Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

NĂM THÁNH GIUSE: XIN ƠN HOÁN CẢI

 

NĂM  THÁNH  GIUSE: 

XIN  ƠN  HOÁN  CẢI

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm-Rôma, 10.03.2021


Mục đích của việc thiết lập năm biệt kính Thánh Cả Giuse (08/12/2020 – 08/12/2021) được Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày một cách gián tiếp nhưng lại khá rõ ràng trong Tông thư Patris Corde - Trái Tim Người Cha.[1] Giữa trăm bề thử thách mà nổi trội nhất là đại dịch Covid-19, vị cha chung khả kính của Giáo Hội hoàn vũ nhận thấy rằng lúc này đây, mọi thành phần dân Chúa cần phải hướng lòng về Cha Nuôi Đấng Cứu Thế và cũng là Bạn trăm năm của Thánh Mẫu Maria (1) để làm mới lại lòng yêu mến của chúng ta dành cho ngài. (2) Chúng ta được khuyến khích noi theo các nhân đức tốt lành và gương nhiệt thành tận tụy của Đấng Công Chính. (3) Chúng ta cần giúp nhau củng cố niềm tin tưởng nơi sự chuyển cầu đầy thần thế của Thánh Giuse hầu giữ vững được niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con người chúng ta. Một cái nhìn bao quát sẽ cho phép chúng ta đọc thấy trong Tông thư Patris Corde không phải chỉ có một nhưng là có tới ba “trái tim”, đó là “tấm lòng” của Cha trên trời, là “con tim” của cha Thánh Giuse, và là “tâm tư” sâu thẳm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cả ba con tim như chung cùng nhịp đập.

Chúng ta sẽ khám phá ra “nhịp đập” ấm nồng này nơi phần kết đặc biệt khác thường của bức Tông thư. Đức Thánh Cha đưa ra một đề nghị khá lạ lùng, Ngài viết: “Chúng ta hãy cầu xin với Thánh Giuse ban cho chúng ta ơn của các ơn: đó là ơn hoán cải” (x. Phần kết Tông Thư Patris corde). Vậy chúng ta cần phải hiểu như thế nào về đề nghị này của Đức Thánh Cha? Thiết nghĩ Mùa Chay là thời điểm thích hợp hơn cả để chúng ta nghiêm túc suy gẫm về lời mời gọi hoán cải. Hơn nữa, trong ngày đầu tiên của Tuần Cửu Nhật dọn lòng mừng lễ kính Thánh Cả Giuse, chúng ta hãy dành thời gian để đọc lại Tông thư “Trái Tim Người Cha” dưới ánh sáng của Lời Chúa và trong bầu khí cầu nguyện theo phương pháp Lectio Divina.

Hoán Cải: Ơn của các ơn.

Trong Kinh Thánh, mặc dù danh từ “epistrepho” để nói về việc trở lại đạo (trong tiếng Anh là “conversion”) chỉ xuất hiện có một lần trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 15 câu 3, nhưng thông điệp về “sự hoán cải” và các động từ có nghĩa tương đương với “epistrepho” thì lại thường xuyên xuất hiện trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước (x. Gr 3, 12-14; Dcr 1, 3-4; Lc 2, 20; Lc 8, 55; Lc 17, 31; Cv 13, 43; 1 Cr 16, 15, Rm 16, 5). Phải ghi nhận rằng nghĩa của từ “hoán cải” vừa rộng vừa sâu. Ví như trong phần Chúa Giêsu nói về việc sửa lỗi anh em, động từ “trở lại” lúc này có ý ám chỉ tâm tình hối hận ăn năn (x. Lc 17, 4; Ed 18, 23; Đnl 30, 2-3; Hôsêa 14, 2-3;). Tương tự thế, trong phần Chúa Giêsu tiên báo về sứ mạng tương lai của Tông Đồ Trưởng Phêrô, Chúa nói: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Xét trong ngôn ngữ tiếng Việt thì “hoán cải” thông thường chỉ được dùng để diễn tả những biến đổi về mặt tinh thần, cụ thể hơn, là sự thay đổi quyết liệt xảy ra trong phạm trù tâm linh. Một cách chung chung, đó có thể là một biến đổi đột phá trong đời sống thiêng liêng của một con người. Đó cũng có thể là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển hướng từ đường lối tội lỗi sang đường nẻo công chính (x. Dcr 1, 3b-4b; Tv 50, 15. 19).

Cũng trên phương diện tâm linh, chúng ta nhận thấy “hoán cải” và “sám hối” có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. “Hoán cải” liên quan đến ý định thay đổi chiều hướng. “Sám hối” hay “metanoia” cũng liên quan đến việc “rẽ sang một con đường khác”. “Hoán cải” là sự chuyển đổi tâm linh kéo theo việc thay đổi hoàn toàn hướng đi trong cuộc sống của một con người. Đó là sự đoạn tuyệt mang tính quyết định đối với những mẫu thức lệch lạc liên quan đến tội lỗi để quay sang đón nhận sự sống mới từ Đức Kitô. Tương tự như thế, “sám hối” trong Tin Mừng, đặc biệt theo cách nói của Gioan Tẩy Giả, mang ý nghĩa “quay lưng lại với tội lỗi” hay “bắt đầu một nếp sống mới” (x. Mt 3, 2; Lc 3, 3; Mc 1, 4). Người biết thực sự sám hối sẽ là người được ơn “tái sinh”. “Sám hối” là công trình do Chúa Thánh Thần tác động và khơi lên trong tâm hồn của các hối nhân.[2]

Tuy nhiên, mọi sự không đơn giản như chúng ta nghĩ. Chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt rõ “hoán cải thực sự” và “hoán cải giả tạo”. Khi nhận ra tội lỗi sai sót của mình, ít nhiều gì chúng ta cũng sẽ rơi vào trạng thái đau buồn khổ sở. Nếu như tâm trạng đau buồn ấy chỉ đơn thuần là hệ lụy của “ray rứt lương tâm” mà không hề dính dáng gì đến nhận thức về hậu quả do tội lỗi gây ra, thì đó chỉ là hoán cải “hình thức”. Nói cách khác, hoán cải “giả mạo” chỉ đơn thuần là cảm xúc tiêu cực và người có lỗi không hề biết rằng tội lỗi do họ gây ra đã xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề như thế nào. Đang khi đó, “hoán cải thật” thì giúp cho hối nhân biết “dốc lòng chừa” hay quyết tâm đoạn tuyệt với tội lỗi, điều mà Thánh Phêrô Tông Đồ gọi là “chết đi đối với tội để có thể sống một cuộc đời mới, một cuộc đời công chính” trước mặt Thiên Chúa (x. 1 Pr 2, 24).

Hoán cải đích thực không dừng lại ở cảm xúc tiêu cực nhưng sẽ thôi thúc hối nhân đi đến hành động tích cực, nghĩa là tin tưởng hơn vào lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa và nhận ra nơi Thập Giá Đức Kitô niềm hy vọng cứu rỗi duy nhất cho loài người (x. 1 Pr 1, 3; 1 Cr 1, 22-23; 2 Cr 5, 19). Toàn bộ mục đích của việc hoán cải là giúp cho chúng ta “trở về” với mối tương quan đúng đắn cần phải có giữa chúng ta và Thiên Chúa. Biểu hiện của con tim hoán cải là biết “quay về”, biết bước đi trên những nẻo đường do Đức Chúa chỉ dạy. Hoa trái của hoán cải là “được thoát kiếp đọa đày” (x. Is 55, 3), “được sống và được hạnh phúc viên mãn trong miền đất tràn trề sữa và mật ong” (x. Đnl 5, 33. 6, 3). Xét cho cùng, trong hành trình dương thế của mỗi con người, chẳng có điều gì khác quan trọng hơn là chúng ta được giải thoát khỏi mọi gánh nặng và sống với niềm hạnh phúc đích thật. Có lẽ vì thế mà Đức Phanxicô đã tha thiết thúc giục chúng ta biến tháng ngày chúng ta sống thành một cuộc “hoán cải” không ngừng. Ơn hoán cải là ơn trọng hơn hết các ơn vì thông qua con đường “hoán cải” chúng ta sẽ tìm đến với hạnh phúc trường tồn.

Hoán cải để được sống (x. Ed 18, 32)

Tháng Ba, tháng kính Thánh Giuse và ngày lễ Thánh Giuse Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria năm nào cũng rơi vào đúng Mùa Chay, mùa sám hối, mùa hoán cải. Chỉ cần để ý đến phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro và sứ điệp Tin Mừng ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta dễ dàng nhận ra chiều kích hoán cải của Mùa Thương Khó. Sau khi trải qua 40 ngày trong sa mạc, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai. Người đến miền Galilê và rao giảng Tin Mừng. Người nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Hành vi xức tro trong ngày khai mạc Mùa Chay Thánh là dấu chỉ của tâm tình thống hối ăn năn, tâm tình thiết yếu của hành trình hướng đến niềm hoan lạc vượt qua. Nơi cuối chặng đường thương khó, khi mà Đức Kitô đánh bại tử thần, thì lời hứa của Thiên Chúa sẽ trở nên ứng nghiệm: “Tất cả những ai chịu đau khổ cùng với Đức Kitô thì cũng sẽ được vinh hiển cùng với Người” (x. Rm 8, 17). Trên bước đường sám hối quay về, chúng ta mạnh dạn đưa tay ra để cho Thiên Chúa nắm lấy và kéo chúng ta ra khỏi hố sâu sự chết mà đưa chúng ta tiến vào cõi sống muôn đời. Đó là cơ hội, là ân ban mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta vì Người hết mực yêu thương chúng ta: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề, Ta không hề muốn kẻ gian ác phải chết bao giờ, nhưng Ta chỉ muốn nó từ bỏ đường lối để được sống” (x. Ed 18, 3. 23).    

Ba mục tiêu chúng ta nhắm đến trong năm Thánh Giuse, “gia tăng lòng mến”, “can đảm noi gương” và “vững dạ cầu xin”, khiến cho chúng ta liên tưởng đến ba mệnh lệnh mà Đức Maria đã khẩn thiết yêu cầu nhân loại chúng ta khi Mẹ hiện ra với các trẻ mục đồng tại Fatima vào năm 1917, đó là: “Cải thiện bản thân, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần hạt Mân Côi”. Suốt 114 năm qua, thông điệp ấy vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, để thoát khỏi nạn diệt vong và sớm trở lại trạng thái hòa bình, nhân loại chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải chấm dứt ngay tất cả mọi hình thức xúc phạm đến Thiên Chúa. Thế giới phải nhận ra tội lỗi của mình và cấp bách quay về. Nhân loại cần phải “hối cải” và sống cho đúng với vị trí và vai trò của mình.

Tông thư Patris Corde trình bày cho chúng ta chân dung của Thánh Cả Giuse, Đấng đã vượt qua mọi thử thách chông gai chỉ bằng một bí quyết vô cùng hữu hiệu: “Khi tỉnh giấc, Giuse đã thực hiện mọi sự y như lời sứ thần Chúa truyền dạy” (x. Mt 1, 24).  Với việc tích cực tìm kiếm và mau mắn thi hành thánh ý Chúa, Thánh Giuse giúp chúng ta nhận thức tỏ tường hơn các vấn nạn mà chúng ta đang phải đối diện. Khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng ơn gọi, v.v… tất cả mọi cuộc khủng hoảng dường như đều bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng mang tính cơ sở, đó là khủng hoảng về căn tính. Đau khổ, chia ly và chết chóc mà nhân loại chúng ta đang ngày ngày phải đương đầu với không phải là do Thiên Chúa đã có một lúc nào đó “nỡ lòng khép lượng từ tâm” nhưng chẳng qua là vì chính loài người chúng ta đã hết lần này đến lần khác cố tình chống lại Thượng Đế. Bài học xưa vẫn còn đó, chẳng phải vì tổ tông loài người đã từng bất tuân mà tội lỗi đã xâm nhập vào trần gian và sự chết cũng từ đó mà lan tràn đến hết mọi người đó sao? (x. Rm 5, 12). Nhân loại ngày nay chẳng phải đang hết sức ngạo mạn khi cả gan đòi thay quyền Thiên Chúa quyết định vận mạng của anh chị em đồng loại và tấn công một cách tàn bạo đến sự toàn vẹn của mẹ thiên nhiên đó sao? Chính trong hoàn cảnh nhiễu nhương như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta mạnh dạn đến quỳ gối trước mặt Thánh Giuse và mở lòng ra đón nhận mệnh lệnh khẩn thiết đến từ gương sáng của ngài: “Hãy ngưng xúc phạm đến Thiên Chúa. Hãy mau hoán cải và hãy mau trở về” (x. Ed 18, 30-32).

Trái tim mới – thần khí mới (x. Ed 18, 31)

Thiên Chúa là “Đấng chậm giận và giàu tình thương” chưa bao giờ bỏ rơi nhân loại lỗi lầm, Ngôn Sứ Giôen đã khẳng định với chúng ta điều đó (x. Giôên 2, 13). Đúng vậy, Thiên Chúa không ngừng cảnh tỉnh và ban phát cơ hội để chúng ta sửa chữa sai lầm. Người vẫn lập đi lập lại sứ điệp Tin Mừng này như một cách Người củng cố niềm hy vọng của chúng ta: “Nếu như vì tội phản nghịch của một người mà nhân loại phải chết thì nhờ đức vâng phục của một người mà nhân loại sẽ được cứu” (x. Rm 5, 19). Đây là niềm hy vọng và là con đường mà Thiên Chúa đã vạch sẵn cho những ai tha thiết tìm kiếm ơn cứu độ.

Nhờ công nghiệp của Đức Kitô, “Đấng trung gian duy nhất” (1 Tm 2, 5), “Đấng bảo trợ” cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (1 Ga 2, 1) và là Đấng “hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7, 25; x. Rm 8, 34), các Thánh ở trên trời được chia sẻ vào sứ mạng “củng cố toàn thể Hội Thánh một cách vững chắc hơn trong sự thánh thiện”. Chính vì thế, các Thánh cũng đóng vai trò chuyển cầu cùng Chúa Cha cho tất cả chúng ta”.[3] Trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, các Thánh có sứ mạng “không chỉ là làm phép lạ và ban ơn, nhưng là chuyển cầu cho chúng ta” (Patris Corde, Phần Kết). Với niềm xác tín như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta khám phá ra nơi mẫu gương vâng phục và khiêm nhượng của Thánh Giuse, bí quyết “vượt thắng” mọi khủng hoảng và khó khăn.

Đọc lại Patris Corde chúng ta có dịp chiêm ngắm chân dung hoàn hảo của một người cha, người cha âm thầm, người cha vâng phục và hy sinh. Dù phải trải qua bất kỳ nghịch cảnh nào, người cha ấy vẫn tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa. Ngài không bao giờ kêu ca hay phản kháng, chỉ tận tâm phục vụ, thi hành chính xác từng sứ mạng Thiên Chúa giao cho. Ngài đã sống đúng với ơn gọi và xuất sắc chu toàn bổn phận. Nhờ nhận thức đúng đắn về vai trò và vị trí của mình mà Thánh Giuse đã tìm được bình an và sức mạnh trong khi đương đầu với phong ba bão tố của cuộc đời. Nhờ đặt thánh ý Chúa lên trên ý riêng của bản thân, Đấng Công Chính đã có thể bảo vệ thành công kho tàng của mầu nhiệm cứu cuộc; đó là Đức Trinh Nữ Maria và Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian.

“Ite ad Joseph - Hãy đến cùng Giuse” (St 41:55)

Lời đề nghị cuối bức Tông thư của Đức Thánh Cha tự bản chất là sứ điệp Tin Mừng. Trong hoàn cảnh hiện nay, sứ điệp ấy đích thực là một đòi hỏi cấp bách. Bình an và hạnh phúc sẽ mãi mãi là ước mơ xa tầm với nếu như chúng ta cứ tiếp tục cho phép bản thân sa đọa trong vũng lầy tội lỗi. Chỉ khi nào chúng ta đáp lại tiếng Chúa và quyết tâm “hối cải” thì lúc đó chúng ta mới thực sự hiểu được thế nào là “đang sống”. Nhờ ơn hối cải, chúng ta bắt đầu tiến trình tìm lại chính mình, nghĩa là dọn dẹp và thanh lý hết tất cả những thứ không phải là của mình và cũng không làm cho chúng ta được là chính mình. Nhờ hoán cải, chúng ta nhận ra không gì quan trọng hơn là chu toàn sứ mạng Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta.

Trong năm biệt kính Thánh Giuse, chúng ta hãy để cho gương khiêm nhượng và vâng phục của Cha nuôi Đấng Cứu Thế truyền cảm hứng cho mỗi người chúng ta. Nhờ lời Thánh Giuse chuyển cầu, chúng ta khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và nhân loại những con tim mới: Một con tim biết “chạnh lòng thương” dành cho hàng giáo sĩ khắp nơi; một con tim trung tín và nhiệt thành dành cho đời tu sĩ thánh hiến; một con tim dũng cảm và sáng tạo dành cho quý gia trưởng; một con tim tận tụy hy sinh và quảng đại trao hiến dành cho giới hiền mẫu; một con tim vâng phục và hiếu thảo dành cho phận con cái trong gia đình. Mọi thành phần của nhiệm thể Đức Kitô đều cần ơn hoán cải để tất cả chúng ta có thể sống đúng đắn hơn với ơn gọi và sứ mạng của mình.

“Lạy Thánh Giuse diễm phúc, xin hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con

và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Amen.” (Patris Corde, Phần Kết).

***

Như lời kêu gọi của Tông Thư Patris Corde, chúng ta chạy đến với Thánh Cả Giuse giữa bao sầu thương nguy biến và cầu xin ngài nâng đỡ đức tin của chúng ta bằng tâm tình của bài hát “Giuse – Đấng Công Chính”: https://www.youtube.com/watch?v=oQ08XesbKJ0

 

[1] Tham khảo bản dịch Việt Ngữ tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-patris-corde-nhan-ky-niem-150-nam-ton-vinh-thanh-giuse-la-bon-mang-hoi-thanh-41101.

[2] Xem “Chú thích Mát-thêu 4, 17” trong Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người, NXB TG, 2006, tr. 1587.

[3] Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 956 và Hiến Chế Lumen Gentium, 60.

Tác giả:  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét