Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Người Công Giáo, phải sống thế nào ?

 

Người  Công Giáo,

phải sống thế nào? 


Đức Giáo Hoàng Pio V đã khuyên một người Tin Lành có địa vị trở lại.

Ông đang dọn mình lãnh phép rửa tội, ông đi dự lễ, thấy một số giáo hữu truyện trò cười cợt lúc xem lễ, ông lấy làm lạ và nói :

-Người Công giáo không tin Đức Giêsu có thật trong phép Thánh Thể.

Không, họ không tin đâu. Nếu họ tin, thì sao họ dám truyện trò cười cợt như vậy! Ở trước mặt Thiên Chúa như thế sao? Rồi ông không trở lại nữa.

Một bà quí phái đạo Tin Lành bối rối vì bà nghĩ có lẽ Công Giáo là đạo thật, nhất là vì Công Giáo có một điều quí trọng là thánh lễ Misa. Nghe tin đó, một mục sư đến can bà và ông đem lẽ này ra khuyên: Bên Công Giáo tin Chúa Giêsu ở trong phép Thánh Thể. Vậy nếu thực sự rước lễ là rước lấy Chúa Giêsu thì sao họ vẫn sao sau vậy, không tốt lành hơn, đại lượng hơn, có thay đổi gì đâu. Họ cũng như chúng ta!

Lối sống của người Công giáo Việt Nam: Quá trình từ theo đạo, giữ đạo đến sống đạo

Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào trong cuộc sống cũng có quá trình sinh thành và phát triển. Lối sống của người Công giáo Việt Nam qua gần 500 năm truyền giáo cũng biến đổi với những cấp độ khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu lối sống của người Công giáo Việt Nam với quá trình từ theo đạo, giữ đạo đến sống đạo.

1- Muôn ngàn lý do theo đạo

Theo đạo hay còn gọi là đi đạo chính là hiện tượng  một người được chịu phép Rửa (Bí tích Thanh tẩy- Sacrament of Purification) để gia nhập đạo Công giáo. Song cùng chỉ hiện tượng này, trong từng trường hợp cụ thể cũng có những tên gọi riêng. Trẻ em nhà có đạo đi chịu phép Rửa còn được gọi là “đi chịu đạo”. Còn người lớn bất kể không tôn giáo hay là tín đồ của tôn giáo khác thì gọi là “trở lại đạo”. Nhưng việc theo đạo Công giáo ở mỗi người lại có những lý do riêng.

Số khá đông người Công giáo Việt Nam theo đạo một cách thụ động vì gia nhập đạo nhưng chưa hề biết gì về đạo Công giáo bởi họ chỉ là những đứa trẻ mới sinh. Theo giáo luật, cha mẹ là người Công giáo phải lo liệu cho con được Rửa tội ngay những tuần đầu sau khi sinh (khoản 867). Số lượng trẻ em được Rửa tội bao giờ cũng chiếm đa số lượng người được chịu Bí tích này ở bất kỳ giáo xứ, giáo phận ở bất kể thời kỳ nào. Ví dụ ở địa phận Tây Đàng Ngoài năm 1790 số trẻ em được rửa tội là 3.224/3.913 người được rửa tội. Năm 1890 con số này là 28.708/ 34.734. Giáo phận Hà Nội năm 2004 có 4.375 trẻ em được rửa tội trong tổng số 5.385 người chịu phép này. Còn cả nước số liệu năm 2004 là 111.730 trẻ em trên tổng số 141.043 người nhận Bí tích Thanh tẩy. Có không ít trẻ em khi mắc bệnh nặng gần hấp hối cũng được rửa tội. Lịch sử giáo hội ghi lại nhiều trường hợp như năm 1585, dưới thời nhà Mạc, linh mục Bartolome Ruiz sau gần một năm ở Việt Nam cũng chỉ rửa tội cho một em nhỏ gần chết. Năm 1626, giáo sĩ J. Baldinotti người Italia sang Thăng Long, sau 6 tháng phải quay về Ma Cao vì không biết tiếng Việt và chỉ rửa tội được cho 4 đứa trẻ hấp hối. Một báo cáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho biết từ năm 1902 đến 1944 số người xin làm phép Rửa để trở lại đạo Công giáo là 62.584 người thì số trẻ em sắp chết được làm phép Rửa cũng tương đương là 62.692 em (1).

Người ta vẫn thường nói “theo đạo, lấy gạo mà ăn”. Thật vậy, một lý do làm cho nhiều người theo đạo là lý do kinh tế. Chính do cuộc sống khó khăn , cơ hàn mà nhiều người đã dễ dàng đến với đạo Công giáo. GS Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Nhưng thoạt đầu kỳ thuỷ, đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam thì nó lại được sự hưởng ứng trước hết của những người nghèo, trước hết là dân chài, những người bị gạt ra ngoài lề của xã hội quân chủ Nho giáo và những người bình dân nghèo khổ”(2).

Việt Nam thường xuyên bị bão lụt, hạn hán đe doạ nhưng cứ sau mỗi thiên tai, đạo Công giáo lại có cơ hội có thêm nhiều tân tòng. Thừa sai Panis ở Qủang Nam đã viết báo cáo gửi về Bề trên ngày 7/3/1879 như sau: “Dân chúng sẽ sống ra sao? Sau lụt, bây giờ là nạn đói…Giáo hội ban phát một vài của bố thí và rao giảng về Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc thế giới; Trong lúc xoa dịu thể xác, giáo hội có thêm một số linh hồn.. Chỉ riêng tôi, từ tháng 12/1879 đã làm phép Rửa được cho 78 dự tòng. Nếu tôi có gạo để cho người ta ăn trong lúc học đạo, thì tôi còn có nhiều trăm người nữa”(3). Giám mục Galibert cũng viết trong phúc trình ngày 25/7/1880: “ Phong trào nhập đạo bắt đầu từ nạn đói vẫn tiếp tục và không ngừng gia tăng. Thừa sai Geoffroy, năm vừa qua bị thử thách và bách hại nặng nề do các quan tỉnh Khánh Hoà, vừa cho tôi biết rằng hy vọng là sẽ có 400 tân tòng trong năm 1880.. Một linh mục bản quốc, cha Mão, cũng viết cho tôi rằng: con đã làm phép Rửa được cho 300 người lớn, ba làng ngoại xin cho các thày giảng tới dạy đạo bởi vì có nhiều người dân trong làng xin theo đạo. Nếu Đức cha cho con tiền bạc và thêm một vài thày giảng, con có thể hứa với Đức cha là sẽ có 600 người lớn chịu phép Rửa trong năm 1880”(4).

Người Kinh đã thế, người dân tộc càng thế. Tại Lạng Sơn- Cao Bằng, Đức thày phủ doãn tông toà đầu tiên của giáo phận này là Cothonay nhận xét: “Cho tới nay, các dân tộc miền núi của chúng ta vẫn tỏ ra rất kháng cự với việc loan báo Tin mừng. Phương pháp tốt nhất để có người theo đạo là tập hợp những người nghèo khổ và cho họ sinh sống trên đất đai của chúng ta. Nhưng phải làm nhà cho họ, cho họ công cụ lao động như giống má, trâu bò, cày bừa vv… và giúp cho họ ăn tới vụ mùa. Đó là một phương thức truyền giáo tốn kém, nhưng nếu muốn gia tăng đoàn chiên, chúng tôi phải làm như thế tuỳ theo phương tiện chúng tôi có”(5).

Hôn nhân cũng là một lý do để nhiều thanh niên theo đạo Công giáo. Ai cũng biết rằng nạn thê thiếp đã gây ra bao nỗi khổ đau cho người phụ nữ khiến thi sĩ Hồ Xuân Hương phải thốt lên: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Trong khi đó, đạo Công giáo chủ trương “nhất phu, nhất phụ”. Đây là điều hấp dẫn với nhiều người trước khi lập gia đình. Tuy nhiên, trước đây, giáo hội không cho kết hôn với người khác đạo nên cũng buộc nhiều thanh niên phải trở lại đạo. Sau Công đồng Vaticano II, giáo hội cởi mở hơn, cho phép người Công giáo kết hôn với người khác tôn giáo nhưng số người trở lại đạo vì lý do hôn nhân vẫn đông. Theo số liệu của Giáo hội công bố năm 2006, số lượng người theo đạo để kết hôn với người Công giáo là 31.576, chiếm 1/5 số người gia nhập đạo cả nước.

Vấn đề chính trị, xã hội cũng ảnh hưởng tới việc một số người theo đạo. Người ta thấy số người xin gia nhập đạo vào những năm 1930-1931 gia tăng hơn 2000 người mỗi năm, đông nhất là vùng Nghệ Tĩnh. Tìm hiểu ra mới rõ, là do phong trào Việt Minh bắt đầu nhen nhóm ở đây và chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp. Để yên ổn làm ăn, người dân thấy cách an toàn nhất là gia nhập đạo Công giáo vì người Công giáo được chính quyền tin tưởng, che chở hơn. Giám mục Tardieu năm 1931 đã có báo cáo về Roma như sau: “Thử thách cuối cùng theo một dạng đe doạ mới đó là chủ nghĩa cộng sản, đến từ Matxcova qua Trung Quốc đã len lỏi vào Trung Kỳ và gây tai hoạ khắp nơi, nhiều hay ít tuỳ theo hoạt động của phong trào mạnh hay yếu… đã không ngăn cản người ta theo Công giáo, ngược lại đã làm cho người ta theo Công giáo nhiều hơn”(6). Cuộc di cư năm 1954 không chỉ làm cho hàng triệu người Công giáo từ miền Bắc vào miền Nam mà còn làm cho nhiều người theo đạo dưới các chế độ thân Công giáo ở Sài Gòn. Địa phận Quy Nhơn năm 1956 có 16.323 người xin rửa tội, năm 1959 tăng lên 27.385 và năm 1960 là 37.429 người. Giám mục Ngô Đình Thục ở Huế cũng nói: “Có những làng nguyên vẹn xin chịu phép Rửa. Người ta không làm sao dạy giáo lý kịp cho họ”(7). Cũng dễ hiểu thôi vì chính quyền Sài Gòn lúc này đang “Công giáo hoá”: 30% dân biểu là người Công giáo, 23/32 tỉnh trưởng, 4/12 bộ trưởng, 3/16 tướng lĩnh là người Công giáo.

Sau sự kiện đạo Vàng Chứ bị cấm ở khu vực miền núi phía Bắc những năm 80- 90 của thế kỷ trước, nhiều tín đồ đã vào Tây Nguyên sinh sống và sau đó đã gia nhập đạo Công giáo làm cho số giáo dân ở đây tăng mạnh. Trước năm 1975, Tây Nguyên chưa đầy 13 vạn giáo dân, năm 2005 tăng lên hơn 30 vạn. giáo phận Kon Tum tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 17,4%, năm 1988 tăng 137,7%. Tỉnh Gia Lai từ 1995 đến 2001 tăng 475%.

Hoạt động từ thiện, bác ái của đạo Công giáo cũng thu phục không ít người đến với đạo. Những làng phong cùi với sự phục vụ tận tuỵ của các nữ tu đã làm cho nhiều bệnh nhân và bác sĩ cảm phục trở lại Công giáo như ở trại phong Quy Hoà. Trong số 445 trại viên năm 1937 có tới 306 người Công giáo. Có năm 70 bệnh nhân xin làm phép Rửa. Một linh mục ở Nha Trang mở phòng khám từ thiện từ năm 2001, mỗi ngày cũng có 2-3 người xin trở lại đạo.

Phương pháp giảng thuyết hấp dẫn, đạo có nhiều điều mới lạ nên đã làm cho cả những bậc thức giả trong triều đình, nho gia, những nhà sư và cả những người trong hoàng tộc nhà vua cũng đi theo đạo ngay từ buổi đầu tôn giáo này du nhập vào Việt Nam như công chúa Mai Hoa, em gái cúa Trịnh Tráng…

Trên đây là những lý do phổ biến làm cho người ta theo đạo, trở lại đạo. Còn với mỗi người thường lại có những lý do riêng nữa.

2- Giữ đạo là tuyên xưng đức tin

Nếu theo đạo chỉ hiện tượng một người được nhận phép Rửa để gia nhập Công giáo để trở thành tín hữu thì giữ đạo nói về cuộc sống của người tín hữu từ khi được rửa tội cho đến khi chết. Có thể chỉ ra quá trình xuyên suốt của người tín hữu khi giữ đạo là tuyên xưng đức tin của mình ra cho mọi người biết. Vì vậy giữ đạo đòi hỏi khó khăn, hy sinh hơn. Nếu Rửa tội là điều kiện cần thì giữ đạo nên mới là điều kiện đủ để được cứu rỗi.

Người tín hữu thể hiện niềm tin của mình bằng cách đeo ảnh tượng, tràng hạt như là dấu hiệu của người có đạo. Tại nhà riêng thì lập bàn thờ trang trọng theo khả năng kinh tế của gia đình. Nhà nào khá giả còn đắp tượng Chúa, Đức Mẹ giữa sân, trên tường nhà. Cứ có một số gia đình Công giáo là người ta lo làm nhà thờ, càng to càng tốt. Bởi vậy chỉ cần nhìn những dấu hiệu này cũng biết ai, gia đình nào, làng nào theo đạo Công giáo. Ngay từ buổi đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài, người ta đã nhận thấy: “Bổn đạo siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình, không bao giờ bỏ việc đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn và vì những công việc đã hứa hẹn. Vì thế gia đình nào cũng có bàn thờ được trang trí bằng những thứ quý nhất tuỳ theo khả năng của họ. Bổn đạo sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn, cái mặc hơn là chịu thiếu bàn thờ”(8).

Trong ba nhân đức tu luyện của người Công giáo thì nhân đức tin là quan trọng nhất. Nhưng “ đức tin không có việc làm là đức tin chết” nên thể hiện niềm tin theo đạo, trước hết là giữ luật đạo. Luật đạo thì mênh mông nào là “10 điều răn”, “6 điều răn”, “8 mối phúc”, “7 mối tội đầu”, “ thương người 14 mối”…nhưng tóm lại rất gọn là “mến Chúa, yêu người”. Những người được gọi là “sùng đạo” là những người siêng năng đi lễ nhà thờ sáng tối, xưng tội, rước lễ thường xuyên, đọc kinh hàng ngày và có lòng bác ái, thương người nghèo khó.

Không ít người nhận xét rằng, người Công giáo Việt Nam giữ đạo quá sốt sắng, nhiệt thành so với thế giới. Một bản điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo năm 1992 cho biết số tín hữu đi lễ thường xuyên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 56,4 đến 96,3%, rước lễ thường xuyên từ 56 đến 94%. Trong khi đó ngay tại Roma- kinh đô của Giáo hội Công giáo cũng chỉ có 15-20% giáo dân đi lễ thường xuyên. Tôn giáo cũng trở thành nhu cầu cần thiết cho rất nhiều tín đồ. 71% trí thức Công giáo ở thành phố Hồ Chí Minh và 84,6% người Công giáo Hà Nội đã khẳng định như vậy. Trong khi đó chỉ có 59% ở Italia, 34% ở Pháp và 28% ở Đức cho tôn giáo là cần thiết trong đời sống(9).

Người Việt Nam sống thiên về tình cảm nên cách giữ đạo cũng ưa ồn ào, náo nhiệt. Một nhà nghiên cứu và cũng là linh mục Công giáo nhiều năm làm việc ở nước ngoài là GS.VS Trần Tam Tỉnh nhận xét: “Dân chúng Công giáo Việt Nam thiết tưởng là quần chúng mộ đạo nhất thế giới. Hàng ngày họ đi dự kinh lễ sớm chiều rất đông và thích rước kiệu, làm tuần tam nhật và nhiều việc đạo đức sùng kính khác, không những vào ngày chủ nhật mà cả các ngày trong tuần. Tại các họ đạo nông thôn, kinh lễ buổi mai kéo dài 2-3 giờ, cuộc rước lâu cả buổi”(10). Những biểu hiện sinh hoạt tôn giáo sầm uất này vẫn giữ đến ngày nay nhất là khi đón tiếp các đấng bậc “nhân danh Chúa mà đến”.

Do để thuận tiện giữ đạo nên người Công giáo cũng hay co cụm lại thành làng riêng lấy nhà thờ làm biểu tượng của làng, lấy tiếng chuông nhà thờ làm đồng hồ báo thức, lấy ngày lễ làm lịch cấy trồng như: “Lễ các Thánh gánh mạ đi gieo, lễ sinh nhật giật mạ đi cấy hay lễ Rosa thì tra hạt bí, lễ các Thánh thì đánh bí ra…”, lấy lễ hội Công giáo làm lịch năm, tháng. Họ kết hôn, giao du với người đồng đạo. Nếu đi đâu vì một biến cố chính trị, xã hội nào đó thì đi cả làng và tại nơi ở mới, họ vẫn giữ tên làng Công giáo cũ. Tại những làng kinh tế mới vùng biển Nghĩa Hưng, Nam Định có những làng Công giáo như Bùi Chu, Ngọc Cục, Kiên Lao còn ở miền Nam sau di cư năm 1954 có Hà Nội, Bùi Phát, Thái Bình và ở Hoa Kỳ bây giờ cũng có nhà thờ La Vang…

Biểu hiện ở mức độ cao nhất của đức tin tôn giáo là sẵn sàng “chết vì đạo”. Do những điều kiện lịch sử khắc nghiệt nên ở Việt Nam cũng đã chứng kiến được nhiều người Công giáo sẵn sàng đổi mạng sống để giữ niềm tin. Trong thời nhà Nguyễn, không ít quan lại khi thi hành lệnh cấm đạo cũng muốn nương nhẹ với người làng nên chỉ bắt làm hình thức như bước vòng quanh Thánh giá thay vì bước qua nhưng có người cũng không chịu. Có nhà cả cha mẹ, con cái đều tranh nhau chịu tử hình với thái độ vui mừng. Một điều lạ là không có ai ra pháp trường vì đức tin mà lại chửi bới vua quan. Trái lại họ còn cám ơn vua quan đã cho họ có cơ hội được làm thánh. Giáo hội Công giáo đã tôn phong 118 thánh tử đạo, 1 vị chân phước và nhiều chứng nhân đang được lập hồ sơ. Điều đó chứng tỏ, người Công giáo Việt Nam không sợ hy sinh để minh chứng niềm tin.

Bác ái là một yêu cầu của người có đạo nên ngay từ buổi sơ khai, người dân kinh thành Thăng Long đã gọi những người theo Công giáo là “đạo của những người yêu nhau”. Họ lập ra những nhà thương để săn sóc người bệnh tật, giúp đỡ kẻ lang thang, mồ côi, chôn xác người chết. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi hầu hết các trại phong cùi ở Việt Nam đều do Công giáo thành lập và phục vụ. Những tấm gương như nữ tu Nguyễn Thị Mậu với hơn 40 năm phục vụ bệnh nhân phong ở Di Linh (đã được Nhà nước phong anh hùng lao động năm 2006), anh Tống Phước Phúc – một thợ xây nghèo đã thu gom và mai táng chu tất cho cả chục ngàn thai nhi ở Nha Trang (đã được Chủ tịch nước gửi thư khen năm 2008) …cũng không phải là cá biệt.

Truyền giáo là một căn tính của đạo Công giáo vì thế những người có đạo cũng tích cực khuyên bảo làm cho người khác cũng theo đạo giống mình. Họ đi làm từ thiện, chăm sóc người ốm đau, giúp đỡ kẻ đau khổ…nhằm chứng minh đạo Công giáo họ đang theo là tốt lành. A. Rhodes đã kể lại việc làm đám tang trọng thể cho một người lính ở làng No năm 1627 : “Chúng tôi làm đám tang hết sức linh đình và trọng thể, có tất cả người Bồ chỉnh tề tham dự cùng các giáo dân tân tòng. Việc này chúng tôi làm công khai cho tất cả lương dân trông thấy, không những họ cảm phục về bác ái người giáo dân mà còn xúc động về tinh thần của đạo ta”(11).

Để truyền giáo hiệu qủa, người ta cũng sáng tạo ra vô vàn phương cách từ chuyển Kinh thánh ra văn vần, diễn tuồng, latinh hoá tiếng Việt, làm báo, xây cô nhi viện, nhà dưỡng lão, Việt hoá đạo cho gần gũi với người Việt…

Như vậy có thể nói giữ đạo là đòi buộc cho tất cả mọi tín hữu mọi thời đại chứ không phải chỉ là lối sống đạo của người Công giáo buổi sơ khai hay trước công đồng Vaticano II. Tuy nhiên, đạo Công giáo cũng luôn canh tân để theo kịp thời đại vì vậy lối sống của tín hữu phải được nâng lên tầm cao mới đó là sống đạo.

3- Sống đạo là dấn thân để phục vụ cộng đồng và xã hội

Nếu nói sống đạo là lối sống của người Công giáo thì bất kỳ người Công giáo ở nước nào, thời kỳ nào cũng đều có sống đạo. Giữ đạo là một cách sống đạo. Nhưng đây là kiểu sống đạo hướng nội, thiên về luân lý, phụng tự để “cứu rỗi” chính bản thân người tín hữu và nếu có quan hệ với bên ngoài cũng là để làm cho người khác biết đến đạo Công giáo mà thôi. Lối sống đạo “tiền công đồng” này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Việc sống đạo có tính “xuất thế” như vậy làm cho đạo Công giáo ít gắn bó với đời sống xã hội và khó gần gũi với cộng đồng. Người Công giáo bị co cụm lại trong nhà thờ, chỉ chăm chú lo giữ linh hồn mình chứ không dấn thân phục vụ xã hội và cộng đồng. Giáo hội chú ý nhiều đến phụng tự, nghi lễ nên dễ rơi vào bệnh hình thức bên ngoài mà quên đào luyện nội tâm để “nhập thế”. Công đồng Vaticano II đã tìm ra căn bệnh của việc phân chia tách bạch đạo – đời, làm chia cách người Công giáo ra khỏi gia đình nhân loại và môi trường họ đang sống. Hiến chế Gaudium et Spes viết: “Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta” ( số 43).

Do trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nên quan hệ đạo – đời của Công giáo cũng đi qua nhiều cung bậc. Có lúc lên án, loại trừ, có lúc bị thao túng, lợi dụng xã hội trần thế. Trần gian được coi là biển khổ lưu đầy, là đồng minh của tội lỗi. Người Công giáo luôn nguyện cầu để mau chóng vượt biển trần gian, thoát nơi sống gửi, sống tạm để về nơi vĩnh hằng. Lối sống đạo này đã làm cho đạo Công giáo bị mất nhiều thứ. Nhà thần học pháp René Laurentin viết: “Giáo hội đã làm nản chí biết bao nhiêu người muốn xây dựng xã hội trần thế, đến nỗi ai còn lý tưởng muốn hăng say phục vụ đều phải chạy xa giáo hội để xây dựng”(12). Nhưng công đồng Vaticano II đã khẳng định dứt khoát một lối sống đạo mới: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (số 1).

Bây giờ đạo không ly khai khỏi đời mà gắn bó với đời. Người Công giáo sống đạo giữa đời chứ không chỉ sống trong nhà thờ, với Giáo hội. Người Công giáo cũng ăn uống, sinh hoạt vui chơi, lao động với mọi người nhưng theo tinh thần của Tin mừng. Họ vừa phải chấp hành luật pháp theo bổn phận công dân nhưng còn tuân theo lương tâm đạo dạy nữa. Tại Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử nên tinh thần của công đồng Vaticano II du nhập và triển nở ở miền Nam sớm hơn. Các giám mục miền Nam đã nhắc nhở giáo dân: “Không đóng khung đạo lại trong một số sinh hoạt tôn giáo trong nhà thờ hay trong nội bộ Công giáo với nhau nhưng sống đạo, sống tinh thần Phúc âm trong mọi lĩnh vực đời sống”(13).Thư chung 1980 của các Giám mục Việt Nam là văn bản chính thức đầu tiên hướng dẫn người Công giáo cả nước đồng hành cùng dân tộc, cùng chia sẻ vận mạng với đồng bào, gắn bó với quê hương: “ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm…Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc” (số 10). Sau 10 năm miền Nam được giải phóng, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã nhận xét: “Từ 10 năm qua, chúng ta đã cố gắng chứng tỏ được rằng người Công giáo là người Việt Nam như tất cả đồng bào khác…Bởi đó chúng ta đã hăng say làm tròn các bổn phận người công dân. Tín ngưỡng của chúng ta, đạo Công giáo của chúng ta không làm cho chúng ta trở thành những người xa rời Tổ quốc mà đạo Kitô còn khuyến khích thêm để chúng ta phấn khởi sống lương thiện, thật thà ngay thẳng quên mình vì lợi ích chung”(14).

Để người Công giáo ngày càng sống đạo gắn bó hơn với quê hương, Giáo hội Công giáo đã không ngừng cổ vũ cho tiến trình hội nhập văn hoá dân tộc. Các Giám mục Á châu mời gọi tín hữu ở châu lục này “Sống đạo theo cung cách Á châu” để đạo không bị coi là xa lạ ngay chính quê hương của Đức Kitô. Theo hướng dẫn này, các Giám mục Việt Nam trong Thư chung 2003 đã kêu gọi người Công giáo Việt Nam “Sống đạo theo cung cách Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 27/6/2009, Đức Benedictô XVI còn cổ vũ lối sống “mỗi người Công giáo tốt cũng là những công dân tốt”. Đây là những chỉ dẫn rất quan trọng để người Công giáo Việt Nam sống đạo tốt lành trên quê hương mình.

Nhờ những chỉ dẫn này mà lần đầu tiên người Công giáo Việt Nam đã sám hối xin lỗi đồng bào khi bước vào Năm thánh 2010: “Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo vì chúng tôi chưa đủ hoà mình và đồng hành. Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm”. Một phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo như được thổi một luồng gió mới không chỉ làm thay đổi những định kiến, mặc cảm nơi người Công giáo mà còn làm biến đổi bộ mặt nhiều xứ họ. Xã Quỳnh Thanh (Nghệ An) mỗi năm đầu tư 2,9 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản thì dân đóng góp 30% (mà 100% là người Công giáo), các linh mục quê hương góp 26,2%. Trường học, trạm xá đường giao thông, nhà máy nước sạch cũng phần lớn do giới Công giáo địa phương đóng góp. Rất nhiều gương điển hình là người Công giáo đã được xã hội tôn vinh. Chị Trần Thị Mai (Quảng Bình) dũng cảm hy sinh cứu người bị lũ cuốn đã được truy tặng liệt sĩ năm 2006. Anh Nguyễn Công Hùng- nạn nhân chất độc da cam bị liệt từ nhỏ vẫn tự vươn lên thành “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”. Các trung tâm Mai Hoà, Thiên Phước trở thành những điểm sáng trong phong trào thi đua “tốt đạo, đẹp đời”.

Rõ ràng lối sống đạo hiện nay của người Công giáo Việt Nam đã vượt qua kiểu giữ đạo hình thức, hướng nội mà vượt lên dấn thân phục vụ xã hội và cộng đồng. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp Giáo hoàng Benedicto XVI tại Vatican ngày 25/1/2007 đã nhận định: “Ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.

Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010 viết: “Là công dân trong một đất nước, người Công giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc âm …Theo ý nghĩa đó, Đức Benedicto XVI nhắn nhủ các tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (số 33). Với những hướng dẫn này, lối sống đạo của người Công giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng lên ở tầm cao mới.

TS Phạm Huy Thông – http://btgcp.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét