Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Những người chồng 'mãi không chịu lớn'


Những người chồng 'mãi không chịu lớn'

Thứ bảy, 30/1/2021-VnExpress.net

 

Tự lo cho cuộc sống, chăm sóc con cái và chăm sóc vợ một cách độc lập, đó chính là trách nhiệm của đàn ông. Ảnh minh họa.

Đàn ông trưởng thành hay chưa không phải ở độ tuổi mà phụ thuộc vào việc người đó đã thực sự hiểu biết, sống có trách nhiệm hay chưa.

Bài viết của nhà tâm lý học Miêu Đại của Trung Quốc

Một trung tâm sinh sản ở Seoul, Hàn Quốc gần đây đã ban hành hướng dẫn dành cho phụ nữ trước khi sinh, với một số nội dung khiến nhiều người bức xúc. Ví dụ như: Trước khi nhập viện nhớ kiểm tra số lượng đồ dùng cần thiết hàng ngày như giấy vệ sinh, kem đánh răng, xà phòng, chất tẩy rửa để gây không phiền phức cho gia đình bạn; Nhớ chuẩn bị sẵn thức ăn để các ông chồng có thể thực hiện công việc nội trợ một cách nhanh chóng nhất; Hãy chuẩn bị những bộ đồ lót, tất, áo khoác mà chồng sẽ thay trong 3-7 ngày, nên cất vào ngăn kéo ở những vị trí dễ thấy để chồng nhanh chóng tìm được.

Dù sau đó hướng dẫn trên đã bị xóa bỏ nhưng nhiều người đặt câu hỏi: "Nhiều đàn ông trưởng thành theo thời gian, nhưng sâu thẳm bên trong anh ta phải chăng vẫn là một cậu bé?".

Đối với nhiều đàn ông, họ coi việc "được nuôi" là một chuẩn mực ở đời.

Mới đây, một tờ báo ở Trung Quốc đã cử phóng viên theo sát cuộc sống của một cặp vợ chồng họ Trương ở Thạch Gia Trang trong 21 ngày liên tục. Công việc thường ngày của người vợ là đi chợ, đưa con đi học, đi chơi, dạy con học và đảm đương tất cả việc nhà. Trong khi công việc của người chồng đơn giản hơn nhiều, hầu hết đều ở công ty, cuối tuần mới có mặt ở nhà. Trớ trêu thay, suốt hai ngày ở nhà, anh không hề động tay chân vào việc gì. Người vợ dù mải miết với công việc bên ngoài nhưng khi về vẫn không quên nấu nướng cho chồng ăn.

Nếu không được chú ý rồi đưa tin, chẳng ai quan tâm tới cuộc sống của một phụ nữ bình thường như cô Trương. Trong mắt nhiều người, người vợ như cô sẽ chẳng gặp khó khăn gì khi toàn làm những thứ được coi là vặt vãnh như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái.... Nhưng ai đã từng trải qua mới cảm nhận được "Thật buồn chán và thất vọng nếu như không ai cùng gánh vác việc nhà với mình".

Có người từng đặt câu hỏi trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu: "Phụ nữ sau khi sinh con, bao nhiều người thất vọng về chồng?". Một người kể chuyện, con trai ngủ giữa hai vợ chồng, đến 3h30 sáng đột nhiên bật dậy khóc. Người vợ vì mệt mỏi, hy vọng chồng dậy dỗ con nhưng vô vọng. Cuối cùng, cô dậy pha sữa cho con, trong khi chồng vẫn ngáy đều. Người vợ phát hiện trong tủ có gói bánh, vì đói cô rút ra một chiếc rồi cắn "cạch" một tiếng. Ngay lúc này, người chồng bật dậy, nhìn chằm chằm vào vợ hỏi: "Em ăn cái gì phải không?".

Trái tim phụ nữ chết đi khi nào? Đó là lúc hy vọng trở thành thất vọng. "Phía sau những bộ quần áo chỉn chu, thân hình to lớn là một người chồng chẳng biết bao giờ mới chịu lớn", người phụ nữ này nói.

Một người đàn ông tốt có giá trị như thế nào?

Người ta nói rằng khu vực có mức độ hạnh phúc nhất Trung Quốc chính là Tứ Xuyên và Trùng Khánh, bởi nơi này rất nhiều đàn ông sợ vợ. Ở đây, đấng nam nhi biết nấu ăn và trông con trong khi phụ nữ thoải mái chơi mạt chược. Phải chăng đàn ông chỉ có thể tạo nên hạnh phúc khi họ "sợ vợ"?

Theo tôi, đàn ông không nhất thiết phải đảm đang việc nhà, cũng không cần phải thành thạo việc chăm nom em bé, chỉ cần họ biết nghĩ cho vợ và lo cho gia đình một chút thì người vợ đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Nhiều bạn bè xung quanh ghen tỵ với tôi vì có "chồng tốt". Hai ngày nghỉ cuối tuần, anh có thể mang con đi chơi cả ngày để vợ được nghỉ ngơi. Ở nhà anh vẫn thường giặt quần áo, quét và lau nhà giúp vợ. Công bằng mà nói việc này không quá tốn nhiều sức lực. Tôi cả tuần đã phải chăm con, làm việc nhà bất kỳ lúc nào rảnh tay. Nhưng khi có chồng biết chia sẻ, mỗi khi mệt mỏi tôi đều có bờ vai dựa vào, có thể ngả lưng chợp mắt bởi chồng sẵn lòng trợ giúp. Như vậy tôi đã quá mãn nguyện rồi.

Xã hội luôn kêu gọi phụ nữ độc lập, nhưng đàn ông nên độc lập hơn. Tự lo cho cuộc sống, chăm sóc con cái và chăm sóc vợ một cách độc lập, đó chính là trách nhiệm của đàn ông.

"Báo cáo Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần Công cộng năm 2020" do Simple Psychology công bố đã chỉ ra: 73,17% cảm xúc tiêu cực của phụ nữ đến từ "Tôi thường cảm thấy không vui vì những hành động của chồng mình."

 

Chứng trầm cảm sau sinh của người vợ không phải do quá mệt mỏi, cũng không phải do áp lực công việc mà do thái độ và hành động của người chồng. Ảnh minh họa

 

Chứng trầm cảm sau sinh của người vợ không phải do quá mệt mỏi, cũng không phải do áp lực công việc mà do thái độ và hành động của người chồng. Nhiều phụ nữ nói rằng: "Tôi dù không quá mệt mỏi nhưng luôn cảm thấy cô đơn. Dù là siêu nhân thì cũng cần có chồng cùng sát cánh".

Người phụ nữ nào cũng từng là một thiếu nữ ngây thơ, khao khát hạnh phúc về một gia đình đủ đầy. Không ai muốn trở thành siêu nhân để rồi gục ngã trong tuyệt vọng. Với đàn ông, dù công việc bận rộn đến đâu, dù có bao nhiêu bằng hữu đi chăng nữa thì mọi việc vẫn hoạt động bình thường khi không có bạn bè, công việc. Nhưng nếu gia đình thiếu đàn ông thì nửa bầu trời sẽ sụp đổ.

Trong một chương trình truyền hình của đài Bắc Kinh, có câu hỏi được đặt ra để khách mời tranh luận: "Vợ không ở nhà, bạn sẽ thế nào?"

Một khách mời là nữ nói rằng, đàn ông Á Đông dù 30 hay 50 tuổi cũng không khác nhau là mấy. Hàng ngày họ đều chờ đợi người phụ nữ như mẹ hay vợ lo cơm nước rồi chỉ ngồi vào ăn. Nhiều gia đình thậm chí có những người đàn ông chưa bao giờ vào bếp bởi họ coi đó không phải là việc của mình. Đói đã có vợ lo, quần áo bẩn hay ốm đau cũng đều có vợ lo... việc của mình là kiếm tiền, vậy thôi. "So với trẻ con, những người đàn ông này có khác gì không. Cái gì cũng vợ ơi, vợ à, chỉ khác là không cần đưa điểm thi về cho vợ", nữ khách mời nói.

Vị khách này cho rằng, trẻ con vô tâm nên chẳng ai trách cứ. Nhưng đàn ông khi đã có gia đình rồi mà vẫn như một đứa trẻ thì không ổn chút nào. "Đàn ông đến chết vẫn chỉ như một đứa trẻ, bởi phía sau họ là sự trả giá của những người phụ nữ. Lớn về thân xác cũng phải lớn về con người bên trong. Đừng sống mà chỉ biết mãi đến mình như vậy nữa", người này khẳng khái.

Vy Trang (Theo sohu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét