Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

7 cách giúp trẻ...

7  cách  giúp  trẻ  yêu  thích  đọc  sách
( VnExpress.net)

Người Do Thái có mẹo nhỏ giúp trẻ đến với sách một cách vô cùng đơn giản. Họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách một cách say sưa.
Ai cũng biết đọc sách là vô cùng quan trọng, nhưng nếu không đọc sách liệu có sao không? Ai cũng có thể nói sách là một người bạn tốt, nhưng có bao nhiêu người đang chơi với người bạn tốt ấy hằng ngày bởi ngoài bạn ấy ra, chúng ta còn biết bao người bạn khác: game, iPad, tivi...
Ở Việt Nam trung bình bao nhiêu gia đình có một tủ sách? Hy vọng rằng số lượng tủ sách sẽ không nhỏ hơn con số các tủ rượu đang tồn tại trong các gia đình mà những người sở hữu dường như rất tự hào khi có bất kỳ ai ghé thăm.
Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Australia 6,3 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Anh 5,3 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ, còn người Việt Nam chỉ đọc trung bình mỗi năm 0,8 quyển sách.
Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống.
Trước tiên, hãy tạo sự hứng khởi khi tiếp cận với sách. Người Do Thái có mẹo nhỏ giúp trẻ đến với sách một cách vô cùng đơn giản, họ bôi ít mật ngọt vào đầu quyển sách, bọn trẻ sẽ lân la chơi với sách một cách rất say sưa.
Việc còn lại của chúng ta là chọn mua những quyển sách được in chất liệu tốt, sách được in gốc của những nhà xuất bản uy tín. Nên chọn cho trẻ những quyển sách có bìa dày, được đóng cẩn thận, tránh mua những quyển sách lậu, kém chất lượng rất nhanh hư hỏng.
Thứ hai, hãy chơi với sách như người bạn thân. Bố mẹ có thể chơi trò xếp hình bằng sách cùng trẻ hằng ngày. Chúng có thể chơi với những quyển sách cả buổi mà vẫn rất say sưa. Bạn có thể nói chúng sẽ làm hỏng những quyển sách? Không hề gì, bởi cho đến khi chúng có thể phá hỏng một quyển sách thì chúng đã làm bạn với sách từ lâu rồi. Mà giả sử nếu chúng có làm hỏng thật thì bạn có sẵn sàng tặng thêm 10 hay 20 quyển sách để hình thành cho bé thói quen tốt này?
Ở nhà, bạn hãy để sách ở những nơi gần trẻ nhất, nơi trẻ có thể lấy sách một cách dễ dàng, phòng cho trẻ chơi hãy đặt một tủ sách. Phòng ngủ của bé có thể đặt thêm một tủ sách. Nếu bé ngủ chung với bố mẹ thì có thể đặt sách ngay gần chỗ ngủ. Bé sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích. Bạn hãy sắp xếp thời gian dẫn con đi nhà sách hay hội chợ sách. Chúng có thể lăn lê nằm trên sàn với sách đầy hứng thú.
Khi đi nhà sách, thay vì mua sách cho trẻ theo ý của mình, bạn hãy gợi ý cho trẻ cách chọn như: "Mẹ thấy quyển sách này đẹp quá", "Bố thấy nhân vật này ngộ nghĩnh quá... con thấy có thích không? Nếu thích con có thể chọn chúng".
Một mẹo nhỏ nữa là nếu bạn muốn con mình chọn quyển sách A, hãy nói nhỏ với người tư vấn trong nhà sách đến tư vấn cho trẻ về quyển sách ấy. Chúng sẽ vô cùng hứng khởi nghĩ rằng quyển sách ấy là do chính mình chọn và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc lựa chọn này.
Thứ ba, cha mẹ hãy là tấm gương đọc sách cho con trẻ. Chúng sẽ lớn lên cùng sách, sẽ hình thành nhân cách ngay từ giai đoạn đầu của cuộc đời. Chúng sẽ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh mà chúng thấy hằng ngày. Chúng sẽ tự tìm hiểu xem cha mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi rất thú vị và hỏi chúng có muốn chơi cùng không. Bạn hãy cùng con đọc sách và bạn đọc sách cho con nghe. 
Tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn chỉ nên đọc ít ít để trẻ hình thành thói quen. Một món ăn mà hơi ít thì chúng cảm thấy thiếu thiếu và muốn ăn thêm mỗi ngày là bạn đã thành công rồi đấy. 
Thứ tư, hãy tương tác với trẻ về sách. Khi trẻ ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn hãy thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đọc được. Bạn nên đặt ra những câu hỏi đơn giản như: "Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?", "Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?", "Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay? Qua câu chuyện này con học được điều gì?"
Đây là những câu hỏi giúp trẻ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt. Lúc này, trẻ sẽ hăng hái trình bày với bạn về những gì chúng nghĩ. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ cũng như đặt những câu hỏi để hướng đến những điều mà bạn muốn chúng thực hiện.
Mặt khác, bạn hãy đưa những kiến thức mà trẻ đã đọc được từ sách vào áp dụng thực tế như, nếu trẻ đọc xong một câu chuyện về sự hiếu thảo, bạn hãy thảo luận cùng với trẻ về: "Sự hiếu thảo trong gia đình được thể hiện như thế nào?" hay "Để hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì con nên làm gì?". Tất nhiên là bạn không nên tán thưởng và khuyến khích mỗi khi trẻ làm được một điều gì đó mà chúng đã áp dụng vào thực tế từ những kiến thức chúng đã được hấp thụ từ sách.
Thứ năm, biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh. Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.
Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.
Thứ sáu, thỏa thuận với trẻ về thời gian đọc sách. Những ngày nghỉ của bé, những ngày lễ tết bạn hãy lên kế hoạch cho bé về việc đọc sách. Bạn có thể tạo ra những thách thức cho trẻ bằng cách đưa ra những cột mốc để chúng đạt tới.
Ví dụ, "nếu con đọc xong quyển sách này trong ngày hôm nay, con sẽ được cộng 2 điểm, nếu con được 10 điểm con sẽ có một món quà". Lúc này chính là lúc bạn tặng cho trẻ những món quà mà chúng đang mong muốn sở hữu.
Thứ bảy, khuyến khích trẻ tìm kiến thức từ sách. Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách nào đó. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.
Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra.
Nguyễn Trương Tuyến


Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Anh ơi!

ANH  ƠI !  ANH  ƠI !  ANH  ƠI !
( Thứ năm - 27/03/2014 - tinvui@dmin)

 (Rất cảm động) Một câu chuyện đời thường vô cùng cảm động về tình cảm gia đình, về những mất mát lớn lao xuất phát từ những hiểu lầm không đáng có!



 Cưới nhau được hai năm, chồng tôi bàn với tôi về quê đón mẹ anh lên ở với chúng tôi để bà được sống an nhàn những ngày cuối đời. Bố anh ấy mất sớm từ khi anh còn nhỏ, nên bà mẹ gửi gắm tất cả mọi hy vọng vào anh, một mình bà chắt chiu thắt lưng buộc bụng nuôi anh khôn lớn cho tới ngày học xong đại học.
Tôi đồng ý ngay và lập tức dọn dẹp dành riêng cho bà căn phòng có ban công hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng vừa có thể bày vài chậu cây cảnh. Bước vào căn phòng chan hòa ánh sáng vừa dọn xong, anh ấy chẳng nói chẳng rằng bất chợt bế xốc lấy tôi và quay một vòng quanh phòng. Khi tôi sợ quá cào cấu anh xin anh bỏ xuống thì anh bảo:
-  Nào, chúng mình về quê đón mẹ nhé!
Chồng tôi cao lớn, còn tôi thì bé nhỏ và thích được nép đầu vào ngực anh. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như anh có thể nhét gọn tôi vào túi áo. Những bận hai người tranh cãi nhau mà tôi không chịu thua, anh bèn nhấc bổng tôi lên ngang đầu và quay tít cho đến khi tôi sợ hết hồn xin anh buông tha mới thôi. Tôi thích cái cảm giác vừa sợ vừa sung sướng ấy.
Mẹ anh sống ở thôn quê lâu năm nên rất khó có thể sửa ngay được những tập quán của người nhà quê. Chẳng hạn, thấy tôi hay mua hoa tươi bày ở phòng khách, bà có vẻ khó chịu. Cực chẳng đã, một hôm bà bảo:
-  Các con thật chẳng biết chi tiêu gì cả. Hoa có ăn được đâu mà mua làm gì kia chứ?
Tôi cười:
-  Mẹ ơi, trong nhà có hoa tươi nở rộ thì ai nấy đều vui vẻ cả.
Bà cúi đầu lầu bầu gì gì đấy. Chồng tôi bảo:
-  Ðây là tập quán của người thành phố, mẹ ạ. Lâu ngày mẹ sẽ quen thôi.
Bà không nói gì nữa, nhưng sau đấy mỗi bận thấy tôi mua hoa về, bao giờ bà cũng không thể im lặng mà cứ hỏi mua hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá cả thì bà chép miệng tiếc rẻ. Có lần thấy tôi xách về túi to túi nhỏ các thứ mua sắm được, bà gặng hỏi giá tiền từng thứ một. Tôi kể lại giá mỗi thứ. Nghe xong bà chép miệng thở dài thườn thượt. Chồng tôi véo mũi tôi và thì thầm:
-  Ngốc ơi, nếu em đừng nói giá thật với mẹ thì sẽ chẳng sao cả, phải không nào?
Cuộc sống đang vui tươi thế là dần dần có những hòa âm trái tai.
Ðiều làm bà khó chịu nhất là thấy con trai mình ngày ngày dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Ðàn ông mà chui vào bếp nấu ăn cho vợ thì coi sao được, bà nghĩ vậy. Vì thế mà bữa sáng nào bà cũng nặng mặt không vui. Tôi giả tảng không thấy gì thì bà khua đũa đụng bát tỏ ý không bằng lòng. Làm giáo viên dạy múa ở Cung Thiếu niên, ngày nào tôi cũng phải nhảy nhót mệt bã người nên khi ngủ dậy thường nằm rốn tận hưởng chăn đệm ấm áp, coi đó là một thú hưởng thụ. Vì thế tôi đành giả câm giả điếc trước sự chống đối của bà mẹ chồng. Ðôi khi bà cũng làm giúp tôi một ít việc nhà, nhưng thật ra chỉ làm tôi thêm bận bịu mà thôi. Chẳng hạn, những túi ni lông đựng đồ, mọi khi tôi đều quẳng vào thùng rác thì bà tích cóp lại, bảo là để hôm nào bán cho đồng nát. Thế là khắp nhà đầy những túi ni lông. Mỗi lần rửa bát hộ tôi, bà đều hà tiện không dùng nước rửa chén thế là tôi phải rửa lại, dĩ nhiên phải kín đáo để bà khỏi tự ái.
Một tối nọ, khi tôi đang rửa chén trộm như thế thì bà nhìn thấy. Thế là bà sập cửa đánh sầm một cái, nằm lì trong buồng khóc gào lên. Chồng tôi cuống quýt chẳng biết làm gì. Cả tối hôm ấy anh không nói với tôi câu nào. Tôi làm nũng với anh, anh cũng chẳng thèm để ý. Tôi điên tiết lên vặn lại:
-  Thế thì rốt cuộc em sai chỗ nào ạ?
Anh trợn mắt:
-  Tại sao em không thể phiên phiến một chút nhỉ, bát không sạch thì ăn cũng có chết đâu, hả?
Một thời gian dài sau đấy, bà chẳng nói chuyện với tôi. Không khí trong nhà bắt đầu dần dần căng thẳng. Chồng tôi rất mệt mỏi, chẳng biết nên làm ai vui lòng trước.
Không muốn để con trai làm bữa sáng, bà cả quyết nhận lấy “nhiệm vụ nặng nề” này. Rồi khi thấy anh ăn uống ngon lành, bà lại nhìn ngó tôi với ý trách móc tôi không làm tròn bổn phận người vợ, khiến tôi rất khó xử. Ðể thoát khỏi cảnh ấy, tôi đành không ăn bữa sáng ở nhà mà mua túi sữa trên đường đi làm, mang đến cơ quan ăn. Tối hôm ấy lúc đi ngủ, anh bực bội bảo:
-  Có phải là em chê mẹ anh nấu ăn bẩn nên mới không ăn sáng ở nhà, đúng không?
Rồi anh lạnh nhạt nằm quay lưng lại, mặc cho tôi nước mắt đầm đìa vì ấm ức. Sau cùng anh thở dài:
-  Cứ coi như là em vì anh mà ăn sáng ở nhà, được không nào?
Thế là sáng sáng tôi đành ngồi vào bàn ăn với tâm trạng ê chề.
Một hôm, khi đang ăn món cháo bà nấu, tôi chợt thấy buồn nôn, mọi thứ trong bụng muốn oẹ ra, gắng kìm lại mà không tài nào kìm được, tôi đành quăng bát đũa chạy ù vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo. Sau một hồi hổn ha hổn hển thở, khi tôi bình tâm lại thì nghe thấy bà bù lu bù loa vừa khóc vừa đay nghiến oán trách tôi bằng những từ ngữ nhà quê, còn anh thì đứng ngay trước cửa phòng vệ sinh căm tức nhìn tôi. Tôi há hốc miệng chẳng nói được gì, thật ra nào mình có cố ý nôn đâu. Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau to. Mới đầu mẹ anh còn giương mắt đứng nhìn, sau đấy bà thất thểu bỏ ra ngoài. Anh tức tối nhìn tôi rồi đi ra theo bà.
Ba ngày liền không thấy bà và anh về nhà, cả đến điện thoại cũng không thấy gọi. Tôi tức điên người mỗi khi nghĩ lại từ hôm bà lên đây ở mình đã phải chịu bao nhiêu nỗi oan ức, thế mà anh ấy còn muốn tôi thế nào nữa đây? Không hiểu sao dạo này tôi hay buồn nôn thế, ăn gì cũng không thấy ngon, lại thêm trong nhà bao nhiêu chuyện rắc rối, tâm trạng vô cùng tồi tệ. Cuối cùng, vẫn là các bạn ở cơ quan bảo:
-  Sắc mặt cậu xấu lắm, nên đi khám bệnh thôi!
Kết quả kiểm tra ở bệnh viện cho thấy tôi đã có bầu. Bây giờ mới rõ tại sao sáng hôm ấy tôi bỗng dưng buồn nôn. Niềm hạnh phúc sắp có con pha trộn với một chút buồn giận oán trách: Tại sao chồng mình và cả bà mẹ chồng nữa lại không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ?
Tôi gặp anh tại cổng bệnh viện. Xa nhau mới có ba ngày mà trông anh tiều tụy quá chừng. Tôi định quay đi, nhưng bộ dạng ấy khiến lòng tôi xót xa, không nén được, tôi gọi anh. Anh nhìn tôi như người xa lạ, ánh mắt không giấu nổi nỗi chán ghét như một mũi kim lạnh buốt đâm vào lòng tôi. Tôi tự nhủ “đừng nhìn anh ấy, đừng nhìn anh ấy”, và chặn một chiếc taxi lại. Thật ra lúc ấy tôi chỉ muốn hét to: “Anh yêu của em, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!” rồi được anh bế xốc lên sung sướng quay một vòng. Ước muốn ấy đã không xảy ra. Khi ngồi trên taxi, nước mắt tôi ứa ra lã chã. Vì sao chỉ một lần cãi nhau đã làm cho tình yêu của chúng tôi trở nên tồi tệ tới mức này cơ chứ?
Về nhà, tôi nằm trên giường nghĩ tới chồng, tới nỗi chán ghét đầy trong mắt anh. Tôi nắm lấy góc chăn khóc nấc lên. Nửa đêm, có tiếng lạch cạch mở ngăn kéo. Khi bật đèn lên tôi trông thấy khuôn mặt đầy nước mắt của anh. Thì ra anh về nhà lấy tiền. Tôi lạnh nhạt nhìn anh không nói gì. Anh cũng làm như không thấy tôi, lấy xong các thứ liền vội vã bỏ đi. Có lẽ anh định thật sự chia tay với tôi đây. Thật là một người đàn ông có lý trí, biết tách bạch tình và tiền rạch ròi như thế đấy. Tôi cười nhạt, nước mắt lã chã tuôn rơi.
Hôm sau tôi không đi làm mà ở nhà, muốn xem xét lại mọi ý định của mình rồi tìm anh trao đổi cho xong mọi chuyện. Khi đến công ty của anh, cậu thư ký ngạc nhiên nhìn tôi:
-  Ơ kìa, mẹ tổng giám đốc bị tai nạn, hiện đang nằm bệnh viện kia mà.
Tôi trố mắt cứng họng, lập tức đến ngay bệnh viện. Nhưng khi tìm được anh thì bà đã tắt thở rồi. Anh không hề nhìn tôi, mặt cứ lầm lầm. Tôi nhìn khuôn mặt vàng vọt không hồn của bà, nước mắt ứa ra: Trời ơi! Tại sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?
Cho tới hôm an táng mẹ, anh vẫn không thèm nói với tôi một câu nào, thậm chí mỗi khi nhìn tôi, ánh mắt anh đều hiện lên nỗi chán ghét tột độ. Nghe người khác kể lại, tôi mới biết sơ qua về vụ tai nạn. Hôm ấy bà bỏ nhà rồi thẫn thờ đi về phía ga xe lửa, bà muốn về quê mà. Chồng tôi đuổi theo, thấy thế bà rảo bước đi nhanh hơn. Khi qua đường, một chiếc xe buýt đâm vào bà… Cuối cùng thì tôi đã hiểu tại sao anh ấy chán ghét mình. Nếu hôm ấy mình không nôn oẹ, nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi nhau với anh ấy, nếu… Trong lòng anh, tôi là kẻ tội phạm gián tiếp giết chết bà.
Anh lẳng lặng dọn vào ở phòng mẹ, tối tối khi về nhà, người sặc mùi rượu. Lòng tự trọng bị tổn thương bởi nỗi xấu hổ và tự thương hại đè nặng khiến tôi thở không ra hơi nữa. Muốn giải thích mọi chuyện, muốn báo anh biết chúng tôi sắp có con rồi, nhưng cứ thấy ánh mắt ghẻ lạnh của anh là tôi lại thôi không nói gì. Thà anh đánh tôi mắng tôi một trận còn hơn. Tôi có cố ý để xảy ra mọi tai họa ấy đâu! Ngày tháng cứ ngột ngạt lặp đi lặp lại. Càng ngày anh ấy càng về nhà muộn hơn. Chúng tôi cứ thế căng với nhau, xa lạ hơn cả người qua đường. Tôi như cái thòng lọng thắt vào tim anh.
Một hôm, khi đi qua một hiệu ăn Âu, tôi nhìn qua cửa kính thấy chồng mình đang ngồi đối diện với một cô gái trẻ và nhè nhẹ vuốt tóc cô. Thế là tôi đã hiểu rõ tất cả. Sau giây lát ngớ người ra, tôi vào hiệu ăn, đến đứng trước mặt chồng mình, trân trân nhìn anh, mắt ráo hoảnh. Tôi không muốn nói gì hết, và cũng chẳng biết nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi rồi đứng lên định bỏ đi. Anh ấn cô ngồi xuống rồi cũng trân trân nhìn lại tôi, không chịu thua. Tôi chỉ còn nghe thấy tim mình đập chầm chậm từng nhịp như đang sắp kề cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu cứ đứng nữa thì tôi và đứa bé trong bụng sẽ ngã xuống. Ðêm ấy anh không về nhà. Bằng cách đó anh báo cho tôi biết: Cùng với sự qua đời của mẹ anh, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng đã chết.
Những ngày sau, anh vẫn không về nhà. Có hôm đi làm về, tôi thấy tủ áo như bị sắp xếp lại, chắc anh ấy về lấy các thứ của anh. Tôi chẳng muốn gọi điện thoại cho anh, ý định giải thích mọi chuyện cho anh cũng biến mất hẳn.
Tôi sống một mình. Ði bệnh viện khám thai một mình. Trái tim tôi như vỡ vụn mỗi khi trông thấy cảnh các bà vợ được chồng dìu đến bệnh viện. Các bạn ở cơ quan bóng gió khuyên tôi bỏ cái thai đi cho yên chuyện nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi như điên lên muốn được sinh đứa bé này, coi đó như sự bù đắp việc bà mẹ chồng qua đời.
Một hôm đi làm về nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng khách mù mịt khói thuốc lá, trên bàn đặt một tờ giấy. Không cần xem, tôi đã biết tờ giấy đó viết gì rồi. Trong hơn hai tháng chồng vắng nhà, tôi đã dần dà học được cách giữ bình tĩnh. Tôi nhìn anh, cất mũ rồi bảo:
-  Ðợi một tí, tôi sẽ ký ngay đây.
Anh nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối chẳng khác gì tôi. Vừa cởi cúc áo khoác, tôi vừa tự nhủ: “Chớ có khóc đấy, chớ có khóc đấy… “. Hai mắt nhức lắm rồi, nhưng tôi quyết không cho chúng nhỏ lệ nữa. Mắc xong áo lên móc, thấy anh cứ chằm chằm nhìn cái bụng to của tôi, tôi mỉm cười đi đến bàn, cầm lấy tờ giấy, rồi chẳng xem gì hết, liền ký tên mình và đẩy tờ giấy cho anh.
-  Em có bầu rồi đấy à?
Ðây là lần đầu tiên anh ấy nói chuyện với tôi kể từ hôm bà bị nạn. Nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi.
-  Vâng, nhưng không sao cả, anh có thể đi được rồi.
Anh không đi mà ngồi lại, hai chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối. Anh từ từ ôm lấy tôi, nước mắt nhỏ ướt đầm vai áo tôi. Thế nhưng lòng tôi đã không còn gì nữa, rất nhiều thứ đã biến đi xa lắm rồi, xa tới mức có đuổi theo cũng chẳng lấy lại được nữa.
Không nhớ là anh ấy đã nói với tôi bao nhiêu lần câu“Xin lỗi” nữa. Trước đây tôi cứ tưởng mình sẽ tha thứ cho anh, nhưng bây giờ thì không. Suốt đời tôi sao quên được ánh mắt băng giá anh nhìn tôi khi đứng trước cô gái nọ ở hiệu ăn Âu hôm ấy. Chúng tôi đã rạch vào tim nhau một vết thương sâu hoắm. Tôi không cố tình, còn anh thì cố tình. Quá khứ không thể nào trở lại được nữa. Trái tim tôi chỉ ấm lên mỗi khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với anh thì tim tôi đã lạnh như băng. Tôi không đụng đến tất cả những thức ăn anh mua về, không nhận bất cứ món quà nào anh tặng, không nói với anh nửa lời. Kể từ hôm ký vào tờ giấy kia, hôn nhân và tình yêu, tất cả đều đã biến mất khỏi trái tim tôi. Có hôm anh định trở lại phòng ngủ của chúng tôi. Anh vào thì tôi ra phòng khách nằm. Thế là anh đành phải về ngủ ở phòng của bà.
Ðêm đêm, đôi lúc từ phòng anh vẳng ra tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi nghe thấy nhưng lặng thinh. Lại dở trò cũ chứ gì. Ngày trước, mỗi bận bị tôi làm mặt giận phớt lờ, anh ấy đều giả vờ ốm như vậy, khiến tôi ngoan ngoãn đầu hàng và chạy đến hỏi xem anh có sao không. Thế là anh ôm lấy tôi cười ha hả. Anh quên rồi, ngày ấy tôi thương anh vì hai người yêu nhau. Bây giờ thì chúng tôi còn có gì nữa đâu? Tiếng rên rỉ ấy kéo dài đứt quãng cho tới ngày đứa bé ra đời. Suốt thời gian chờ đợi ấy, hầu như ngày nào anh cũng mua sắm thứ gì cho con, nào là đồ dùng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nào là sách nhi đồng v.v… Những thứ ấy chất gần đầy căn phòng của anh. Tôi biết anh làm thế là để tôi cảm động, nhưng tôi giờ đã trơ như đá. Anh đành giam mình trong phòng, ngồi gõ phím máy tính lạch cạch. Chắc là tìm vợ trên mạng. Nhưng chuyện ấy đâu còn có ý nghĩa gì với tôi nữa.
Năm sau, vào một đêm khuya cuối xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi thét lên. Anh nhảy xổ vào buồng, hình như khi đi nằm anh vẫn không thay quần áo chỉ là để chờ giây phút này. Anh cõng tôi chạy xuống cầu thang, chặn taxi lại. Dọc đường, anh cứ nắm chặt tay tôi, luôn lau mồ hôi trên trán tôi. Ðến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy đến khoa sản. Khi nằm trên đôi vai gầy guộc mà ấm áp của anh, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: “Trên đời này, liệu có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?”
Rồi anh vịn cánh cửa khoa sản, đưa ánh mắt ấm áp dõi theo tôi đi vào trong. Tôi cố nhịn đau mỉm cười với anh. Khi tôi ra khỏi phòng đẻ, anh nhìn tôi và thằng bé, rưng rưng nước mắt mỉm cười. Tôi chạm vào tay anh, chợt thấy anh mềm nhũn người, mệt mỏi từ từ ngã xuống. Tôi gào tên chồng mình, anh chỉ mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại…
Tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ còn nhỏ nước mắt vì anh, thế mà lúc ấy một nỗi đau xé ruột xé gan bỗng dội lên trong lòng.
Bác sĩ cho biết chồng tôi bị ung thư gan, cách đây 5 tháng mới phát hiện, khi đó bệnh đã ở thời kỳ cuối, anh chịu đựng được lâu thế quả là một chuyện lạ hiếm có. Ông bảo: “Chị nên chuẩn bị hậu sự đi thì vừa”. Mặc y tá ngăn cấm, tôi trốn ngay về nhà, xộc vào phòng anh, mở máy tính ra xem. Một nỗi đau nhói lên làm trái tim tôi nghẹn lại. Thế đấy, 5 tháng trước đây anh đã phát hiện mình bị ung thư gan, những tiếng rên rỉ của anh là thật cả, nhưng tôi lại cứ cho là…
Những điều ghi trong máy tính rất dài, đó là lời trăn trối anh để lại cho con mình:
“Con của bố. Vì con mà bố ráng chịu đựng cho tới nay, chờ bao giờ trông thấy con thì bố mới chịu ngã xuống. Ðấy là nguyện vọng lớn nhất của bố hiện giờ…
Bố biết rằng, đời con sẽ có nhiều niềm vui hoặc có thể gặp trắc trở. Nếu bố có thể cùng con đi suốt quãng đời con lớn lên thì vui biết bao. Nhưng bố không có dịp may ấy nữa rồi. Bây giờ bố ghi lại vào máy tính từng vấn đề con sẽ có thể gặp phải trên đường đời, khi nào gặp những vấn đề ấy thì con có thể tham khảo ý kiến của bố, con nhé!
Con ơi, viết xong mấy chục trang này, bố cảm thấy như mình đã cùng đi với con suốt chặng đường trưởng thành của con. Bây giờ bố thật sự vô cùng sung sướng. Hãy yêu mẹ con nhé! Mẹ rất vất vả vì con đấy. Mẹ con là người yêu con nhất và cũng là người bố yêu quý nhất…”

Chồng tôi viết về tất cả mọi chuyện, kể từ khi đứa bé còn ở vườn trẻ cho tới lúc nó học tiểu học, trung học, đại học, rồi ra công tác, cả đến chuyện yêu đương của con nữa. Chồng tôi cũng để lại một bức cho tôi:
“Em yêu quý. Ðược lấy em làm vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời anh. Em hãy tha thứ việc anh đã làm tổn thương em. Hãy tha lỗi việc anh giấu tình hình bệnh tật của mình, chẳng qua chỉ vì anh không muốn để em phải lo nghĩ trong thời gian chờ bé chào đời… Em yêu quý. Nếu khi đọc những dòng này mà em khóc thì nghĩa là em đã tha thứ cho anh rồi. Như thế anh sẽ có thể mỉm cười cảm ơn em luôn luôn yêu anh… Anh sợ rằng mình sẽ không có dịp tự tay tặng cho con những món quà anh đã mua sắm. Phiền em hằng năm thay anh tặng quà cho con, trên bao gói nhớ đề rõ ngày tặng, em nhé…”
Khi tôi trở lại bệnh viện thì anh vẫn đang hôn mê. Tôi bế con đến, đặt nó nằm bên cạnh anh và nói:
-  Anh ơi, anh hãy mở mắt ra cười lên nào. Em muốn để con mãi mãi ghi nhớ hơi ấm của bố nó khi nó nằm trong lòng anh đấy, anh ạ…

Chồng tôi khó nhọc mở mắt ra, khẽ mỉm cười. Thằng bé rúc vào lòng bố, ngọ ngoạy nắm tay nhỏ xíu hồng hồng. Tôi ấn nút máy ảnh, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt…


Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Chúa nhật thứ IV Mùa Chay năm A

Mar  30,  2014 – Chúa  nhật  thứ  IV  Mùa  Chay  năm  A
Lạy  Chúa,  con  tin!


 Các Bạn thân mến,                               
Như người mù từ lúc mới sinh mà các môn đệ Đức Giesu đề cập trong Tin Mừng hôm nay, thì thuyết Nhân Quả giải thích thế nào?
Chắc các Bạn còn nhớ có lần mình đề cập đến vấn đề con người lợi dụng hoặc không hiểu sâu sắc thuyết Nhân Quả để giải thích hoạc lồng ý nghĩa chủ quan răn đe nặng nề, làm thất vọng, chán nản, nhụt khí, gây oán ghét, căm thù cho thế hệ trẻ hiện tại với những câu: -  đời cha ăn mặn, đời con khát nước - làm phúc thì được phúc! - ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác!…Thì ai còn sức phấn đấu khi biết cha mình là tội phạm, đã ăn mặn? Ai còn muốn sống ngay thẳng khi biết mẹ mình ích kỷ, ác độc? Ai còn muốn cố gắng ăn ở hiền lành khi biết ông bà mình buôn bán gian lận? …Vì nhân qủa mà!
Thật hợp ý khi Tin Mung chúa nhật IV mùa chay này, Thánh Gioan tường thuật một trong những sự việc giúp chúng ta hiểu sâu sắc, có ý nghĩa về sự an bài của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại của Ngài.
Tin Mừng ghi lại khi đi ngang qua một người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ nêu cho Đức Giesu một vấn đề mà người Do Thái đặc biệt quan tâm, nhưng rất nan giải. Là việc người Do Thái kết hợp chặt chẽ đau khổ với tội lỗi. Ho suy luận căn cứ trên câu khẳng định căn bản: nơi nào có đau khổ thì phải có tội lỗi ẩn núp đâu đó. Nên các môn đệ hỏi Đức Giesu:"Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"
Đức Giêsu trả lời:"Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh."
Rồi Ngài mở mắt cho anh mù này. Lời nói, việc làm của Ngài làm mọi người có mặt ngạc nhiên kính phục, còn người Pharisieu thì tranh luận, gây chia rẽ nhau.

1.  Thái độ của Đức Giesu:
Đức Giesu không giải thích, không triển khai mối liên hệ giữa tội lỗi và đau khổ, Ngài chỉ nói sở dĩ người này gặp khó khăn là nhằm tạo cơ hội để chứng tỏ khả năng của Thiên Chúa. Điều này đúng theo ý nghĩa:
   a)  Với tông đồ Gioan thì phép lạ luôn là một dấu hiệu về sự vinh hiển và quyền năng của Thiên Chúa:
-   Chân lý tối cao là vinh quang của Thiên Chúa nằm trong sự nhân từ thương xót của Ngài.
-   Không khi nào Thiên Chúa có thể bầy tỏ vinh quang bằng lúc biểu lộ sự thương cảm của Ngài.
-   Mọi bất hạnh như họan nạn, sầu khổ, đau buồn, tuyệt vọng, mất mát mà con người gặp đều để chứng tỏ quyền năng, cơ hội bầy tỏ ân sủng của Thiên Chúa,
-   Vì trước hết nó cho phép người gặp bất hạnh chứng tỏ hành động của Thiên Chúa.
-   Khi gặp bất hạnh, người không biết Thiên Chúa có thể ngã qụy, nhưng người đang đồng hành vói Ngài có thể làm nổi bật sức mạnh, vẻ đẹp, sự nhẫn nhục, và sự cao quí vốn có của mình nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa.
-   Khi giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, chúng ta có cơ hội chứng minh cho người khác thấy vinh quang của Thiên Chúa.
-   Đức Giesu còn là đường đi nối bước vào cuộc đời chúng ta, để chúng ta trở thành một phần của đường đi ấy. Đó là đại lộ của Ngài, đang chạy từ Ngài xuyên qua chúng ta rồi đến với tha nhân.
-   Khi hiến thân hiến của giúp đỡ người bất hạnh là lúc Thiên Chúa dùng chúng ta như con đường, qua đó Ngài gởi sự cứu trợ của Ngài đến cho dân Ngài.
-   Vậy giúp đỡ đồng bào là bầy tỏ vinh hiển của Thiên Chúa, vì như thế cho người ta thấy Thiên Chúa như thế nào.
  b)  Các Phúc âm khác cũng chứng tỏ phép lạ là do lòng thương xót nhân từ của Đức Giesu như:  
-  "Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh tật của họ"(Mt 14,14).
-   Gặp hai người mù tại Giêrikhô,"Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ. Tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người" (Mt 20,34).
-   Gặp đám tang con trai bà goá thành Naim:"Đức Giêsu trông thấy bà, liền chạnh lòng xót thương. Chúa nói: Bà đừng khóc nữa. Rồi Ngài lại gần, chạm vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: Hỡi người thanh niên, tôi bảo anh, hãy chỗi dậy. Người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói". (Lc 7,13-19).
-   Thuật lại phép lạ Chúa cho ông Ladarô sống lại, thánh Gioan viết:"Lòng Người thổn thức và xao xuyến" (Ga 11,33) và "Đức Giêsu đã khóc" (Ga 11,35).
-   Thấy đám đông không có gì ăn. Đức Giêsu nói với các môn đệ:"Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường" (Mt 15,32).  
-   Đức Giêsu đã tìm cách cứu người phụ nữ khỏi bị ném đá. Rồi dịu dàng nói:"Không ai lên án chị sao? Tôi cũng vậy. Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (x. Ga 8,3-11).

 2. Phải chu toàn công việc Thiên Chúa trao đúng thời hạn:
-   Thiên Chúa ban thời gian cho loài người để ban ngày làm việc, ban đêm nghỉ ngơi. Ngày và đêm đều có giới hạn, nghĩa là thời giờ làm việc, nghỉ ngơi rồi cũng sẽ qua đi, không còn ở mãi với chúng ta.   
 -   Vậy phải chu toàn bổn phận, gấp rút làm việc cho xong lúc còn ban ngay, khi đêm xuống sẽ không còn thời gian làm việc nữa.
 -   Đừng chần chừ hoãn lại công việc nào đến lần sau, lúc khác, vì lần sau có việc của lần sau, và lúc khác có thể sẽ chẳng bao giờ đến.
 -    Mỗi người có số thời gian nhất định không như nhau và cũng chẳng thể biết là bao nhiêu để sống, để phục vụ Chúa và anh em. Nên hãy tận dùng nó trước khi nó hết. Sẽ tránh được đau buồn, ân hận khi biết rằng đã làm kịp thời việc mình muốn và việc phải làm.
 -   Đừng bỏ lỡ, đánh mất cơ hội. Bởi có thể chẳng bao giờ cơ hội ấy trở lại.
 -   Thiên Chúa cho mỗi Kito hữu đều có cơ hội nhận Đức Giesu làm Vua, làm Chúa, làm Đấng Cứu Thế, làm Cha, làm Chủ, làm Bạn mình, nên hãy tân dụng triệt để.
 -   Tuy nhiên kinh nghiệm về tâm lý tôn giáo cho thấy, và như cảnh báo chúng ta rằng hạn tuổi và sự ăn năn tin nhận Thiên Chúa thường xẩy ra tỷ lệ nghịch với nhau, nghĩa là càng lớn tuổi chúng ta càng chai lì!
-   Thế nhưng số tuổi lại tỷ lệ thuận với những lỗi phạm, càng gần sự chết hơn, đấy là điều Thiên Chúa luôn cảnh giác chúng ta: Đây là đúng thời điểm!
-   Không phải quyền năng Thiên Chúa bị giới hạn, nhưng nếu cứ trì hoãn những quyết định quan trọng, những việc cần làm, thì càng ngày có thể chúng ta càng ít quyết định, càng ươn lười hơn thì thật nguy hiểm cho sự cứu rỗi!
-   Phải làm việc, phải tẩy rửa sạch sẽ mọi thứ trong khi còn ánh sáng, còn sáng suốt trước khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm tất cả.
-   Tuy nhiên vì vất vả lo toan cho cuộc sống, vì mù lòa, đam mê, yếu đuối, cám dỗ trăm chiều…sẽ chẳng dễ dàng cho chúng ta làm việc đúng thời điểm, nắm bắt cơ hội Thiên Chúa gởi đến, đúng là một nguy cơ!
 -   Vậy trong bất cứ tình huống nào, hãy trông cậy Thiên Chúa, xin Ngài bầy tỏ vinh quang và lòng cảm thương của Ngài trên chúng ta.
 -   Chỉ có thế chúng ta mới có thể can đảm đón nhận mọi bất hạnh mà không gay gắt oán trách giận hờn, làm mất ơn Chúa ban.

3. Con mắt đức tin:
 -   Câu chuyện người mù này còn có một phép lạ thứ hai tuyệt diệu hơn: đó là đức tin, là ánh sáng thiêng liêng, là ân sủng khiến anh mù quì xuống tuyên xưng Ðức Giêsu là "Chúa".
 -   Phép lạ diễn ra cách rất logic: phản ứng đầu tiên của anh mù đối với Ðức Giêsu là xem Ngài như người bình thường. Vì thế, khi có người hỏi anh về sự lành bệnh, anh liền trả lời:"Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy."
 -   Tới nhận thức thứ hai: khi đám Pharisêu hỏi lần nữa:"Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp:"Đó là một Tiên tri". Câu trả lời chứng tỏ nhận thức của anh về Ðức Giêsu đã được nâng lên cao.
 -   Cuối ngày, khi anh mù được đối mặt với Ðức Giêsu, Ngài nhìn thẳng vào mắt anh và hỏi:"Anh có tin Con Thiên Chúa không? Anh thưa: Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Đức Giêsu đáp:"Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói:"Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người.
 -   Lần này nhận thức của anh về Đức Giêsu đã nhảy vọt tới bước cuối cùng, nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Đó là ân sủng đức tin, ánh sáng tâm linh mà Ngài ban cho anh mù kỳ diệu quí giá hơn sự phục hồi thị giác rất nhiều.
 -   Chúng ta cũng đã nhận được ân sủng đức tin do Ðức Giêsu ban trong bí tích rửa tội.
 -   Trước khi thanh tẩy, chúng ta cũng bị mù lòa. Nhưng khi được rửa tội, Ðức Giêsu trở nên quí báu và thân mật hơn nhiều đối với chúng ta.
 -   Ðấy là điểm tương tự thứ hai giữa chúng ta và anh mù trong Tin Mừng hôm nay: ngoài việc nhận lãnh ân sủng đức tin, nhận thức về Đức Giêsu cũng lớn dần lên, trưởng thành hơn để cuối cùng đạt được hình thức viên mãn là nhận ra Ngài đúng như bản chất thật sự của Ngài, là Con Thiên Chúa cao cả và tuyệt diệu vinh hiển.
-   Đức Giêsu còn đến với chúng ta như một người vô danh, như thủa xưa Ngài đến với các tông đồ trên bờ biển. Ngài nói với chúng ta cũng chính những lời Ngài đã từng nói với họ:"Hãy theo Ta!"
 -   Và từ đó, bất cứ ai chấp nhận lời mời gọi của Ngài thì dù thông thái hay tầm thường, trẻ hoặc già, khỏe mạnh hay ốm đau, Ngài đều mạc khải chính Ngài cho họ ngay trong những truân chuyên, khổ đau của họ. Và qua kinh nghiệm riêng, họ sẽ biết "Ngài là ai".
 -   Bởi con mắt đức tin làm người ta "sáng mắt, sáng lòng", biết vươn lên, tới hạnh phúc tuyệt đối là Thiên Chúa. Mà không đánh mất con người thể xác của mình, do biết chừng mực, tránh những nguy hại, hầu xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Những người này đã dùng cặp mắt đức tin để nhìn sự vật trong các biến cố hằng ngày.
 -  Tuy nhiên Kitô hữu không chỉ phải nhìn bằng con mắt thể xác như mọi người, mà còn phải dùng con mắt đức tin để thấy những thực tại siêu nhiên và có thể nhìn thấy Thiên Chúa xuyên qua tất cả.
 -  Với cặp mắt thể xác và tinh thần, cả hai đều quan trọng, nhưng nếu có đối chọi thì với quyền lợi Kitô hữu, chúng ta phải ưu tiên cho con mắt tinh thần, nghĩa là có bị mù lòa về con mắt thể xác, mà ngời sáng về con mắt đức tin thì chúng ta cũng hãy chọn vì không sáng mắt nhưng được sáng lòng!

Lạy Chúa, Ngài đã đến thế gian để làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không muốn nhìn thấy cũng phải thấy.  Xin thương cho chúng con con mắt đức tin để chúng con thấy bản thân mình với những vô cảm đáng sợ… biết cảm thương tha nhân, thấy nhu cầu, giá trị thật của mọi người, cùng vẻ đẹp thiên nhiên vũ trụ Chúa đã ban, hầu an tâm vì Ngài luôn hiện diện bên chúng con ngay cả khi chúng con không cảm nhận được.
 Cùng cho chúng con biết thấy cả những điều không muốn thấy, sáng soi để chúng con biết những việc phải làm, cần làm ngay hôm nay với  khả năng và hoàn cảnh của mình. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen
Than men,
duyenky




Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

LẠY CHÚA...

LẠY  CHÚA,  XIN  DẠY  BẢO  CON

(Thứ năm - 27/03/2014  - tinvui@dmin)



 1. Sự Chúa hiện diện trong cuộc sống của tôi là điều số một tôi quan tâm hằng ngày. Bởi vì tôi tin: Chúa là Đấng đưa tôi tới đích điểm sau cùng của đời tôi, tức cõi phúc đời đời.
2. Đức tin dạy tôi về sự Chúa hiện diện trong đời tôi bằng nhiều hình ảnh sống động và thân thương. Như: Chúa ở trước mặt tôi, Chúa ở bên tôi, Chúa ở trong tôi.
3. Tôi tin và dần dần tôi cảm nhận thấy điều tôi tin là rất sống động. Chúa là Đấng vô hình. Nhưng tôi cảm nhận thấy Người yêu thương tôi, Người dạy dỗ tôi, Người dẫn dắt tôi, Người bảo vệ tôi, Người giải cứu tôi, Người an ủi tôi.
4. Tin như vậy đã trở thành gặp gỡ. Sự gặp gỡ này rất sống động, rất thân mật và rất riêng tư.
5. Gặp gỡ như thế đòi một sự gắn bó chân thành. Sự gắn bó ấy được Chúa Giêsu mô tả bằng một hình ảnh dễ hiểu. Người nói: Thầy là cây nho, các con là cành…Cũng như cành nho không thể tự mình sinh ra hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng vậy…Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,1-5).
6. Trong thinh lặng nội tâm, tôi hay nói với Chúa hiện diện trong tôi câu này: “Lạy Chúa, xin dạy bảo con những gì là hoa trái mà Chúa muốn nơi con”.
Để trả lời, Chúa dẫn đưa lòng trí tôi vào Phúc âm, nơi đó có ghi lại lời Chúa. Hiện giờ, hơn bao giờ hết, Chúa dạy bảo tôi qua bốn dụ ngôn được ghi lại trong Phúc âm thánh Matthêu. Bốn dụ ngôn này đều đưa ra loại người tốt và loại người xấu. Chọn làm theo gương người tốt, đó là điều sinh hoa trái tốt.
Vì khao khát sinh được hoa trái tốt, tôi dừng lại ở từng loại người tốt, mà Chúa nêu lên, để nhận ra đặc điểm. Tôi thấy thế này:
7. Trong dụ ngôn về những đầy tớ, thì có loại đầy tớ trung tín và loại đầy tớ bất trung. Người đầy tớ trung tín là “người cấp phát lương thực cho gia nhân đúng giờ đúng lúc (Mt 24,45). Tôi tự hỏi mình: lối sống của tôi, những chia sẻ của tôi có mang tính chất lương thực tinh thần phục vụ cho dân Chúa đúng thời điểm không?
8. Trong dụ ngôn về 10 người trinh nữ, thì có loại trinh nữ khôn ngoan và loại trinh nữ khờ dại. Trong đêm tối, những trinh nữ khôn ngoan “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo” (Mt 25,4). Tôi tự hỏi mình: tôi làm những việc đạo đức bề ngoài, nhưng bên trong tôi có dầu là lửa mến Chúa yêu người thực không?
9. Trong dụ ngôn những người quản lý, thì có loại quản lý siêng năng và có loại quản lý lười biếng. Người quản lý siêng năng là người biết dùng những của cải chủ trao phó mà làm ra lời. (x. Mt 25,14-23). Còn người quản lý lười biếng thì đem chôn của cải được trao. Tôi tự hỏi: Chúa trao cho tôi một số của cải vật chất và tinh thần, tôi có dùng những vốn đó để làm ra lời cho Nước Chúa không?
10. Trong dụ ngôn về ngày phán xét chung, thì có loại người được thưởng lên thiên đàng, và có loại người bị phạt phải xuống hoả ngục. Loại người được thưởng lên thiên đàng là người hảo tâm, biết xót thương những ai đau khổ, (x. Mt 25,31-40). Còn loại bị phạt xuống hoả ngục là những người ác tâm, vô tâm, không biết xót thương những người đau khổ. Tôi tự hỏi: tôi có xót thương những người đau khổ không?
11. Tôi xét mình theo bốn dụ ngôn một cách chân thành. Tôi thấy tôi thực sự luôn muốn chọn làm theo gương những người tốt, mà Chúa nêu lên. Nhưng tôi cũng phải thú nhận sự thực này là có nhiều trường hợp, việc thực hiện những lựa chọn của tôi đã có những lỗi lầm, thiếu sót.
Lỗi lầm hay xảy ra nhất là sự tôi nôn nóng sớm được nhìn thấy những hoa trái do những lựa chọn tôi thực hiện theo lời dạy của Chúa. Những hoa trái mà tôi mong có thể không phải là hoa trái mà Chúa muốn.
Lỗi lầm hay xảy ra cho tôi còn là sự tôi tưởng việc thực hiện làm theo những mẫu gương tốt là rất dễ dàng.
Tôi sám hối, xin Chúa thứ tha.
12. Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Chúa dạy bảo tôi điều này là: Lựa chọn gắn bó với Chúa, lựa chọn thực thi lời Chúa, lựa chọn làm theo những gương tốt mà Chúa nêu lên, tất cả những lựa chọn đó đều là cuộc chiến đấu gay go.
13. Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Chúa dạy bảo tôi: Phải cầu nguyện thật nhiều, phải có lòng khiêm tốn sâu xa, phải có tinh thần thơ ấu thiêng liêng và nghèo khó, mới có thể đón nhận được ơn Chúa, để sinh ra được những hoa trái tốt đẹp mà Chúa muốn. Những hoa trái đó cũng vẫn là những ơn Chúa ban. Hoa trái này sinh ra cách nào, lúc nào, dưới hình thức nào, tôi phải khiêm tốn phó thác nơi Chúa. Có thể tôi chỉ gặp thất bại. Nhưng trước mặt Chúa, thất bại ấy lại đưa tới thành công.
14. Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Tôi không ngừng xin Chúa dạy bảo tôi. Và lúc này, Chúa đang dạy bảo tôi một điều hết sức quan trọng, đó là gương người tốt nhất chính là Chúa Giêsu trên thánh giá. Đó là gương yêu thương thắng ghen ghét, gương khiêm nhường thắng kiêu căng, gương nghèo khó thắng hưởng thụ giàu sang quyền lực, gương tha thứ thắng hận thù, gương hiền lành thắng giận dữ.
Bây giờ, tôi không những cầu xin Chúa dạy bảo tôi, mà còn xin Chúa dắt dìu tôi đi. Bởi vì, nếu không được Chúa cầm tay tôi mà dắt đi, thì dù biết được điều hay lẽ phải, tôi cũng chẳng thực hiện được. Đúng như lời Chúa đã dạy: “Nếu không có Thầy các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Trong khi viết bài chia sẻ này, tôi rất ý thức sự thực quan trọng đó. Thực vậy, với ơn Chúa, tôi phải lắng nghe lời Chúa. Với ơn Chúa, tôi phải biết chọn lựa. Với ơn Chúa, tôi phải biết tỉnh thức cầu nguyện. Với ơn Chúa, tôi phải biết kết hợp mật thiết với Chúa hiện diện trong tôi. Với ơn Chúa, tôi phải biết phó thác nơi Chúa và chân thành cộng tác với tất cả mọi người thiện chí.
Cuộc đời tôi có thể cũng là một bài chia sẻ dài. Tôi luôn cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy bảo con”. Và tôi cũng phải cẩn thận kết hợp mật thiết với Chúa, còn hơn khi viết bài chia sẻ bé nhỏ này.
Lạy Chúa, Chúa chính là thân cây nho. Con là cành nho bé nhỏ. Con khẩn khoản và tha thiết xin ơn được luôn kết hợp mật thiết với Chúa.
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa.
Long Xuyên, ngày 21 tháng 03 năm 2014

Tác giả bài viết: ĐGM GB Bùi Tuần