Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

 

 

Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Tác giả: 
 Lm Phạm Hồng Thái

 

 

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

 

          Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể đó là điều đương nhiên rồi. Nhưng để đi tới đỉnh cao là Thánh Thể, Chúa đã có  những bước chuẩn bị cho mầu nhiệm cao trọng này.

 

          Bước đầu tiên là việc Chúa đi dự tiệc cưới Ca na cùng với Đức Mẹ và các môn đệ đầu tiên. Trong tiệc cưới, Đức Mẹ cho Chúa biết: “Họ hết rượu rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Đức Mẹ có vẻ như là một sự từ chối can thiệp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ  của con chưa đến”. Tuy nhiên Đức Mẹ vẫn tin tưởng, nên nói với gia nhân: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” và kết quả là sáu chum đá đổ đầy nước lã được Chúa Giêsu hóa thành sáu chum rượu ngon! Tiệc cưới đang thiếu rượu bây giờ nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, Chúa Giêsu làm cho đôi tân hôn trong ngày cưới có rượu vừa dồi dào và lại là rượu ngon nữa! Chúng ta thấy ở đây một sự chuẩn bị cho bí tích Thánh thể: Chúa Giêsu biến nước thành rượu ngon để sau này Chúa sẽ  biến rượu trở nên Máu thánh Chúa.

 

          Tiếp đến chúng ta thấy một bước tiến nữa cho việc lập Bí tích Thánh Thể: đó là phép lạ Hóa Bánh ra nhiều với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu hóa ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no và còn thu về mười hai thúng đầy bánh vụn. Đặc biệt cử chỉ của Chúa Giêsu trước khi hóa bánh ra nhiều cũng tương tự như khi Chúa lập bí tích Thánh Thể: Chúa cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng rồi trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho dân chúng. Nay trong phép Thánh Thể, Bánh được bẻ ra và phân phát cho dân Chúa như vậy, vì thế mà thời giáo hội sơ khai thánh lễ được gọi là lễ nghi bẻ bánh.

 

          Cao điểm của bí tích Thánh thể được Chúa Giêsu thực hiện trong Bữa Tiệc ly để với lời: “Này là Mình Thầy bị nộp vì các con”; “Này là  Máu Thầy sẽ đổ ra để đem lại ơn tha tội cho nhiều người. Các con hãy cầm lấy mà ăn, các con hãy nhận lấy mà uống” Chúa Giêsu trở nên lương thực thiêng liêng cho chúng ta được bổ dưỡng trên đường về nhà Cha. Máu Chúa Giêsu chỉ đổ ra một lần trên cây Thánh giá, nên khi cử hành thánh lễ, hội thánh hiện tại hóa lễ hi sinh trên cây Thánh giá còn trong bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu muốn chúng ta cử hành nhiều lần nên mới nói:  “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

 

Chúng ta nhận biết là Chúa Giêsu ngự thật trong bí tích Thánh Thể nên Chúa mới nói: “Này là Mình Thầy”.  Đức tin Công giáo luôn tuyên xưng như vậy trong khi đạo Tin Lành lại nói là Bánh thánh chỉ là biểu tượng chứ không phải là Chúa ngự thật trong Thánh thể, nói như vậy là đi ngược với lời Chúa vì Chúa đâu có nói “Này là biểu tượng của Mình Thầy” mà Chúa quả quyết: “Này là Mình thầy.”

 

Chúng ta ghi nhớ còn một tường thuật liên can tới bí tích Thánh Thể nữa đó là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường  Emmaus: dọc đường Chúa giải thích Kinh thánh cho hai ông: Các ông cảm thấy lòng sốt sắng lên khi được nghe Chúa nói: có thể coi như đây là phần phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ. Rồi khi tới Emmaus, Chúa Giêsu vào nhà, đồng bàn với hai ông: Chúa cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, bấy giờ mắt hai ông sáng ra và nhận ra Chúa: có thể nói đây chính là Phụng vụ Thánh Thể. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực giúp chúng ta được đồng hành với Chúa.

 

Mừng lễ Mình Máu thánh Chúa, chúng ta cảm tạ tình yêu thương Chúa ban Thánh Thể nên lương thực và không gì bằng chúng ta đáp lại lời Chúa: “Các con hãy nhận lấy mà ăn; Các con hãy nhận lấy mà uống” để chúng ta được kết hợp với Chúa và được Chúa ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến Tận thế đồng thời được hưởng lời Chúa hứa: “Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời.”

 

Câu chuyện: Ông Smith Rước lễ. Một thừa tác viên đưa Mình Thánh kể: Khi tôi đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và những cụ già tại một nhà dưỡng lão, lần đầu tiên tôi gặp ông Smith. Ông ta mắc bệnh rối loạn tâm thần. Khi tôi gõ cửa phòng ông và đang chuẩn bị bước vào, tôi tự giới thiệu và cho ông biết giáo xứ đã cử tôi đến đây. Ông ta tỏ vẻ bực bội và khó chịu nói vọng ra: “Xin lỗi, mời ông bước ra”. Khi tôi vừa quay lưng để định thoái lui, ông gọi giật lại và hỏi: “Ông đến đây làm gì?” Tôi trả lời: “Tôi đến đem Mình Thánh Chúa cho ông”. Bấy giờ ông lên tiếng: “Ồ, chuyện đó lại khác, mời ông vào!”. Thái độ của ông bỗng chốc trở nên cung kính và sốt sắng cách lạ thường. Chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau và đọc kinh Lạy Cha, rồi tôi trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ông đón nhận với thái độ rất kính cẩn và chậm rãi cầu nguyện cám ơn Chúa sau khi đã rước lễ. Tôi rất cảm động. Sau đó tôi chào ông và nói “Chào ông nhé, bây giờ thì tôi bước ra đây”.

 

Chúng ta tôn kính Mình Thánh Chúa và Rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ nếu có thể để được sức mạnh thiêng liêng Chúa ban, và được sống lại trong ngày sau hết cùng được sự sống đời. Amen

 

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

BÁC ÁI THÁNH THỂ

 

Mon, 27/05/2024 - Trầm Thiên Thu

BÁC  ÁI  THÁNH  THỂ

 

Bác Ái là nhân đức của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Phêrô Julian Eymard, mệnh danh “Tông Đồ Thánh Thể,” kể lại những điều sau đây liên quan nhân đức thiết yếu nhất này:

Đôi mắt Ngài không biểu lộ sự tức giận hay phẫn nộ, nhìn vào đôi mắt Ngài thấy sự tôn trọng các bề trên của Ngài, tình yêu dành cho mẹ Ngài và Thánh Giuse ở Nazareth, lòng nhân hậu đối với các môn đệ của Ngài, lòng trắc ẩn dịu dàng đối với các tội nhân và lòng thương xót tha thứ cho kẻ thù của Ngài. Đôi môi Ngài là ngai tòa bác ái. Ngài mở miệng ra với sự khiêm tốn, nghiêm túc và nhẹ nhàng. Đấng Cứu Độ nói ít, không bao giờ nói đùa hay nhạo báng, mọi lời nói và tư tưởng của Ngài đều xuất phát từ lòng nhân từ. Những cách diễn đạt Ngài dùng rất đơn giản, luôn phù hợp với những người nghe Ngài, những người thường là người nghèo và mù chữ.

Ngài không xa lánh những kẻ ghét Ngài, không từ bỏ nhiệm vụ, không nói ra sự thật để tránh mâu thuẫn hoặc làm hài lòng một người có ảnh hưởng nào đó. Ngài không vội trách móc, không đưa ra lời tiên tri cá nhân nào trước thời điểm đã được Chúa Cha ấn định. Ngài sống đơn sơ và nhân hậu vô cùng với những người mà Ngài biết sẽ bỏ rơi Ngài. Vì giờ chưa đến nên tương lai đối với Ngài dường như không biết trước. [1]

Trạng thái ẩn mình của Chúa Giêsu khuyến khích sự yếu đuối của tôi. Tôi có thể không sợ đến gần Ngài, chiêm ngắm Ngài và nói chuyện với Ngài. Nếu vinh quang Ngài chiếu tỏa khắp nơi, ai dám nói chuyện với Ngài vì ngay cả các tông đồ cũng sợ hãi ngã xuống đất khi nhìn thấy ánh vinh quang đó trên núi Tabor?

Chúa Giêsu đã che giấu quyền lực khiến con người phải khiếp sợ. Ngài đã che giấu sự thánh thiện của Ngài, một điều cao cả đến nỗi nó sẽ làm nản lòng các nhân đức yếu kém của chúng ta. Người mẹ nói với đứa con nhỏ và đặt mình vào trong tầm với của nó để bế nó lên, Chúa Giêsu cũng làm cho Ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ bé mọn để nâng họ lên tới chính Ngài và lên tới Thiên Chúa.

Chúa Giêsu che giấu tình yêu của Ngài, kiềm chế nó. Sự cuồng nhiệt của nó cháy bỏng tới mức nó sẽ thiêu rụi chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với ngọn lửa trực tiếp của nó: “Ignis consumens est – Chúa là ngọn lửa thiêu đốt.” Hãy xem Chúa Giêsu che mặt khuyến khích sự yếu đuối của chúng ta như thế nào! Còn bằng chứng tình yêu nào lớn hơn tấm màn che Thánh Thể này? [2]

Cũng chính Chúa Giêsu đã bước đi trên những con đường ở Nazareth đang hiện diện trước mắt chúng ta. Khi nhìn lên Mình Thánh, chúng ta nhìn thấy khung cảnh đẹp nhất ở phía bên kia của cõi vĩnh hằng. Nếu chúng ta lên được Thiên Đàng, chúng ta sẽ thấy chính Chúa Giêsu. Trong Thánh Thể, đôi mắt Chúa Giêsu tràn ngập lòng thương xót và tình yêu dịu dàng nhất đối với mọi người trên thế giới, kể cả kẻ thù của Ngài. Ngài nhìn chúng ta với tình yêu vô cùng lớn lao hơn bất kỳ tình yêu nào chúng ta trải qua trên thế gian này. Đôi mắt Ngài xuyên thấu tâm hồn chúng ta, xua tan mọi sợ hãi, lo lắng và bất an. Chúa Giêsu nói một cách dịu dàng nhất, bằng giọng nhỏ nhẹ. Mỗi lần chúng ta đến chầu Thánh Thể, chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Giêsu thì thầm vào tai chúng ta: “Cảm ơn con đã ghé thăm Ta. Ta yêu con hơn chính mạng sống của Ta. Con là niềm vui của Ta. Hãy đồng hành với Ta vì tất cả những ai xúc phạm đến Ta.”

Chúa Giêsu cúi xuống ngang tầm với chúng ta và truyền đạt theo cách mà chúng ta có thể hiểu được Ngài. Ngôn ngữ tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu vô điều kiện, và dường như Ngài thích truyền đạt tình yêu Ngài hơn là nhận được nó.

Như đã chất vấn người Pharisêu và Sađốc về sự kiêu ngạo và kiêu căng của họ, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi không thể rời bỏ chúng ta. Ngài muốn tiết lộ sự thật về Ngài và về chúng ta nếu chúng ta dám mở rộng đôi tai của trái tim mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta nên giống Ngài bằng cách cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta. Ngài muốn chúng ta nhìn thế giới qua đôi mắt của Ngài, nghĩa là nhìn thấy điều tốt đẹp nơi người khác. Tình yêu là câu trả lời, không phải hận thù hay trả thù. Cũng như Chúa Giêsu đã bị hầu hết các tông đồ bỏ rơi trên Đồi Canvê, nhiều người thân và bạn bè cũng có thể rời bỏ chúng ta, bởi vì càng đến gần Chúa Giêsu, chúng ta càng ít được coi trọng trong mắt thế gian.

Mặc dù có thể mất nhiều bạn bè trên trần gian, nhưng chúng ta sẽ luôn có nhiều bạn bè trên Thiên Đàng: các thánh. Trong khi chúng ta bị thế gian bỏ rơi, Chúa Giêsu không bao giờ rời xa chúng ta, mà Ngài đến gần chúng ta hơn. Ngài cho phép bị bỏ rơi, bắt bớ và đau khổ vì Ngài muốn ban cho chúng ta nhiều hơn chính Ngài. Suy cho cùng, chúng ta được tạo ra không phải để hòa nhập mà để nổi bật và làm hài lòng một mình Chúa mà thôi.

Mỗi lần chúng ta gặp Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta phải bước đi với sự chia sẻ về sự đơn sơ và lòng nhân hậu của Ngài. Nếu Chúa Giêsu hài lòng với Bí tích Thánh Thể thì chúng ta còn cần gì hơn nữa trong cuộc sống này? Nếu Chúa sẵn sàng tỏ lòng nhân từ ngay cả với kẻ thù của Ngài thì chúng ta cũng nên làm như vậy với ân sủng của Ngài. Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta thành những Chúa Kitô khác cho thế giới và giúp chúng ta chiến thắng những yếu đuối và tội mình.

Lòng bác ái của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là liều thuốc giúp chúng ta thực sự yêu thương như Thiên Chúa yêu thương và thực sự tha thứ như Thiên Chúa tha thứ. Chúng ta thường muốn trả thù những người làm hại chúng ta hoặc ôm giữ sự cay đắng như thể chúng ta là những người duy nhất trên thế giới phải chịu đựng. Điều không thể đối với chúng ta đều được Chúa Giêsu thực hiện trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Phêrô Julian Eymard tiết lộ cách Bác Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu dẫn đến sự hiền lành, đặc biệt đối với kẻ thù:

Chúng ta sẽ nói gì về Bác Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu? Làm sao chúng ta bày tỏ lòng tốt của Ngài khi tiếp đón mọi người một cách thích hợp? Làm sao chúng ta bày tỏ sự hòa nhã của Ngài trong việc hạ xuống tới mức của mọi người, những người yếu đuối và ngu dốt? Làm sao chúng ta bày tỏ sự kiên nhẫn của Ngài trong việc lắng nghe những gì mọi người nói, giải thích mọi nỗi đau khổ của chúng ta? Làm sao chúng ta bày tỏ sự tốt lành của Ngài trong sự hiệp thông, trong đó Ngài ban chính mình Ngài cho mọi người tùy theo hoàn cảnh của họ và vui vẻ đến với họ, miễn là Ngài tìm thấy ở họ có đời sống ân sủng, một chút sùng kính, một vài ước muốn tốt lành, và ít nhất một chút tôn trọng, ban cho mỗi người những ân sủng mà họ có thể đem theo, để lại sự bình an và tình yêu như cái giá phải trả cho việc Ngài ở lại với chúng ta?

Thật là sự hiền lành kiên nhẫn và thương xót đối với những người quên Ngài! Ngài đang đợi họ, cầu nguyện cho những kẻ khinh thường và xúc phạm đến Ngài. Ngài không phàn nàn gì về họ, và cũng không đe dọa họ. Ngài không trừng phạt ngay tại chỗ những kẻ xúc phạm đến Ngài một cách phạm thượng, nhưng bằng sự hiền lành và nhân từ, Ngài cố gắng dẫn họ đến sự ăn năn. Bí tích Thánh Thể là sự chiến thắng của lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô. [3]

Những lời dạy của Chúa Giêsu đòi hỏi khắt khe và phản văn hóa. Nhưng có ai nói rằng lên Thiên Đàng dễ dàng? Mặt khác, việc chọn Hỏa Ngục đòi hỏi rất ít nỗ lực. Khi Chúa Giêsu bảo những người theo Ngài “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình,” (Mt 5:44) có lẽ nhiều người phản ứng như họ đã làm với lời Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:61) Nhưng vẫn có hy vọng, vì điều Chúa truyền cho chúng ta làm, Ngài sẽ ban ân sủng. Quan trọng hơn nữa, những gì Chúa truyền cho chúng ta làm thì chính Ngài đã thực hiện. Chúa Giêsu là nhà giảng thuyết duy nhất sống trọn vẹn những gì Ngài đã rao giảng và vẫn còn sống những gì Ngài rao giảng qua Bí tích Thánh Thể. Đúng vậy, lời Chúa Giêsu nói về việc yêu thương kẻ thù thật khó khăn, nhưng với Bí tích Thánh Thể, điều không thể lại trở thành có thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể thực sự yêu mến Thiên Chúa, người lân cận và cả kẻ thù của mình. Vì thế lòng bác ái Thánh Thể của Chúa là con đường rõ ràng nhất để chúng ta có thể sống một đời sống tin kính. Bí Tích Thánh Thể là con đường nhân đức dẫn tới cõi vĩnh hằng.

Ngạc nhiên biết bao khi Chúa Giêsu “không trừng phạt ngay tại chỗ những kẻ xúc phạm đến Ngài một cách phạm thượng, nhưng bằng sự hiền lành và nhân hậu, Ngài cố gắng dẫn họ đến sự ăn năn.” Chúa Giêsu tìm cách chiến thắng kẻ thù của Ngài bằng tình yêu chứ không phải bằng sự trả thù. Thật là một tấm gương để noi theo!

 

Khi chúng ta gặp bất kỳ sự sỉ nhục, bắt bớ hay vô ơn nào, chúng ta phải đến ngay trước Chúa Giêsu Thánh Thể, về mặt thể lý hoặc tinh thần và dâng thập giá này cho Ngài thay vì phàn nàn hoặc đả kích kẻ thù. Chúng ta phải luôn ghi nhớ sự thật này: “Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ khinh thường và xúc phạm đến Ngài, không phàn nàn gì về họ.” Trước Thánh Thể, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa vết thương mà con đã phải chịu. Xin ban cho con ơn cầu nguyện cho người này như Ngài đã cầu nguyện cho kẻ thù qua Bí tích Thánh Thể. Nếu lời chỉ trích của người này có phần nào là sự thật, xin hãy cho con biết. Nếu không, xin giúp họ tha thứ vì Ngài đã tha thứ cho con rất nhiều lần vì con xúc phạm Ngài.”

Thánh Phêrô Julian Eymard đề cập một khía cạnh quan trọng khác của Đức Ái Thánh Thể của Chúa Giêsu, rằng Chúa Giêsu không bao giờ ngắt lời “dù Ngài biết trước họ sẽ nói gì với Ngài.” [4] Hơn nữa, Chúa Giêsu “biết im lặng vì đức ái.” Chúng ta thường quan tâm những gì mình phải nói hơn những gì người khác nói, khiến chúng ta ngắt lời họ và chiếm ưu thế trong cuộc trò chuyện. Chúng ta cũng làm điều này trong đời sống cầu nguyện của chúng ta với Chúa Giêsu. Đáng buồn thay!

Khi Chúa Giêsu Thánh Thể kiên nhẫn lắng nghe những nỗi đau buồn của chúng ta và chào đón chúng ta, mặc dù chúng ta có xúc phạm đến Ngài tới mức nào, chúng ta lại không làm như vậy cho người khác sao? Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “Bí tích Thánh Thể là sự chiến thắng của lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô.” Bí tích Thánh Thể có mục đích biến đổi chúng ta thành Chúa Giêsu, vì đó là mẫu mực về lòng bác ái của Ngài đối với nhân loại. Với những ân sủng và nhân đức tuôn chảy từ Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể trở thành mặt nhật sống động cho thế giới, đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác, đặc biệt là cho những kẻ thù của chúng ta.

 

PATRICK O'HEARN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

TRUYỀN THUYẾT VUI VỀ 12 CON GIÁP

 

TRUYỀN THUYẾT VUI VỀ 12 CON GIÁP

Thứ ba - 23/01/2024 

Ngày xưa, thủa Trời, Đất mới hình thành, mọi việc chưa được sắp xếp ổn định, chốn trần gian chưa ngăn nắp. Giữa cõi trời và hạ giới có nhiều sự khác nhau, nhất  là về thời gian và con người. Nghe nói cõi Trời một ngày dài bằng một trăm ngày  nơi hạ giới và “người” ở cõi Trời là Tiên, khác với người thường ở trần gian…Do vậy Ngọc Hoàng thượng đế đã phải bận tâm sắp xếp để tổ chức loài người được  hoàn chỉnh.



TRUYỀN THUYẾT VUI VỀ 12 CON GIÁP

Ngày xưa, thủa Trời, Đất mới hình thành, mọi việc chưa được sắp xếp ổn định, chốn trần gian chưa ngăn nắp. Giữa cõi trời và hạ giới có nhiều sự khác nhau, nhất  là về thời gian và con người. Nghe nói cõi Trời một ngày dài bằng một trăm ngày  nơi hạ giới và “người” ở cõi Trời là Tiên, khác với người thường ở trần gian…Do vậy Ngọc Hoàng thượng đế đã phải bận tâm sắp xếp để tổ chức loài người được  hoàn chỉnh.

 Một trong những điều phải sắp xếp đó là định “tuổi”, định “số mạng” con người. Ngọc Hoàng cho rằng: con người tuy đông, sinh ra vào ngày giờ, nơi  chốn khác nhau nhưng tựu trung lại chủ yếu là chỉ “cầm tinh” có 12 con vật tiêu biểu, hiện có ở cõi trần. Trần gian có muôn loài vật, vậy lấy tiêu chuẩn nào để  chọn trong số đó ra 12 con vật tiêu biểu, đặc trưng?

Theo Ngọc Hoàng thì một  khi con vật nào đó đã được chọn để loài người “ẩn” vào đó thì sẽ cố định suốt  từ đời này sang đời khác ở thế gian…

Để  thực hiện ý định, Ngọc Hoàng đã họp cùng các quần thần suốt trong nhiều ngày và  cuối cùng đã đi tới một quyết định: sẽ triệu tập các loài vật ở thế gian về  Thiên Đình để tuyển chọn những con tiêu biểu nhất. Thế nhưng nếu triệu tập hết  thì đất đâu mà chứa? Do vậy cách tốt nhất là phải có những điều kiện riêng. 

Điều kiện đó là: kể từ lúc có thông báo, hễ con vật nào về Thiên đình trước sẽ  được chọn là con “đầu đàn” rồi từ con vật này sẽ chọn con tiếp theo, theo một  nguyên tắc: con thứ nhất được quyền giới thiệu con thứ hai, con thứ hai được  quyền giới thiệu con thứ ba và cứ theo trình tự mà tuyển chọn cho đến khi đủ 12  con thì thôi.

Lệnh vừa ban ra thì đã nghe từ trong mây vang lên tiếng kêu the thé của một loài vật nhỏ con nhưng lại rất tinh khôn, đó là con Chuột. Số là  lúc ấy, Chuột đang vui chơi gần chốn Thiên đình nghe trộm được lệnh trước đã  không bỏ lỡ dịp may liền lên tiếng và có mặt sớm nhất. Giữ đúng lời hứa, Ngọc  Hoàng bảo với Chuột:

   Nhà ngươi về truyền rao lại cho một người bạn thân thiết nào đó của ngươi, coi  như con vật đó là con thứ 2 trong danh sách và từ con thứ hai đó sẽ được quyền  chọn con thứ 3 cho đến kết thúc đủ 12 con thì thôi…Con nào đã được mời rồi thì  sẽ tự động về đây vào ngày đầu xuân của trần gian để ta chỉ dạy.

Chuột  ta hí hửng ra về cố moi óc xem có người bạn nào thân, đủ tin cậy để giới thiệu  với Ngọc Hoàng không? Nghĩ mãi nó mới chợt nhớ đến Mèo. Thời ấy, giữa Chuột và Mèo sống hòa thuận như bạn bè. Khi được biết hảo ý của người bạn nhỏ, chú Mèo  láu lỉnh đã kêu toáng lên thích thú. Sau đó Mèo được Chuột dặn thêm rằng:

   Anh chọn ngay một người bạn nào đó mà anh cho là đủ tư cách nhất rồi mời anh ta, nhân đó cũng báo cho anh ta chuẩn bị mời người khác nữa….

Mèo  cẩn thận dặn Chuột:

   Tôi có tật hay mê ngủ, vậy đúng ngày lên Thiên đình anh nhớ đánh thức tôi kẻo quên nhé!

Rồi Mèo đi tìm Trâu là người bạn vẫn thường ngày cày ruộng ở gần nhà Mèo. Sau khi nghe nói xong Trâu gật đầu ngay:

   Tốt quá, tôi sẽ tìm một người bạn nối khố của tôi là anh Hổ, anh ấy oai dũng lắm!

Vốn  là bạn thân lâu năm, Hổ nghe nói rất cảm động trước tình bạn và nghĩa cử cao cả của Trâu. Hổ mau mắn nói:

   Tôi có người bạn nhỏ trong rừng rất hiền lành dể thương, đó là Thỏ, tôi sẽ mời anh ta.

Tất  nhiên là Thỏ ta khoái chí vô cùng, nó liền đi mời ngay một người bạn khá ly kỳ,  thường hay lui tới uống nước ở một con sông lớn, đó là bác Rồng. Rồng là con  vật suốt ngày bay lượn trên không và hay qua lại cung của Ngọc Hoàng, nên cũng  hay biết chuyện này, bác Rồng nói:

   Tôi hay tin này từ các tiên nữ nhưng vì Chuột được Ngọc hoàng tin giao nên tôi đang chờ, vừa lúc anh tới báo. Được, tôi rất vui lòng nhận lời và tôi sẽ giới  thiệu tiếp một người bạn của tôi.

Bạn  của Rồng chính là Rắn, một dòng họ xa. Khi đươc báo tin, Rắn mừng rơn và đi tin ngay cho anh Ngựa là chỗ láng giềng được biết. Ngựa còn khoác lác:

   Hèn chi tôi năm mơ thấy mình được thăng quan, quả đúng thật. Được, tôi sẽ chọn  một người bạn nữa xứng đáng.

  chú Dê, bạn của Ngựa đã được giới thiệu vào danh sách. Rồi Dê nhớ ra rằng có một anh bạn thông minh hay ăn trái cây, đó là chú Khỉ, con vật vẫn tự xưng là   “Hầu vương”, rồi anh ta bốc đồng khi được tin:

   Biết ngay thế nào Ngọc hoàng cũng sẽ cần đến mình, “Số trời” đã định rồi…

Bốn  chân bốn cẳng, Khỉ chạy đi báo cho Gà, rồi Gà bay đi tìm Chó vốn là bạn cùng  sống trong nhà với nhau. Thế là đủ số 12 con. Mùa đông cũng vừa hết, ngày xuân  đang về… cả 12 con vật không ai bảo ai tự động cùng tới Thiên đình. Chỉ tội nghiệp cho con Mèo có bệnh ngủ quên, lại gặp người bạn Chuột xảo quyệt, ích kỷ  nên tới ngày mà Chuột chỉ đi một mình. Trên Thiên đình, Ngọc hoàng điểm danh thấy chỉ có 11 con, Ngài nổi giận, còn Chuột thì chống chế:

   Tôi có báo cho Mèo nhưng nó quá mê ngủ nên không đi…

Ngọc hoàng phán:

   Được rồi, bỏ Mèo ra! Ta sẽ phái người xuống trần, trên đường đi hễ gặp bất cứ con vật nào thì cho thế chỗ của mèo.

Tướng  nhà Trời y lệnh đi ngay. Gặp anh Heo lúc đang bị những đồ tể khiêng đến lò sát sinh. Tướng trời quát:

   Cho nó theo ta về chầu Ngọc Hoàng!

Chú  Heo được đưa tới Thiên đình thì lúc này lại đang xảy ra một vấn đề trong việc chia ngôi thứ: Con vật nào sẽ đứng đầu. Nếu căn cứ vào “thành tích”và vóc dáng  thì các con như Rồng, Cọp, Trâu, Ngựa phải được chọn. Nhưng để tránh sự cãi cọ lôi thôi, Ngọc Hoàng phán:

   Ta sẽ mở một cuộc thi do Hằng Nga làm giám khảo. Tất cả các ngươi hãy  chạy thi từ đây đến Cung Quảng (chỗ ở của Hằng Nga) nếu con nào đến đích trước  sẽ được đứng đầu bảng. Các con đứng sau theo thứ tự mà phân ngôi.

Cuộc thi diễn ra vô cùng hào hứng. Các con Cọp, Ngựa, Trâu ỷ sức mình nên lúc đầu cho qua, không ngờ những con vật nhỏ đã cố gắng vượt lên… chỉ có Trâu là vẫn  giữ được vị trí hàng đầu. Khi về gần tới mức không ngờ chú Chuột ranh mãnh đã  nhảy lên ngồi trên lưng Trâu từ hồi nào, liền nhảy phóc xuống và phóng nhanh  qua lằn mức đến, giành vé đầu tiên. Trâu hậm hực phản đối nhưng đành thua vì  điều lệ không ghi rõ phương thức cụ thể. Vừa lúc đó Mèo xuất hiện và khiếu nại:

   Tôi có tên trong danh sách, tại sao không được dự thi?

Ngọc Hoàng từ chối, nhưng Hằng Nga tâu:

   Thưa Ngọc Hoàng, để được lòng cả hai thần nghĩ nên nhận Mèo. Bên Cung Quảng hiện thiếu một người canh giữ nên thần muốn xin…

Ngọc Hoàng hiểu ý gật đầu:

   Được, ta chấp nhận để khanh tự chọn lấy một con trong số này về giữ Cung Quảng.

Thấy  Thỏ trắng dễ thương nên Hằng Nga liền chọn Thỏ. Thế là danh sách bị khuyết và  Mèo dĩ nhiên được “đặc cách” tuyển vào cho đủ số 12 con vật theo thứ tự: Chuột,  Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó và cuối cùng là Heo.

Việc phân chia như vậy đã xong và 12 con vật ấy trở thành “12 con giáp” của người trần gian cho đến ngày nay.

Suy Niệm Tin Mừng Thiên Chúa Ba Ngôi

 

Suy Niệm Tin Mừng Thiên Chúa Ba Ngôi

Sun, 26/05/2024 - Jorathe Nắng Tím

TMĐP- Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng của đức tin Kitô giáo, là mầu nhiệm trung tâm, cốt lõi.

Tín điều “Chúa Ba Ngôi” được chính thức tuyên tín từ thế kỷ thứ tư, nhưng ngay từ thời các thánh Tông Đồ, Thiên Chúa Ba Ngôi đã được cộng đoàn tín hữu long trọng tuyên xưng trong khi cử hành phép rửa như  được Đức Giêsu truyền  dạy trong Tin Mừng Matthêu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Quả thực, nếu Đức Giêsu không mặc khải Thiên Chúa là ai thì không phàm nhân nào có thể biết Thiên Chúa, biết thánh ý Ngài, như chính Đức Giêsu đã qủa quyết với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người đã từ trời xuống” (Ga 3,13), và chỉ Con Người đã từ trời xuống mới biết “những chuyện trên trời” (Ga 3,12); chỉ Đấng là Con Thiên Chúa từ trời xuống mới biết Thiên Chúa , Cha Ngài là ai. Ngài là

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Ngài còn nói cho nhân loại biết: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30), “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38). Về phần Chúa Thánh Thần: Ngài là Đấng Bảo Trợ,” Đấng mà Thầy sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26). “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy ra. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-15).

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu mặc khải Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi, và Ba Ngôi mật thiết kết hiệp với nhau  trong mọi sự, mọi hoạt động, đến nỗi không một sinh hoạt nào của Đức Giêsu mà không là thánh ý Chúa Cha, và với sự cộng tác tích cực, thiết thân, hoàn hảo của Chúa Thánh Thần như “khi Đức Giêsu chịu phép rửa  xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17), hoặc “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ” (Mt 4, 1).

Ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn Ítraen làm dân riêng của Ngài, và nói với họ qua các ngôn sứ được Thần Khí của Ngài linh ứng, nhưng  đến thời Tân Ước, chính Ngôi Lời là Con Một của Ngài đã xuống thể gian để nói với  loài người  về ý định cứu độ của Ngài, đồng thời  cùng Chúa Thánh Thần thực hiện chương trình cứu độ ấy theo ý Chúa Cha.

Thánh vịnh 32  cũng nói lên hoạt động của một Thiên Chúa duy nhất nhưng ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con cũng là Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần là Thần Khí, Hơi Thở  của  Thiên Chúa  trong công trình tạo dựng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi thở Chúa tạo thành muôn tinh tú” (Tv 32,6).

Riêng thánh Phaolô thì không ngừng  nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội khi viết: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên “Ápba! Cha ơi!” (Rm 8,14.15).

Một khi được làm con, chúng ta sẽ không còn là nô lệ và phải sợ hãi Thiên Chúa như xưa (x. Rm 8,15). Trái lại, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, như Đức Giêsu khẳng định khi dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng chính tâm tình và lời kinh của Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời …” (x. Mt 6, 9-13).

Tóm lại, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng của đức tin Kitô giáo, là mầu nhiệm trung tâm, cốt lõi. Đó là lý do người Kitô hữu bất cứ ở đâu, khi nào, và trong mọi nghi lễ phụng vụ cũng như  sinh  hoạt của đời sống thường  ngày đều tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc làm dấu Thánh Giá  với tất cả lòng tín thác, mến yêu, và trông cậy tuyệt đối khi kính cẩn và long trọng tuyên xưng  Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh: “Nhân danh Cha, và  Con và Thánh Thần”.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

*Hành hương Kính Viếng Đức Mẹ*

 

Fri, 24/05/2024 - Đinh Văn Tiến Hùng

*Hành hương Kính Viếng Đức Mẹ*

  (Những địa điểm nổi tiếng trên thế giới)        

Mùa hè là mùa du lịch. Con cháu nghỉ học dài ngày, nên gia đình thường tổ chức những chuyến du lịch chung, đi thăm thắng cảnh, di tích lịch sử hay thánh tích tôn giáo nổi tiếng thế giới. Xin giới thiệu cùng Quí vị tổng quát một số địa điểm hành hương Kính Đức Mẹ.

*ĐỨC MẸ FATIMA.

- Địa điểm:

Đền thờ kính Đức Trinh Nữ Maria ở vùng trung bộ Bồ đào Nha, gần Cova d’Iria, cách thủ đô Lisbon 120 cây số, nơi Đức Mẹ hiện ra với 3 em nhỏ năm 1917.

-Sự tích:

Từ ngày 13/5 đến ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã hiện ra 6 lần với 3em : Lucia Santos 10 tuổi, Jacinta Marto 7 tuổi, Francisco 9 tuổi, và trao cho các em lời cảnh báo nhân loại phải ăn năn để tránh Chúa trừng phạt. Trong những lần hiện ra Ngài đều xưng mình là Đức Mẹ Mân Côi và thông báo những biến cố sẽ xảy ra:

-Thời điểm chấm dứt Thế chiến thứ I và khởi đầu Thế chiến thứ II.

-Sự xuất hiện của chế độ Cộng Sản trên thế giới.

-Đức Thánh Cha sẽ bị mưu sát và sự trở lại của nước Nga.

 Mẹ đã trao cho các em Sứ điệp hay cũng gọi là Mệnh lệnh Fatima nhân loại phải thi hành để tránh bị trừng phạt:

-         Tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

-         Ăn năn thống hối.

-         Siêng năng lần hạt Mân cội.

 

Lần Đức Mẹ hiện ra tháng 10/1917, bảy ngàn người đã được chứng kiến cảnh mặt trời nhảy múa.

Năm 1930 Hội Đồng Giám Mục Bồ đào Nha đã công nhận những lần Đức Mẹ hiện ra là thật.

Năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cử hành thánh lễ tại đền thờ kính Đức Mẹ kỷ niệm 50 Mẹ hiện ra.

 Ngày 13/5 hàng năm, Thánh Lễ Đại Trào tại Fatima kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra, thu hút cả nửa triệu khách hành hương, bệnh nhân đến kính viếng cầu nguyện xin ơn lành, nhiều người đã được toại nguyện.

-Sứ điệp FATIMA,

Mẹ cảnh báo chúng ta,

Hãy ăn năn thống hối,

Cầu xin Chúa thứ tha! 

Tình yêu Chúa bao la,

Hồng ân xuống chan hòa,

Hòa bình sẽ mau đến,

Nhân loại sống hoan ca.

 

*ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP.

-Địa điểm:

Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hiện nay đặt tại nhà thờ Thánh Alfonso di Liguouri Shrine- Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế- trên đồi Esquilino, trung tâm thủ đô Roma, Ý

-Sự tích:

Vào thế kỷ 15, một người lái buôn tên Anrê đánh cắp ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại đảo Creta, Hy Lạp, đem về Roma. Trên đường về ông giấu ảnh Đức Mẹ trong hành lý. Một ngày kia giông bão nổi dậy bất ngờ, tàu không kịp vô bờ. Những mọi người vững niềm tin cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ cứu giúp. Bỗng chốc sóng biển êm lặng, mọi người tin là phép lạ, chỉ riêng ông Anrê tin là ĐMHCG đã ban hồng phúc, nhưng không nói cho ai biết.

Sau một thời gian, việc buôn bán đã xong, ông định trở về Creta nhưng bị bệnh nặng. Trước khi qua đời ông nhờ người bạn là Alessandro mang ảnh tới một nhà thờ tại Roma để tôn kính Đức Mẹ nơi công cộng. Nhưng bà vợ người bạn lại muốn giữ ảnh cho riêng mình. Đức Mẹ đã hiện ra 3

lần cảnh cáo ông không giữ lời hứa với bạn, nên lần thư 4 Đức Mẹ đã nghiêm khắc nói với ông:”Mẹ đã nhắc con 3 lần nhưng vô ích. Vậy cách tốt nhất Mẹ có thể ra khỏi nhà con, là chính con phải ra trước!” Đúng như lời Đức Mẹ, ông đã qua đời sau vài ngày ngã bệnh. Cái chết của chồng vẫn không lay chuyển được bà Anna, Đức Mẹ lại hiện ra với con bà và nói ý Mẹ muốn  được tôn kính tại một Thánh đường. Bà tin lời con trẻ, chuẩn bị  đem ảnh đi, nhưng bà hàng xóm ngăn cản nói đừng tin lời trẻ con. Bà này bị Đức Mẹ phạt động kinh, sau ăn năn hối lỗi chạm vào ảnh Mẹ nên được khỏi bệnh.

Bà Anna đang phân vân không biết đặt ảnh ở đâu trong 300 nhà thờ tại Roma.

 Lần nữa Đức Mẹ lại hiện ra với con bà và truyền dạy:”Mẹ muốn được đặt giữa nhà thờ- Đức Bà Cả- và nhà thờ Gioan Laterano, con yêu quí của Mẹ.”

Địa điểm Đức Mẹ chọn nằm trên đồi  Esquilino, là nhà thờ Thánh Mathêu tông đồ,tại trung tâm thủ đô Roma.

Ngày 27/3/1499, cuộc rước ảnh Mẹ HCG qua các đường phố Roma trước khi đặt tại bàn thờ chính trong Thánh đường Mathêu. Từ ngày đó tín hữu nô nức đến kính viếng và Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ.

Năm 1789 Cách Mạng Pháp xâm chiếm Roma, có ý định biến nhà thờ thành cứ điểm quân sự, nên các tu sĩ Dòng Augustino chạy loạn mang theo ảnh Mẹ và âm thầm đặt trong tu viện.

Tháng 6/1854, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế xây trên nền cũ nhà thờ Thánh Matheu đã bị phá hủy, một Thánh đường mới dâng kính Thánh Alfonso, tổ phụ lập Dòng Chúa Cứu Thế và đặt ảnh ĐMHCG tại đây.

Ngày 26/4/1866, nhân lễ kính Thánh Giáo Hoàng Cletô Vị thành lập nhà thờ Thánh Mathêu, một cuộc rước trọng thể ảnh ĐMHCG qua các đường phố trưng bày hoa đèn rực rỡ với tam nhật Kính Đức Mẹ do các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục  thay phiên dâng Thánh Lễ trước bàn thờ Đức Mẹ.

Từ đó đến năm 1916, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã phổ biến hơn 4000 bản sao ảnh Mẹ trên khắp thế giới.

Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô 9 công bố ngày 27/6 hàng năm kính trọng thể ĐMHCG.

Tại Việt Nam, lòng tôn kính ĐMHCG được các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế truyền bá rộng rãi nên Mẹ đã trở nên thân thương với tín hữu Công giáo toàn quốc.

-Nơi cuộc sống trần gian,

Bị lôi cuốn muôn vàn,

Đam mê trong dục vọng,

Ngụp lặn với gian tham.

Nếu con gặp nguy nan,

Hãy cậy trông vững vàng,

Vào Mẹ Hằng Cứu Giúp,

Ơn lành sẽ được ban.

*ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC.

-Địa điểm:

Lộ Đức (Lourdes) là một làng nhỏ có dòng sông Pau chảy ngang qua, bên thành phố Pyrenean, nằm về phía tây nước Pháp giáp biên giới Tây ban Nha.

-Sự tích:

Ngày 11/2/1858, Đức Mẹ hiện ra với em Bernadette 14 tuổi lần đầu tiên và 17 lần tiếp theo. Trong các lần hiện ra Đức Mẹ xưng là Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm . Ý Mẹ muốn có một nguyện đường và các cuộc rước kiệu tại đây. Đức Mẹ khuyên hãy uống và tắm trong dòng suối sẽ được an lành.

Mẹ đã trao cho Bernadette một Sứ điệp với nội dung:

-Hãy cầu nguyện cho các linh hồn.

-Hãy ăn năn thống hối.

-Xây nguyện đường và rước kiệu tôn kính Mẹ.

Tại đây có 3 Thánh đường nối tiếp trên 3 tầng:

(1) Năm 1866, Thánh đường Crypt đầu tiên xây trên hang động Massabelle nơi Đức Mẹ hiện ra.

(2) Năm 1871, Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm xây trên Thánh đường Crypt.

(3) Năm 1889, Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi xây dưới Thánh đường Crypt.

Sau cùng là Đại Giáo Đường Basilica of St Pius X hoàn thành năm 1958 với sức chứa 20 ngàn người.

Ngày 13/5/1992, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố lấy ngày 11/2 là ngày ‘Bệnh Nhân Thế Giới’ :

“Nơi miền đồi núi này, Đức Mẹ đã muốn bày tỏ tình yêu Từ Mẫu của mình, nhất là đối với thành phần khổ đau và bệnh tật’.

Mỗi năm Lộ Đức thu hút từ 5 đến 6 triệu khách hành hương đến kính viếng cầu nguyện và nhiều bệnh nhân đã được khỏi bệnh nhờ nước suối nơi đây.

Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Lộ Đức hàng năm vào ngày 11/2 và cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

-Lộ Đức Mẹ hiện ra,

Trao Sứ điệp cho ta:

Hãy ăn năn xám hối,

Cùng cầu nguyện thiết tha.

Bằng chuỗi hạt Mân Côi,

Mẹ sẽ ưng nhận lời,

Cứu linh hồn luyện ngục,

Sớm được hưởng Nước Trời;

 

*ĐỨC MẸ GUADALUPE.

-         Địa điểm:

Đền thờ kính Đức Trinh Nữ Maria tại Guadalupe, ở trung bộ nước Mêhicô (Mễ tây Cơ), ngoại ô thủ đô. Đây là một trong những Thánh đường chính của Kitô Giáo.

-         Sự tích:

Vào tháng 12/1531, Đức Mẹ hiện ra với một nông dân người Axtec bản xứ, tên là Juan Diego 51 tuổi, vợ chồng ông mới theo Công Giáo. Đức Mẹ hiện ra trên một sườn đồi gần đền thờ Tepevac của thổ dân và nói với ông Mẹ muốn có một đền thờ nơi đây. Ông đã trình sự việc với Đức Giám Mục Zumarraga, nhưng Ngài đòi một dấu chỉ để chứng minh. Đức Mẹ dạy ông Juan hái một số nụ hoa hồng giấu trong áo choàng. Khi tới tòa Giám Mục ông mở ra thì thấy trên áo choàng của mình hiện lên hình vẽ chân dung Mẹ Thiên Chúa với những bông hồng đã nở đẹp. Ngày nay chiếc áo choàng là báu vật đặt tại đền thờ Guadalupe.

Đức Mẹ hiện ra với ông Juan 5 lần và trao cho ông Sứ điệp sau:

-Ta là Trinh Nữ đời đời.

-Ta là Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa.

-Nhờ Người Đấng Sáng Tạo và Chúa Tể trời đất mà ta được sống.

Năm 1709 ngôi Nhà thờ đầu tiên được cung hiến.

Năm 1976 Vương cung Thánh đường được thánh hiến.\Năm 1910 Thánh Giáo Hoàng Piô X đặt Đức Mẹ là Đấng Bảo Trợ Châu Mỹ La Tinh.

Năm 1945 Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố Đức Mẹ bảo trợ cho toàn châu Mỹ.

Ngày 27/1/79, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khai mạc đại hội Giám Mục châu Mỹ La tinh kỳ 3 tại đây.

Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Guadalupe hàng năm vào ngày 12/12 và là Lễ Buộc ở Mêhicô.

-Mẹ là Trinh Nữ đời đời,

Mẹ là Chí Thánh Chúa Trời ban trao,

Vương quyền tuyệt diệu biết bao,

Sống nương nhờ Mẹ dâng trào tin yêu.

Đời con đau khổ đã nhiều,

Tựa bên lòng Mẹ sớm chiều ủi an,

Biển trần sóng gió nguy nan,

Thuyền con Mẹ cứu bình an đến bờ.                                     

*ĐỨC MẸ ĐEN.                                                                    

-         Địa điểm:

Đức Mẹ Đen (The Black Madona), cũng gọi là Đức Bà Jasna Gora, tên đền thờ kính Đức Mẹ tại làng Czestochowa, tọa lạc trên núi Larus Mons, Ba lan.

-         Sự tích:

Theo truyền thuyết cho rằng ảnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu trưng bày trong đền thờ do Thánh Lucas vẽ trên mặt chiếc bàn do chính Chúa đóng, khi tập nghề mộc với Thánh Giuse. Thời kỳ bách hại bàn đước cất giấu, sau đó Thánh Helena đem về Constantinopoli khoảng từ năm 255-330. Vào thế kỷ 8 đầy nhiễu nhương lại được đem về cánh rừng phía đông Ba lan, rồi chuyển về Czestochowa.

Năm 1430, một Thánh đường vĩ đại theo kiểu gotic được xây dựng.

Trong thời chiến tranh với giáo phái Hus, tranh bị đánh cắp, nhưng ngựa không chịu chở thùng hàng đi, nên người ta ném xuống đường chiếc bàn bị vỡ. Trong vòng 300 năm sau đó, dân Ba lan sống bình an và người ta tin rằng nhờ bức ảnh linh thiêng này.

Từ năm 1624-1696, khi quân Thổ nhĩ Kỳ kéo đến Vienna, vua Ba lan dâng quân đội cho Đức Mẹ nên thoát nạn.

Ba lan giành được độc lập năm 1919, nhưng không được bao lâu lại bị Nga xâm chiếm. Ngày 14/9/1920, quân Nga đến bờ sông Vistula, chuẩn bị bao vây thủ đô Warsaw. Dân chúng cầu nguyện Đức Mẹ cứu giúp. Hôm sau-đúng ngày Lễ Đức Mẹ Đau thương, Đức Mẹ đã hiện ra trên bầu trời thủ đô và quân xâm lược sợ hãi bỏ chạy.

Năm 1717, Đức Giáo Hoàng Clement X công bố xác nhận bản chất hay làm phép lạ của bức ảnh.

Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI tái xác nhận Đức Mẹ Đen với tước hiệu Nữ Vương Ba lan và thiết lập Lễ kính hằng năm ngày 3/5.

Từ năm 1889- 1945, dưới thời Adolf Hitler dân chúng lén lút về hành hương kính Đức Mẹ.

Năm 1945 Thế chiến thứ 2 chấm dứt, 500 ngàn người đã đến cảm tạ Đức Mẹ vì Ba-lan đã được giải phóng.

Năm 1947 một triệu năm trăm ngàn người kéo về xin Đức Mẹ cứu thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản vô thần.

Dân chúng Ba lan đã nhận Đức Mẹ Đen là Đấng Bảo Trợ quốc gia.

Mỗi năm khoảng 5 triệu khách hành hương tới kính viếng và cầu xin ơn lành.

-         Ba lan Đức Mẹ chở che,

Vững tin vào Mẹ lời thề sắt son,

Chiến tranh nay đã không còn,

Cộng Sản thất bại đoàn con yên hàn,

Thanh bình trở lại giang san,

Các con dâng Mẹ muôn vàn tin yêu,

Dân nước thỏa nguyện một điều,

Nhận Mẹ Bảo Trợ sớm chiều chở che.

·       ĐỨC MẸ LA SALETTE

-         Địa điểm:

La Salette là một làng nhỏ hẻo lánh, nằm trên triền núi Alps gần thị trấn Near Corps, phía nam Paris (Ba lê) thủ đô Pháp quốc.

-         Sự tích:

Chiều ngày 15/5/1846, Đức Mẹ hiện ra với 2 em Melanie Matheu 14 tuổi và em Maximin Giraud 11 tuổi. Đức Mẹ ngồi bưng mặt khóc, mặc áo trắng bạc long lánh, cổ đeo giấy chuyền có tượng Chúa Chịu nạn.

Đức Mẹ đã truyền cho các em nhiều điều tóm lược nội dung như sau;

-Mẹ xin các con cầu nguyện thật nhiều để cứu thế giới.

 -Ít nhất mỗi buổi sáng đọc 1 kinh Kính Mừng và 1 kinh Lạy Cha.

-Nhân loại đang sống theo chủ thuyết duy vật và kiêu ngạo.

Nhưng quan trọng là Sứ điệp Mẹ truyền dạy nhân loại qua 2 em:

-Về sức mạnh chuỗi Mân côi.

-Quyền năng Thiên Chúa vượt trên mọi quyền năng và không có sức mạnh nào chống nổi quyền năng của Ngài.

-Ân sủng  nhận được qua chiến dịch cầu nguyện sẽ giảm bớt đau khổ cho nhân loại phải gánh chịu.

Ngày 16/11/1851, Tòa Thánh đã công nhận phép lạ tại La Salette.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông thư nhân dịp kỷ niệm 150 Đức Mẹ hiện ra:

“La Salette là Sứ điệp của Hy vọng, niềm hy vọng của chúng ta đã được nuôi dưỡng với sự can thiệp của Mẹ nhân loại”.

Đức Mẹ La Salette cũng mang danh hiệu là Đức Mẹ Sầu Bi.

Tại bang Massachusett có trung tâm hành hương kính Đức Mẹ La Salette. Các Cộng đòan Công Giáo VN Miền Đông Bắc Hoa Kỳ hàng năm tổ chức Đại hội Kính Đức Mẹ thu hút nhiều ngàn tín hữu tham dự.

 

 

 

 

 

-Salette  lệ Mẹ tuôn rơi,

 

Các con ghi nhớ lời,

 

Để được ơn tha thứ,

 

Siêng lần hạt Mân Côi.

 

Thiên Chúa đầy quyền năng,

 

Ma quỉ còn lộng hành,

 

Chỉ một lời Ngài phán,

 

Về hỏa ngục tối tăm.

 

 

 

 

 

*ĐỨC MẸ CÁT MINH.

 

 

 

-Địa điểm:

 

 

 

Vào cuối thế kỷ 12, các tu sĩ Ki-tô giáo sống trên núi Cát Minh(Camêlô) tại Thánh địa, Do Thái (Irael), xây một nguyện đường kính Đức Trinh Nữ Maria bảo trợ dòng. Tương truyền cho rằng đây là nơi tiên tri Êlia cầu nguyện để bảo vệ đức tin trong cơn bách hại.

 

 

 

-Sự tích:

 

 

 

Thế kỷ 12, Thánh Địa bị người Hồi giáo chiếm giữ, dòng Cát Minh phải di chuyển sang Cambridge, Anh quốc. Thánh Simon Stock tu viện trưởng cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Ngày 16/7/1251, Đức Mẹ đã hiện ra ban cho ngài áo dòng và truyền một Sứ điệp cứu rỗi :

 

 

 

“Hãy nhận lấy áo dòng này Mẹ ban cho như dấu chỉ ưu ái và sự săn sóc Mẹ giành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi, giải thoát mọi nguy hiểm. Ai chết mà mang biểu hiệu bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đốt đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời.”

Năm 1674, Lễ mừng kính Đức Mẹ lan rộng trong vương quốc các vua Công giáo.

Năm 1725, các quốc gia thuộc quyền Giáo Hoàng đều mừng lễ này.

Ngày 24/9/1726, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII ban Sắc lệnh phổ biến Lễ kính trong toàn giáo Hội.

Ngày 15/5/1892, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban Đại xá cho ai viếng nhà thờ trong ngày lễ này.

Dòng Cát Minh do Thánh Berthold  sáng lập năm 1154 tại Palestine và Đức Mẹ Cát Minh còn được tôn kính với tước hiệu ‘Đấng Cứu Rỗi Các Linh Hồn Luyện ngục’.

 

 

 

Một ‘Đặc Ân Ngày Thứ Bảy’ cho những ai đeo ảnh Đức Mẹ :

 

 

 

-Đức  GH Piô VIII ban phép đeo ảnh thay áo và Thánh bộ công bố ai đeo ảnh được hưởng mọi Ân xá và Đặc xá ngày Thứ bảy sau khi qua đời.

 

 

 

-Khi qua đời đang mang áo hay đeo ảnh được ơn nghĩa cùng Chúa.

 

 

 

-Hàng ngày lần một chuỗi Mân Côi hay đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng và 7 kinh Sáng danh.

 

 

 

-Giữ đức khiết tịnh theo đấng bậc mình.

 

 

 

Lễ kính Đức Mẹ Cát Minh hàng năm vào ngày 16/7.

-Viếng thăm tu viện Cát Minh,

Nhận ơn Đức Mẹ Đồng Trinh uy quyền.

Tuân giữ lời Mẹ ban truyền,

Đặc ân thứ bảy ơn thiêng được nhờ.

Ơn lành đổ xuống từng giờ,

Dắt dìu đưa tới bến bờ yêu thương,

Dù con sa ngã lầm đường,

Cậy trông vào Mẹ hết vương vấn sầu.

+ Ngoài những địa điểm nêu trên, còn có nhiều nơi hành hương kính Đức Mẹ tại nhiều nước, nhưng chưa được biết đến nhiều hay chưa được Giáo Hội chính thức lên tiếng xác nhận. Nhưng vì lòng yêu mến Đức Mẹ hàng năm những nơi này cũng thu hút nhiều ngàn khách hành hương đến kính viếng cầu nguyện xin ơn lành như

- Đức Mẹ Mễ Du ( Medjugorji ) thuộc Hercegovina & Bosnia.

- Đức Mẹ Naju, cách thủ đô Seoul,Hàn quốc 300km

- Đức Mẹ Knock, ở Mayo, Ai-len.

- Đức Mẹ Banneux, thành phố Liege Bỉ (Belgium]

-Đức Mẹ Beauring , cách thủ đô Bruxelles, Bỉ 60 dặm.

-Đức Mẹ Laus, tại St Etient le Laus, Pháp.

-Đức Mẹ Akita,tại Yuzawadai, Nhật bản.

-Đức Mẹ Pontmain, thị trấn Laval, Pháp.

-Đức Mẹ Vladimir, Nga.

-Đức Mẹ Trụ Cột, tai Zaragoza,Tây ban Nha (Đức Mẹ hiện ra trên đỉnh 1 cột trụ ).

………………………

‘Hè về du lịch hành hương,

Đoàn con nô nức muôn phương đổ về,

Kính yêu trông cậy tràn trề,

Tìm về bên Mẹ thỏa thuê tấm lòng,

Riêng con vẫn ngóng đợi trông,

Được gần bên Mẹ chờ mong đêm ngày.’

 Đây chỉ là đôi dòng giới thiệu sơ lược, mong thông cảm những điều còn thiếu sót.

Kính chúc Quí Vị Mùa Hè có những chuyến Hành hương Kính Đức Mẹ tràn đầy niềm vui và ơn lành.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG