Mar 21, 2021 - Chúa nhật
V Mùa Chay
năm B
Biết xử
dụng sự sống,
mới giữ được
sự sống
https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/thanh-vinh-dap-ca-chua-nhat-v-mua-chay-nam-b.html
Các Bạn thân mến,
Tuần sau chúng ta bước
vào tuần Thánh. Nên chúa nhật này, Hội Thánh hướng lòng chúng ta đến cuộc khổ nạn
của Đức Giêsu. Hình ảnh“hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối rữa đi mới sinh
nhiều bông hạt”giúp chúng ta thấu hiểu và cảm nghiệm ý nghĩa cứu độ của cuộc
khổ nạn mà Đức Giêsu phải trải qua.
Đó là sự sống nảy sinh từ
sự chết, một chân lý tự nhiên của sự sống, dẫn chúng ta đến lối sống của tình
yêu. Quên mình đi, sống cho người khác, thì sẽ hạnh phúc. Nhiều lần, và bằng nhiều cách Đức Giêsu đã dạy
chúng ta rằng ai tìm kiếm bản thân mình thì sẽ mất!
Trong lần hành hương
về Giêrusalem lần cuối cùng này, Đức Giêsu đã long trọng khải hoàn.
Dân chúng nô nức ra đón rước Ngài. Sau đó, một số người Hylạp ngỏ ý
nhờ Philípphê xin Đức Giêsu cho họ một cái hẹn. Việc dân Do Thái suy
tôn và dân ngoại xin gặp, cho thấy đã đến giờ Con Người được tôn vinh.
Nhưng Ngài sẽ vào vinh quang qua khổ nạn thập giá, như hạt lúa bị tiêu
hủy chết đi rồi mới phát sinh nhiều hạt khác. Từ cuộc Khổ Nạn và
Phục Sinh, Đức Giêsu sẽ phá hủy bức tường ngăn cách giữa Do Thái và
dân ngoại.
Bằng một lời mặc khải, Đức
Giesu bộc lộ chính con người của Ngài như hạt lúa phải mục nát, nghĩa là nó phải
chết đi, biến đổi mới trở nên cây lúa nặng trĩu hạt ích lợi. Ý nói Ngài phải chết,
mới đưa mọi người vào sự sống mới. Và đó là qui luật cho những ai muốn theo
Ngài:"Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống
mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được sư sống đời đời."
Thật thế, Đức Giesu đã đến
với dân Do Thái bằng một quan điểm mới mẻ lạ lùng về đời sống: xem thập gía là
vinh quang, trái ngược với trần gian, xem danh, lợi, quyền thế là vinh hiển.
Thông điệp của Ngài rõ
ràng: chỉ có sự chết mới cho sự sống, chỉ phục vụ mới trở thành vĩ đại. Tưởng
như nghịch lý, nhưng đấy không chỉ là chân lý của Kito giáo, mà còn là chân lý
của lương tri ở đời, mà chúng ta thấy nơi các vĩ nhân.
1. Chỉ có sự chết mới có sự sống:
- Chết và sống không hẳn là hai điều luôn đối
nghịch nhau, mà nhiều khi còn liên kết hỗ trợ nhau như sự chết nuôi sự sống, sự
sống được là nhờ sự chết. Như biện chứng giữa chết và sống.
- Điều này thấy rõ nơi thực vật, sinh vật: các
thứ dùng làm phân bón phải mục rữa đi mới bổ dưỡng cho cây cối. Thức ăn phải
tiêu hóa mới là lương thực nuôi sống động vật.
- Về nhân sinh cũng vậy, người gìa phải chết đi
để nhường đất đai, hoa mầu cho thế hệ sau được sống.
- Hôm nay, Đức Giesu đã dùng một thí dụ nhỏ bé
đơn giản để giải thích: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất: hạt lúa có
chết đi thì cây lúa mới mọc lên, mới cho một mùa gặt bội thu. Cũng vậy,
Đức Giêsu cũng sẽ trải qua cuộc thương khó và bị giết chết, mới được
Chúa Cha cho sống lại trong vinh quang.
- Sự thật không chỉ hạt lúa, mà bất kỳ hạt giống
nào không được gieo xuống đất, không mục nát thì nó không thể nẩy mầm, mọc
thành cây, ra hoa kết trái hữu ích.
- Qui luật này đúng cho cả mọi khía cạnh xã hội
con người.
- Giáo Hội Đức Kito cũng thế, nhờ những vị
thánh tử đạo, mà Hội Thánh lớn mạnh, có mặt khắp nơi, bền vững đến hôm nay và
còn phát triển tồn tại mãi mãi.
- Nhờ những người sẵn lòng hy sinh, chịu chết
mà những việc lành cao cả, vĩ đại mới được thực hiện và tồn tại.
- Thật vậy, một người chịu chôn vùi mục đích
riêng, tham vọng cá nhân, thì người ấy sẽ làm được nhiều việc cho Thiên Chúa.
- Phanxico xuất thân từ gia đình qúi tộc, đầy
tham vọng, thông minh bẩm sinh, lại chăm học nên Ngài đã trở thành một giáo sư
xuất sắc của các trường đại học danh tiếng.
- Nhờ người bạn tốt luôn nhắc nhở:"Được
lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?" nên Phanxico đã
tỉnh ngộ.
- Phanxico bằng lòng chôn vùi các tham dục vọng
cá nhân của mình để trở thành có ích cho Thiên Chúa và mọi người.
- Ngài nghe lời Chúa, bỏ mạng sống mình nên đã
được sống vinh hiển dưới thế, trên trời, danh Phanxico cũng sống mãi với nước Ý
và trong lòng tín hữu Kito.
- Từ khi xuống thế, Đức Giesu đã như hạt lúa
gieo vào lòng đất, Ngài đã chịu đói rét, nghèo nàn, khiêm hạ vâng lời cha me,
khi ra rao giảng, đời sống Ngài cũng bấp bênh, tay trắng, không cả cái gối để gối
đầu... Ngài vẫn quên mình, hăng say nhiệt tình với Nước Trời, chữa lành nhiều bệnh
nhân; thế mà lại bị cáo gian, sỉ nhục, trần trụi, đánh đập, đau khổ tột cùng rồi
bằng lòng chết trên thập gía như những tội nhân ghê tởm nhất.
- Con đường Đức Giesu đi thật hãi hùng ê chề.
Nhưng Ngài hoàn toàn hy sinh, từ bỏ mọi sự đến rồi chết đi để luôn thuộc về
Thiên Chúa và cứu chuộc nhân loại.
- Hạt lúa Giesu đã nẩy mầm, lớn nhanh, mạnh và
đơm bông kết trái: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và ban tặng danh hiệu
trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu."
- Chúa muốn cho nhân loại hiểu rằng sự sống hiện
tại sẽ qua đi rất nhanh, cố tình bám lấy nó, cũng không thể giữ được; nhưng nếu
biết qui hướng nó về cuộc sống mới theo Đức Giesu, thì sẽ được sống vĩnh cửu
vinh hiển như Ngài.
2. Biết xử dụng sự sống,
mới giữ được sự sống:
- Người tham sống thường bị điều động bởi tính
vị kỷ và ước muốn yên thân phì da.
- Ai cũng sống vì mình, ích kỷ, an phận, thủ
thân thì thế giới này đã không thể phát triển tiến bộ như ngày nay.
- Vì thế, chúng ta đang mắc nợ, đang chịu ơn rất
nhiều người đã tận lực làm việc, quên mình, dành hết thời gian mày mò tìm kiếm,
hiến thân cho khoa hoc, xã hội… và Thiên Chúa.
- Những người ấy đã chết từ lâu, nhưng sự thật
họ vẫn sống mãi với nhân loại.
- Còn chúng ta, nếu chỉ lo cuộc sống của mình,
chăm sóc sức khỏe riêng, tìm lối sống thoải mái, trốn tránh căng thẳng...thì
cũng có thể kéo dài đời mình lâu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được mình
đã thật sự sống hạnh phúc.
- Bởi như một ốc đảo, cô đơn, chán chường, tuyệt
vọng…; ngay cả lúc chết, có thể cũng không ai biết, và hiển nhiên sau đó tên tuổi
chúng ta cũng chết cùng với thân xác của mình!
- Thật ra sống và chết là hai việc song song
nhau trong cùng một tạo vật, cùng một đời người. Chúng ta luôn thấy rõ sự chết
đang có trong sự sống.
- Lại có hai sự sống và hai sự chết: sự sống chết
của thể xác, và sự sống chết của tâm linh.
- Lời Chúa hàm chứa cả hai sự sống chết này:"
Ai yêu qúi mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời
này, thì sẽ giữ lại được sự sống đời đời."
- Biết cách xử dụng sự sống, chúng ta sẽ hiểu
chết là một phần của sống, và sẽ tạo được một sự sống đích thật:
. Khi bắt mình khiêm tốn
thì chúng ta đã phải dẹp bỏ một chút kiêu căng.
. Khi can đảm thì tính hèn
nhát đã chết đi một chút.
. Cố gắng dịu dàng ôn hòa
là sự hung hăng cay nghiệt đã giảm xuống.
. Yêu thương, bác ái, chia
sẻ là đã dẹp được tính ích kỷ, ganh ghét.
. Cố gắng giữ công bằng là
đã đẩy được lòng tham đi xa một chút!
. v.v…
- Giả như cuộc hôn nhân của chúng ta tan vỡ, cần
sự trợ giúp từ bên ngoài, nhưng vì kiêu căng không muốn yêu cầu điều ấy. Như vậy
"bắt ý riêng chết đi" có nghĩa là bắt lòng kiêu ngạo của ta chết
đi để sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp.
- Hoặc như chúng ta được bạn bè thân tín cho biết
đang ngày càng bê tha rượu chè, nhưng chúng ta cứ tiếp tục không nghe dù tình
trạng bê tha gia tăng rõ ràng. Như thế chết cho ý riêng có nghĩa là nhìn nhận vấn
đề và tìm kiếm phương thuốc điều trị.
- Nếu bạn bè, người thân trong gia đình xúc phạm
đến chúng ta, khiến chúng ta cứ giữ mãi mối ác cảm với người ấy, thì "chết
cho ý riêng mình" có nghĩa là thật lòng tha thứ cho người ấy và lại tiếp
tục dùng tình thương cư xử với họ.
- Thế nên chết cho ý riêng mình là điều không dễ
dàng chút nào.
- Ngay Đức Giêsu cũng đã không cảm thấy dễ dàng
trong việc ưng thuận thi hành bất cứ điều gì Cha Ngài muốn. Nhưng Ngài tin
Thiên Chúa và phó mình trong tay Cha, đã chết cho chính mình và từ đó đem lại kết
quả là sinh nhiều hoa trái cho Thiên Chúa.
- Các bài đọc hôm nay cho thấy có thể làm được
như thế. Chúng ta có thể noi gương Đức Giêsu, có thể đem lại nhiều hoa trái cho
Thiên Chúa và được sống vĩnh cửu.
- Quan trọng là biết đặt cuộc sống chúng ta vào
tay Thiên Chúa trong niềm tín thác trọn vẹn, rồi để Thiên Chúa thực hiện bất cứ
điều gì Ngài muốn cho cuộc đời của chúng ta.
- Nếu bắt chước hạt lúa mì "chết cho
chính mình", chúng ta cũng sẽ đem lại nhiều hoa trái. Bắt chước gương
Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ mang lại hoa trái cho Thiên Chúa.
- Hơn nữa ai cũng biết mình chẳng nắm giữ được
điều gì mãi mãi trong tay, vì đời sống mau qua, mau tan với giới hạn của nó.
- Nhưng trong khi sống, chúng ta vẫn cần nhiều
thứ, nên vẫn phải đấu tranh, cần cù làm việc để kiếm tiền bạc hầu được cơm no
áo ấm, có vật chất đầy đủ tiện nghi thoải mái.
- Thế cũng chưa đủ, chúng ta còn có đời sau
vĩnh cửu, nên người khôn ngoan thì còn phải biết hướng về tương lai sau cùng ấy
bằng những việc làm hữu ích, thiện phục, lập công.
- Tin vào Chúa, sống như Chúa dạy, là sứ điệp
quan trọng giúp biết cách sử dụng sự sống để được sống. Phải từ bỏ, hy sinh, sống
tốt lành hầu được hưởng đời sống an bình ngay từ đời này và tốt đẹp vinh cửu
trong đời sau.
3. Chỉ có phục vụ mới trở thành vĩ đại:
- Thiên Chúa đã thiết lập với mỗi người một
giao ước tình yêu khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, mời gọi đi vào quỹ đạo tình
yêu của Ngài để cảm nghiệm và sống trong tình yêu Ngài, một tình yêu hiến dâng,
không chiếm hữu cho riêng mình. Chỉ có tình yêu đích thực này mới đem lại ý
nghĩa cho đời sống Kitô hữu.
- Nhớ rằng Kitô hữu không còn là người thuộc về
Thiên Chúa nữa nếu họ không yêu thương. Bởi chính tình yêu mới làm cho chúng ta
vâng phục Thiên Chúa và sống theo Lề Luật của Ngài
- Mang thân phận loài người, Đức Giêsu
cũng sợ hãi, đau khổ trước cái chết. Ngài đã cầu xin Chúa Cha cứu
mình khỏi “Giờ khổ nạn” ấy. Nhưng Ngài lại sẵn sàng chấp nhập
vâng theo Ý Chúa Cha, nghĩa là cứu chuộc loài người bằng con đường
đau khổ.
- Từ trước đến nay, Thiên Chúa đã tôn vinh
Danh Người nhờ những “dấu chỉ” Đức Giêsu thực hiện. Từ đây,
Thiên Chúa sẽ lại tôn vinh Người nhờ sự chết và sống lại mà Đức
Giêsu sắp thực hiện tại Giêrusalem.
- Giờ Tử Nạn và Phục
Sinh của Đức Giêsu là Giờ phán xét và kết án: những kẻ không tin sẽ
bị liệt vào hàng ngũ Xatan đối nghịch với Thiên Chúa. Họ sẽ chung
số phận là bị loại khỏi Nước Trời.
- Ngài cũng đồng hóa
cuộc khổ nạn mà Ngài sắp chịu với việc được Chúa Cha tôn vinh: “Đã
đến giờ Con Người được tôn vinh”.
- Đức Giesu dạy rõ rằng chỉ do con đường phục vụ,
chúng ta mới trở thành vĩ đại.
- Những con người mà thế giới kính trọng thương
mến kỷ niệm hằng năm là những người đã phục vụ hết mình cho đất nước, con người
và Thiên Chúa.
- Nhưng sự thật đáng buồn là trong thế giới hôm
nay, ý niệm phục vụ đang gặp nguy cơ xấu tiêu diệt.
- Vì có qúa nhiều người chỉ lăn vào đời sống,
vào công ăn việc làm với mục đích kiếm nhiều tiền, thu nhiều lợi lộc, khai thác
tối đa những gì họ thấy, họ chạm vào, đúng là "tham vọng này nối tiếp
khát vọng kia!"
- Hiển nhiên họ có thể trở nên giàu có, thịnh
vượng, sung sướng nhưng sẽ chẳng bao giờ họ được sống thật cho mình, mà luôn
thiếu an lành, thiện cảm, nể trọng của người chung quanh.
- Đừng quên rằng sức mạnh thúc đẩy chúng ta phục
vụ, chết cho anh em là lời Chúa:" Không có tình yêu nào cao cả hơn tình
yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình."
- Cái chết của Đức Giesu đã nên lời yêu thương
con người, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về tình yêu cao qúi hơn cuộc sống và
mãnh liệt hơn sự chết.
- Tuy nhiên quên mình, hiến thân phục vụ, yêu
thương hẳn không dễ, chính Đức Giesu cũng trăn trở, não nùng, thổn thức và cảm
nhận đầy thách thức.
- Nhưng Ngài đã không xuống khỏi thập gía, vì
thế Ngài đã biến cuộc tử nạn của Ngài thành lời tôn vinh Thiên Chúa và nguồn ơn
cứu độ trần gian.
- Các môn đệ cũng đã đi trên con đường Chúa đi
và theo lời Ngài dạy, khiêm tốn phục vụ. Không biết bao nhiêu môn đệ đã chịu mục
nát để Giáo Hội tồn tại.
- Sau đó là các thánh tử đạo, những tâm hồn xây
dựng hòa bình củng đã sẵn sàng hiến thân, và ngày nay vẫn có biết bao người noi
theo những tấm gương ấy, nối tiếp hành trình, chấp nhận thân phận hạt lúa gieo
vào lòng đất để bảo vệ đức tin, công lý, tự do, hòa bình cho Hội Thánh và cho sự
sống con người.
- Đấy là những mẫu gương cho chúng ta hôm nay,
phải biết chết đi mỗi ngày một ít cho các tính xấu, các đam mê ích kỷ, ghen
tương, hận thù, dục vọng, toan tính, tội lỗi để sống đúng yêu cầu của Thiên
Chúa…
- Hội Thánh Việt Nam cũng như các Hội Thánh
khác trên toàn cầu, đâu đâu cũng đã hiến dâng hàng hàng lớp lớp những người con
ưu tú để bảo vệ chân lý đức tin, rao truyền Tin Mừng, phục vụ Giáo Hội, đấy là
các anh hùng tử đạo.
- Và không thế kỷ nào, không giáo hội nào mà
không bắt đầu đuợc sinh ra từ Máu Tử Đạo.
- Các Ngài đã trở thành vĩ đại không thể thiếu
trong cuộc sống Kito Hữu chúng ta.
Lạy Chúa, tất
cả mọi diều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay là do công sức và sự hy sinh của
những người đi trước.
Xin cho
chúng con đừng an thân thụ hưởng, mà biết thóat ra khỏi bản thân, để trả nợ cuộc
đời hay ít ra góp một ý nghĩa nhỏ bé nào đó cho hậu sinh.
Và mặc dù sợ
chết, sợ nói về cả những gì dính líu đến cái chết, nhưng chúng con cũng hiểu rằng
sẽ có một giây phút định mệnh, chúng con đến trước mặt Chúa. Nên xin giúp chúng
con sống can đảm trong từng phút giây, để chúng con dám sống màu nhiệm vượt qua
từ cõi chết đến sự sống, biết đi từ cái tôi hèn yếu đến Thiên Chúa toàn thiện
và tha nhân. Vì Đức Giesu, Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét