Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

NHẬN TỘI

  

NHẬN  TỘI - NHẬN  TỘI

Tue, 23/02/2021 - Lm JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR


Một nữ tu sau khi xem phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của đạo diễn Mel Gibson nhận xét: “Sau khi xem phim, ai nấy đều im lặng ra về vì họ nhận ra chính tội của mình đã gây ra cuộc thương khó và cái chết kinh hoàng của Chúa Giêsu”.

            Sau khi xem phim, có rất nhiều người nhận biết tội mình, khóc than sám hối và xưng tội với linh mục trong tòa giải tội.

            Nhưng cũng có những phạm nhân muốn thú tội công khai và sẵn sàng lãnh án phạt để đền tội với hy vọng được ơn cứu độ của Chúa Kitô. Tuần Báo National Catholic Register số ra ngày April 11-17, 2004 cho biết có ít là bốn phạm nhân đã ra đầu thú với nhà chức trách vì bị đánh động lương tâm sau khi xem phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô.

            Người đầu tiên là anh Dan Randall Leach II, một thanh niên 21 tuổi ở thành phố Rosenberg, miền Nam Texas. Ngày 07/03/2004, sau khi xem phim, anh đã tuyên bố ở nhà thờ rằng anh cần phải thú tội công khai vì anh muốn hưởng nhờ ơn cứu chuộc. Rồi anh cùng đi với cha mẹ anh đến đầu thú tại Phòng Cảnh Sát Quận Ford Bend tại Richmond.  Ngày 19/01/2004, khi xác bạn gái của anh là cô Ashley Nichole Wilson, 19 tuổi, được mẹ cô phát hiện tại chung cư của bà ở thành phố Richmond, Texas, nhà chức trách tin rằng cô ta đã tự tử. Nhưng Leach cho biết chính anh đã xiết cổ giết cô ta và dàn cảnh cho người ta nghĩ rằng cô đã tự tử. Anh giết cô ta vì tin rằng cô đã có thai với anh, và anh không muốn nhận con và liên lụy với cô. Nhưng nhân viên điều tra cái chết của cô cho biết cô ta không có thai.

Bà Jeannie Gage, thông tín viên của Phòng Cảnh Sát Quận Ford Bend, cho biết Leach nhìn nhận cuốn phim là một trong những lý do khiến anh ra đầu thú. Bà nói rằng việc một người tự ra thú tội như vậy là một điều hiếm thấy.

            Bảy ngày sau, ông James Anderson, 51 tuổi, trở thành phạm nhân thứ hai ra đầu thú vì bị đánh động lương tâm sau khi xem cuốn phim. Ông đến Phòng Cảnh Sát Quận Palm Beach để thú tội đánh cướp nhà băng từ hơn hai năm trước. Ngày 04/12/2001, Anderson đã đánh cướp First Union Bank tại Palm Beach Gardens. Ông ta đã giật được 25,000 Mỹ kim từ một nữ nhân viên của ngân hàng.

            Ngày 30/03/2004, một phạm nhân khác đã ra đầu thú với cảnh sát tại thành phố Mesa, Arizona. Đó là anh Turner Lee Bingham. Sau khi xem phim, anh đã ra thú tội và xin lỗi vì đã ăn trộm 80 Mỹ kim tại một cửa tiệm tại thành phố Mesa trước đó ít lâu. Anh cũng tự thú năm sáu lần ăn trộm trước đó. Cảnh sát viên Ruben Quesada của thành phố Mesa nói với báo Phoenix East Valley Trubune: “Anh ta đã nói đến việc sau khi xem phim của Mel Gibson... đó là động cơ khiến anh ra đầu thú. Đây là lần đầu tiên tôi được biết.”

            Ngày 27/03/2004, một người sát nhân khét tiếng tân-phát-xít ở Nauy là Johnny Olsen đã tự thú chính anh là người chủ mưu trong hai vụ nổ bom năm 1994 và 1995 tại trụ sở của một tổ chức giới trẻ chống phát xít tại Nauy. Trước đó, anh đã bị án tù 18 năm sau khi giết hai người trẻ tại Hadeland, Nauy năm 1981. Sau khi ở tù 12 năm, anh được thả ra với sự giám sát. Cảnh sát đã nghi ngờ anh là thủ phạm đặt bom nhưng không có bằng cớ để bắt anh.

            Luật sư Fridtjof Feydt của anh nói: “Cuốn phim khiến anh nhận ra rằng anh phải đưa tay nhận tội. Anh đã luôn nghĩ đến Kitô giáo, tội, hình phạt, đền tội, đau khổ và hối cải suốt 10 năm tôi được biết anh. Nhưng cuốn phim về Chúa Giêsu đã tạo ra sự khác biệt. Bây giờ anh cho thấy anh hối hận thực sự và sẵn sàng đền bù.”

            Tâm lý gia Công Giáo Paul Vitz, giáo sư Đại Học New York, đưa ra lý do cho thấy tại sao cuốn phim khiến người ta thêm lòng sám hối: “Người ta trở nên tốt hơn nhờ xem cuốn phim này. Cái chết vô tội của Chúa Giêsu làm gia tăng cảm thức tội lỗi nơi người khác, những người cảm thấy tội lỗi vì những việc sai trái đã làm. Nó khiến họ nhận biết sự nghiêm trọng của tội lỗi của họ, để rồi họ phải đối diện với nó và được giải thoát nhờ thú tội.”

            Về phương diện pháp lý, Cảnh sát viên Jim Pokluda ở Phòng Cảnh Sát Quận Ford Bend, Texas nhận xét về cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô như sau: “Nó là một cuốn phim rất mạnh. Nó khiến người ta nghĩ hai lần về bất cứ tội nào đã phạm” (Los Angeles Times Mar. 26, 2004)

            Bốn vụ thú tội trên đây là những chứng từ cụ thể cho vô vàn những cuộc trở lại như hoa trái tâm linh mà cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mang lại.

            Ngay ở đầu phim, đạo diễn Mel Gibson đã trích lời ngôn sứ Isaia: “Người đã bị nghiền nát vì tội vạ chúng ta. Người đã bị thương tích bởi lỗi phạm chúng ta. Nhờ thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành” như chủ đề của nội dung cuốn phim. Hơn nữa, như để xác nhận rằng chính bản thân ông cũng can dự vào việc gây ra cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô qua tội của riêng mình, đạo diễn Mel Gibson đã cho quay bàn tay của chính ông đang cầm chiếc đinh đóng vào bàn tay Chúa Giêsu trong phim.

Tội lỗi và ân sủng, chủ đề của cuốn phim, cũng chính là chủ đề của toàn bộ Thánh Kinh và lịch sử cứu độ: Con người phạm tội, Thiên Chúa thứ tha, quỷ ma cố chấp!

Chính khi nhận biết tội lỗi của mình, con người cảm thấy cần được thứ tha và chữa lành, cần một Đấng Chuộc Tội. Và đó là khởi điểm của ơn cứu độ! Trái lại, khi chối bỏ thực tại tội lỗi, người ta cũng chối bỏ công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Đó cũng là chối bỏ ơn cứu độ Chúa thương ban!

Thánh Gioan Tông Đồ đã nói đến việc nhìn nhận và xưng thú tội lỗi như khởi điểm của ơn cứu độ như sau: “Nếu ta nói: ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta. Nếu ta xưng thú tội lỗi ta, thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta, và tẩy sạch ta khỏi mọi điều bất nhân. Nếu ta nói: ta đã không phạm tội, thì ta kể Người là kẻ nói láo, và lời Người không có trong ta. Hỡi anh em, những con thơ bé, tôi viết các điều này để anh em đừng phạm tội, Nhưng nếu có ai trót phạm tội, thì này ta có Đấng bàu chữa nơi Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Và Ngài là hy sinh đền tạ các tội lỗi của ta, không những tội lỗi của ta mà thôi, mà của tất cả thế gian nữa!” (1Jn 1:8-2:2).

Khi đọc được lời nhận định về cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô trên đây của Tiến Sĩ Tâm Lý Paul Vitz trên Tuần Báo National Catholic Register, tôi nhớ đến buổi học hỏi với ông khi tôi tham dự khóa tu nghiệp linh mục tại New Jersey mùa hè năm 1998. Ông đã cho chúng tôi biết ông vốn là một người vô thần đã trở lại Công Giáo vì nhận ra tính cách chân thực của đạo Chúa. Theo ông, đức tin Công Giáo, vì chứa đựng sự thật về Thiên Chúa và con người, đích thực là nền tảng vững chắc giúp người ta hiểu sâu và hiểu đúng hơn về khoa tâm lý.

Ông nói với chúng tôi: “Phần lớn  người ta bị bệnh tâm thần là vì hai lý do: họ không chịu nhận biết tội của mình hay không biết tha thứ cho người khác. Các linh mục là những người nắm lá bài cao nhất ở đây. Vì qua tay linh mục nơi bí tích giải tội, người ta được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi để sống đời sống mới.”

Vì vậy, tôi thường nói với hối nhân trong tòa cáo giải là: “Phạm tội là điều xấu. Nhưng sự nhận biết tội mình, để sám hối, xưng thú, đền bù và sửa đổi lại là một hồng ân vĩ đại của Chúa. Đức Cha Fulton J Sheen thường nói: ‘Tội không phải là điều xấu nhất. Chối tội mới là điều xấu nhất. Chính vì chúng ta từng phạm tội, nên chúng ta mới có thể gọi Đức Giêsu là Đấng Chuộc Tội của chúng ta’”.

Các chủ chăn trong những thập niên gần đây thường than phiền rằng điều đáng sợ nhất trong thế giới ngày nay là sự đánh mất cảm thức tội lỗi nơi con người hiện đại.

Cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô của Mel Gibson chính là phương thế Chúa Thánh Thần dùng để gây lại cảm thức tội lỗi nơi con người hôm nay để họ có thể sám hối và được ơn cứu độ. Thực vậy, nơi Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, người ta nhận biết cả hai thực tại tâm linh: sự kinh hoàng của tội lỗi con người và tình yêu cứu độ tuyệt vời của Thiên Chúa.

Đức Cha Fulton J. Sheen thường diễn tả điều này cách sống động như sau:

“Trong đêm Bữa Tiệc Ly Chúa chúng ta nói đến ba hệ quả của Chúa Thánh Thần. Một trong ba điều đó là: ‘Người sẽ luận tội các ngươi vì các ngươi không tin vào Ta’. Làm sao chúng ta nhận biết mình là tội nhân? Nhờ Chúa Thánh Thần. Không phải vì chúng ta lỗi luật. Không có người lái xe nào mà không hề lỗi luật vượt quá tốc độ. Có bao giờ bạn dựa vào tay lái và đọc Kinh Ăn Năn Tội không? Không ai thực sự hối hận vì lỗi luật, trừ phi bị bắt. Luật dành cho người bất toàn. Chúa chúng ta liên hệ tội với việc không tin: ‘Vì các ngươi không tin vào Ta’. Nếu chúng ta đã không tin vào Người, thì chúng ta đã đóng đinh Người. Vậy tội là gì? Tội là làm đau người bạn thương. Đó là tội.

“Cuộc đời của mỗi một người chúng ta đã được viết xuống.Tượng Chịu Nạn là tự truyện đời tôi. Máu là mực. Những cây đinh là bút. Da là giấy. Trong mỗi đường lằn trên thân mình ấy tôi có thể đọc thấy đời tôi. Nơi mão gai, tôi đọc thấy sự kiêu ngạo của tôi. Nơi đôi tay bị đóng đinh, tôi nhận thấy sự tham lam và ham hố của tôi. Nơi tấm thân treo như tấm giẻ thẫm máu của Người, tôi đọc thấy sự dâm đãng của tôi. Nơi bàn chân bị đâm thâu, tôi có thể tìm thấy những lần tôi lìa xa Người và không để cho Người đuổi theo. Bất cứ tội nào bạn có thể nghĩ đến đều được viết ở đó. Đây là điều Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta”.

Chính vì suy nghĩ như vậy nên khi đến thăm trại tù, Đức Cha Sheen đã nói với các tù nhân trong trại: “Điều khác biệt duy nhất giữa các anh và tôi là các anh bị bắt khi phạm tội còn tôi thì không!”

Mùa Chay 2004 với sự xuất hiện của cuốn phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã trở thành Mùa Chay ơn phúc và đáng nhớ nhất đời tôi. Tôi đã đi xem cuốn phim này nhiều lần, không phải để thưởng thức nhưng để đền tội, theo lời một tác giả ẩn danh viết về Thánh Maria Mađalêna:

“Bạn tưởng Mađalêna được tha thứ cách rẻ mạt ư? Tình yêu chỉ xin nàng một điều: Leo lên Đồi Canvê, đứng ở chân Thánh Giá và chiêm ngắm những khổ hình kinh khiếp của đối tượng cao cả nhất của tình yêu của nàng. Nàng sẽ không được phép nói một lời hay làm một dấu hiệu nào để thoa dịu những đau khổ của Người hay khích lệ Người. Vậy nên người phụ nữ tội lỗi này đã làm việc đền tội ở đó trong một lối lạ lùng và kinh khủng nhất.

“Và ở đó nàng học biết điều mà nàng chưa hề biết trước đây: sự ghê sợ và thù hằn của sự xúc phạm dành cho uy linh của Thiên Chúa siêu việt. Tội lỗi của nàng, trong cái nhìn tươi mát của Chúa Kitô ở Bêtania, có chiều kích tương hợp con người. Ở Canvê, nàng bỗng nhận biết sự ngút ngàn của tội nàng, khi sự mãnh liệt của đức công bằng của Chúa Cha được tỏ hiện, ngay cả không tha cho Con Một Người. Nàng phải tận mắt chứng kiến sự đền bù đắt giá vô hạn chừng nào đã được thực hiện chính xác cho một sự xúc phạm gian ác vô cùng của chính nàng.”

Lần cuối tôi đi xem phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô là trưa Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 09/03/2004. Lần này, tôi không phải trả tiền vé vì một đài phát thanh vùng Los Angles đã tình nguyện trả thay cho tất cả mọi người xem hai xuất vào trưa và chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi cảm kích vì tinh thần tông đồ của những người chủ trương đài phát thanh ấy. Khi ra về, tôi cảm thấy buồn buồn vì nghĩ đến chỉ còn ít ngày nữa các rạp xinê sẽ không còn trình chiếu cuốn “phim thánh vô cùng” này. Lúc ấy, Cuộc Thương khó của Đức Kitô sẽ bị phai mờ hay biến mất nơi tâm trí của nhiều người. Tình Chúa sẽ bị lãng quên, tội người sẽ còn tiếp tục!

Thật hạnh phúc và may mắn khi đức tin cho tôi biết rằng Cuộc Thương Khó của Đức Kitô vẫn được làm mới lại cách sống động và linh nghiệm hơn cả trong cuốn phim tuyệt phẩm trên nơi Thánh Lễ tôi cử hành mỗi ngày. Đức tin cho tôi nhận biết tấm Bánh Thánh trên tay tôi chính là Thân Mình rách nát đau thương của Chúa Giêsu, và ly Rượu Thánh tôi nâng lên chính là Chén Cứu Độ chứa đựng Máu Thánh Người đã đổ ra để tẩy sạch tội tôi. Và tôi vẫn được phúc cùng Mẹ Maria tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Đức Kitô và kết hợp với Thánh Tâm Thánh Thể Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Thánh Giá mỗi ngày khi dâng lễ và hiệp lễ, để được Chúa thanh tẩy và thánh hóa hồn tôi, soi sáng và sưởi ấm đời tôi.

Mẹ Hội Thánh thật khôn ngoan trong việc nhắc tôi ý thức thân phận yếu hèn tội lỗi của mình để có được tâm tình khiêm nhường sám hối thẳm sâu mỗi khi tiến đến bàn thánh dâng lễ qua lời mời gọi sám hối đầu lễ: “Chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành Thánh Lễ”.

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, xin Mẹ giúp con biết in đậm ghi sâu những hình ảnh đau thương của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh trong phim Cuộc Thương Khó của Đức Kitô vào lòng trí con, giúp con ý thức sâu xa sự ghê sợ của tội lỗi  con và cảm nhận trọn vẹn tình yêu cứu độ ngút ngàn Chúa dành cho con, để từ nay con luôn sống trong tâm tình khiêm nhường sám hối, yêu mến biết ơn và quảng đại hiến dâng, để đón nhận ơn cứu chuộc chan chứa nơi Người và trở nên tông đồ của ơn sám hối. Amen.

(April 20, 2004)

PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong Dòng Đời” trong số tháng 5 năm 2004. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. HP (Feb. 22, 2021).

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét