Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

8 cách để tránh 'chuyện bé xé ra to'

 Thứ bảy, 6/2/2021,VnExpress.net 

8  cách  để  tránh  'chuyện  bé  xé  ra  to'

Tranh luận là một điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, đôi khi chỉ vì không khéo nói, bạn làm phức tạp hóa vấn đề và làm tổn thương đối tác.

Hãy khởi đầu nhẹ nhàng, mềm mỏng

Ba phút đầu tiên của một cuộc tranh cãi có thể cho thấy nó sẽ kết thúc theo cách nào. Nếu bạn thực sự tức giận và xúc động khi bắt đầu cuộc trao đổi, cái kết có thể tồi tệ, khiến bạn sẽ khó đi đến thỏa thuận hơn. Vì vậy, ngay cả khi bạn muốn phàn nàn hoặc bạn đang buồn về điều gì đó mà người kia đã gây ra, cũng hãy cố gắng không buộc tội và phán xét. Nên cố gắng giữ bình tĩnh trước đã, điều này có thể đảm bảo rằng phần còn lại của cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục theo cách thân thiện hơn.

Sử dụng "tỷ lệ ma thuật"

Một nghiên cứu về các cặp vợ chồng cho thấy, trong tương tác giữa cặp đôi hạnh phúc luôn có cả mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa hai mặt này nên là 5-1, có nghĩa là cứ 5 tương tác tích cực thì các cặp đôi hạnh phúc chỉ nên có một lần tương tác tiêu cực.

Thứ có thể giúp bạn cân bằng những cảm xúc tiêu cực khi tranh cãi là 5 điều tích cực mà đối tác của bạn đã làm trước đó. Để lưu dấu lại những khoảnh khắc này, bạn có thể viết nhật ký. Mỗi khi đối tác của bạn làm điều gì đó khiến bạn hạnh phúc hoặc biết ơn, hãy viết nó ra. Sau đó, trước khi bước vào cuộc tranh luận, bạn có thể đọc danh sách đó một mình, hoặc đọc to cho đối tác của bạn nghe.

Sử dụng từ "Tôi", thay vì "Bạn"

Khi bạn bắt đầu câu nói của mình bằng từ "bạn" (VD: Bạn đã làm sai điều gì đó), người kia sẽ cảm thấy bị tấn công và muốn tự bảo vệ mình. Điều đó tức là họ sẽ tức giận và chống trả bằng cách buộc tội bạn.

Để cho thấy rằng bạn tôn trọng đối phương, hãy chia sẻ cho họ biết rằng hành động của họ khiến bạn cảm thấy như thế nào, bằng cách bắt đầu câu nói của bạn với chủ ngữ "tôi" (Tôi cảm thấy...). Bằng cách đó, câu chuyện sẽ không diễn ra như thể bạn đang đổ hết lỗi lầm cho đối phương, mà đi theo hướng bạn đang giải thích rằng điều gì đó thực sự khiến bạn khó chịu hoặc tổn thương.

Tìm kiếm thỏa hiệp

Khi tranh luận, đặc biệt với người mà bạn yêu quý, bạn cần kết thúc cuộc tranh cãi càng nhanh càng tốt và đừng đặt nặng chuyện thắng thua. Nếu bạn làm như vậy, bạn có thể sẽ làm tổn thương người đó, mối quan hệ của hai bạn có thể rạn nứt. Vì vậy, hãy cố gắng thỏa hiệp. Ngay cả khi cuối cùng bạn không đạt được điều mình muốn, bạn và người kia đều đạt được ít nhất một phần những gì cả hai phía muốn, trong khi vẫn giữ gìn được mối quan hệ tốt.

Sử dụng trí tưởng tượng và óc hài hước của bạn

Đôi khi chúng ta đưa ra những lập luận cực đoan, thậm chí là lố bịch dựa trên chính những suy nghĩ cứng nhắc của mình. Nếu bạn có thể truyền đạt những ý nghĩ của mình bằng lời nói pha lẫn chút hài hước, vui vẻ, người nghe sẽ tiếp nhận nó một cách thoải mái hơn. Ví dụ, thay vì nói đối phương bỏ bê bạn, không quan tâm đến bạn, bạn có thể bông đùa rằng có phải họ mới dọn nhà đến Sao Hỏa, và rồi sự xa cách địa lý khiến họ đang xa dần bạn hay không?

Lắng nghe và lặp lại điều đối phương nói

Trong một cuộc tranh cãi, chúng ta thường cảm thấy rằng dường như đối phương không nghe những gì chúng ta đang nói. Thậm chí, bạn còn có cảm giác như đang nói chuyện với một bức tường, điều này sẽ gây cho bạn cảm thấy thất vọng và tức giận. Đối phương cũng như vậy. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tích cực lắng nghe, sau đó lặp lại những gì người kia đã nói và nói với họ rằng bạn hiểu được điều đó.

Chọn "từ an toàn"

Ngay khi bạn nhận thấy rằng các cuộc tranh luận đang đi quá xa và bạn không thể kiểm soát chúng, hãy cố gắng sử dụng "từ an toàn" để trao đổi với đối tác. Đó phải là từ trung lập hoặc tích cực, để không đẩy vấn đề đi xa hơn. Từ này sẽ có nghĩa là: "Chúng ta đều cần phải bình tĩnh trước khi có thể tiếp tục cuộc trao đổi này".

Lắng nghe cảm xúc chứ không chỉ là lời nói

Trong lúc nóng nảy, chúng ta có xu hướng nói những điều chúng ta không thực sự nghĩ. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên tập trung vào cảm xúc của người mà bạn đang tranh cãi, chứ không phải lời nói của họ. Bằng cách đó, những lời nói đó sẽ không khiến bạn tổn thương và dễ "chạm máu nóng" nữa.

Thùy Linh (Theo Brightside)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét