Suy niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể đó là điều đương nhiên rồi. Nhưng để đi tới đỉnh cao là Thánh Thể, Chúa đã có những bước chuẩn bị cho mầu nhiệm cao trọng này.
Bước đầu tiên là việc Chúa đi dự tiệc cưới Ca na cùng với Đức Mẹ và các môn đệ đầu tiên. Trong tiệc cưới, Đức Mẹ cho Chúa biết: “Họ hết rượu rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Đức Mẹ có vẻ như là một sự từ chối can thiệp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. Tuy nhiên Đức Mẹ vẫn tin tưởng, nên nói với gia nhân: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” và kết quả là sáu chum đá đổ đầy nước lã được Chúa Giêsu hóa thành sáu chum rượu ngon! Tiệc cưới đang thiếu rượu bây giờ nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, Chúa Giêsu làm cho đôi tân hôn trong ngày cưới có rượu vừa dồi dào và lại là rượu ngon nữa! Chúng ta thấy ở đây một sự chuẩn bị cho bí tích Thánh thể: Chúa Giêsu biến nước thành rượu ngon để sau này Chúa sẽ biến rượu trở nên Máu thánh Chúa.
Tiếp đến chúng ta thấy một bước tiến nữa cho việc lập Bí tích Thánh Thể: đó là phép lạ Hóa Bánh ra nhiều với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu hóa ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no và còn thu về mười hai thúng đầy bánh vụn. Đặc biệt cử chỉ của Chúa Giêsu trước khi hóa bánh ra nhiều cũng tương tự như khi Chúa lập bí tích Thánh Thể: Chúa cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng rồi trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho dân chúng. Nay trong phép Thánh Thể, Bánh được bẻ ra và phân phát cho dân Chúa như vậy, vì thế mà thời giáo hội sơ khai thánh lễ được gọi là lễ nghi bẻ bánh.
Cao điểm của bí tích Thánh thể được Chúa Giêsu thực hiện trong Bữa Tiệc ly để với lời: “Này là Mình Thầy bị nộp vì các con”; “Này là Máu Thầy sẽ đổ ra để đem lại ơn tha tội cho nhiều người. Các con hãy cầm lấy mà ăn, các con hãy nhận lấy mà uống” Chúa Giêsu trở nên lương thực thiêng liêng cho chúng ta được bổ dưỡng trên đường về nhà Cha. Máu Chúa Giêsu chỉ đổ ra một lần trên cây Thánh giá, nên khi cử hành thánh lễ, hội thánh hiện tại hóa lễ hi sinh trên cây Thánh giá còn trong bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu muốn chúng ta cử hành nhiều lần nên mới nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Chúng ta nhận biết là Chúa Giêsu ngự thật trong bí tích Thánh Thể nên Chúa mới nói: “Này là Mình Thầy”. Đức tin Công giáo luôn tuyên xưng như vậy trong khi đạo Tin Lành lại nói là Bánh thánh chỉ là biểu tượng chứ không phải là Chúa ngự thật trong Thánh thể, nói như vậy là đi ngược với lời Chúa vì Chúa đâu có nói “Này là biểu tượng của Mình Thầy” mà Chúa quả quyết: “Này là Mình thầy.”
Chúng ta ghi nhớ còn một tường thuật liên can tới bí tích Thánh Thể nữa đó là sau khi sống lại, Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus: dọc đường Chúa giải thích Kinh thánh cho hai ông: Các ông cảm thấy lòng sốt sắng lên khi được nghe Chúa nói: có thể coi như đây là phần phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ. Rồi khi tới Emmaus, Chúa Giêsu vào nhà, đồng bàn với hai ông: Chúa cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, bấy giờ mắt hai ông sáng ra và nhận ra Chúa: có thể nói đây chính là Phụng vụ Thánh Thể. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực giúp chúng ta được đồng hành với Chúa.
Mừng lễ Mình Máu thánh Chúa, chúng ta cảm tạ tình yêu thương Chúa ban Thánh Thể nên lương thực và không gì bằng chúng ta đáp lại lời Chúa: “Các con hãy nhận lấy mà ăn; Các con hãy nhận lấy mà uống” để chúng ta được kết hợp với Chúa và được Chúa ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến Tận thế đồng thời được hưởng lời Chúa hứa: “Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời.”
Câu chuyện: Ông Smith Rước lễ. Một thừa tác viên đưa Mình Thánh kể: Khi tôi đem Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và những cụ già tại một nhà dưỡng lão, lần đầu tiên tôi gặp ông Smith. Ông ta mắc bệnh rối loạn tâm thần. Khi tôi gõ cửa phòng ông và đang chuẩn bị bước vào, tôi tự giới thiệu và cho ông biết giáo xứ đã cử tôi đến đây. Ông ta tỏ vẻ bực bội và khó chịu nói vọng ra: “Xin lỗi, mời ông bước ra”. Khi tôi vừa quay lưng để định thoái lui, ông gọi giật lại và hỏi: “Ông đến đây làm gì?” Tôi trả lời: “Tôi đến đem Mình Thánh Chúa cho ông”. Bấy giờ ông lên tiếng: “Ồ, chuyện đó lại khác, mời ông vào!”. Thái độ của ông bỗng chốc trở nên cung kính và sốt sắng cách lạ thường. Chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau và đọc kinh Lạy Cha, rồi tôi trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ông đón nhận với thái độ rất kính cẩn và chậm rãi cầu nguyện cám ơn Chúa sau khi đã rước lễ. Tôi rất cảm động. Sau đó tôi chào ông và nói “Chào ông nhé, bây giờ thì tôi bước ra đây”.
Chúng ta tôn kính Mình Thánh Chúa và Rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ nếu có thể để được sức mạnh thiêng liêng Chúa ban, và được sống lại trong ngày sau hết cùng được sự sống đời. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét