Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Chặng đàng thánh giá đã đem đến sự biến đổi như thế nào.

 

Chặng  đàng  thánh  giá  đã  đem  đến  sự  biến  đổi  như  thế  nào.

Terri Bauer – Lại Thế Lãng dịch- Thu, 25/03/2021

 

Vào một buổi sáng sớm của tháng Giêng, tôi nghe thấy tiếng điện thoại reo.

Tôi tự hỏi có thể là ai? Tôi luôn chờ đợi điều tồi tệ nhất khi người ta gọi điện thoại vào những giờ giấc trái khoáy này, và lần này nỗi sợ hãi của tôi đã thành hiện thực. Đó là con trai tôi gọi để nói với tôi rằng cuộc hôn nhân của nó và người vợ mười lăm năm chung sống đã chấm dứt.

Tôi biết chúng nó gặp vấn đề và đang được tư vấn nhưng điều này khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi đã nghĩ rằng chúng sẽ giải quyết ổn thỏa. Tôi đã cầu nguyện thật nhiều. Đôi chân của tôi khuỵu xuống và tim tôi đập mạnh khi con trai tôi đến để giải thích về việc thu xếp quyền nuôi dưỡng chung cho hai đứa con nhỏ của chúng nó.

Tôi có thể nghe được sự tàn phá trong giọng nói của con trai tôi. Nó đã phải chịu nhiều áp lực: thu nhập của một cố vấn tài chánh của nó đã sụt giảm cùng với nền kinh tế và nó sắp phải nộp đơn khai phá sản. Và bây giờ là chuyện này.

Thiên Chúa, Ngài ở đâu? Tôi đã khóc cả ngày hôm đó, hôm sau và những ngày kế tiếp – cho đến một năm sau. Tôi đã lo lắng thường xuyên về con trai và các cháu của tôi, những đứa trẻ đã bắt đầu có biểu hiệu cư xử tồi tệ ở nhà và và ở trường.

Tôi đã đau buồn vì mất đứa con dâu. Nó đối với tôi như là một đứa con gái và gọi tôi là má; chúng tôi đã từng đi với nhau khắp nơi và nói chuyện trên điện thoại hàng giờ liền. Bây giờ nó chuyển  đi – cuộc ly dị làm cho mối quan hệ của chúng tôi trở nên khó xử, nó nói. Tôi nhớ nó vô cùng.

Hơn hết, tôi nhớ đến Chúa. Lúc đầu tôi thường xuyên nói chuyện với Ngài. Tôi đã hỏi “Sao Ngài lại để cơn ác mộng này xảy ra? Con đã cố gắng làm một người tốt. Con trai con là một người tốt” Tôi đã trải lòng mình ra với Ngài hết lần này đến lần khác, nhưng không có câu trả lời nào.

Sau đó có lúc tôi không thể nào cầu nguyện và thậm chí không muốn đi lễ ngày Chúa nhật. Tôi luôn cố gắng, nhưng thật khó để thờ phương một Thiên Chúa dường như đang làm ngơ đối với tôi. Có phải Ngài không còn yêu thương tôi? Tôi không thể thấy có câu trả lời nào khác. Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn cảm thấy Chúa luôn có mặt để đáp ứng cho tôi theo cách này hay cách khác. Nhưng rõ ràng là tôi đã phải tự mình giải quyết nỗi đau này.

Cầu nguyện sự thương khó Chúa Giêsu. Tôi vẫn còn có “những ngày tốt lành” khi tôi cảm nhận được môt lực đẩy nhẹ nhàng thúc giục tôi cầu nguyện. Một hôm tôi cầm lên một tập sách nhỏ về các chặng đàng Thánh giá và quyết định suy gẫm mỗi ngày một trong mười bốn cảnh của cuộc Thương khó Chúa Giêsu. Tưởng tượng mình ở trong mỗi cảnh tượng đó, tôi thấy mình suy gẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu mà trước đây tôi chưa hề có.

Tôi chứng kiến Chúa Giêsu bị tuyên một cái án chết khủng khiếp. Tôi thấy Ngài bị đánh đập không thương tiếc. Tôi thấy quân lính tát Ngài, nhổ nước bọt vào mặt Ngài và đội trên đầu Ngài một vòng gai nhọn.

Khi Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài trên đường đến đồi Canvê, tôi đã ở đó – đi vào nỗi đau của Maria trên sự đau khổ của Con Mẹ, như tôi đau buồn cho con trai của tôi và những đứa con của nó. Tôi đã chứng kiến Chúa Giêsu ngã ba lần, bị đè dưới cây thập giá nặng nề và thấy một người qua đường bị ép buộc trợ giúp. Và khi Chúa Giêsu bước đi, mỗi bước của Ngài đau đớn hơn, tôi đã vác thập gía của mình bên cạnh Ngài.

Tôi thấy Ngài bị lột trần và xấu hổ. Tôi thấy quân lính đặt Ngài trên thập giá gỗ và nghe họ đóng những chiếc đinh nặng nề vào tay chân Ngài. Khi họ dựng Chúa Giêsu lên, tôi quỳ bên cạnh thập giá giữa những người bạn trung thành của Ngài, với vòng tay ôm lấy Mẹ Ngài. Trong ba giờ đồng hồ đau đớn, chúng tôi đã chứng kiến Ngài đau khổ, bất lực và không thể làm gì cho Ngài. Và sau khi kết thúc, tôi nhìn thấy thi thể tàn tạ của Ngài được hạ xuống và nhẹ nhàng đặt trong ngôi mộ.

Yêu thương và từ bỏ. Sau một năm chiêm niệm  những chặng đường này, tôi vẫn còn cảm thấy bị Chúa bỏ rơi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục bởi vì đó là điều duy nhất có thể đem đến cho tôi sự khuây khỏa.

Nghe có vẻ lạ nhưng tôi đã trở nên yêu thích những chặng đàng thánh giá. Tôi bắt đầu cảm nhận được điều kỳ diệu trong những điều mà các chặng đàng này miêu tả. Tôi thấy rằng không phải ai khác đã trải qua đau khổ tột cùng và cái chết của tội phạm – mà là Chúa Giêsu, Đấng ngự trên ngai tòa ở bên hữu Đức Chúa Cha. Vì yêu thương, Thiên Chúa của toàn vũ trụ đã đến và sống giữa chúng ta. Tâm hồn tôi bị đâm thấu khi hình dung người thợ mộc mạnh mẽ và có khả năng này – Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa - cố gắng gánh vác sức nặng khủng khiếp của thập giá vì tội lỗi chúng ta.

Nhưng tôi vẫn còn vật lộn. Chúa Giêsu có yêu thương tôi không? Nếu có sao tôi cảm thấy thật hoang vắng? Có phải tôi đã phạm một tội lỗi khủng khiếp nào đó? Không có gì nổi bật khi tôi suy nghĩ nhưng tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi không phải là một người “hoàn hảo” như tôi từng nghĩ. Tôi thấy có những lúc mà lẽ ra tôi nên hành động một cách yêu thương và chính trực hơn. Tôi đã nhìn thấy những tình huống khi tôi không biết mình nên làm gì. Một tinh thần hối cải đã đến với tôi khi tôi xem lại những tình huống này và khi tôi đem chúng đến với Chúa trong tòa giải tội, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái.

Nhưng tôi đau buồn về con trai tôi mà tình trạng của nó đang trở nên thê thảm. Cuộc ly hôn của nó đã kết thúc. Nó vẫn không tìm được việc làm và đã tuyên bố phá sản. Với số tiền để dành sắp cạn kiệt, nó đang nghĩ đến việc chuyển đến sống với tôi và chồng tôi – cách xa các con của nó ba trăm dặm.

Trong sự tuyệt vọng, cuối cùng tôi đã đặt con trai tôi hoàn toàn trong tay Chúa. Tôi đã không đủ tin tưởng vào Chúa để làm điều này trước đây nhưng bây giờ không còn cách nào khác. Chắc chắn rằng sau những tháng ngày suy gẫm về sự từ bỏ chính mình của Chúa Giêsu đã giúp tôi nói ra những lời khó khăn này “Lậy Chúa, con xin dâng con trai con cho Chúa. Xin theo ý Chúa, không phải ý con”. Và sau đó tôi chờ đợi, hy vọng rồi không hy vọng.

Làm mới mỗi buổi sáng. Cuộc điện thoại đến vào đầu tháng Năm. Đó là con trai tôi, và giọng nói của nó khiến tim tôi đập loạn xạ một lần nữa. Nó đã tìm được việc làm – một công việc tốt với mức lương cao. Run rẩy từ trong ra ngoài, tôi gác điện thoại và quỳ xuống tạ ơn Chúa.

Về sau, tôi đã dành nhiều ngày suy gẫm về những gì đã xẩy ra trong tâm hồn tôi trong suốt một năm rưỡi qua. Giữa hai cuộc điện thoại đó, tôi nhận ra tôi đã thay đổi sâu sắc. Nếu không có sự thử thách này tôi sẽ không bao giờ cảm kích trước những đau khổ của Chúa Giêsu vì chúng ta – vì tôi! Tôi sẽ không nhận ra Chúa Cha đã yêu thương chúng ta như thế nào. Tôi sẽ không nghĩ rằng Thiên Chúa thực sự ở với chúng ta trong ánh sáng cũng như trong bóng tối, và rằng Ngài có thể đem lại điều lành từ điều ác.

Tôi vẫn còn suy gẫm về những sự thật vĩ đại này, vẫn còn suy niệm về các chặng đàng thánh giá. Mỗi ngày trong mùa Chay và quanh năm, tôi cầm tập sách lên và chiêm ngắm một cảnh trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Không bao giờ nhàm chán. Chúa nói với tôi mọi lúc mọi nơi qua những chặng đàng này. Tình yêu và lòng thương xót của Ngài là vô hạn./.

***************

Máu của giao ước

The Word Among Us – Lại Thế Lãng dịch

Chúng ta thường nghe nói rằng chúng ta được tạo ra để yêu và để được yêu. Tất nhiên đó là môt thông điệp tốt để thừa nhận. Nhưng khi chúng ta trải nghiệm tình yêu đó một cách cá nhân và riêng tư, nó có một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chúng ta. Đơn giản là nghĩ đến niềm vui sâu sắc và cảm nhận nó đáng giá như thế nào đối với bạn khi vợ/chồng, cha mẹ hay một người bạn tốt nói với bạn rằng họ yêu thương bạn và coi bạn như một người mà họ trân trọng. Nếu tình yêu của loài người có thể mạnh mẽ như vậy, hãy tưởng tượng tác động của việc biết tình yêu của Thiên Chúa theo cách cá nhân như vậy.

Một giao ước bằng máu. Đây là cách dân Israel hiểu mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ biết rằng Ngài trân trọng và yêu thương họ sâu sắc. Không những thế, họ còn có bằng chứng vững chắc về tình yêu của Ngài. Ngài đã đích thân ra tay và cứu họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Ngài đã ban cho họ đất Canaan như là sở hữu đặc biệt của họ. Và Ngài hứa sẽ luôn ở bên họ. Ngài yêu thương họ đến mức Ngài đã lập một giao ước đặc biệt với họ - điều Ngài chưa từng làm với bất cứ dân tộc nào khác. Ngài đã lập giao ước đó ở trên núi Sinai khi Môsê dâng máu của hai con bò đực non trong lễ tế.

Trong thời cổ đại, máu là trọng tâm của bất cứ hiệp ước hay thỏa thuận nào giữa hai bên. Đó có thể là giữa hai quốc gia đang tìm kiếm hòa bình hay có thể là giữa hai bộ tộc hoặc gia đình đến với nhau để thành lập một thị tộc mới. Nhiều sự sắp xếp nghiêm túc như thế này được phê chuẩn thông qua một buổi lễ ký kết giao ước gồm hiến tế và đánh dấu bằng máu động vật.

Bằng cách lập một giao ước, những người có liên quan đang nói lên hai điều. Thứ nhất, họ tuyên bố rằng máu mà họ hiến tế chính là máu mà họ đánh dấu chính mình, để gắn kết mọi người với nhau trong một mối dây thiêng liêng. Thứ hai, bằng cách giết một con vật và rảy máu của nó, người ta đang nói: Xin các vị thần của chúng tôi đối xử với chúng tôi giống như cách chúng tôi đã đối xử với con vật này nếu chúng tôi vi phạm giao ước của mình.

Tương tự như vậy, khi Thiên Chúa lập giao ước với dân Ngài, Ngài cũng ràng buộc họ với chính Ngài qua máu hiến tế. Ngài hứa rằng Ngài sẽ không bao giờ phá bỏ lời thề trở thành Thiên Chúa của họ, người bảo vệ họ và là vị cứu tinh của họ. Nếu có người Ít-ra-en nào nghi ngờ sự tốt lành và trung tín của Thiên Chúa, tất cả những gì họ phải làm là nhớ lại giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với họ - một giao ước được đóng ấn trong máu thánh.

Để hiểu được giao ước máu này có ý nghĩa gì đối với dân Ít-ra-en, hãy cố gắng tưởng tượng bản thân bạn đang hiện diện với họ trên núi Sinai vào ngày đó. Hãy lắng nghe thật kỹ khi Mô- sê công bố “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24: 8). Sau đó hãy xem ông rảy một nửa máu trên bàn thờ và nửa còn lại trên trên bạn và mọi người khác. Một điều kỳ diệu vừa xẩy ra: Thiên Chúa đã tuyên bố rằng bạn là vật sở hữu đặc biệt của Ngài. Ngài sẽ kéo bạn và toàn gia đình bạn đến bên Ngài cùng với mọi người Ít-ra-en khác có mặt vào ngày đó!

Giao ước mới. Bây giờ hãy tự đặt mình trong căn gác với Chúa Giêsu khi Ngài cử hành bữa Tiệc ly với các môn đệ. Trong bữa ăn này, Ngài cầm chén đầy rượu trao cho các môn đệ và nói “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26: 27- 28).

Hãy tưởng tượng những lời này phải có sức mạnh như thế nào đối với các môn đệ. Họ biết truyền thống của tiền nhân họ. Họ biết Thiên Chúa đã lập một giao ước với họ và đóng ấn giao ước ước đó bằng máu hiến tế. Và đây là Chúa Giêsu, Đấng đã làm qúa nhiều điều mà chỉ có Thiên Chúa có thể làm để tuyên bố rằng máu Ngài sẽ đem đến một giao ước mới! Đây là Đấng Thiên Sai của họ, Đấng họ yêu mến đã tự ràng buộc chính Ngài với họ trong một mối dây chắc chắn đến mức không tội lỗi nào có thể vượt qua.

Nhưng Chúa Giêsu đã làm nhiều hơn là hứa một giao ước mới. Bằng cách trao cho họ cùng một chén đó- chén đầy rượu mà Ngài vừa tuyên bố là máu của Ngài- Ngài mời gọi họ uống chính máu Ngài, máu của giao ước mới vào trong thân xác cũng như vào tâm hồn họ. Thay vì chỉ được rảy với máu như tổ tiên của họ, họ có đặc quyền ký kết giao ước với Ngài theo cách mạnh mẽ hơn nhiều.

Thông điệp về máu Chúa Giêsu. Sau cùng, hãy tưởng tượng bạn đang ở dưới chân thập giá với Maria Mađalena, Gioan và Đức Maria Đồng trinh. Bạn nhìn lên và thấy Chúa Giêsu đang thở khó khăn, máu Ngài tuôn chảy từ tay, chân Ngài. Nhìn máu Ngài đổ xuống đất, bạn nhớ lại những lời của Ngài trong bữa Tiệc ly và bạn bị thót tim. Máu Ngài đang nói với bạn về một thông điệp về sự cam kết tuyệt đối của Thiên Chúa về tình yêu tuyệt đối dành cho bạn và mọi người khác.

Cảnh tượng của máu này cũng cho bạn biết rằng Thiên Chúa đã thiết lập một giao ước không chỉ với nhân loại nói chung mà còn với cá nhân bạn. Bạn đang thấy những gì giống như một người bình thường đang trải qua một thử thách phi trường – không phải vì Ngài có lỗi và không phải vì Ngài đã bị chế ngự bởi những thế lực mạnh hơn Ngài – mà chỉ vì tình yêu sâu sắc và bền chặt của Ngài dành cho bạn.

Máu Chúa Giêsu cũng cho bạn thấy rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi hay từ bỏ bạn. Việc Ngài muốn trải qua tất cả những điều này vì bạn đủ chứng minh rằng Ngài sẽ luôn quan tâm đến bạn. Nó chứng tỏ rằng sự tha thứ và chữa lành Ngài đã làm khi Ngài còn sống sẽ tiếp tục cho tới khi giao ước “vĩnh cửu” này còn tồn tại.

Và cảnh tượng máu Chúa Giêsu – máu loài người tràn đầy với sự sống thiêng liêng – cho bạn biết rằng Ngài đã kết hợp với bạn theo cách sâu sắc nhất và riêng tư nhất có thể. Bạn không còn là một người “bình thường” nữa. Bạn có sự sống của Ngài đang chảy trong bạn và sự sống đó có sức mạnh thay đổi bạn và biến đổi bạn ngày càng giống chính Chúa Giêsu hơn.

Để tưởng nhớ đến Ta. Đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa đã lập giao ước với bạn. Đừng bao giờ quên rằng bây giờ bạn là một phần  của gia đình Ngài, là Giáo hội. Bạn có một chỗ  tại bàn tiệc của Ngài, một chỗ ngồi danh dự. Hãy nhớ điều này mỗi khi bạn  đến nhận lãnh Ngài khi rước lễ: bàn thờ đó là cảnh tượng của bàn tiệc, biểu tượng của bữa tiệc bạn sẽ thưởng thức khi Chúa Giêsu lại đến.

Nhưng cũng hãy nhớ rằng, là một phần của gia đình Chúa Giêsu, bạn có vô số anh, chị, em, cha, mẹ, con gái, con trai là những người cũng đã kết hợp với bạn. Bạn thuộc về họ và họ thuộc về bạn. Chỉ với nhau như một gia đình mà bạn sẽ tìm thấy sức mạnh bạn cần để thực hiện cam kết giao ước của bạn với Chúa Kitô. Bạn cần họ và họ cần bạn.

Thật dễ dàng quên đi những gì Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trong việc đổ máu của Ngài! Đó là lý do tại sao Ngài nói với các môn đệ trong bữa Tiệc ly “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22: 19). Mùa Chay này, đặc biệt trong Tuần Thánh, hãy để máu Chúa Giêsu nói với bạn một thông điệp về sự tha thứ, hy sinh và về giao ước tình yêu. Chúa Giêsu đã chết để tha thứ tội lỗi cho bạn và cột chặt chính Ngài với bạn trong một sợi dây tình yêu không thể phá bỏ, mà Ngài đã đóng ấn bằng sự sống chứa đựng trong chính máu của Ngài./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét