Mar 2, 2014 - Chúa nhật
8 thường niên
năm A
Thiên Chúa chăm
sóc chu đáo
mọi tạo
vật
Các
Bạn thân mến,
Ai
đã từng bị nghèo khổ, hẳn thấm thía cảnh bị đắm chìm trong nó, nếu không chọn
lựa vì lý tưởng, thì ai cũng mong muốn thoát ra khỏi nó, để được đầy đủ mọi
thứ, không phải lo cơm ăn áo mặc hằng ngày, không phải lo nhà cửa dột nát, mối
mọt, hư hỏng; không phải lo chuyện phí tổn học hành cho con cái, không phải lo
bệnh tật cho ông bà, vất vả cho cha mẹ, lo tiền bạc, công ăn việc làm cho chính
mình…Nhưng khi đã dư ăn dư dể thì lại có những mối lo khác: lo bảo quản tiền
bạc, lo sinh sôi nẩy nở thêm của cải, lo con cái lêu lổng, nghiện ngập, lo ông
bà cha mẹ nhàn hạ thêm bệnh thêm tật…đó là những mối lo lắng về tinh thần tình
cảm, đạo đức…nên chẳng khi nào con người hết nỗi lo, dù có được khuyên: “quảng gánh lo đi mà vui sống!” cũng
chẳng được, bởi luôn có trăm chuyện quanh mình! Thật ra biết lo không phải là vô ích, vì nhờ biết lo xa nên người ta mới
thoát khỏi những tình trạng bối rối, sai phạm, tồi tệ. Nhưng sự lo lắng thái
quá lại rất có hại. Chính vì thế, Đức Giêsu không bảo chúng ta đừng lo gì hết. Ngài
dạy chúng ta cách giảm bớt sự lo lắng, tin tưởng và phó thác vào tình yêu của
Thiên Chúa là Cha, mặt khác tập trung lo điều chủ yếu quan trọng nhất mà thôi,
tức là lo làm theo ý Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra một chân lý rất quen thuộc với chúng
ta, được nghe đi nghe lại nhiều lần, qua nhiều người, nhiều cơ hội, vượt lên cả không gian, thời
gian, bởi rất thực tế, ai cũng có thể hiểu dễ dàng, nhưng lại là bài học khó
thực hiện, chẳng muốn nhớ, chẳng muốn nhắc nhở tới, mà đáng lẽ chúng ta phải
vui mừng, phải lạc quan, thảnh thơi sống vì không phải lo toan điều gì ở thế
gian, đã có Đấng tạo dựng nên chúng ta lo chu toàn tất cả!
Thật vậy, Đức Giesu khuyên nhủ:”đừng lo âu cho mạng
sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng
trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”-” Vì thế anh em đừng
lo lắng…Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần gì. Trước hết hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người
sẽ thêm cho.”
Những lời khuyên nhủ đó nghe như những mệnh lệnh, lại cũng như
những lời trấn an, vỗ về, nâng đỡ. Mà Đức Giesu đã dùng hai đối tượng chính là
chủ và tớ để lập luận và biện giải chống lại sự lo lắng:”Không ai có thể làm tôi hai
chủ!”
1.
Nô lệ:
- Đối với người xưa thì câu:“Không ai có thể làm tôi hai chủ” dễ
hiểu và có ý nghĩa hơn đối với chúng ta thời nay.
- Từ“tôi”được
hiểu là tôi tớ, nô lệ; “chủ” là chỉ
quyền sở hữu tuyệt đối.
- Nên câu
này có thể hiểu là không ai có thể làm nô lệ cho hai ông chủ.
- Bởi nô
lệ trong quan điểm luật pháp thời đó thì không phải là một con người, mà là một
đồ vật.
- Nghĩa
là chủ có thể xử dụng nô lệ như một dụng cụ sống, có thể đánh đập, quẳng vất đi,
bán hoặc giết chết.
- Thời
gian của người nô lệ hoàn toàn thuộc về chủ, không có chút giây phút nào là của
riêng.
- Không như ngày nay, một người có thể làm
việc với thời gian thỏa thuận, thời gian còn lại là hoàn toàn thuộc tự do của
riêng mình.
- Quan hệ giữa chủ và nô lệ chính là mối quan
hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa là chủ tuyệt đối, chúng ta không có
quyền chi cả.
- Nghĩa
là người Kito hữu phải làm việc trọn thời gian cho Chúa, theo ý Chúa. Không khi
nào được quyền buông lơi các tiêu chuẩn của Ngài, không bao giờ được hỏi: tôi
muốn làm gì? Mà phải hỏi Chúa muốn tôi làm gì? Không khi nào được làm điều mình
thích, mà phải làm điều Chúa muốn.
- Đây là
đòi hỏi phải phục vụ Chúa cách độc quyền, rõ ràng.
2.
Tài sản:
- Đức Giesu dạy:“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.
- Tiền của, tiền tài nguyên ngữ là Mammon, chỉ
của cải vật chất, không mang ý nghĩa xấu, và mọi người phải coi tài sản vật
chất của người khác qúi trọng như tài sản của mình.
- Còn có nghĩa là vật ký thác ở ngân hàng, tài
sản giao cho người khác bảo quản giúp.
- Dần dần Mammon là cái gì con người ký thác
lòng tin cậy của mình vào đó, cuối cùng Mammôn được coi như một ông Thần: Thần
tài.
- Vì khi người ta đặt lòng tin cậy nơi vật chất
thì nó trở thành thần tượng, chứ không còn là phương tiện nữa.
- Đó là
một vị trí mà nó không được phép chiếm đoạt trong cuộc sống. Nên Chúa đòi buộc
chúng ta phải hướng suy nghĩ đến vị trí đúng đắn của tài sản vật chất trong đời
sống.
- Trong lời dạy của Đức Giesu này, chúng ta
thấy những nguyên tắc quan trong liên quan đến tài sản:
a) Mọi sự đều tùy thuộc Thiên
Chúa:
. con người không thể
tạo một vật gì trên trần gian là của mình, mà chỉ có thể nói:“cái này thuộc về Chúa và Ngài trao cho tôi
xử dụng nó”.
. quyền sở hữu tối hậu trên sự vật là thuộc về
Thiên Chúa.
. con người có thể mua bán, sắp xếp,
điều chỉnh sự vật, nhưng không thể tạo nên sự vật.
. Nên
nguyên tắc căn bản là không có gì trên trần gian thuộc về chúng ta, chúng ta
không được phép tùy ý xử dụng nó, mà phải xử dụng theo ý Chúa.
b) Con người quan trọng hơn sự vật:
. nếu tài sản, tiền bạc,
của cải được thâu góp, tích lũy qua sự lạm dụng đối xử với con người như với đồ
vật thì tất cả của cải và sự giàu có đó đều sai.
. ở đâu và khi nào nguyên tắc bị lãng quên,
khinh thường thì những hậu qủa nghiêm trọng chắc không tránh khỏi.
c)
Của cải luôn ở hàng thứ
yếu:
. Kinh thánh dạy:“Lòng tham tiền là cội rễ của mọi điều ác”,
chứ không phải tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.
. Có của cải để tự sống đầy
đủ, danh dự, giúp gia đình, và anh em bạn bè là điều tốt.
. Nhưng có của cải chỉ
để sung sướng, xa xỉ, hưởng thụ, vung vít, mua bán quyền hành, chức tước…thì nó
không còn là phương tiện tốt giúp chúng ta nữa.
. Nếu coi của cải là
nguồn sống, là mục đích, là cứu cánh thì nó sẽ soán đoạt địa vị chỉ dành cho
một mình Thiên Chúa.
. Vì thế sở hữu nhiều
của cải, tiền bạc, tài sản vật chất không phải là tội, mà là một trách nhiệm quan
trọng, khó khăn, cần phải cầu nguyện liên tục để nó không làm hại mình, cùng
biết xử dụng theo ý muốn của Thiên Chúa.
3. Chúa dạy:
- Điều cần lưu ý ở đây là hiểu biết rõ những
điều Chúa cấm và những điều Chúa muốn truyền dạy: Ngài cấm sự sợ hãi, bồn chồn
lo lắng, ưu tư thái quá làm mất hết sinh thú cuộc đời; Ngài dạy bài học kết hợp
tất cả sự thận trọng, dự liệu, điềm tĩnh và tin cậy.
- Các Rabi Do Thái nổi tiếng dạy rằng phải đối
diện với cuộc sống bằng sự thận trọng và điềm tĩnh.
- Đức Giesu đưa ra những lập luận và biện pháp
chống lo lắng:
1. Thiên Chúa ban sự sống và duy trì sự sống đó: Thiên Chúa đã ban cho
chúng ta sự sống, thì chắc chắn Ngài sẽ ban những điều cần thiết để duy trì và
phát triển sự sống ấy, như quần áo che thân, lương thực thực phẩm để nuôi sống…
2. Thiên Chúa nuôi dưỡng chu đáo các loại
tạo vật Ngài dựng nên, để chúng phục vụ con
người, giúp con người thuận lợi trong sự phục vụ Thiên Chúa, mà không cần phải
lo âu điều gì. Đây là một bài học qúi giá trong thiên nhiên.
3. Lòng đại lượng của Thiên Chúa cũng đã hậu đãi loài hoa sớm nở tối tàn thì
chắc chắn Ngài không thể nào quên con người là triều thiên trong muôn loài thọ
tạo. Bài học thiên nhiên này không ai có thể phủ nhận.
4. Lo âu là vô
ích, tai hại:
bởi không ai lo âu mà có thể làm được điều gì, việc gì; không ai lo lắng mà kéo
dài thời gian sống của mình thêm được một phút giây. Lo âu cũng chẳng ảnh hưởng được đến
qúa khứ đã qua
và tương lai không biết có đến hay không. Nó chỉ
gây tai hại là sinh bệnh tật: loét bao tử, đau tim, mòn mỏi tâm trí, suy yếu
năng lực, mất sức sống, giảm tình cảm, và suy nhược thân xác…nó cũng chẳng do
hoàn cảnh bên ngòai, mà do từ trong lòng.
5. Lo âu là
không tin cậy Thiên Chúa, chỉ có nơi những người không gọi Thiên Chúa là Cha. Còn tín hữu
là những người không chỉ đã biết Thiên Chúa, mà còn gọi Ngài bằng Cha, và tin
vào tinh yêu của Ngài, họ không còn lo lắng bất cứ điều gì.
6. Không có gì
nương tựa, dọ dẫm, cậy nhờ, bảo vệ, con người mới lo lắng; nên để xua tan lo âu,
Đức Giesu đưa ra hai phương cách là“ở
trong Nước Chúa”và“Làm theo Ý Chúa”, nghĩa là phài lo tìm
kiếm nước Thiên Chúa trước hết, để Ngài trở thành quyền lực chế ngự đời sống, là
điểm tựa vững chắc, là nơi cậy nhờ, là người bảo vệ, thì chúng ta sẽ loại trừ
được mọi lo âu.
7. Đức Giesu khuyên chúng ta nên sống tùy theo nhu cầu của
từng ngày, đây là bài học về đời sống, bởi thực tế cho thấy bằng cách nào đó,
chúng ta đã chịu được, làm được những cài mà tưởng như không thể.
- Như vậy lo âu, lo lắng không chỉ không cần
thiết, vô ích, tai hại, mà còn là tội biến con người trở thành vô dụng, vô cảm.
Nên“Đừng lo lắng về ngày mai” là mệnh
lệnh của Đức Giesu, và đó là con đường không những chỉ dẫn đến bình an mà cả
đến sức mạnh nữa.
- Thánh Augustinô chia
xẻ cho chúng ta một cách sống hồn nhiên và vô tư như sau: "Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại
cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài".
Lạy Chúa, sống cho Chúa, sống như Chúa muốn thật qúa khó, thuộc về Chúa lại
thật là một thách đố lớn lao đối với chúng con. Vì làm sao mà dâng cho Chúa tất
cả để chẳng còn gì cho con, làm sao mà bỏ đi được những cậy dựa con vẫn nương
nhờ, làm sao có thể bỏ những điều con ưa thích, quên những người con mến
thương? Nhưng Ngài đã quyết chinh phục con cho bằng được! Thì xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những
bận tâm, những thói quen, những tính toán lo âu để sống theo những hướng dẫn
của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt, nhưng Ngài đã hứa sẽ đền bù cho
tất cả. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen
Thân mến,
duyenky