việc làm. Trong hoàn cảnh này thật khó để tiếp tục tha thứ cho bản thân. Dù vậy, biết rằng Chúa Giêsu đã chuộc tội cho tôi, tôi không phải nhìn vào qúa khứ - hay tương lai- với sự sợ hãi. Tôi là người đã được cứu không còn bị Chúa Giêsu lên án nữa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét