Mar 7, 2021
- Chúa nhật III
Mùa Chay năm B
Đền thờ đích thật
chính là tâm lòng mỗi người
https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/chua-nhat-iii-mua-chay-b-thanh-vinh-dap-ca.html
Các Bạn thân mến,
Lễ Vượt Qua theo luật của
người Do Thái là lễ quan trọng nhất trong năm. Mọi người nam sống cách
Gierusalem trong vòng hai mươi lăm cây số bắt buộc phải đến dự lễ. Và không chỉ
những người Do Thái sống tại xứ Palestin tham dự, mà gần như tất cả mọi người
Do Thái dù sống tản mác khắp nơi trên thế giới, cũng đều mơ ước và hy vọng được
dự lễ Vượt Qua tại Giesrusalem ít nhất một lần trong đời. Thế nên lễ Vượt Qua
là một đại hội lớn, đông đảo, sầm uất, không ai có thể đếm được hết số người
tham dự mỗi năm.
Đền Thờ Gierusalem rất vĩ
đại, gồm nhiều hành lang như cái sân lớn, dài, dẫn đến bên trong Đền Thờ chính
và nơi Thánh.
Trước hết là hành lang
dành cho dân ngoại, rồi theo thứ tự, đến hành lang dành cho phụ nữ, nam giới,
cho dân Israel, khu hy lễ, hành lang dành cho Hòm Bia 10 điều răn, tượng trưng
cho sự hiện diện của Thiên Chúa tại đây.
Do Thái giáo lại có những
luật lệ nghiêm ngặt về việc dâng cúng trong Đền thờ như:
a) Thuế Đền Thờ:
- Dùng cho việc dâng các của lễ và lễ nghi
hằng ngày.
- Mọi người dân Do Thái từ 19 tuổi trở lên
phải nộp thuế này.
- Tiền phải nộp là tiền Do Thái.
- Các loại tiền của ngoại bang bị coi là ô
uế, khi dâng phải đổi ra tiền Do Thái.
b) Của lễ:
- Thường là vật sống, lành mạnh, không tì
vết và chỉ dâng bò, chiên, và chim bồ câu.
- Các chức sắc đền thờ bổ dụng người kiểm
tra khám xét con vật.
Chính những điều trên đã
phát sinh nhiều tệ nạn như việc trao đổi tiền bạc, buôn bán các con vật…gây náo
động, ô uế trong hành lang dành cho người ngoại bang nơi đền thờ.
Thật ra những việc ấy tự nó không có gì sai quấy,
chỉ cho kẻ đổi tiền chút ít tiền lời, trả lệ phí cho người kiểm tra con vật,
hay để tiện lợi, có thể mua các con vật của người bán tại sân đền thờ, là những
điều khách hành hương chắc hẳn sẵn lòng.
Vì khách hành hương nào
cũng muốn dâng lễ vật để cảm tạ Thiên Chúa về việc gì đó, bởi theo thói quen, hầu
hết các hành động hoặc biến cố xẩy ra trong đời sống đều có một lễ vật tương ứng.
Nhưng điều khiến Đức
Giesu bừng bừng nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn do bọn đổi
tiền, bán buôn bóc lột, như những con vật mua trong đền thờ phải trả đắt gấp rất
nhiều lần so với mua ở ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn. Thật
là một bất công, và càng tệ hại hơn nữa khi người ta nhân danh tôn giáo để làm
việc ấy.
Chính những kẻ vô lương
tâm đã trục lợi, mánh khóe bất chính, thủ đọan lộ liễu, bóc lột trắng trợn
khách hành hương, làm cho đền thờ trở nên nơi buôn bán ô uế, khiến Chúa phải mạnh
tay dọn dẹp sạch sẽ đền thờ, vì:
1. Đền thờ Thiên Chúa phải được tôn kính:
- Đền Thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa nên tất
cả mọi thứ đều phải phù hợp với sự tôn kính cao qúi nhất. Những người bước vào
đây cũng phải có thái độ trang trọng nghiêm chỉnh nhất.
- Vì lòng tôn kính là một bản năng bẩm sinh,
nó nằm sẵn trong tâm lòng con người.
- Như khi chúng ta bước vào một nơi trang
nghiêm, có sự thờ phượng, tự nhiên chúng ta trang trọng, im lặng, nhẹ nhàng,
nghiêm chỉnh...
- Lòng tôn kính lại gắn liền với sự thờ phượng,
nên thờ phượng mà thiếu tôn kính là thờ phượng hình thức, qua loa chiếu lệ, lạnh
lùng, trống rỗng.
- Sự thờ phượng Thiên Chúa phải ý thức được sự
thánh thiện của Ngài, phải tôn nghiêm, đúng với vị trí của Vua trời đất.
- Sự thờ phượng phải được cả người chủ sự lẫn
cộng đòan chuẩn bị chu đáo trước, cả nơi thờ phượng đến hình thức và những lễ
nghi.
- Ngày nay sự bất kính như trong Tin Mung hôm
nay không còn nữa, nhưng người ta vẫn còn nhiều cách dâng lên Thiên Chúa một sự
thờ phượng bất kính khác.
- Như cảnh buôn thần bán thánh, mua đặt chỗ
ngồi danh dự, khắc tên tuổi, chức vụ nơi nhà thờ, đền đài; ma me, gian dối tại
các đại lễ và các trung tâm hành hương…
- Cảnh dâng lễ, dâng hương, rước kiệu như những
lễ hội trần gian, cùng những màn trình diễn múa máy, nhẩy nhót với quần áo, khăn
mũ mầu mè, sặc sỡ, kèn trống, ca hát ngân nga điệu đà, đôi khi còn sen kẽ những
bài trần tục...
- Lợi dụng nơi thờ phượng, vị trí thánh thiện,
nơi tuyên bố Lời Chúa… làm diễn đàn thông báo, mời gọi, ủng hộ, khuyên giúp,
rao bán, linh tinh…
- Coi Nhà Chúa như điểm hẹn hò, chuyện trò
láu liên, bình luận nhỏ to, trình diễn các kiểu thời trang, khoe khoang đủ cách
ăn mặc, đầu tóc, giầy dép, vòng nhẫn, xe cộ...
- Khi có công việc riêng như đám cưới, rửa tội,
đám ma, đám giỗ, kỷ niệm này nọ…thì yêu cầu nhà thờ phải trang trí thế này thế
kia cho họ, hoặc họ tự trang trí lấy; ca đoàn phải hát bài này, đọc lời nguyện
nọ v.v...
- Vẫn biết rằng vì lòng kính yêu Thiên Chúa,
chúng ta muốn có một hình thức trang trọng xứng đáng trong phụng vụ, nhưng đừng
nghĩ rằng càng trang trọng hoành tráng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu mà bằng mọi
cách thu góp, chi phí tốn kém để phô trương, trong khi lơ là phần tinh thần cho
nhau, nên chỉ làm chia lòng chia trí mọi người.
- Cần
nhớ rằng nếu chúng ta không giữ gìn Đền thờ sạch sẽ trang nghiêm xứng đáng, thì
Đức Giesu, vì không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi
Đền Thờ của Chúa Cha, sẽ phải biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa
bằng việc dùng roi xua đuổi chúng ta như khi xưa Ngài đã xua đuổi bọn con
buôn cùng với tiền bạc, chiên bò, chim câu của người Do Thái.
2. Lễ vật dâng:
- Từ
nhiều thế kỷ trước, các tiên tri đã nói: Đức Chúa phán:"Ngần ấy hy lễ của
các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập Ta đã
ngấy. Máu chiên dê Ta chả thèm."
- Và tiếng
nói tiên tri luôn nhắc đi nhắc lại với loài người tính cách bất thích hợp của
các lễ toàn thiêu và các lễ vật còn liên tục bốc khói từ bàn thờ tại
Gierusalem.
- Đức
Giesu có hành động xua đuổi như vậy còn để chứng tỏ rằng toàn thể việc dâng thú
vật làm lễ tế không còn thích hợp, bởi không có lễ vật nào của loài người có thể
làm cho loài người hòa thuận lại với Thiên Chúa.
- Thật
vậy, Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi loài mọi vật, tất cả đều là của Ngài,
thì Ngài cần gì, thiếu gì, thèm chi những con vật mà chúng ta phải gượng ép, lợi
dụng dâng cho Ngài?!
- Ngày
nay loài người không còn dâng các con vật làm của lễ như xưa, nhưng chúng ta lại
đồng hóa việc phục vụ Thiên Chúa với các hình thức khác như lắp đặt một chùm
đèn sáng, trưng bầy ảnh tượng qúi gía, dâng hiến dụng cụ này, vật liệu
kia...trong khi coi nhẹ việc thờ phượng đích thực hoặc đã để biến mất.
- Chúng
ta không lên án, không coi thường những việc dâng hiến đó, mà cảm tạ Chúa nếu
điều ấy do những tấm lòng chân thành yêu mến Thiên Chúa mà làm.
- Chúng
được dùng để hỗ trợ, phục vụ cho việc thờ phượng chân thật, là những việc được
Chúa chấp nhận và ban ơn phúc.
- Nhưng
nếu chúng ta dùng nó để thay thế cho lòng thờ phượng chân thành, khỏa lấp sai lầm,
muốn phô trương, lợi dụng thì khiến Chúa ghê tởm!
- Câu chuyện trên còn nói lên một thực
tại: là người thì dù ở trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, nếu không
biết khôn ngoan phòng tránh, thì đều có nguy cơ bị sa ngã trước sức
mạnh quyến rũ của đồng tiền.
- Thực ra, tiền của là một nhu cầu không
thể thiếu trong cuộc sống. Nó cần để duy trì và phát triển các hoạt
động của cá nhân, tổ chức, đoàn thể, kể cả Hội thánh về phạm vi
một tổ chức trần thế. Nó cũng giúp người ta sống xứng với nhân phẩm:“Phú
quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”.
- Chính nhờ tiền của do các tín hữu dâng
cúng mà Hội thánh không những đã duy trì được phẩm trật, mà còn
làm được nhiều công việc hữu ích về phụng vụ, truyền giáo, bác ái
xã hội, phục vụ những người bất hạnh...
- Tuy nhiên,“tiền của là một đầy tớ
tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu”. Bao lâu coi đồng tiền là
phương tiện thì nó sẽ giúp chúng ta làm được nhiều việc tốt đẹp hữu
ích cho Chúa và tha nhân. Nhưng nếu quá coi trọng đồng tiền, biến nó
trở thành lý tưởng, mục đích cuộc đời, kiếm nhiều tiền bằng bất
cứ giá nào thì bấy giờ đồng tiền sẽ trở thành ông chủ tung hoành,
không còn nghĩ tới tội phúc, thưởng phạt đời sau. Vì nó sai khiến
chúng ta làm nhiều điều sai lỗi về sự thờ phượng Chúa, về công bằng, bác ái…
3. Đền Thờ mới:
- Cảnh
buôn bán náo động, ô uế diễn ra trong hành lang dành cho ngoại bang nơi đền thờ
Gierusalem, là nơi duy nhất để họ đến Đền Thờ.
- Như thế nếu có một người ngoại bang nào được
Chúa tác động, thì người ấy có thể vào hành lang dành cho họ để suy ngẫm, cầu
nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa.
- Nhưng các chức sắc Đền Thờ và các con buôn
Do Thái đã biến hành lang ấy như một cái chợ, huyên náo, hỗn loạn, không thể thờ
phượng cầu nguyện được.
- Quang cảnh của hành lang ấy đã làm giảm
hay loại bỏ mất những người dân ngoại muốn tìm kiếm Thiên Chúa.
- Điều này đánh động tâm trí Đức Giesu, và chắc
chắn Ngài đã xúc động khi thấy dân ngoại muốn đến với Thiên Chúa lại bị ngăn cản
vô lý như vậy, bởi: Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân.
- Sự kỳ thị chủng tộc, giai cấp, ranh giới,
thái độ... đã bị lên án, chống đối, đả phá, ở khắp mọi nơi, từ nhiều thế kỷ
nay, nhưng thường vẫn xẩy ra trong sinh hoạt đời sống của chúng ta, có khi lộ
liễu, có khi khéo léo, kín đáo, có khi cụ thể bằng hành động, có lúc âm thầm
trong tâm trí...
- Và Đức Giesu đã đến, mạnh tay dọn dẹp sạch
sẽ tất cả, không chỉ về nghĩa đen, mà Ngài còn muốn chứng tỏ toàn thể sự thờ
phượng với nghi lễ và sinh tế đã lỗi thời, không cần thiết, không phù hợp, bởi
nó không thể đưa người ta đến với Thiên Chúa được.
- Đức Giesu đến để chấm dứt tất cả những gì
do tay người ta làm ra, cả đền thờ lẫn kiểu cách thờ phượng Thiên Chúa của con
người.
- Ðức Kitô đã chấp nhận gánh tội lỗi cho mọi
người. Đã mặc lấy thân xác của loài người. Đã bằng lòng chịu đóng đinh vào thập
giá, để từ đó sống lại với sức mạnh thánh thiện của thần tính, thân xác Ngài trở
thành đền thờ mới cho người ta cầu nguyện.
- Ðó là con đường Ngài đã đi để cứu muôn dân.
Ngài mời gọi chúng ta đi vào con đường Ngài chịu chết ấy để tiêu diệt tội lỗi,
khuyến khích chúng ta kết hợp với Ngài mà thanh tẩy tâm hồn cùng đời sống.
- Qua 10 điều răn nhắc nhở chúng ta kiểm điểm
lại đời mình. Phải đuổi xua ra khỏi đời sống những gì không phù hợp với tín ngưỡng,
với Tin Mừng. Nhất là phải diệt đến tận gốc của tội lỗi, sự chai lì, thiếu nhạy
cảm khi nghe Lời Chúa.
- Việc phụng tự mới của chúng ta cũng phải
tuân theo định luật Vượt qua của mầu nhiệm Chúa Cứu thế: đền thờ cũ với các ngẫu
tượng phải phá bỏ. Con người với các tội lỗi, phải chết đi. Như thế Ðức Kitô Phục
sinh sẽ hoạt động trong chúng ta, và xây dựng lại ngôi đền thờ mới ngay giữa
lòng chúng ta, nơi mà Thần Trí Người sẽ ngự trị, sẽ khơi dậy tâm tình nghĩa tử.
Ðó chính là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Trí và Sự Thật.
- Chính đền thờ các tâm hồn mới cũng cần được
thanh tẩy luôn luôn. Thay vào một sự thờ phượng thiêng liêng, trực tiếp đưa hướng
tâm lòng mình đến gần Thánh Linh của Thiên Chúa, mà không cần đền thờ nguy nga
tráng lệ của con người, cũng chẳng cần các nghi lễ rườm rà, dâng hương, dâng
sinh tế...
- Rõ ràng Ngài thật sự muốn phá hủy đền thờ vật
chất để khiến cả trái đất này thành một ngôi Đền thờ mới, ở đó loài người có thể
đến gần và nhận biết có sự hiện diện của Thiên Chúa Hằng Sống.
- Qua sự lìa bỏ thân xác trần gian của Đức
Giesu, để Ngài hiện diện khắp nơi, ở với mọi người, mọi lúc cho đến tận cùng
trái đất. Đấy là việc Ngài chịu chết, nằm trong lòng đất ba ngày rồi Phục sinh
vinh hiển.
- Và chính sự hiện diện của Chúa Phục Sinh Hằng
Sống đã khiến cả trái đất trở thành Đền thờ của Thiên Chúa. Đền thờ này có mặt
khắp mọi nơi, rất tế vi và không thể nắm bắt được.
- Nhưng người Do Thái không hiểu được ý nghĩa
cao siêu ấy, họ đã phẫn nộ vì trong bốn mươi mấy năm, biết bao tiền bạc công sức
cha ông họ đã đổ vào xây dựng công trình Đền thờ huy hoàng tráng lệ
Giesrusalem, nơi đã kết tinh tình cảm, đức tin và niềm kiêu hãnh của toàn dân
Do Thái, mà Ngài lại tuyên bố phá hủy!
- Ngay cả các môn đệ, sau những năm kinh nghiệm
về Đức Kito Hằng Sống, mới hiểu được ý nghĩa sâu nhiệm của lời Chúa muốn nói về
sự Phục Sinh của Ngài.
- Phần chúng ta đã được dẫn đưa vào chân lý,
đã được tiếp xúc với Thiên Chúa, không còn tùy thuộc vào bất cứ điều gì do bàn
tay và trí tuệ con người làm ra nữa.
- Cũng chẳng câu nệ vào không gian, thời
gian, và tình trạng tâm sinh lý của mình, lúc nào chúng ta cũng có thể chiêm ngắm,
chúc tụng, cầu nguyện với Chúa, vì mỗi chúng ta là một đền thờ, nơi nội tâm ấy,
Chúa Phục Sinh luôn hiện diện vĩnh cửu.
- Tuy nhiên không phải vì vậy mà ý nghĩa, chức
năng và tác động của Đền thờ chung cũng như những lễ vật dâng hiến bị giảm hay
lãng quên.
- Mà chúng ta vẫn cần Đền thờ, nơi có thể thực
hiện tốt nội dung phụng vụ Lời Chúa, tái diễn Hy Lễ thập gía của Đức Giesu, thực
hành các lễ nghi, tôn vinh các thánh, qui tụ đông đảo các tín hữu chung một niềm
tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa.
- Chúng ta vẫn cần cả hình thức, những vật
dâng hiến, đóng góp như tiền bạc, vật liệu trang hoàng, dụng cụ âm thanh ánh
sáng, chỗ ngồi chỗ đứng sạch sẽ thoải mái, sách vở tài liệu đầy đủ, tranh ảnh sống
động... những điều đó có thể gây ấn tượng, làm tăng sự hiểu biết, dễ nhớ, dễ
nghe, dễ nhìn, cùng sự trân trọng, trang nghiêm, hân hoan, hay buồn sầu giúp
nhiều người thu nhận được nội dung phụng vụ, tăng lòng sốt mến, yêu kính Tin Mừng.
- Vì vật dâng hiến không chỉ thể hiện lòng
tôn kính hiếu thảo với Thiên Chúa, mà sự trang nghiêm, thánh thiêng của Đền Thờ
được kỹ thuật khéo léo sắp xếp, trưng bầy, còn tạo điều kiện cho dân chúng khái
niệm vinh quang, quyền lực, lòng nhân hậu của Thiên Chúa, giúp sự thờ phượng
nghiêm túc, thoải mái, dễ nâng tâm hồn lên với Ngài.
Lạy Chúa,
cõi lòng con người chưa được cứu độ quả là một đền thờ chứa đầy ngẫu tượng: ngẫu
tượng dị đoan mê tín, gắn liền với sai lầm và dối trá, ngẫu tượng hận thù, ngẫu
tượng hưởng thụ, ngẫu tượng tiền tài, ngẫu tượng tự mãn...
Xin cho
chúng con thực hiện điều Ngài dạy là phải phá bỏ tất cả để chỉ tôn thờ một Ðấng
duy nhất là Chúa Cha ở trên trời.
Ðền thờ
Ngài cũng là những tâm hồn sống động xây quanh Con yêu dấu của Ngài là Ðức
Giesu Kitô, đền thờ của Giao Ước mới.
Xin cho
chúng con biết dọn dẹp sạch sẽ, tẩy rửa những nhơ nhớp tâm hồn để tôn trọng
chính mình, anh em, cũng như mọi người, vì Chúa muốn Đền thờ đích thật là chính
tâm lòng chúng con, và mỗi chúng con cũng là hình ảnh đích thật của Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét